Đặt stent niệu quản qua da dưới chụp mạch số hóa xóa nền

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Phấn - Trưởng đơn nguyên Chẩn đoán hình ảnh can thiệp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Nguyễn Văn Phấn là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp.

Đặt stent niệu quản qua số hóa xóa nền thường được thực hiện sau khi đặt stent niệu quản ngược dòng qua nội soi thất bại. Trước khi đặt stent niệu quản qua da, cần đặt dẫn lưu bể thận qua da trước 2-7 ngày.

1. Hẹp tắc niệu quản là gì?

Niệu quản là ống có nhiệm vụ dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Chiều dài của niệu quản phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chiều cao cơ thể, giới tính, vị trí thận và bàng quang. Thông thường niệu quản dài khoảng 25-30 cm, đường kính khoảng 3-5 mm. Nửa trên niệu quản nằm ở khoang bụng, nửa dưới nằm ở trong khung chậu.

Hẹp tắc niệu quản là một tình trạng bệnh lý khá phổ biến trong bệnh học hệ tiết niệu. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hẹp tắc niệu quản như do bẩm sinh, do sỏi niệu quản; chít hẹp niệu quản do sẹo. Chấn thương niệu quản do vết thương xuyên thấu hoặc niệu quản tổn thương sau khi thực hiện sinh thiết, các thủ thuật sản khoa, sau khi phẫu thuật ở ruột,...Sau các tổn thương trên niệu quản sẽ trở sưng tấy, phù nề và sau đó có thể bị tắc nghẽn. Dù bị tắc nghẽn vì nguyên nhân gì, hẹp tắc niệu quản đều dẫn đến hậu quả trực tiếp là ứ nước thận phía thượng lưu và dẫn đến suy thận mất chức năng.

Để xử lý tình trạng hẹp tắc niệu quản, đặt stent niệu quản ngược dòng qua nội soi là thủ thuật được ưu tiên lựa chọn do dễ thực hiện, an toàn do tính xâm nhập tối thiểu. Tuy nhiên, nếu đặt stent niệu quản ngược dòng qua nội soi thất bại thì đặt stent niệu quản qua da làm một thủ thuật cần thiết, giúp tái lập lưu tông đường bài xuất hệ tiết niệu.

Trước khi đặt stent niệu quản qua da 2-7 ngày cần đặt dẫn lưu bể thận qua da cho bệnh nhân để giải quyết tình trạng tăng áp lực bể thận do tắc nghẽn đường bài xuất và giảm nguy cơ chảy máu đường bài xuất.

sỏi niệu quản
Sỏi niệu quản gây hẹp tắc niệu quản

2. Đặt stent niệu quản qua da dưới chụp mạch số hóa xóa nền chỉ định trong trường hợp nào?

Để thực hiện đặt stent niệu quản qua da cần sự hỗ trợ của các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) giúp thủ thuật đặt stent niệu quản qua da thực hiện thuận lợi và chính xác. Đặt stent niệu quản qua da số hóa xóa nền được chỉ định trong nhiều trường hợp như:

  • Hẹp tắc niệu quản do mọi nguyên nhân
  • Rò niệu quản
  • Chấn thương niệu quản
  • Tiền thủ thuật tán sỏi qua da với sỏi lớn hơn 15mm hoặc thận đơn độc.
  • Sau nội soi niệu quản ngược dòng
  • Sau phẫu thuật tạo hình niệu quản

Đặt stent niệu quản qua da số hóa xóa nền chống chỉ định khi bệnh nhân mắc các bệnh lý: túi thừa bàng quang, tiểu không tự chủ, hội chứng bàng quang bé, nhiễm trùng đường bài xuất cấp tính, chảy máu đường bài xuất sau dẫn lưu bể thận qua da.

bàng quang
Bệnh nhân túi thừa bàng quang chống chỉ định thực hiện

3. Đặt stent niệu quản qua da dưới chụp mạch số hóa xóa nền được thực hiện như thế nào?

3.1. Chuẩn bị

Ê-kíp thực hiện thủ thuật bao gồm bác sĩ chuyên khoa điện quang can thiệp, kỹ thuật viên điện quang can thiệp, điều dưỡng. Trong trường hợp người bệnh không thể hợp tác, còn cần thêm sự hỗ trợ của bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê. Các phương tiện cần thiết là máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA); phim, máy in phim, hệ thống lưu trữ hình ảnh; bộ váy – áo – cổ chì giúp che chắn tia X.

Ngoài các thuốc, vật tư y tế thông thường như bơm tiêm, bông, gạc,... còn cần thêm các vật tư y tế đặc biệt để thực hiện đặt stent niệu quản qua da như: kim chiba, bộ ống vào lòng mạch, dây dẫn tiêu chuẩn 0.035 inch, ống dẫn cứng stiff wire, ống thông chụp mạch Cobra 4-5F, ống dẫn lưu đuôi lợn 6-12F (pigtail), ống thông niệu quản 2 đầu cong (JJ), chỉ khâu da.

Về phía người bệnh sẽ được nhân viên y tế giải thích về tình trạng bệnh, mục đích của thủ thuật để bệnh nhân phối hợp với thầy thuốc khi thực hiện. Người bệnh phải nhịn ăn, nhịn uống 6 giờ trước khi thực hiện. Có thể uống nhưng không quá 50ml nước.

3.2. Các bước thực hiện

Chụp bể thận- niệu quản xuôi dòng

  • Qua ống thông dẫn lưu bể thận qua da (đã được thực hiện trước từ 2-7 ngày), bác sĩ sẽ tiến hành bơm thuốc đối quang vào bể thận, niệu quản. Tiến hành chụp bể thận niệu quản xuôi dòng. Qua kết quả chụp sẽ đánh giá được mức độ và phạm vi tắc nghẽn.

Tạo đường vào đường bài xuất

  • Bác sĩ sẽ đưa dây dẫn 0.035-0.038 inch vào trong bể thận và niệu quản để rút ống thông dẫn lưu. Sau đó, đưa ống vào lòng mạch 6-8F vào trong bể thận theo dây dẫn.

Tiếp cận tổn thương

Tiếp cận tổn thương bằng cách dùng ống thông và dây dẫn đi từ bể thận, qua niệu quản xuống bàng quang. Thay dây dẫn tiêu chuẩn bằng dây dẫn cứng stiff wire. Sau đó rút ống thông.

Đặt stent niệu quản (Double J)

  • Theo dây dẫn cứng, stent niệu quản được đưa vào bể thận, niệu quản và bàng quang. Sau đó, dây dẫn được rút trở lại bể thận.
  • Tiến hành đặt ống thông dẫn lưu bể thận qua da.
  • Thuốc đối quang được bơm vào bể thận, qua hình ảnh chụp mạch số hóa xóa nền giúp kiểm tra vị trí đầu trên của stent niệu quản và sự lưu thông của stent.

Đặt ống dẫn lưu bể thận qua da

  • Cố định và khóa ống thông dẫn lưu bể thận qua da. Sau 24-48 giờ, nếu kiểm tra thấy stent niệu quản hoạt động tốt, không tắc nghẽn thì rút ống thông dẫn lưu bể thận qua da.

Dưới hình ảnh chụp mạch số hóa xóa nền, việc đặt stent niệu quản thành công khi về mặt vị trí, stent niệu quản có đầu dưới uốn cong nằm trong bàng quang, đầu trên uốn cong nằm trong bể thận. Về mặt chức năng, khi bơm thuốc cản quang từ bể thận thấy lưu thông xuống bàng quang, không thoát thuốc cản quang ra ngoài đường xuất vào ổ bụng hoặc vào khoang sau phúc mạc.

Chụp số hóa xóa nền
Dưới hình ảnh của chụp mạch số hóa xóa nền, việc đặt stent niệu quản trở nên chính xác hơn

4. Xử lý các tai biến có thể gặp khi đặt stent niệu quản qua da dưới chụp mạch số hóa xóa nền

Nhiễm trùng là tai biến có thể gặp khi đặt stent niệu quản qua da, nhiễm trùng có nhiều mức độ, có thể nhiễm trùng tại chỗ, nhiễm trùng tiết niệu hoặc nhiễm khuẩn huyết. Đối với nhiễm trùng tại chỗ chân dẫn lưu, xử lý bằng cách vệ sinh, sát khuẩn tại chỗ, thay băng hàng ngày. Đối với nhiễm trùng tiết niệu, điều trị bằng kháng sinh toàn thân đường uống hoặc tiêm. Nhiễm khuẩn huyết là một nhiễm trùng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng người bệnh, bệnh viện sẽ tiến hành hội chẩn chuyên khoa để tìm phương án điều trị thích hợp.

Một tai biến thường gặp khác là chảy máu bể thận niệu quản. Đánh giá chảy máu qua lượng nước tiểu bài xuất qua ống dẫn lưu và tại ống dẫn lưu. Xử lý bằng cách ép bằng tay tại vị trí hố thắt lưng có ống dẫn lưu thời gian từ 15-20 phút. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy thì chuyển bệnh nhân tới phòng can thiệp để thay bằng ống dẫn lưu có kích thước lớn hơn. Nếu sau khi thay ống dẫn lưu mà máu vẫn chảy thì tiến hành can thiệp mạch máu.

Đặt stent niệu quản qua da là kỹ thuật đòi hỏi cần có trình độ kinh nghiệm cao của bác sĩ thực hiện cùng với sự phối hợp hoàn hảo của bệnh nhân. Ngoài ra để đạt hiệu quả chẩn đoán cao thì bệnh nhân cần chọn các địa chỉ uy tín có máy chụp số hóa xóa nền, trang thiết bị y tế hiện đại, đạt chuẩn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện có hội tụ đầy đủ các bác sĩ đa khoa và chuyên khoa thực hiện, thăm khám, phẫu thuật, chẩn đoán hình ảnh và điều trị các bệnh về thận tiết niệu. Đặc biệt, tại Vinmec cũng có thực hiện kỹ thuật đặt stent qua da điều trị nhiều bệnh lý khác nhau và đem lại kết quả điều trị tối ưu cho quý khách hàng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

394 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan