Cắt u não vùng hố sau

U não ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong, trong đó u vùng hố sau chiếm tỷ lệ cao nhất tới trên 50%. Các khối u não vùng hố sau thường khối u nguyên phát, có thể phát hiện ở trẻ nhỏ. Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt khối u vùng hố sau là phương pháp tốt nhất giúp loại bỏ khối u, tuy nhiên vùng này có rất nhiều cơ quan quan trọng nên việc phẫu thuật cũng gặp nhiều khó khăn.

1. Tổng quan u não vùng hố sau

Cấu tạo vùng hố sau được tạo bởi phía trước là phần thân xương bướm và phần nền xương chẩm; phía sau là phần dưới của trai chẩm; hai bên là mặt sau phần đá xương thái dương, mặt trong mỏm chũm và phần bên của xương chẩm. Trong hố sau não chứa các thành phần quan trọng của não bao gồm tiểu não, hành não, cầu não và các dây thần kinh sọ từ dây số 5 đến dây số 12.

Khối u não vùng hố sau có thể bắt nguồn từ tiểu não, thân não hay các dây thần kinh sọ. Nguyên nhân gây ra u não vùng hố sau thường chưa được biết rõ, chủ yếu là các khối u nguyên phát và có liên quan tới yếu tố di truyền, ngoài ra khối u thứ phát do di căn.

Các triệu chứng hay gặp bao gồm

  • Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng của tăng áp lực nội sọ như đau đầu, dấu hiệu này gặp với hầu hết các bệnh nhân bị u não.
  • Nôn: Nôn thường đi kèm với đau đầu, người bệnh nôn buồn nôn không liên quan đến ăn uống và thường thấy vào buổi sáng.
nôn ói
Bệnh nhân thường xuyên nôn ói kèm đau đầu vào buổi sáng

  • Đối với trẻ em: Thấy các biểu hiện như vòng đầu to nhanh hơn bình thường vì u não vùng hố sau có thể kèm theo não úng thủy, thóp căng rộng, khớp sọ bị giãn.
  • Hội chứng tiểu não: Bệnh nhân thường đứng không vững, đi lại loạng choạng, phối hợp vận động kém, mất điều hòa động tác như quá tấm hay sai hướng mục tiêu, run tay khi làm việc.
  • Khối u chèn ép vào thân não có thể gây yếu, liệt vận động một bên người hay cả hai bên, có thể kèm theo rối loạn cảm giác, tăng hoặc giảm phản xạ gân xương.
  • Liệt một hay nhiều dây thần kinh sọ não: Biểu hiện như chèn dây thần kinh số VIII gây nghe kém, ù tai, dây thần kinh số VII gây liệt mặt...

Chẩn đoán u não vùng hố sau thường khó ở trẻ em, vì các dấu hiệu không dễ phát hiện. Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ cần cho trẻ tới khám và kết hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ sọ não để được chẩn đoán. Các phương pháp thăm dò chức năng quan trọng để xác định vị trí và đặc điểm hình thái của u não vùng hố sau.

2. Điều trị u não vùng hố sau

Các phương pháp điều trị u não vùng hố sau bao gồm: Phẫu thuật cắt u não vùng hố sau, hóa trị và xạ trị.

2.1 Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật cắt u não vùng hố sau là phương pháp điều trị tốt nhất. Việc cắt toàn bộ khối u là biện pháp điều trị triệt để mang lại hiệu quả cao nhất. Đối với những bệnh nhân nhi nếu được phát hiện sớm, việc phẫu thuật có thể cắt hết được toàn bộ khối u và nếu khối u chưa trưởng thành có thể không cần phải điều trị hóa chất và xạ trị.

Việc áp dụng kỹ thuật vi phẫu thuật thần kinh làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong cho người bệnh, theo thống kê trước khi kỹ thuật vi phẫu thuật thần kinh ra đời có khoảng 50% số bệnh nhân nhi tử vong khi lấy mẫu sinh thiết hay can thiệp phẫu thuật vùng hố sau.

Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt u não vùng hố sau (Hình ảnh minh họa)

Tuy nhiên phẫu thuật cắt u não vùng hố sau đòi hỏi người thực hiện phải có tay nghề cao, do đặc trưng vùng hố sau não có nhiều tổ chức thần kinh quan trọng nên khi phẫu thuật phải cẩn thận tránh tổn thương cho những mô não xung quanh, ngoài ra để quyết định phẫu thuật còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, kích thước và sự xâm lấn các mô xung quanh. Đối với trẻ em việc phẫu thuật cắt khối u vùng hố sau gặp nhiều khó khăn hơn do tư thế, cố định đầu, mất máu...

2.2 Xạ trị

Mục đích là diệt các tế bào u, nhất là các tế bào u còn sót lại sau khi phẫu thuật cắt khối u. Xạ trị có thể đơn thuần hoặc phối hợp với các phương pháp khác, khi xạ trị thì liều xạ thay đổi tùy theo vị trí, kích thước và loại mô bệnh học.

Tuy nhiên phương pháp này có ảnh hưởng lớn và lâu dài tới những bệnh nhân nhi, nên cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro trước khi tiến hành xạ trị. Một số trường hợp nếu cho phép có thể điều trị giảm bớt triệu chứng và chờ khi trẻ lớn hơn mới tiến hành xạ trị làm giảm bớt nguy cơ do tia xạ gây ra.

2.3 Hóa trị

Được chỉ định ở những trường hợp khối u ác tính mức độ cao ở trẻ, hay là phương pháp thay thế chờ xạ trị cho những trẻ nhị dưới 3 tuổi. Tuy nhiên điều trị bằng hóa chất có rất nhiều tác dụng không mong muốn, nên cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng phương pháp điều trị này cho bệnh nhân nhi.

Khi ứng dụng kỹ thuật cắt u não vùng hố sau mới làm cho việc loại bỏ khối u não ở trẻ trở nên dễ dàng hơn trước, từ đó giúp cho trẻ sau phẫu thuật giảm được nhiều biến chứng nặng nề, trẻ có cơ hội để được phát triển bình thường như những trẻ khác. Vì vậy khi có các dấu hiệu bất thường ở trẻ nghi ngờ bệnh lý, bố mẹ nên đưa trẻ tới những cơ sở y tế uy tín để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan