Chế độ ăn cho người suy thận mạn không lọc máu

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhân suy thận mạn. Đặc biệt, những người bị suy thận mạn không lọc máu nếu có chế độ ăn phù hợp sẽ giúp kiểm soát bệnh suy thận mạn tốt hơn.

1. Chế độ ăn uống đóng vai trò như thế nào đối với bệnh nhân suy thận mạn?

Các bệnh nhân suy thận mãn tính phần lớn là do mắc các bệnh lý mãn tính gây biến chứng như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, gout, đái tháo đường, viêm cầu thận, sỏi thận, u tiền liệt tuyến, hội chứng thận hư, ...

Ở bệnh nhân suy thận mạn, chế độ ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình việc điều trị và kiểm soát bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân chưa phải lọc máu chạy thận. Một chế độ ăn vừa đảm bảo dinh dưỡng và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể mang lại những lợi ích sau:

  • Hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng.
  • Điều chỉnh rối loạn chuyển hóa, giúp bảo tồn chức năng thận.
  • Làm chậm sự tiến triển của bệnh, từ đó trì hoãn chỉ định lọc máu.
  • Cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

2. Nguyên tắc ăn cho người suy thận mạn không lọc máu

Bệnh nhân suy thận mạn không lọc máu cần đảm bảo nguyên tắc ăn uống sau để có thể kiểm soát bệnh:

  • Đủ năng lượng: Bệnh nhân suy thận mãn tính thường bị suy dinh dưỡng do phải kiêng khem nhiều loại thực phẩm, rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, ... dẫn đến ăn không ngon, hoặc bị nôn ói sau khi ăn. Do đó, mỗi bữa ăn của bệnh nhân suy thận mãn tính cần phải đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng để phòng ngừa tình trạng suy dinh dưỡng. Nhu cầu năng lượng đối với bệnh nhân suy thận mạn không lọc máu cần đảm bảo là 35 - 45 Kcal/kg/ngày.
  • Giảm chất đạm: Bệnh nhân suy thận mãn tính cần giảm lượng đạm trong khẩu phần ăn để giảm sự hoạt động, đào thải của thận, hạn chế tình trạng ứ đọng chất thải ở thận và biến chứng tăng ure máu, đồng thời giúp làm giảm những triệu chứng của bệnh như chán ăn, buồn nôn, nôn ói,... Nhu cầu đạm trong khẩu phần hợp lý là 0,8g/kg/ngày.
  • Hạn chế muối: Bệnh nhân suy thận mạn cần hạn chế muối và natri trong các bữa ăn để tránh gây sức ép đối với thận đang bị tổn thương, hạn chế ứ đọng natri trong cơ thể, từ đó làm giảm chứng cao huyết áp. Nhu cầu natri hợp lý là từ 1 - 2g/ngày, tùy theo mức độ suy thận, phù và huyết áp của người bệnh.
  • Hạn chế kali: Người bị suy thận mãn tính cũng cần hạn chế kali trong khẩu phần ăn bởi chức năng thận suy giảm không thể đảm bảo việc lọc kali như thận bình thường. Nhu cầu kali hợp lý là 2 - 3g/ngày, tuy nhiên khi nồng độ kali trong máu tăng, bệnh nhân bị phù và tiểu ít thì nên giảm còn 1g/ngày.
  • Hạn chế phốt-pho: Bệnh nhân suy thận mạn không lọc máu cũng cần hạn chế phốt-pho trong khẩu phần để hạn chế tình trạng ứ đọng phốt-pho trong máu có thể làm tăng nguy cơ gãy xương và các vấn đề về xương khớp. Nhu cầu phốt-pho hợp lý là dưới 1,2g/ngày.
  • Nhu cầu nước: Tùy vào giai đoạn bệnh, mức độ phù và lượng nước tiểu, người bệnh nên uống nước hợp lý. Nhu cầu nước trung bình trong ngày đối với bệnh nhân suy thận là bằng tổng lượng nước tiểu, lượng dịch trong cơ thể mất đi (do nôn, ói, ...) và khoảng 300 - 500ml.
Thực đơn
Chế độ ăn cho người suy thận mạn không lọc máu

3. Suy thận mạn tính ăn gì và không ăn gì?

Dưới đây một số loại thực phẩm mà bệnh nhân suy thận mạn không lọc máu nên ăn và không nên ăn, dựa trên nguyên tắc ăn đã nêu ở trên.

  • Các loại thực phẩm nên ăn: Các loại cung cấp protein có giá trị cao như trứng, sữa, thịt nạc, cá. Chất bột ít đạm như khoai lang, khoai tây, khoai sọ, bột sắn dây, gạo xay, miến dong. Đa dạng các loại rau xanh, củ, quả có lượng đường thấp như cam, bưởi, quýt, táo, ...
  • Các loại thực phẩm không nên ăn: Các loại thực phẩm nhiều natri cần hạn chế như thức ăn đóng gói, chế biến sẵn, đồ hộp, nước mắm, cá khô, ... Các loại thực phẩm giàu kali mà bệnh nhân suy thận mạn cần hạn chế như các loại đậu, các loại rau có màu xanh đậm (rau muống, rau ngót, rau dền, ...), trái cây tươi và khô (bơ, thanh long, nho, chuối khô). Các loại thực phẩm giàu phốt-pho như thịt bò, lòng đỏ trứng, tôm khô, đậu nành, hạt sen khô, ... Các loại thực phẩm có nhiều chất béo gây hại như nội tạng động vật, bơ, phomai, ...
Trái cây và rau quả
Bệnh nhân suy thận mạn tính cần ăn nhiều trái cây

4. Gợi ý thực đơn cho người suy thận mạn không lọc máu

Dựa trên nguyên tắc và các loại thực phẩm mà bệnh nhân suy thận mạn không lọc máu nên ăn và không nên ăn, dưới đây là thực đơn gợi ý cho người bệnh:

  • Bữa sáng: 1 tô miến bò gồm 70g miến, 20g thịt bò.
  • Bữa phụ sáng: 200ml sữa và 1⁄2 lát bánh mì.
  • Bữa trưa: 2 chén cơm tương đương 100g gạo, 20g thịt nạc kho, 150g rau muống xào, 50g cải nấu canh, 100g cam.
  • Bữa phụ chiều: Chè bột sắn dây gồm 70g khoai sọ, 15g bột sắn, 20g đường.
  • Bữa tối: 2 chén cơm tương đương 80g gạo, 30g cá nục kho, 50g cải bắp nấu canh.

Tổng giá trị năng lượng trong 1 ngày tương đương 1800Kcal.

Bệnh nhân suy thận mạn không lọc máu cần xây dựng thực đơn ăn uống hợp lý để có thể giúp duy trì và bảo tồn chức năng của thận, đồng thời làm chậm tiến triển của bệnh và kéo dài thời gian phải điều trị lọc máu.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhân suy thận mạn, bởi duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh ổn định sức khỏe cũng như bảo vệ được chức năng của thận hoạt động tốt hơn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec không chỉ là địa chỉ nổi tiếng bởi chất lượng dịch vụ chuyên môn khám chữa bệnh mà còn nổi tiếng bởi đã phẫu thuật điều trị thành công nhiều ca bệnh khó, phức tạp dưới sự chỉ dẫn của các bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm. Đặc biệt, đội ngũ y bác sĩ tại Vinmec luôn sẵn sàng lắng nghe, tư vấn và điều trị các căn bệnh cũng như tư vấn về chế độ dinh dưỡng, thực phẩm tốt cho thể trạng của từng người bệnh.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

79.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan