Suy nhược cơ thể có thể hậu quả của một số bệnh lý toàn thân và thường gặp hơn là tình trạng suy nhược cơ thể mà không tìm được nguyên nhân bệnh lý cụ thể nào. Việc điều trị suy nhược cơ thể thường kết hợp điều trị nguyên nhân và cung cấp một chế độ dinh dưỡng phù hợp.
1. Thế nào là suy nhược cơ thể?
Suy nhược cơ thể là trạng thái mà cơ thể thường xuyên thấy mệt mỏi, mất năng lượng, thiếu sức sống và không tập trung. Tình trạng này nếu kéo dài khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không sâu giấc, sút cân nhanh và suy giảm trí nhớ. Suy nhược cơ thể thường không thuyên giảm đi khi người bệnh đã dành thời gian nghỉ ngơi. Khi phát hiện suy nhược cơ thể cần có cần có các biện pháp điều trị như dùng thuốc, chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ dinh dưỡng...
2. Nguyên nhân nào gây ra suy nhược cơ thể?
Nguyên nhân do các bệnh lý thực thể như:
- Thiếu máu thiếu sắt; Hạ đường huyết; Nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng nặng, tăng bạch cầu đơn nhân; Suy giảm miễn dịch; Thay đổi nồng độ hormone của vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến thượng thận; Huyết áp thấp kéo dài....
- Suy nhược cơ thể do tình trạng nhiễm virus, viêm khớp dạng thấp hay Lupus.
Tuy nhiên, đa số trường hợp, suy nhược cơ thể không có nguyên nhân rõ ràng hay từ căn bệnh cụ thể nào, có thể liên quan tới các yếu tố như:
- Tâm lý do gặp phải vấn đề ở cơ quan, gia đình, xã hội, thiếu hụt dưỡng chất trong thời kỳ phát triển của trẻ em, những người già yếu, người vận động nhiều..
- Gặp ở những phụ nữ thời kỳ có thai và cho con bú.
- Căng thẳng kéo dài này sẽ sinh ra mệt mỏi, mệt mỏi kéo dài sẽ làm cho mắc chứng suy nhược cơ thể.
- Những người lao động quá sức, ăn uống kiêng khem, thiếu chất dinh dưỡng có thể dẫn đến cơ thể suy nhược.
- Đối với một số bệnh nhân do mắc bệnh lý tâm thần cũng là tiền đề của tình trạng suy nhược cơ thể.
3. Cách điều trị suy nhược cơ thể
Thông thường một phác đồ điều trị suy nhược cơ thể bao gồm: dùng thuốc điều trị bệnh lý thực thể nếu có, cung cấp chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng và thay đổi thói quen sinh hoạt.
3.1 Dùng thuốc
Bị suy nhược cơ thể nên uống thuốc gì để điều trị là điều mà nhiều người quan tâm. Trên thực tế hiện nay, chưa có loại thuốc nào được dùng để đặc trị nào để điều trị suy nhược cơ thể. Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc như:
- Thuốc giảm đau, thuốc an thần nếu mất ngủ, thuốc chống trầm cảm để làm giảm các triệu chứng đau đầu, đau cơ, mất ngủ, lo âu... Tuy nhiên, bạn không nên quá lạm dụng thuốc tây nhất là với người cao tuổi, người có bệnh lý nền và phụ nữ đang mang thai.
- Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn sử dụng các loại thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng để giúp bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất và dinh dưỡng cho cơ thể.
Ngoài ra, suy nhược cơ thể có thể do các nguyên nhân toàn thân như thiếu máu, nhiễm khuẩn, thay đổi hormon... do đó, khi xác định được nguyên nhân thì bác sĩ sẽ kết hợp việc dùng các thuốc điều trị phù hợp. Nếu có thiếu máu thiếu sắt kết hợp bổ sung sắt, nếu nhiễm khuẩn dùng các loại thuốc điều trị nhiễm khuẩn...
3.2 Chế độ dinh dưỡng cho người suy nhược cơ thể
Người bị suy nhược cơ thể nên bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Cần bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể bằng cách kết hợp đầy đủ đủ 4 nhóm chất thiết yếu gồm đạm, chất béo, carbohydrate, vitamin và khoáng chất trong mỗi bữa ăn. Những loại thực phẩm người suy nhược cơ thể nên và không nên bổ sung bảo gồm:
- Các loại thực phẩm có giàu dinh dưỡng như thịt bò, hải sản, thịt gà, cá, đậu nành, sữa chua cũng như ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi.
- Hạn chế ăn đồ ngọt, ăn quá mặn hay ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, đồ hộp, đồ chế biến sẵn thường là những thực phẩm nhiều chất bảo quản....
3.3 Chế độ sinh hoạt
Xây dựng thói quen sinh hoạt, lối sống lành mạnh là cách khắc phục suy nhược cơ thể hiệu quả mà còn giúp cơ tăng cường hệ miễn dịch, mang đến nhiều năng lượng tốt. Bạn nên thực hiện những việc sau để hạn chế và điều trị suy nhược cơ thể như:
- Ăn uống điều độ và tuyệt đối không nên bỏ bữa.
- Uống nhiều nước, mỗi ngày nên uống từ 1.5 – 2 lít nước một ngày, không nên sử dụng bia rượu, thuốc lá, cà phê và các chất kích thích.
- Giữ tinh thần luôn ở trạng thái thoải mái, đồng thời có kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý. Không nên tạo áp lực quá nhiều cho bản thân, đi ngủ sớm, nên ngủ đủ giấc ít nhất từ 6-8 tiếng một ngày và nên dành ra những khoảng thời gian trong ngày để nghỉ ngơi.
- Vận động bằng các bài tập nhẹ nhàng sẽ giúp cải thiện sức khỏe cho tim mạch... Các bài tập bạn có thể áp dụng như là thiền, yoga, đi bộ, đạp xe...Mặc dù người suy nhược thường cảm giác mệt mỏi, nhưng vẫn nên thực hiện các bài tập với mức độ nặng tăng dần, vì tập luyện thể chất vừa đủ có thể giúp giảm cảm giác mệt mỏi và căng thẳng.
3.4 Kết hợp điều trị bằng y học cổ truyền
Phương pháp không dùng thuốc: Tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định kết hợp xoa bóp, bấm huyệt và có thể kết hợp châm cứu trong điều trị suy nhược cơ thể.
Phương pháp dùng thuốc: Với y học cổ truyền, suy nhược cơ thể có thể do các tạng như tâm, can, tỳ bị hư suy. Nên có thể dùng các bài thuốc như quy tỳ thang, lục vị hoàn, hữu quy hoàn, bát chân thang...để điều trị suy nhược cơ thể. Ngoài ra, bạn có thể thêm một số vị thuốc đông y để giúp hỗ trợ điều trị suy nhược cơ thể gồm:
- Câu kỷ tử: Là vị thuốc bổ âm, bổ huyết dùng chữa cơ thể và thần kinh suy nhược, hoa mắt, giảm thị lực, di tinh. Ngày dùng 6-12g.
- Long nhãn (cùi nhãn sấy khô): Là vị thuốc bổ, an thần chữa các chứng suy nhược thần kinh, kém ngủ, tim đập hồi hộp, hay quên. Ngày dùng 6-15g.
- Lá vông: Trường hợp người bệnh mất ngủ, ngủ kém có thể đun nước lá vông uống giúp an thần, dễ ngủ. Ngủ đủ giấc giúp giảm cảm giác mệt mỏi hơn vào ngày hôm sau. Bạn có thể dùng từ 6-10g là vông khô để đun nước uống.
- Liên nhục (hạt sen bỏ lõi): Dùng bồi bổ và an thần, giúp điều trị cơ thể suy nhược, hồi hộp mất ngủ, di mộng tinh, khí hư. Ngày dùng 12-20g, có thể tới 100g.
- Viễn chí: Dùng chữa suy nhược thần kinh, ngủ kém, giảm trí nhớ, liệt dương, mộng tinh, yếu sức. Thuốc bổ cho nam giới và người già, giúp làm sáng mắt, thính tai. Ngày dùng 6-12g sắc nước uống.
- Hoàng kỳ: Hoàng kỳ tẩm mật sao vàng có tác dụng bổ khí, chữa suy nhược cơ thể lâu ngày, người ra nhiều mồ hôi. Ngày dùng 6-10g, sắc uống hoặc chế thành cao hoặc viên.
- Hoàng tinh: Đây được coi là vị thuốc quý, chữa tình trạng tỳ vị hư nhược, suy kiệt mệt mỏi. Ngày dùng 10-15g sắc nước hoặc ngâm rượu uống. Có thể tán bột ăn với cháo.
- Toan táo nhân (nhân của hạt táo ta): Dùng điều trị khó ngủ, hồi hộp, đánh trống ngực. Ngày dùng 0,8-1,2g, tương đương với nhân của 15-20g hạt. Nếu dùng với liều cao (6-10g) thì phải sao đen.
- Đẳng sâm: Thuốc có tác dụng bổ tỳ, tăng cường sức khỏe, bổ máu giúp giảm mệt mỏi. Liều dùng mỗi ngày từ 8-12g. Sắc nước uống hoặc hầm thịt.
Như vậy, việc điều trị suy nhược cơ thể chủ yếu cần thay đổi chế độ dinh dưỡng, tập luyện và có thể kết hợp dùng thuốc nếu cần thiết. Nếu đã áp dụng các biện pháp nhưng không cải thiện thì bạn cần tới bệnh viện thăm khám để được tư vấn và có các biện pháp điều trị dùng thuốc phối hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.