Astaxanthin là một sắc tố carotenoid xuất hiện trong cá hồi, vi tảo, nấm men và tôm, cùng các sinh vật biển khác. Chất này thường được tìm thấy nhiều nhất ở cá hồi Thái Bình Dương và khiến cá có màu hơi hồng. Chất chống oxy hóa astaxanthin mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
1. Thông tin tổng quan astaxanthin là gì?
Astaxanthin là một sắc tố màu đỏ thuộc một nhóm hóa chất carotenoid. Astaxanthin xuất hiện tự nhiên trong một số loại tảo, tạo ra màu hồng hoặc đỏ cho cá hồi, tôm và các loại hải sản khác. Bên cạnh dầu cá cùng axit béo omega-3, thì đây cũng là một dưỡng chất từ đại dương có thể cải thiện các chức năng trong cơ thể con người.
Astaxanthin là một chất chống oxy hóa, có thể bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại, cũng như cải thiện cách hoạt động của hệ miễn dịch. Cụ thể là giúp làn da khỏe mạnh hơn, tăng sức bền, sức khỏe tim mạch, giảm đau khớp và thậm chí có thể điều trị ung thư trong tương lai.
Chất bổ sung astaxanthin đường uống được dùng trong điều trị bệnh Alzheimer, Parkinson, đột quỵ, cholesterol cao, bệnh gan, thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (mất thị lực do tuổi tác) và ngăn ngừa ung thư. Ngoài ra, thuốc còn được sử dụng cho hội chứng chuyển hóa - bao gồm các tình trạng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường. Uống astaxanthin còn có tác dụng cải thiện hiệu suất tập thể dục, giảm tổn thương cơ và đau nhức cơ sau khi tập luyện, ngăn ngừa cháy nắng, cải thiện giấc ngủ, điều trị hội chứng ống cổ tay, chứng khó tiêu, vô sinh nam, các triệu chứng mãn kinh và viêm khớp dạng thấp.
Ngoài ra, kem astaxanthin thoa trực tiếp lên da giúp chống nắng, giảm nếp nhăn và một số lợi ích thẩm mỹ khác.
Trong thực phẩm, chất chống oxy hóa astaxanthin được sử dụng làm chất tạo màu cho cá hồi, cua, tôm, gà và trứng. Trong nông nghiệp, astaxanthin được dùng làm thức ăn bổ sung cho gà đẻ trứng.
2. Cách dùng astaxanthin an toàn
Astaxanthin AN TOÀN TUYỆT ĐỐI khi được tiêu thụ từ nguồn thực phẩm tự nhiên. Trong khi đó, Astaxanthin CÓ THỂ AN TOÀN khi dùng dưới dạng chất uống bổ sung với liều lượng từ 4 - 40mg/ngày trong tối đa 12 tuần, hoặc 12mg/ngày trong 6 tháng. Chất này cũng an toàn khi dùng kết hợp với các carotenoid, vitamin và khoáng chất khác ở mức 4mg/ngày trong vòng 12 tháng. Tác dụng phụ của astaxanthin có thể bao gồm tăng nhu động ruột và khiến phân có màu đỏ. Astaxanthin liều cao có thể gây đau dạ dày.
Chưa có đầy đủ thông tin cảnh báo về cách dùng astaxanthin trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Vì vậy, để giữ an toàn, nhóm đối tượng này nên tránh sử dụng khi không thực sự cần thiết.
XEM THÊM: Bạn có nên bổ sung chất chống oxy hóa?
3. Các lợi ích của chất chống oxy hóa astaxanthin
3.1. Chống oxy hóa
Như đã biết, các loại chất chống oxy hóa nói chung rất tốt cho sức khỏe. Riêng chất chống oxy hóa astaxanthin có đặc tính cải thiện lưu lượng máu và giảm stress-oxy-hóa ở người hút thuốc và thừa cân, đặc biệt là hỗ trợ điều trị ung thư. Theo một nghiên cứu so sánh các carotenoid, astaxanthin có hoạt tính chống oxy hóa cao nhất, giúp chống lại các gốc tự do hiệu quả.
3.2. Ung thư
Do đặc tính chống oxy hóa, đã có rất nhiều nghiên cứu về cách dùng astaxanthin để điều trị các bệnh ung thư khác nhau. Một nghiên cứu đã phát hiện ra những lợi ích ngắn hạn và dài hạn trong điều trị ung thư vú, bao gồm cả kìm hãm các tế bào ung thư vú phát triển.
Chi phí cao của astaxanthin tinh khiết chính là hạn chế trong nghiên cứu và điều trị ung thư.
3.3. Da
Astaxanthin có thể được sử dụng dưới dạng kem bôi để thúc đẩy làn da khỏe mạnh. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy việc kết hợp bôi và uống astaxanthin có thể làm mờ nếp nhăn, thu nhỏ các đốm đồi mồi và giúp duy trì độ ẩm cho da. Đã có kết quả tích cực ở cả nam giới và phụ nữ, nhưng cần nghiên cứu thêm để xác nhận những phát hiện này.
3.4. Hỗ trợ tập luyện
Đã có rất nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của astaxanthin đến sức bền, cũng như mức độ mệt mỏi sau khi tập thể dục. Các nghiên cứu trên chuột cho thấy chất chống oxy hóa astaxanthin có khả năng thúc đẩy cơ thể sử dụng các axit béo, giúp tăng sức bền, ngăn ngừa tổn thương cơ và xương.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn thiếu bằng chứng về tác dụng của astaxanthin đối với hiệu suất tập thể dục của con người. Một nghiên cứu trên người không tìm thấy chất bổ sung astaxanthin có khả năng giảm chấn thương cơ.
3.5. Sức khỏe tim mạch
Các nhà nghiên cứu cũng đang xem xét tuyên bố astaxanthin có lợi cho sức khỏe tim mạch. Một nghiên cứu năm 2006 đã kiểm tra tác dụng của astaxanthin đối với chuột bị tăng huyết áp. Kết quả chỉ ra rằng chất này có thể giúp cải thiện mức độ elastin và độ dày thành động mạch.
Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ bằng chứng để chứng minh astaxanthin có công dụng ngăn ngừa bệnh tim và giúp giảm cholesterol.
3.6. Đau khớp
Astaxanthin cũng có kỳ vọng điều trị đau khớp, bao gồm các tình trạng như viêm khớp dạng thấp và hội chứng ống cổ tay. Tuy nhiên cho đến nay, các kết quả thu được vẫn trái ngược nhau.
Một số nghiên cứu cho thấy astaxanthin có thể làm giảm các triệu chứng viêm và đau liên quan đến viêm khớp. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác lại không tìm thấy mối quan hệ giữa hội chứng ống cổ tay và astaxanthin là gì.
3.7. Khả năng sinh sản của nam giới
Trong một nghiên cứu năm 2005, astaxanthin cho kết quả tích cực đối với khả năng sinh sản của nam giới. Trong vòng 3 tháng, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 30 người đàn ông khác nhau có tiền sử bị vô sinh và thấy những cải thiện về khả năng sinh sản và các thông số tinh trùng (số lượng và khả năng di động của tinh trùng) ở nhóm nhận dùng astaxanthin liều lượng mạnh. Nhưng vì đây là một nghiên cứu có quy mô tương đối nhỏ, cần có thêm bằng chứng để hỗ trợ tuyên bố này.
Trong khi các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận cuối cùng về lợi ích của astaxanthin là gì, bạn vẫn có thể tin rằng đây là một chất chống oxy hóa tốt. Mặc dù chất chống oxy hóa astaxanthin có sẵn ở dạng chất bổ sung, nhưng lựa chọn thực phẩm tự nhiên, toàn phần nên được ưu tiên nhằm đảm bảo các chất dinh dưỡng cần thiết. Để được hưởng lợi, hãy cố gắng ăn một ít cá hồi 1 - 2 lần mỗi tuần, bao gồm món cá hồi nướng đơn giản và phù hợp cho bữa tối nhẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com