Bài viết bởi Bác sĩ Phạm Thị Hải Yến - Khoa phục hồi chức năng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Phục hồi chức năng có vai trò quan trọng với người bệnh bị đột quỵ, cần được thực hiện sớm trong môi trường vận động, hoạt động phong phú với mục tiêu dài hạn là giúp người bệnh sau tai biến mạch máu não thực hiện các sinh hoạt thường ngày một cách độc lập nhất có thể, với các kỹ năng cơ bản như tự ăn uống, mặc quần áo, đi bộ...
1. Các biến chứng thường gặp ở người bị đột quỵ
Có rất nhiều biến chứng và di chứng thường gặp sau đột quỵ và được cải thiện theo thời gian phụ thuộc vào mức độ của bệnh, quá trình điều trị và phục hồi chức năng.
- Rối loạn vận động: yếu, liệt một phần chi thể hoặc nửa người, liệt mặt.
- Rối loạn nhận thức, giảm tư duy, mất trí nhớ từ nhẹ đến nặng, trí tuệ sa sút.
- Rối loạn cơ tròn: đi tiểu hoặc đại tiện không tự chủ. Có thể gây nhiễm trùng bàng quang do đặt sonde dẫn nước tiểu.
- Rối loạn về ngôn ngữ: nói ngọng, nói lắp, âm điệu bị biến đổi, khó diễn đạt suy nghĩ bằng lời, thậm chí không nói được
- Rối loạn thị giác.
- Rối loạn cảm giác: đau, tê, hoặc cảm giác nóng rát và ngứa ran. Thậm chí không cảm giác được một phần chi thể của mình.
- Mệt mỏi, rối loạn thăng bằng, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều...
- Khó nuốt, gặp khó khăn trong việc nuốt kết hợp với tình trạng liệt có thể dẫn đến viêm phổi do thức ăn đồ uống đi vào phổi.
- Loét các vùng tỳ đè do nằm liệt lâu ngày.
- Giảm các kỹ năng xã hội, các hoạt động cá nhân hàng ngày.
Các rối loạn trên nếu không được điều trị lâu ngày dẫn đến hậu quả người bệnh không tự chăm sóc được bản thân, phải phụ thuộc vào người khác, làm tăng gánh nặng cho người thân và gia đình, bệnh nhân dễ rơi vào trạng thái trầm cảm.
2. Các biện pháp chăm sóc phục hồi chức năng cần làm
Phục hồi chức năng là vô cùng quan trọng cho người bệnh bị đột quỵ. Cần được thực hiện sớm trong môi trường vận động, hoạt động phong phú với mục tiêu dài hạn là giúp người bệnh sau tai biến mạch máu não thực hiện các sinh hoạt thường ngày một cách độc lập nhất có thể với các kỹ năng cơ bản như tự ăn uống, mặc quần áo, đi bộ...
Dựa trên nguyên tắc:
- Phòng ngừa các biến chứng hô hấp.
- Khuyến khích đặt tư thế trị liệu
- Vận động sớm
- Duy trì tầm vận động
- Xử lý tình trạng yếu nửa người/liệt nửa người
- Xử lý mất cảm giác
- Tạo thuận chức năng chi trên
- Tăng cường lực cơ
- Cải thiện dáng đi, thăng bằng và di chuyển
- Khuyến khích độc lập và các sinh hoạt hàng ngày
- Xử lý và phòng ngừa các biến chứng thường gặp của đột quỵ
2.1 Phòng ngừa các biến chứng hô hấp:
- Lăn trở thường xuyên
- Tư thế trị liệu (nằm ngửa hoàn toàn không được khuyến cáo vì có thể ảnh hưởng không tốt đến lưu thông của không khí và nuốt an toàn).
- Khuyến khích các bài tập thở sâu thường xuyên.
- Khuyến khích vận động di chuyển (nếu ổn định nội khoa).
2.2 Đảm bảo tư thế trị liệu mục đích là để tạo thuận sự hồi phục tối ưu sau đột quỵ thông qua:
- Kiểm soát hóa trương lực cơ
- Tăng cường nhận biết về không gian
- Lăn trở, thay đổi tư thế luôn phiên 2 giờ/lần phòng ngừa nguy cơ loét do tì đè.
2.3 Tăng cường vận động sớm và càng nhiều càng tốt với bệnh nhân đã được kiểm soát tốt các bệnh nội khoa.
Trong giai đoạn cấp sau đột quỵ, người bệnh dễ có nguy cơ bị các biến chứng do bất động như: yếu cơ, các vấn đề về hô hấp (như nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi), loét do tì đè, giảm tầm vận động khớp, co rút, giảm sức khỏe chung (giảm sức bền tim phổi), các biến chứng huyết khối (ví dụ như huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, thuyên tắc mạch phổi) và loãng xương.
Các hiệu quả tâm lý của vận động sớm cũng có thể giúp giảm trầm cảm và giảm chi phí chăm sóc.
Phụ thuộc vào tình trạng ổn định nội khoa của người bệnh đột quỵ vận động có thể là:
- Lăn trở trên giường
- Làm cầu
- Ngồi dậy trên giường
- Chuyển từ nằm sang ngồi thòng chân ở mép giường
- Ngồi bên ngoài giường
- Đứng và đi
2.4 Duy trì tầm vận động các khớp
2.5 Xử lý liệt nửa người giai đoạn đầu thường giảm trương lực cơ.
- Tập vận động thụ động và đặt tư thế đúng giảm biến chứng của yếu cơ, co rút, chấn thương bên liệt, và làm bình thường hóa trương lực và cơ lực bên liệt.
- Sử dụng tay lành tập chủ động trợ giúp tay liệt.
- Khuyến khích các bài tập chủ động hướng tới chức năng như vươn tay lấy cốc, chải đầu...
2.5 Xử lý mất cảm giác: mục đích tránh cho bệnh nhân bị chấn thương, hỗ trợ chú ý đến bên liệt để phục hồi cảm giác.
- Sử dụng các kỹ thuật xoa bóp/vuốt ve ở bên bị liệt với các loại vật liệu khác nhau.
- Có thể tập luyện tiếp xúc với các loại cảm giác cụ thể thường xuyên nếu người bệnh chịu được ví dụ như: cho tiếp xúc với nhiều loại vật liệu, nhiệt độ và lực ép khác nhau.
2.6 Tạo thuận chức năng chi trên nhằm khuyến khích sự độc lập và tạo động lực sự để giúp hồi phục vận động
- Hướng dẫn người bệnh các bài tập với tay yếu liệt, sử dụng các hoạt động chức năng càng nhiều càng tốt, tập ở tư thế ngồi hoặc đứng, ví dụ: đưa một cái cốc đến miệng, di chuyển đồ vật từ nơi này đến nơi khác. ▪
- Kích thích điện thần kinh cơ: điều trị bởi nhân viên y tế.
- Tập luyện thực tế ảo cho cánh tay và bàn tay bên liệt ở người bệnh đột quỵ để hỗ trợ cho tập luyện thông thường.
- Tập luyện có trợ giúp bằng robot cho vai và khuỷu tay bên liệt ở người bệnh đột quỵ.
2.7 Nẹp cổ tay và bàn tay: phòng co rút vùng cổ - bàn – ngón tay với các trường hợp liệt cứng.
2.8 Làm mạnh cơ để khuyến khích độc lập phục hồi chức năng vận động.
- Tăng dần lực cơ bằng cách tăng số lần lặp lại đối với các hoạt động chịu sức nặng (ví dụ như lặp đi lặp lại bài tập chuyển từ ngồi sang đứng).
- Tập với tạ.
- Bài tập đề kháng với các máy móc như xe đạp tại chỗ.
Tập mạnh cơ bên chân liệt hoặc cả hai chân ở người bệnh đột quỵ đã được chứng minh là tăng sức mạnh cơ và sức cản khi vận động thụ động của người bệnh, cải thiện nhịp bước chân, sự đối xứng, và chiều dài bước chân của dáng đi.
2.9 Cải thiện dáng đi, thăng bằng và di chuyển để khuyến khích sự độc lập, hỗ trợ về mặt tâm lý và tạo động lực và rèn luyện sức bền.
- Tập thăng bằng.
- Hướng dẫn dáng đi đúng.
- Sử dụng một dụng cụ trợ giúp như gậy chống, nẹp AFO (dụng cụ chỉnh hình cổ - bàn chân) nếu phù hợp.
- Tập bước và lên xuống cầu thang, đi ở các bề mặt khác nhau.
- Tập với máy đi bộ có nâng đỡ trọng lượng cơ thể.
- Tập dáng đi với sự trợ giúp của robot
2.10 Khuyến khích độc lập và các sinh hoạt hàng ngày.
3. Phục hồi chức năng các biến chứng sau đột quỵ:
- Bán trật khớp vai: để phòng ngừa bán trật khớp vai và đau do bị giảm trương lực cơ và cơ vùng vai bị liệt người bệnh bị đột quỵ được đặt tư thế đúng cho chi trên, dùng dụng cụ nâng đỡ vai như đai vai, điều trị kích thích điện vùng cơ delta.
- Mất sức bền tim phổi: sức bền tim phổi giảm sút đáng kể do tình trạng bất động ở giai đoạn sớm sau đột quỵ.
Tập luyện, đạp xe, đi bộ... là phương thức PHCN nhằm làm tăng sức bền tim phổi, khuyến khích người bệnh tham gia tập luyện thường xuyên, liên tục. chương trình tập sức bền tim phổi.
- Mệt mỏi sau đột quỵ không liên quan đến mức độ gắng sức trước đó và thường không cải thiện khi nghỉ ngơi. Những bệnh nhân này phải được sàng lọc trầm cảm, có thời gian tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý, tạo giấc ngủ ngon...
Vấn đề về thị giác: bệnh nhân được hướng dẫn các động tác tập để cải thiện vận động nhãn cầu, biện pháp bù trừ như quét mắt, xoay mặt sang bên thực hiện động tác ...
Các vấn đề về nhận cảm gồm lãng quên bên liệt và mất nhận biết đồ vật với các giác quan và mất nhận biết đồ vật khi sờ, các phương thức phục hồi chức năng:
- Gợi ý, nhắc nhở đơn giản để thu hút sự chú ý sang bên liệt.
- Vận động bên liệt.
- Tập quét mắt, vận động nhãn cầu kết hợp với kích thích cảm giác của bên liệt thông qua hoạt động.
- Thực hiện các hoạt động đối xứng cả hai bên cơ thể.
- Tưởng tượng hình ảnh để tăng cường sự chú ý và sử dụng bên bị lãng quên.
- Sờ các đồ vật có hình thù, kích thước, độ thô ráp ... khác nhau để kích thích cảm giác.
Vấn đề về ngôn ngữ, giao tiếp:
- Dạy cho người bệnh các từ, cụm từ và cử chỉ cần thiết để có thể hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.
- Sử dụng các thiết bị trợ giúp như máy trợ thính, bảng giao tiếp, ghế ngồi có hỗ trợ...
- Khuyến khích người bệnh, gia đình/người chăm sóc và các thành viên trong cộng đồng sử dụng nhiều cách thức giao tiếp khác nhau, chẳng hạn như cử chỉ, vẻ mặt, nói, đọc, viết, vẽ, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ giao tiếp.
Đột quỵ không chỉ là một tình trạng cấp tính mà còn gây ra các khiếm khuyết, di chứng kéo dài. Vì thế người bệnh đột quỵ cần được chăm sóc phục hồi chức năng thích hợp và liên tục, bắt đầu trong môi trường bệnh viện ở giai đoạn cấp, chủ động theo dõi và hỗ trợ người bệnh khi họ chuyển qua các giai đoạn bán cấp và mạn tính khi xuất viện về nhà.
Hiện nay, Chụp cộng hưởng từ - MRI/MRA được coi là công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não. MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ,... Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).\