Độ ẩm không khí và bệnh hen suyễn

Việc thay đổi thời tiết là điều khó khăn, người bệnh hen suyễn nên hạn chế tiếp xúc với môi trường có độ ẩm cao để hạn chế khởi phát và làm nặng hơn các triệu chứng lâm sàng của bệnh. Độ ẩm trong không khí bên trong nhà nên được duy trì từ 30% đến 50%. Khi thời tiết trở nên ẩm ướt, người mắc bệnh hen suyễn nên ở trong nhà, đóng kín các cửa sổ và khởi động máy điều hòa không khí.

1. Tổng quan về độ ẩm trong không khí

Độ ẩm trong không khí lý tưởng để cơ thể người cảm thấy thoải mái là 30% đến 60%. Bất kỳ nguyên nhân nào khiến độ ẩm vượt quá ngưỡng này đều tạo ra cảm giác ẩm ướt khó chịu.

Độ ẩm không khí càng cao, con người càng dễ cảm thấy không thoải mái. Khi độ ẩm trong không khí đạt tới mức bão hòa, mồ hôi trên da không thể bay hơi để làm mát cơ thể. Đó là lý do tại sao chúng ta thường cảm thấy nóng và bịn rịn vào những ngày ẩm ướt.

Độ ẩm không khí cao cũng cản trở việc hô hấp, điều này thực sự trở thành vấn đề lớn với những bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn. Trong bệnh hen suyễn, đường thở bị chít hẹp khiến việc đẩy khí ra ngoài trong thì thở ra gặp nhiều khó khăn. Người bệnh thường có cảm giác hụt hơi, hơi thở ngắn, hoặc ho và thở rít.

2. Ảnh hưởng của độ ẩm trong không khí lên bệnh hen suyễn

Hô hấp trong điều kiện môi trường ẩm ướt kích thích hệ thần kinh trong hai phổi khiến đường thở trở nên hẹp do co thắt. Độ ẩm trong không khí cao khiến không khí ứ đọng trong đường thở đủ để bắt giữ các chất thải và dị nguyên như phấn hoa, bụi, nấm mốc, mạt bụi nhà và khói thuốc lá. Những tác nhân này có thể khởi phát các triệu chứng lâm sàng của bệnh hen suyễn.

Mạt bụi nhà có thói quen sống trong đồ nội thất, thảm và giường chiếu. Chúng sinh sản nhiều ở môi trường có độ ẩm cao từ 70% đến 80%. Xác chết và chất thải của mạt bụi nhà có thể là yếu tố khởi phát các đợt cấp của bệnh hen suyễn.

Độ ẩm trong không khí trên 60% cũng thúc đẩy sự phát triển của nấm mốc. Nấm mốc dễ dàng tìm thấy trong những khu vực ẩm ướt như sàn phòng tắm và các tầng hầm ngập nước. Nếu người bệnh nhạy cảm, việc hít phải nấm mốc có thể khởi phát một đợt cấp của bệnh hen suyễn.

Hen suyễn
Độ ẩm của không khí có thể khỏi phát các triệu chứng ban đầu của hen suyễn

3. Độ ẩm trong không khí có phải là yếu tố thúc đẩy bệnh hen suyễn?

Cách dễ dàng nhất để khẳng định độ ẩm cao trong không khí có phải là yếu tố thúc đẩy bệnh hen suyễn hay không là đánh giá mức độ nặng của triệu chứng khi thời tiết trở nên nóng ẩm. Những biểu hiện lâm sàng phổ biến của bệnh hen suyễn bao gồm:

  • Cảm giác hụt hơi hoặc khó thở
  • Ho
  • Cảm giác nặng ngực
  • Thở rít

4. Thiết lập độ ẩm trong không khí ở mức tối ưu

Mặc dù không thể thay đổi khí hậu và thời tiết ở môi trường bên ngoài, người bệnh nên duy trì độ ẩm không khí trong nhà ở mức thoải mái từ 30% đến 50%. Một số biện pháp giúp kiểm soát độ ẩm trong không khí có thể được áp dụng như:

  • Mở máy điều hòa không khí và đóng các cửa sổ. Vào buổi tối, khi nhiệt độ và độ ẩm trong không khí hạ thấp, nên mở cửa sổ để không khí sạch được lưu thông vào không gian bên trong nhà.
  • Lắp đặt một máy hút ẩm để giúp giảm bớt lượng nước dư thừa trong không khí.
  • Đảm bảo hệ thống cách nhiệt hoạt động tốt. Nhiệt độ trong nhà cần được giữ ấm trong mùa đông và giữ mát trong mùa hè.
  • Mở quạt thông gió trong phòng tắm, đặc biệt khi đang tắm.

Để ngăn ngừa các đợt cấp của bệnh hen suyễn xuất hiện do điều kiện môi trường có độ ẩm trong không khí cao, người bệnh cần lưu ý một số điểm sau:

  • Hạn chế đi ra ngoài trong những ngày thời tiết ẩm ướt, nhất là vào những ngày ít gió.
  • Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài, người bệnh hen suyễn nên sử dụng bình xịt trước khi đi.
  • Không tập luyện thể dục thể thao hay hoạt động gắng sức vào khoảng thời gian nóng nhất trong ngày.
  • Uống nhiều nước và mặc áo quần mỏng, nhẹ khi đi ra ngoài.
Độ ẩm không khí
Duy trì độ ẩm 30-50% sẽ có lợi cho bệnh nhân hen suyễn

5. Điều trị bệnh hen suyễn

Nguyên tắc điều trị bệnh hen suyễn cần đảm bảo các vấn đề sau:

  • Tránh các dị nguyên làm trầm trọng hơn bệnh hoặc khởi phát đợt cấp của bệnh như độ ẩm trong không khí cao, ẩm mốc, bụi và phấn hoa.
  • Sử dụng thuốc kiểm soát bệnh hen suyễn kéo dài đều đặn hằng ngày, giúp phòng ngừa sự tái phát của các đợt cấp.
  • Sử dụng các thuốc cắt cơn nhanh.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • thuốc Fasenra
    Thông tin về thuốc Fasenra

    Fasenra là một kháng thể đơn dòng, dùng để phối hợp điều trị giảm cơn ở bệnh nhân hen suyễn từ 12 tuổi trở lên. Theo dõi bài viết dưới đây để biết thông tin thành phần, cơ chế tác ...

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp cho người tổn thương gan do sử dụng bia rượu

    Kanzou Ukon mang lại nhiều công dụng nhờ sự kết hợp của 4 thành phần độc đáo như Mầm súp lơ, nghệ vàng,...

    Đọc thêm
  • Nguyên nhân gây khó thở là gì?
    Nguyên nhân gây khó thở là gì?

    Em có triệu chứng khó thở từ 2010, vận động một lúc là mệt, thở dốc, đôi lúc phải hít bằng miệng sâu mới dễ chịu, đôi khi hít vào có cảm giác như bị chèn ép. Em không sụt ...

    Đọc thêm
  • Motaneal
    Công dụng thuốc Motaneal

    Motaneal có thành phần chính là Mometasone - một corticosteroid tổng hợp được sử dụng để điều trị một số bệnh về da, sốt cỏ khô và hen suyễn. Cùng tìm hiểu cách dùng và một số lưu ý khi ...

    Đọc thêm
  • Thuốc Maxlucat
    Công dụng thuốc Maxlucat

    Maxlucat là thuốc kê đơn, chứa thành phần chính là Montelukast natri, hàm lượng 10mg, bào chế dạng viên nang cứng, đóng gói hộp 3 vỉ x 10 viên. Thuốc được dùng để dự phòng và điều trị bệnh hen ...

    Đọc thêm
  • Hanotrypsin
    Công dụng thuốc Hanotrypsin

    Thuốc Hanotrypsin được sử dụng chủ yếu để điều trị tình trạng phù nề sau phẫu thuật hoặc chấn thương. Ngoài ra, thuốc Hanotrypsin cũng được bác sĩ kê đơn sử dụng nhằm làm loãng các dịch tiết ở đường ...

    Đọc thêm