Giữ cho trí não minh mẫn khi bạn già đi

Khi tuổi tác ngày càng cao thì khả năng học tập hay ghi nhớ của bạn ngày càng khó khăn. Đây có thể là biểu hiện của tình trạng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi. Tuy nhiên, tuổi tác không thực sự là một rào cản quá lớn cho khả năng ghi nhớ của 1 người. Bạn hoàn toàn có thể rèn luyện não bộ mỗi ngày để giữ cho mình một trí não minh mẫn khi già đi.

1. Tình trạng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi

Hầu hết chúng ta đều nhận thấy có một số sự thay đổi trong khả năng ghi nhớ mọi thứ của não bộ khi tuổi tác ngày càng cao. Bạn chắc hẳn đã từng gặp phải tình huống quên béng về thứ mà bạn đang tìm kiếm ở phòng bếp, hoặc không thể nhớ ra một cái tên quen thuộc khi nói chuyện với người khác. Thậm chí, bạn có thể bỏ lỡ mất một cuộc hẹn vì không nhớ nổi nó.

Tình trạng trên được gọi là suy giảm trí nhớ, nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên suy giảm trí nhớ có xu hướng rõ rệt hơn khi chúng ta già đi. Đây cũng có thể là dấu hiệu của chứng mất trí nhớ hoặc mất chức năng trí tuệ ở người già.

Thực tế, mất trí nhớ đáng kể ở người lớn tuổi không phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa mà nó có thể xuất phát từ các nguyên nhân khác, chẳng hạn như bệnh thần kinh hoặc chấn thương não bộ, trong đó bệnh Alzheimer là một trong những bệnh đáng sợ nhất.

Alzheimer
Bệnh Alzheimer tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ ở người già

Đa phần các vấn đề về trí nhớ thoáng qua theo tuổi mà bạn gặp phải đều phản ánh những thay đổi bình thường trong cấu trúc và chức năng của não bộ. Những thay đổi này có thể làm chậm quá trình nhận thức nhất định, khiến việc học và ghi nhớ nhanh những điều mới lạ trở nên khó khăn hơn một chút. Điều này đôi khi gây cảm giác khó chịu khi chúng ta đang cố gắng học một kỹ năng mới hoặc gánh vác vô số trách nhiệm khác.

Hiện nay, nhờ vào nhiều thập kỷ nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều chiến lược khác nhau để giúp người cao tuổi có thể bảo vệ và rèn giũa trí óc của mình. Dưới đây là một số cách mà bạn có thể áp dụng để giữ cho trí não minh mẫn hơn khi bạn già đi.

2. Làm thế nào để giữ trí não minh mẫn khi bạn già đi?

2.1 Không ngừng học hỏi

Theo nghiên cứu cho biết, trình độ học vấn cao hơn có liên quan đến hoạt động trí não tốt hơn ở tuổi già. Các chuyên gia cho rằng thói quen hoạt động trí óc có thể giúp giữ trí nhớ minh mẫn hơn.

Bạn có thể thử thách trí não của mình thông qua các bài tập thể dục có khả năng kích hoạt các quá trình giúp duy trì các tế bào não riêng lẻ và kích thích chúng giao tiếp với nhau. Ngoài ra, bạn cũng nên học một kỹ năng mới, hoặc tham gia thường xuyên các hoạt động rèn luyện não bộ, chẳng hạn như đọc sách, đánh cầu, chơi cờ vua, tự viết sách, ghép hình, làm trò chơi ô chữ, tham gia một lớp học, theo đuổi âm nhạc hoặc nghệ thuật, tự thiết kế lại bố cục sân vườn,...Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nâng cao khả năng học tập và ghi nhớ của mình bằng cách đề xuất hoặc tình nguyện tham gia vào một dự án liên quan đến kỹ năng mà bạn không thường xuyên sử dụng. Nhìn chung, việc xây dựng và bảo tồn các kết nối não bộ là một quá trình liên tục, do đó bạn hãy ưu tiên việc học tập của mình trong suốt cuộc đời.

Không ngừng học hỏi
Không ngừng học hỏi tăng cường khả năng ghi nhớ

2.2 Sử dụng tất cả các giác quan của bạn

Khi bạn bắt đầu học một thứ gì đó mới mẻ, bạn càng sử dụng nhiều giác quan thì bộ não của bạn sẽ càng tăng cường chức năng lưu giữ thông tin. Trong một cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học đã thử nghiệm ở những người lớn tuổi và cho họ xem một loạt các hình ảnh trung tính về cảm xúc, trong đó mỗi một hình ảnh sẽ được trình bày với một mùi riêng biệt. Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu họ không cần ghi nhớ những gì họ đã thấy. Sau đó, họ tiếp tục được cho xem lại bộ ảnh một lần nữa nhưng không có mùi, và yêu cầu họ nhận dạng bức ảnh.

Kết quả cho thấy, những người tham gia nghiên cứu có khả năng ghi nhớ tuyệt vời đối với tất cả các bức ảnh được ghép nối với mùi, nhất là những bức ảnh liên quan đến mùi dễ chịu. Qua hình ảnh chụp não, người ta đã phát hiện thấy vỏ não piriform, vùng xử lý mùi chính của não, trở nên hoạt động mạnh mẽ khi những người tham gia nhìn thấy các bức ảnh ban đầu được ghép nối với mùi, mặc dù họ không cố gắng ghi nhớ chúng.

Thử nghiệm trên đã cho thấy chúng ta nên thử vận dụng mọi giác quan của mình khi bắt đầu học một điều gì đó mới mẻ và xa lạ. Chẳng hạn như cố gắng đoán các thành phần khi bạn ngửi hoặc nếm thức ăn tại một nhà hàng mới.

Làm gì để cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ sau điều trị bệnh ung thư
Sử dụng tất cả các giác quan giúp bộ não tăng cường khả năng ghi nhớ

2.3 Tin tưởng vào bản thân

Những lầm tưởng về lão hóa có thể góp phần khiến cho trí nhớ của bạn trở nên kém đi. Những người học tập ở độ tuổi trung niên trở lên có xu hướng làm các nhiệm vụ về trí nhớ kém hơn do họ tiếp xúc với những định kiến tiêu cực về lão hóa và trí nhớ.

Ngoài ra, những người tin rằng họ không thể kiểm soát được chức năng ghi nhớ của mình sẽ ít có khả năng duy trì hoặc cải thiện các kỹ năng ghi nhớ. Điều này có thể làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức ở những người cao tuổi. Ngược lại, nếu bạn có niềm tin mạnh mẽ rằng bản thân mình có thể cải thiện trí nhớ và biến niềm tin đó thành thực tế thì bạn sẽ làm tăng khả năng duy trì cho mình một đầu óc nhạy bén.

2.4 Tối ưu hóa việc sử dụng não bộ

Bạn sẽ không cần phải sử dụng năng lượng trí óc của mình để ghi nhớ vị trí các đồ đạc trong nhà hoặc thời gian tổ chức một sự kiện nào đó thông qua việc lên kế hoạch cụ thể mỗi ngày cho bản thân, lập danh sách những việc cần làm và ghi chú các sự kiện quan trọng cần ghi nhớ. Điều này sẽ giúp bạn giảm thiểu được sự phân tâm để có thể tập trung tốt hơn vào việc học và ghi nhớ những điều mới.

2.5 Lặp lại những điều mà bạn muốn ghi nhớ

Khi bạn muốn ghi nhớ thông tin mà bạn vừa mới nghe, đọc hoặc nghĩ về, tốt nhất bạn hãy lặp lại chúng thành tiếng hoặc viết ra giấy. Bằng cách này, nó có thể giúp bạn củng cố được trí nhớ hoặc kết nối các thông tin cần ghi nhớ lại với nhau. Chẳng hạn, bạn vừa biết đến tên của một ai đó, hãy cố gắng nhắc đến tên của họ càng nhiều càng tốt trong cuộc trò chuyện.

Như vậy, khi bạn càng cố gắng lặp lại các thông tin mới càng nhiều lần thì khả năng ghi nhớ chúng sẽ càng cao.

Thực phẩm giúp tăng trí nhớ
Lặp lại những điều mà bạn muốn ghi nhớ giúp giữ trí não minh mẫn

2.6 Ghi nhớ đúng cách

Sự lặp lại thông tin để ghi nhớ sẽ đạt được hiệu quả cao nhất khi bạn lặp lại chúng vào đúng thời gian. Nói cách khác, bạn không nên lặp lại điều gì đó nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn như thể bạn đang cố nhồi nhét cho một kỳ thi. Thay vào đó, hãy để khoảng thời gian nhắc lại thông tin mà bạn mới tiếp cận sau một thời gian nhất định, chẳng hạn như bắt đầu nhắc lại mỗi giờ một lần, sau đó vài giờ một lần, mỗi ngày một lần hoặc thậm chí một tuần một lần.

Việc giãn cách khoảng thời gian nhắc lại đặc biệt có giá trị khi bạn đang cố gắng ghi nhớ những thông tin phức tạp. Nghiên cứu cũng cho thấy, các buổi ôn tập cách nhau có thể giúp cải thiện khả năng ghi nhớ lại thông tin không chỉ ở những người khỏe mạnh mà còn ở những người có các vấn đề về nhận thức, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng.

Ngoài việc rèn luyện và thay đổi lối sống thì một cách chủ động để giữ cho trí não minh mẫn khi già đi chính là thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh tật tại các cơ sở y tế uy tín. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã và đang tiếp tục đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật, phương pháp điều trị y học mới nhất vào điều trị. Vì thế, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được đánh giá là địa chỉ chăm sóc y tế tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: health.harvard.edu

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan