Chẩn đoán và điều trị trạng thái động kinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Văn Mạnh - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Trạng thái động kinh là một loại động kinh diễn ra rất nghiêm trọng và mang tính cực đoan nhất, gây đột quỵ hoặc viêm não. Đối với người động kinh, họ thường có chiều dài cơn co giật tương tự nhau và thường sẽ dừng lại. Tuy nhiên, cơn co giật trong trạng thái động kinh lại không dừng lại hoặc không có giai đoạn phục hồi.

1. Trạng thái động kinh là gì?

Cơ co giật liên quan đến hoạt động điện thế bất thường trong não ảnh hưởng đến cả não bộ và cơ thể. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến co giật như sốt cao, nhiễm trùng não, lượng natri hoặc đường trong máu bất thường hoặc chấn thương đầu. Nếu bị động kinh, người đó có thể bị co giật nhiều lần.

Trong trường hợp cơn co giật kéo dài hơn 5 phút hoặc có nhiều hơn 1 cơn động kinh trong khoảng 5 phút, mà ý thức không trở lại bình thường giữa các lần co giật thì được gọi là trạng thái động kinh.

Đây là tình trạng cấp cứu do có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bác sĩ có ít khả năng ngăn cơn co giật bằng thuốc và nguy cơ tử vong tăng lên khi cơn co giật kéo dài.

Trạng thái động kinh rất hiếm khi xảy ra, phần lớn những người bị động kinh ít khi gặp phải tình trạng này. Trạng thái động kinh được chia làm 2 loại:

  • Trạng thái động kinh co giật. Đây là trang thái động kinh có kèm theo co giật nên dễ dẫn đến chấn thương. Triệu chứng gồm có giật đột ngột, miệng lẩm bẩm, chảy nước dãi và mắt di chuyển nhanh.
  • Trạng thái động kinh không co giật. Triệu chứng gồm lú lẫn hoặc trông giống như người bệnh đang nằm mơ, không thể nói và có hành vi bất thường.
Động kinh
Bệnh nhân động kinh có thể lên cơn co giật nguy hiểm

2.Nguyên nhân trạng thái động kinh

Nguyên nhân trạng thái động kinh có thể do một số tác nhân và điều kiện kích hoạt trạng thái động kinh, nhưng đôi khi nó có thể xảy ra mà không có nguyên nhân. Các nguyên nhân có thể dẫn đến trạng thái động kinh gồm:

  • Hội chứng động kinh: Người mắc các rối loạn co giật nghiêm trọng, như hội chứng Rasmussen, hội chứng Rett, hội chứng Lennox-Gastaut và hội chứng Dravet là những người dễ bị động kinh.
  • Tổn thương não: Người bị tổn thương rộng lan tới vỏ não - đây là vùng não có khả năng gây co giật cao nhất và có nhiều khả năng mắc trạng thái động kinh hơn so với những người bị tổn thương khu trú ở một vùng của não. Thiếu oxy trước khi sinh, bại não, chấn thương đầu và mất máu nặng dẫn tới tổn thương não nghiêm trọng có thể làm tăng khả năng bị động kinh, thậm chí sau nhiều năm bị chấn thương nhưng vẫn có thể bị động kinh.
  • Khối u não: Khối u trong não và ung thư não có thể tạo ra các cơn động kinh và trạng thái động kinh, đặc biệt khi khối u lớn hoặc có số lượng nhiều.
  • Rối loạn điện giải do mất máu, mất nước, suy dinh dưỡng, dùng thuốc quá liều đều có thể gây mất cân bằng điện giải và dẫn tới co giật và trạng thái động kinh.
  • Rượu hoặc chất kích thích quá liều: Rượu và ma túy (cocaine, methamphetamine và heroin) đều có thể gây co giật ngắn hoặc trạng thái động kinh.
  • Viêm não: Nhiễm trùng não có thể gây ra trạng thái động kinh nghiêm trọng và kéo dài, tuy nhiên nguyên nhân này không phổ biến.

3. Chẩn đoán trạng thái động kinh

Chẩn đoán trạng thái động kinh thông qua quan sát lâm sàng, nhưng thường được sử dụng nhất là điện não đồ (EEG), chụp não hoặc chọc dò dịch não tủy để xác nhận chẩn đoán.

  • Điện não đồ: Do các triệu chứng lâm sàng của trạng thái động kinh và một số bệnh lý khác có thể giống nhau, nên bác sĩ thường cần phải phân tích điện não đồ để phân biệt giữa các cơn động kinh và bệnh lý khác như đột quỵ và bệnh về não bộ.
  • Chụp não: Chụp cắt lớp vi tính não (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định nguyên nhân gây động kinh và xác định các tình trạng như đột quỵ, khối u não hoặc viêm trong não.
  • Chọc dịch não tủy: Nếu nghi ngờ người bệnh có nhiễm trùng, bác sĩ sẽ lấy dịch não tủy bằng cách chọc lấy dịch ở tủy sống để xét nghiệm.

Chẩn đoán trạng thái động kinh và xác định nguyên nhân là rất quan trọng do trạng thái động kinh đòi hỏi thực hiện phác đồ điều trị khác với các bệnh lý khác nhưng có triệu chứng gần tương tự.

Chụp MRI sọ não
Có thể chụp MRI để chẩn đoán bệnh động kinh

4. Điều trị trạng thái động kinh

Tình trạng động kinh là một cấp cứu y tế, do người bệnh có thể tử vong vì chấn thương do ngã và co giật, nghẹt thở hoặc do hậu quả của cơn động kinh kéo dài. Các lần động kinh có thể gây tổn thương não dẫn đến các co giật càng nặng hơn, tăng khuynh hướng dẫn đến trạng thái động kinh và suy giảm nhận thức. Một số phương pháp điều trị trạng thái động kinh cụ thể:

Sơ cứu tại nhà.

Nếu bạn đang điều trị một người bị co giật tại nhà, bạn phải:

  • Đảm bảo đầu người bệnh không va vào các vật khác.
  • Di chuyển người bệnh ra vùng có thể gây nguy hiểm.
  • Thực hiện ép tim ngoài lồng ngực nếu người bệnh người tim ngừng thở.
  • Sử dụng các loại thuốc đã được kê từ trước để phòng cơ co giật như midazolam hoặc diazepam.

Gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến cơ sở Y tế gần nhất nếu:

  • Đó là cơn động kinh đầu tiên của người bệnh;
  • Thời gian co giật kéo dài hơn năm phút ;
  • Cơn co cứng - co giật (tonic-clonic seizure) xảy ra liên tiếp mà không khoảng phục hồi ở giữa;
  • Người bị thương do co giật.

Tại cơ sở Y tế

Hiệp hội Động kinh Hoa Kỳ đã đưa ra các khuyến nghị để điều trị bệnh động kinh trạng thái như sau:

  • Thuốc đầu tay cho trạng thái động kinh bao gồm: Tiêm bắp midazolam, tiêm tĩnh mạch Lorazepam, tiêm tĩnh mạch diazepam, đặt trực tràng diazepam;
  • Nếu các thuốc trên không hiệu quả, nhân viên y tế có thể sử dụng các thuốc sau như: tiêm tĩnh mạch Axit valproic, tiêm tĩnh mạch Fosphenytoin.

Những loại thuốc này hiệu quả nhanh chóng và tác dụng của chúng thường không kéo dài hơn một vài giờ. Khi trạng thái động kinh được kích hoạt do các bệnh lý khác thì sau khi kiểm soát được cơn động kinh, người bệnh cần điều trị nguyên nhân, như:

  • Điều trị nhiễm trùng
  • Điều trị rối loạn điện giải và trao đổi chất
  • Điều trị bằng steroid để giảm phù nề do khối u
  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u

Nguồn tham khảo: webmd.com; hopkinsmedicine.org

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan