Sau 20 năm, không chỉ có vòng eo phát triển mà hầu hết cân nặng của mọi người đều tăng lên. Mọi người đều cho rằng cân nặng của mình như vậy là vừa phải. Nhưng điều đó có thực sự đúng hay không? Cân nặng hạnh phúc so với cân nặng khỏe mạnh của bạn khác nhau như thế nào?
1. Cân nặng bao nhiêu hợp lý?
Một điều mà hầu hết mọi người đều biết đó là thừa cân không có lợi ích cho sức khỏe. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, thừa cân chưa hẳn đã ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Một nghiên cứu trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ báo cáo năm 2013 cho rằng cân nặng thừa tới 30 pounds (khoảng 13,6 kg) ít có khả năng tử vong sớm hơn những người có cân nặng bình thường.
Tuy nhiên, sau đó người ta đã nghiên cứu và chỉ ra rằng cân nặng hạnh phúc của chúng ta không quá khỏe mạnh như chúng ta vẫn nghĩ.
Nhiều thập kỷ nghiên cứu đã cho thấy béo phì là nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Những cân nặng tăng thêm này làm cho bạn có nhiều khả năng mắc một loạt các bệnh như:
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh tăng huyết áp
- Chứng mất trí nhớ
- Một số loại ung thư
Chẳng hạn với phụ nữ, chỉ cần tăng một cỡ váy trong bất kỳ thập kỳ nào giữa độ tuổi 20 đến giữa 50, đều khiến cho người đó có khả năng bị ung thư vú cao hơn sau khi mãn kinh.
Các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì, đặc biệt là các bệnh mạn tính như đái tháo đường, có thể tác động lâu dài đến người bệnh. Đây là những căn bệnh bạn phải điều trị không chỉ trong vài tháng mà là cả phần đời còn lại.
Các căn bệnh này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính và các hoạt động hàng ngày của bạn. Bạn sẽ phải dành nhiều thời gian hơn để đến phòng khám của bác sĩ và tốn nhiều tiền hơn để mua thuốc men. Bạn sẽ phải luôn cố gắng quản lý bệnh của mình để cảm thấy tốt hơn. Thứ bị đe dọa nhiều nhất chính là chất lượng cuộc sống của bạn và gia đình.
Có nhiều người trong chúng ta có một khoảng thời gian khó khăn để đối mặt với cân nặng của bản thân. Hầu hết mọi người đều cảm thấy sốc khi bước lên bàn cân.
2. Cách xác định cân nặng chuẩn
Chỉ số khối cơ thể của một người (BMI) được tính dựa trên chiều cao và cân nặng của người đó. Đây là một công cụ tốt để giúp đo lượng mỡ trong cơ thể và đánh giá khả năng mắc bệnh của một người.
Tuy nhiên, chỉ số này không phải là hoàn hảo. Bới nếu một người có cơ bắp phát triển, chỉ số BMI có thể vượt quá giá trị bình thường, nhưng không có nghĩa là lượng mỡ trong cơ thể người đó nhiều.
Với những người lớn tuổi và khối lượng cơ bắp ít hơn, chỉ số BMI lại có thể không đánh giá chính xác lượng mỡ trong cơ thể, thường đánh giá thấp hơn so với thực tế.
Chính vì vậy BMI chỉ là một công cụ giúp phỏng đoán về mối liên hệ giữa cân nặng và sức khỏe của một người.
Kích thước vòng eo của một người có thể cho thấy một bức tranh tổng thể tốt hơn về sức khỏe của người đó, đặc biệt là những người có cơ bắp phát triển. Cách xác định chỉ số này cũng hết sức đơn giản, bạn chỉ cần lấy thước dây và đặt nó quanh eo của bạn, ngay phía trên rốn.
Kích thước vòng eo tốt nhất là:
- ≤ 35 inch ( tương đương 88,9 cm) đối với phụ nữ.
- ≤ 40 inch (tương đương 101,6 cm) đối với nam giới.
Nếu kích thước vòng eo của bạn vượt quá con số trên thì đã đến lúc bạn cần phải thực hiện một số hành động để giảm cân và giảm vòng eo.
3. Cần làm gì để có cân nặng khỏe mạnh?
3.1. Hãy quên cân nặng lý tưởng của bạn
Một số bác sĩ thậm chí không muốn nói đến cân nặng lý tưởng. Nguyên nhân là nó thường có vẻ quá khó để có thể đạt được. Trên thực tế là ngay cả việc giảm một lượng nhỏ cân nặng cũng giúp bạn khỏe mạnh hơn.
Thay vì bạn tập trung vào cân nặng lý tưởng đó, bạn hãy đặt ra mục tiêu thấp hơn. Việc giảm cân từ 7 - 10% tạo ra tác động rất lớn đến quá trình trao đổi chất của bạn. Một khi bạn đã đạt được mục tiêu đó rồi, 10% tiếp theo có thể đạt được một cách dễ dàng hơn nhiều.
Những thay đổi dù nhỏ nhưng có nhiều khả năng trở thành vĩnh viễn và theo thời gian có tác động lớn đến sức khỏe của bạn.
3.2. Không bao giờ là quá muộn
Khi chúng ta già đi, khối lượng cơ bắp của chúng ta sẽ giảm. Nhưng bạn có thể tăng khối lượng cơ bắp và giảm lượng mỡ trong cơ thể, ngay cả khi bạn đã bước sang tuổi 80. Các nghiên cứu đã cho thấy rõ điều này, việc tập luyện, kiểm soát cân nặng không bao giờ là muộn cả.
Khi bạn làm được điều đó bạn cũng sẽ có sự cân bằng và ổn định tốt hơn, điều này giúp ngăn ngừa tình trạng gãy xương.
Để kiểm soát cân nặng và theo dõi tình trạng sức khỏe thì ngoài việc duy trì tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống lành mạnh thì việc khám sức khỏe định kỳ cũng vô cùng quan trọng.
Khi bạn khám sức khỏe định kỳ, bạn sẽ được các bác sĩ đánh giá tổng thể các chỉ số của cơ thể, theo dõi tình trạng sức khỏe. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên giúp bạn có một sức khỏe tốt nhất.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com