Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Minh Tuấn - Bác sĩ Tai mũi họng - Phẫu thuật đầu cổ - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Dị vật đường thở bỏ quên có thể gây ra viêm phổi, áp xe phổi, xẹp thùy phổi do tắc nghẽn đường hô hấp và mủ ứ đọng ở các nhánh của phế quản, cũng có khi mô hạt mọc sùi lên che khuất dị vật hoặc viêm loét lâu ngày làm thương tổn tới các mạch máu, phế quản gần đó gây ho ra máu, khó thở,... dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý hô hấp khác.
1. Dị vật đường thở là gì?
Dị vật đường thở là khi dị vật được hít vào và mắc kẹt trong đường thở hoặc phổi của bệnh nhân. Dị vật đường thở thường gặp ở trẻ em do trẻ có xu hướng khám phá môi trường xung quanh bằng cách nhìn, chạm và nếm các đồ vật xung quanh. Thật không may, xu hướng đưa các đồ vật không phải thức ăn vào miệng của chúng có thể gây nguy hiểm hoặc thậm chí đe dọa tính mạng. Trẻ em cũng có thể bị nghẹn thức ăn do trẻ ăn quá sớm trong giai đoạn phát triển của chúng, trước khi trẻ mọc răng hàm và phối hợp chuyển động nhai để phá vỡ những thức ăn đó một cách an toàn.
Vị trí của thanh quản của trẻ cũng khiến trẻ nhỏ dễ bị dị vật vào đường thở. Các dị vật được hút nhiều nhất ở trẻ em bao gồm thực vật, các loại hạt và thực phẩm dạng tròn như xúc xích và nho. Các dị vật ít phổ biến hơn, nhưng khó quản lý hơn bao gồm các hạt cườm, đinh ghim và đồ chơi nhỏ bằng nhựa, trong số vô số các vật thể nhỏ khác.
2. Nguyên nhân gây dị vật đường thở bỏ quên
Nguyên nhân gây ra tình trạng dị vật bị bỏ quên trong đường hô hấp có thể là bất ngờ sau một chấn thương vùng hàm mặt, răng (giả hoặc thật) bị gãy và theo phản xạ bệnh nhân hít vào trong phổi mà không biết; trẻ em ngậm đồ chơi, do đùa nghịch tung hứng các hạt, chiếc nhẫn... vào miệng hoặc do vừa ăn uống vừa cười giỡn nên bị sặc thức ăn dễ chui vào đường thở. Phần lớn những bệnh nhân bị dị vật bỏ quên trong đường thở này đã đi khám nhiều lần, nhiều nơi nhưng thường bị chẩn đoán lầm với các bệnh hen suyễn, viêm phổi giãn phế quản hay nặng hơn là lao phổi.
3. Triệu chứng nhận biết dị vật đường thở bỏ quên
Các triệu chứng của dị vật đường thở bỏ quên có thể thay đổi đáng kể tùy theo vị trí của dị vật trong đường hô hấp. Khi dị vật bị kẹt lại ở thanh quản hay khí quản, bệnh nhân có triệu chứng suy hô hấp hay thở rít – gợi ý ngay chẩn đoán dị vật đường thở. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp, dị vật đi xuống phế quản và các dấu hiệu lâm sàng ít khẳng định hơn nhiều. Việc chẩn đoán dị vật đường thở phế quản do đó khó khăn hơn do ít hay không có triệu chứng.
Khi có dị vật đường thở thì bệnh nhân thường có triệu chứng như: Ho (ho dai dẳng kéo dài, ho ra máu), khó thở, khạc đờm, có những đợt sốt. Chính vì vậy rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý phổi khác.
4. Chẩn đoán dị vật đường thở bỏ quên như thế nào?
Có ba cách chính để phát hiện dị vật đường thở:
- Chụp Xquang lồng ngực: Một số đồ vật không phải thực phẩm có thể được nhìn thấy trong đường thở hoặc phổi bằng cách sử dụng phương pháp chụp X-quang truyền thống. Tuy nhiên, hầu hết thức ăn, thực vật và đồ chơi bằng nhựa sẽ không xuất hiện trên phim chụp X-quang phổi.
- Chụp X-quang giai đoạn hít vào và thở ra: Đây là những tia X được thực hiện khi bệnh nhân hít vào và sau đó thở ra không khí trong phổi. Nếu không thể nhìn thấy dị vật bằng phương pháp chụp X-quang truyền thống, thì các phim chụp giai đoạn hít vào và thở ra có thể cho thấy kẹt khí cho thấy có dị vật.
- Nội soi phế quản: Khi nghi ngờ có dị vật đường hô hấp đủ cao nhưng khám lâm sàng và chụp X-quang không xác định được chẩn đoán, một dụng cụ gọi là ống soi phế quản sẽ được đưa qua miệng và dùng để quan sát bên trong đường thở dưới gây mê. Nội soi phế quản có thể được sử dụng để xác định vị trí và loại bỏ dị vật.
5. Cách điều trị dị vật bỏ quên đường hô hấp
Nội soi phế quản là phương pháp tiêu chuẩn để loại bỏ dị vật đường thở. Bác sĩ sẽ tiến hành và sau đó dùng thuốc xịt lidocain tại chỗ để gây tê thêm cho thanh quản của bệnh nhân. Một dụng cụ gọi là ống soi thanh quản được đưa vào đường thở để quan sát thanh quản; sau đó một ống soi phế quản cứng, thông khí được đưa ra ngoài, vào đường thở, và được sử dụng để kiểm tra khí quản, phế quản phải và trái để xác định dị vật.
Khi dị vật được tìm thấy, kẹp được thiết kế đặc biệt sẽ được đưa vào đường thở qua ống nội soi để lấy dị vật. Quy trình này đòi hỏi phải được đào tạo, tế nhị và khéo léo.
Rất hiếm khi bác sĩ có thể rạch khí quản (vết rạch mở đường thở của trẻ) để lấy dị vật khó lấy ra do kích thước hoặc hình dạng của nó.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.