Kính áp tròng và những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Kính áp tròng được sử dụng để điều chỉnh tật khúc xạ của mắt, làm tăng tính thẩm mỹ, giúp người đeo có tầm nhìn tốt hơn. Tuy nhiên, khi đeo kính áp tròng cần chú ý tới các nguyên tắc quan trọng để hạn chế nguy cơ xảy ra những rủi ro không mong muốn.

1. Kính áp tròng là gì?

Kính áp tròng (còn được gọi là lens, kính tiếp xúc) là loại kính ôm sát vào giác mạc, hình chảo, có độ cong phù hợp với giác mạc và không cần gọng đỡ. Kính được làm từ chất liệu tổng hợp , đảm bảo chức năng sinh lý bình thường của mắt.

Khi bám sát vào giác mạc, sẽ có một lớp nước mỏng ngăn cách giữa bề mặt giác mạc với kính áp tròng, giúp kính có thể di chuyển theo chuyển động của mắt. Lớp nước này sẽ được thay mới liên tục bởi nước mắt, làm giảm nguy cơ bám đọng vi khuẩn. Đồng thời, lớp nước nằm giữa giác mạc và kính áp tròng còn giúp bôi trơn và giảm trầy xước giác mạc.

Kính áp tròng được sử dụng để điều chỉnh các tật khúc xạ của mắt như cận thị, loạn thị, viễn thị, lão thị,... Có nhiều loại kính áp tròng với công dụng, màu sắc khác nhau tùy theo mục đích sử dụng. Việc sử dụng kính áp tròng mang lại tính thẩm mỹ cao, giúp người đeo có tầm nhìn tốt hơn, nhìn bao quát không gian xung quanh và không có cảm giác nhìn mờ, nhòe do các yếu tố khách quan.

2. Có những loại kính áp tròng nào?

Hiện có một số loại kính áp tròng thường được sử dụng như:

  • Loại mềm: Còn gọi là kính tiếp xúc mềm, kính thấm nước,... vì có tác dụng ngậm nước. Kính áp tròng loại mềm có chứa 40 - 80% nước, giúp thẩm thấu oxygen, mang lại cảm giác thoải mái cho người đeo;
  • Loại cứng: Có kích thước nhỏ, phù hợp với giác mạc. Kính cứng được làm bằng nguyên liệu LRPO, có khả năng tăng mức độ thẩm thấu oxygen;

Hình ảnh kính áp tròng cứng
Hình ảnh kính áp tròng cứng

  • Kính dùng hằng ngày: Có hạn sử dụng trong ngày, thích hợp với người chỉ đeo kính khi cần thiết;
  • Kính dùng hàng tháng: Làm từ vật liệu silicone hydrogel, giúp tăng tính thấm oxy cho giác mạc;
  • Kính đổi màu mắt: Có tác dụng làm đổi màu tròng mắt phù hợp với nhu cầu của người dùng;
  • Kính bảo vệ mắt: Có khả năng chống lại các tác hại của tia UV.

3. Ưu điểm và hạn chế khi sử dụng kính áp tròng

3.1 Ưu điểm

  • Ngoài công dụng chỉnh tật khúc xạ, kính áp tròng còn có tác dụng làm tăng tính thẩm mỹ, tạo cảm giác thoải mái, tự tin trong giao tiếp cho người sử dụng;
  • Tiện lợi: Kính áp tròng gọn, nhẹ, dễ sử dụng, không có gọng nên thích hợp với người chơi thể thao hoặc làm những công việc đòi hỏi các hoạt động mạnh. Đồng thời, kính áp tròng không bị nhòe đi khi đi mưa như kính gọng cổ điển;
  • Giúp tầm nhìn rộng hơn: Không giống kính gọng cổ điển bị giới hạn bởi gọng kính, kính áp tròng có thể di chuyển theo chuyển động của mắt, giúp người đeo dễ dàng quan sát xung quanh;
  • Bảo vệ mắt: Hầu hết các loại kính áp tròng hiện nay đều có 1 lớp chống lại tác hại của tia cực tím, giúp bảo vệ mắt.

3.2 Hạn chế

  • Nếu đeo kính không đúng cách có thể khiến giác mạc bị trầy xước, viêm loét hoặc nhiễm trùng. Một bệnh lý thường gặp khi đeo kính áp tròng là bệnh biểu mô, xảy ra do lớp tế bào ngoài cùng giác mạc bị tổn thương vì tiếp xúc với kính áp tròng;
  • Kính khó đeo, đặc biệt là với những người lần đầu tiên sử dụng;

Sử dụng kính áp tròng thường xuyên có thể gây khô giác mạc và viêm nhiễm mắt
Sử dụng kính áp tròng thường xuyên có thể gây khô giác mạc và viêm nhiễm mắt

  • Cần vệ sinh kính hằng ngày nên khá bất tiện với những người bận rộn, không có nhiều thời gian;
  • Không được sử dụng kính đã quá hạn, luôn cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi đeo kính.

4. Cách đeo - tháo kính áp tròng

4.1 Cách đeo kính

  • Rửa sạch tay trước khi đeo kính để tránh bụi bẩn dính vào mắt;
  • Lắc nhẹ hộp chứa kính áp tròng và dung dịch bảo vệ để làm giãn kính;
  • Trượt nhẹ kính ra khỏi hộp, để trên lòng bàn tay;
  • Kiểm tra kính trước khi đeo: Kính phải vòng cung tự nhiên, không vòng ra ngoài;
  • Đặt kính lên đầu ngón tay phải hoặc ngón tay giữa, yêu cầu ngón tay này phải khô;
  • Dùng các ngón tay của bàn tay kia mở rộng mi mắt trên và mí mắt dưới, cố định không để chớp mắt;
  • Từ từ đặt kính vào mắt, mắt phải nhìn lên trên hoặc nhìn thẳng, tay cố định mắt vẫn phải giữ nguyên, không được bỏ ra;
  • Nhẹ nhàng nhắm mắt lại, điều khiển mắt xoay tròn một vòng nhằm cố định kính và chớp nhẹ mắt;
  • Kiểm tra để chắc chắn kính áp tròng đã nằm đúng ở vị trí trung tâm của mắt;
  • Lặp lại quy trình này với mắt bên kia.

4.2 Cách tháo kính

  • Đưa mắt nhìn lên trên hoặc sang bên, dùng tay đẩy mi trên lên, đẩy mi dưới xuống;
  • Dùng một ngón tay của bàn tay kia di nhẹ kính ra phần tròng trắng của mắt;
  • Nhẹ nhàng dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái nhấc nhẹ kính áp tròng ra khỏi mắt.

5. Lưu ý khi dùng kính áp tròng

  • Trước khi sử dụng kính áp tròng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt bởi những người bị các bệnh về mắt nếu đeo kính áp tròng có thể bị kích ứng mắt. Bên cạnh đó, kính áp tròng cần đeo đúng độ đối với người bị các tật khúc xạ nên cần được khám kỹ trước khi mua, sử dụng;
  • Không sử dụng kính áp tròng không rõ nguồn gốc;
  • Trước khi tháo hoặc đeo kính áp tròng cần rửa tay thật sạch;

Người dùng kính áp tròng cần lưu ý vệ sinh sạch sẽ tay trươc khi đeo kinh
Người dùng kính áp tròng cần lưu ý vệ sinh sạch sẽ tay trươc khi đeo kinh
  • Không nên đeo kính áp tròng trong thời gian dài cần cho mắt có thời gian nghỉ ngơi. Nguyên nhân vì nếu đeo kính áp tròng trong thời gian lâu sẽ ngăn giác mạc mắt tiếp xúc với không khí, khiến giác mạc bị thiếu oxy, thậm chí có thể dẫn tới viêm giác mạc. Thời gian đeo kính áp tròng dài hay ngắn sẽ phụ thuộc vào sức khỏe, môi trường sống và tình trạng mắt của mỗi người.
  • Trong thời gian nghỉ ngơi nên ngâm kính áp tròng trong dung dịch rửa kính chuyên dụng để giúp kính không bị biến dạng, tăng tuổi thọ của kính;
  • Nhỏ mắt từ 6 - 8 lần khi đeo kính áp tròng từ 10h - 12h;
  • Không dùng lại dung dịch ngâm kính cũ vì khi lấy kính ra khỏi dung dịch, nó đã bị nhiễm khuẩn bởi tay hoặc dụng cụ lấy kính nên nếu ngâm lại sẽ làm kính bị nhiễm trùng, gây kích ứng mắt;
  • Vệ sinh kính đúng cách bằng dung dịch nước chuyên dụng, không dùng nước máy hoặc nước lọc vì trong đó vẫn có vi khuẩn có thể gây kích ứng mắt;
  • Không sử dụng lại đối với loại kính áp tròng dùng 1 lần;
  • Không dùng kính áp tròng khi đang bị đau mắt với các biểu hiện như sưng, đỏ, chảy nước mắt;
  • Nếu kính áp tròng bị rách hoặc trầy xước cần bỏ ngay lập tức vì nếu cố đeo có thể khiến giác mạc bị tổn thương
  • Không đeo kính áp tròng quá hạn sử dụng vì sau thời hạn sử dụng, kính sẽ mất khả năng tự bảo vệ, các tạp chất, vi khuẩn có thể bám vào kính. Do vậy, người dùng cần kiểm tra kỹ hạn sử dụng của kính, thay kính sau mỗi 3 - 6 tháng sử dụng tùy loại;
  • Nên đeo kính áp tròng trước khi trang điểm vì nếu đeo kính sau khi trang điểm thì bụi phấn hoặc mascara có thể rơi vào kính, gây kích ứng mắt;
  • Không dùng chung kính áp tròng với người khác để tránh nguy cơ lây lan các bệnh về mắt. Bên cạnh đó, mỗi kính áp tròng sẽ có kích cỡ, hình dạng khác nhau do sự khác biệt về kích thước nhãn cầu. Nếu mang không đúng cỡ kính, mắt sẽ có cảm giác khó chịu
  • Vệ sinh hộp đựng kính thường xuyên và thay hộp đựng kính mới 4 tuần/lần hoặc theo khuyến cáo của hãng sản xuất;
  • Người bị khô mắt, bị viêm nhiễm mạn tính tại mi mắt và giác mạc không nên đeo kính áp tròng;
  • Khi đeo kính áp tròng cần thường xuyên kiểm tra mắt theo lịch hẹn của bác sĩ. Nếu mắt có biểu hiện bất thường như cộm, đỏ hoặc ngứa, rát,... cần đi khám ngay để điều trị kịp thời.

Người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường ở mắt
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường ở mắt

Trong điều kiện khí hậu nóng ẩm và môi trường ô nhiễm ở nước ta, việc đeo kính áp tròng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khiến mắt người dùng bị đỏ, khô, viêm loét hay nhiễm khuẩn,... Do vậy, chỉ nên sử dụng kính áp tròng khi thật cần thiết và nên dùng xen kẽ giữa kính áp tròng với kính gọng để giúp mắt được nghỉ ngơi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe