Chữa lành, chăm sóc gót chân nứt nẻ lâu ngày

Gót chân là vùng rất dễ khô và nứt nẻ, đặc biệt là vào mùa đông. Bài viết sẽ cung cấp một số giải pháp giúp chữa lành và chăm sóc gót chân nứt nẻ lâu ngày.

1. Nguyên nhân khiến gót chân bị nứt

Gót chân nứt nẻ, khô ráp là dấu hiệu làn da chân thiếu độ ẩm và cần được chăm sóc. Một số nguyên nhân có thể khiến da gót chân bị chai sần, nứt nẻ bao gồm:

  • Thời tiết hanh khô và độ ẩm thấp có thể khiến cho làn da chân bị khô, nứt nẻ;
  • Đứng lâu trong 1 tư thế hoặc mang giày dép không phù hợp, đi chân trần, dép hở ngón;
  • Tắm nước nóng trong thời gian dài;
  • Sử dụng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa mạnh có thể khiến cho da mất đi lớp dầu bảo vệ tự nhiên;
  • Một số các bệnh lý như bệnh tiểu đường, viêm da dị ứng, thiếu vitamin, nhiễm trùng do nấm, suy giáp, bệnh da liễu ở trẻ vị thành niên, béo phì, mang thai, lão hóa, dày sừng lòng bàn chân, bệnh vẩy nến,...cũng có thể khiến da gót chân bị nứt nẻ.

2. Cách chăm sóc gót chân nứt nẻ

2.1. Vệ sinh chân và gót chân sạch sẽ

Khi đã bị nứt gót chân, việc đầu tiên cần làm hàng ngày đó là vệ sinh chân và gót chân sạch sẽ. Không nên sử dụng xà phòng hay nước tẩy rửa để làm sạch gót chân vì sẽ làm gót chân bị nứt trở nên khô và đau hơn. Bạn có thể sử dụng nước muối loãng hoặc nước chè tươi đun sôi để nguội nếu muốn làm sạch những bụi bẩn bám ở chân và gót chân. Tẩy tế bào chết với đường cũng có tác dụng tốt giúp chăm sóc gót chân nứt nẻ. Vì đường chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin C, giúp các tế bào da nhanh chóng phục hồi.

2.2. Dưỡng ẩm gót chân

Nguyên tắc quan trọng khi chữa lành gót chân nứt nẻ là giữ cho gót chân đủ ẩm. Dưỡng ẩm phù hợp sẽ giúp gót chân mềm mại và dẻo dai hơn. Bạn có thể sử dụng chất làm mềm hoặc chất giữ ẩm. Chúng lấp đầy khoảng trống giữa các vảy da, giúp da mịn màng và linh hoạt. Bạn có thể bôi kem dưỡng ẩm toàn thân lên gót chân. Sau khi chất làm mềm hoặc chất giữ ẩm được hấp thụ, bạn có thể thoa một lớp dày kem dưỡng ẩm lên trên ngay trước khi đi ngủ để giữ ẩm.

2.3 Sử dụng sản phẩm thiên nhiên trị gót chân nứt nẻ

  • Muối và chanh: Muối và chanh vừa có khả năng tẩy tế bào chết vừa giúp duy trì độ ẩm trên da. Vitamin C, axit amin trong chanh giúp phục hồi tế bào da khô xơ, nứt nẻ và thúc đẩy phát triển tế bào da mới. Bạn có thể lấy 1 chậu nước ấm cho thêm 3 muỗng muối, 3 muỗng glycerin, nước cốt chanh và vài giọt nước hoa hồng; sau đó ngâm chân trong hỗn hợp này khoảng 20 phút. Bạn có thể dùng bàn chải chà xát lên vùng gót chân bị nứt nẻ trong khoảng 2-3 phút, cuối cùng rửa lại với nước ấm và thoa một lớp kem dưỡng.
  • Một số loại dầu thiên nhiên như dầu oliu, dầu dừa, dầu hạnh nhân chứa nhiều vitamin E và các khoáng chất cần thiết. Những thành phần này cần thiết để duy trì độ ẩm cho da, giúp da mềm mịn hơn và giảm bớt tình trạng nứt nẻ ở gót chân. Bạn chỉ cần thoa đều tinh dầu lên vùng gót chân và massage nhẹ nhàng, mang thêm tất và đợi đến sáng hôm sau rửa sạch lại bằng nước ấm.
  • Chuối và bơ: Chuối rất giàu vitamin B, còn bơ giàu vitamin E. Hai loại hoa quả này có khả năng chăm sóc gót chân nứt nẻ rất hiệu quả. Bạn hãy trộn 1 quả chuối với nửa quả bơ rồi xay nhuyễn, đắp hỗn hợp này lên gót chân và dùng khăn quấn cố định lại, sau đó đợi khoảng 30 phút rồi rửa sạch lại với nước ấm.
  • Bột gạo, mật ong và dấm: Bột gạo vừa có công dụng tẩy tế bào chết, vừa giúp làm sạch và tái tạo da. Mật ong có tính chất kháng viêm, giúp làm lành gót chân bị nứt nhanh chóng. Dấm táo chứa nhiều loại axit giúp làm mềm da và tẩy da chết hiệu quả. Bạn có thể trộn 3 muỗng cà phê bột gạo, 1 muỗng mật ong và 2-3 giọt dấm táo, khuấy đều cho đến khi thành một hỗn hợp sánh. Ngâm chân trong nước ấm khoảng 10 phút rồi sử dụng hỗn hợp trên chà lên gót chân để tẩy da chết.
  • Dầu thầu dầu: Vì loại dầu này chứa nhiều chất béo trung tính nên rất hữu ích trong việc dưỡng ẩm và loại bỏ lớp da khô ráp, nứt nẻ. Các chất béo trong dầu giúp dưỡng ẩm, làm dịu da và ngăn ngừa các vết nứt nẻ trên da xuất hiện lại. Bạn có thể cho cho 5 muỗng canh dầu thầu dầu vào một chậu nước ấm, ngâm chân trong chậu khoảng 10 phút và nhẹ nhàng chà gót chân bằng miếng chà chân hoặc đá bọt.

2.4. Tạo thói quen chăm sóc da gót chân

  • Sử dụng tất cotton khi đi ngủ: Mang tất có thành phần 100% cotton đi ngủ sau khi thoa dưỡng ẩm vào gót chân có thể giúp giữ độ ẩm trong khi làn da vẫn được thở. Da ở gót chân sẽ mềm mại hơn sau khi bạn lặp lại thói quen này trong vài ngày.
  • Tạo cho mình thói quen ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất, đồng thời phải uống nhiều nước. Chế độ ăn lành mạnh không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn duy trì độ ẩm, độ đàn hồi của làn da, kể cả vùng da nứt nẻ ở gót chân.
  • Hạn chế tắm quá lâu, chỉ nên tắm vòi hoa sen trong khoảng 5-10 phút. Vì tắm quá lâu có thể gây khô da và làm nặng thêm tình trạng nứt nẻ gót chân. Sau khi tắm, nên dùng khăn khô lau nhẹ nhàng da, bao gồm cả vùng gót chân.
  • Sử dụng dụng cụ bảo vệ đôi chân: Sau khi đã áp dụng các biện pháp chữa lành vết nứt gót chân, bạn hãy sử dụng những dụng cụ bảo hộ như đôi ủng hoặc những đôi giày, dép cao vừa phải, êm ái để bảo vệ đôi chân.

Trên đây là một số phương pháp giúp cải thiện tình trạng gót chân nứt nẻ, chai sần. Tuy nhiên, gót chân nứt nẻ cũng có thể là một bệnh lý như tiểu đường, viêm da cơ địa, nhiễm trùng... Nếu tình trạng gót khô, nứt nẻ quá nghiêm trọng hoặc không cải thiện sau khi áp dụng các phương pháp trên thì hãy đến thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được bác sĩ chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

581 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan