Các biện pháp điều trị hội chứng mệt mỏi

Bài viết của Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Hội chứng mệt mỏi thường ít được chú ý can thiệp cho đến khi nó trở thành một tình trạng mạn tính. Dấu hiệu nhận biết là tình trạng mệt mỏi sau gắng sức liên quan đến nhiều vấn đề về thần kinh, tim mạch, hô hấp cũng như tiêu hóa. Bệnh nhân cũng có thể biểu hiện các triệu chứng lo lắng không kiểm soát, các cơn hoảng sợ và suy giảm chức năng xã hội.

Hiện nay chẩn đoán sớm và chữa hội chứng mệt mỏi là rất quan trọng để ngăn ngừa cao tránh tỷ lệ mắc bệnh cao và ảnh hưởng quá lớn đến chất lượng cuộc sống. Việc điều trị đòi hỏi có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau. Các phương thức điều trị bao gồm việc dùng thuốc, liệu pháp tâm lý, liệu pháp tập thể dục vận động.

1. Chú ý đến dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý

Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý là điều kiện đầu tiên giúp cơ thể đủ năng lượng và hồi phục. Thiếu dinh dưỡng, hoặc chế độ dinh dưỡng không phù hợp là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi. Bổ sung dinh dưỡng bị thiếu hụt và cân đối cần có sự tham vấn của bác sĩ dinh dưỡng. Chế độ dinh dưỡng có thể được thực hiện cân đối qua khẩu phần ăn uống và bổ sung các thuốc bổ. Thuốc bổ có thể được xem là một phương pháp điều trị thay thế có thể giúp người bệnh dễ chấp nhận hơn và thấy hữu ích hơn. Các chất bổ sung có thể có lợi cho bệnh nhân bị mệt mỏi có thiếu hụt dinh dưỡng cụ thể. Vì vậy, cần thực hiện xét nghiệm sinh hóa để tìm các chất mà cơ thể bị thiếu hụt trước khi điều trị để hướng dẫn các lựa chọn điều trị. Một số nghiên cứu cho thấy Axit amin L ‐ carnitine và dẫn xuất acyl L ‐ carnitine cần thiết cho việc vận chuyển axit béo vào ty thể trong quá trình phân hủy lipid để tạo ra năng lượng trao đổi chất trong cơ và trong não, giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi thể chất và tinh thần. Các Axit béo thiết yếu như axit γ ‐ linolenic (GLA) cùng với tinh dầu cá chứa axit eicosapentaenoic (EPA), DHA cũng giúp cải thiện tổng thể đáng kể về các triệu chứng mệt mỏi, đau cơ, chóng mặt, kém tập trung và trầm cảm.

Vitamin B12 kết hợp với một liều cao axit folic đường uống hàng ngày có thể an toàn và hiệu quả đối với tình trạng mệt mỏi. Các chất chống oxy hóa (bao gồm axit α-lipoic, vitamin E hoặc C) là một nhóm các vitamin, khoáng chất và enzym giúp bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương do stress oxy hóa và cũng cải thiện chức năng của ty thể. Việc dùng thuốc bổ sung vitamin tổng hợp và khoáng chất có thể là một cách an toàn và dễ dàng để cải thiện các triệu chứng cho người bệnh.

Chế độ dinh dưỡng cho người thiếu kali và vitamin D
Chế độ dinh dưỡng hợp lý có ích trong điều trị hội chứng mệt mỏi

2. Chữa hội chứng mệt mỏi bằng liệu pháp tâm lý nhận thức hành vi

Các thầy thuốc luôn nhấn mạnh rằng suy nghĩ, tâm lý có vai trò chủ đạo và dẫn dắt đối với hành động, cảm xúc của bệnh nhân. Người bệnh cần nhận ra các hành vi khiến họ cảm thấy mệt mỏi hơn và tìm cách giảm thiểu chúng đến mức tối đa. Khoảng 25-40% bệnh nhân mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính có thể bị lo lắng và trầm cảm kèm theo. Trong quá trình đối diện với thực tại, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đóng vai trò là bệ đỡ tinh thần cho người bệnh. Người bệnh cần tập cách đối diện và giải quyết vấn đề hơn là né tránh và buông xuôi.

3. Điều trị bằng liệu pháp thể dục

Các bài tập nhằm mục đích nâng cao thể chất cho người bệnh, gián tiếp đưa người bệnh trở lại với nhịp sống hiện tại và có thái độ sống tích cực hơn. Người bị hội chứng mệt mỏi thường thụ động trong suy nghĩ và có lối sống tĩnh tại, ít vận động. Các bài tập cần được thiết kế tăng dần cường độ và thời lượng hoạt động thể chất. Tập luyện dưới sự giám sát hoặc có đồng đội sẽ có tác dụng lôi kéo người bệnh tham gia, tránh tâm lý chán nản, bỏ cuộc. Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới, vận động thể lực nên ít nhất 30 phút mỗi ngày, và hầu hết các ngày trong tuần (tối thiểu là 5 ngày trong một tuần). Tuy nhiên bạn đừng cố gắng vận động quá sức vì có thể sẽ làm cho cơ thể bị đau nhức và phản tác dụng. Hơn một nửa số bệnh nhân bị hội chứng mệt mỏi mạn tính cảm thấy tốt hơn nhiều sau 12 tuần điều trị bằng tập luyện thể dục. Tập thể dục sẽ dẫn đến giảm mệt mỏi thông qua tăng cường thể chất sinh lý, giúp bệnh nhân giảm xu hướng tập trung vào các triệu chứng của họ, đồng thời giúp họ tăng niềm tin vào bản thân có thể hồi phục.

4. Điều trị bằng liệu pháp dược lý

Phương pháp điều trị bằng dược lý không thể được áp dụng đơn thuần riêng lẽ mà có thể kiểm soát được bệnh. Nhưng các loại thuốc được sử dụng để giúp giảm nhẹ các triệu chứng và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu. Danh sách các loại dược phẩm được kê đơn cho bệnh lý này rất phong phú như thuốc giảm đau và thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc chống co giật, thuốc chống trầm cảm, thuốc hướng thần gây nghiện, cho đến thuốc kháng vi-rút, thuốc điều hòa miễn dịch.

Các triệu chứng quan trọng thường thấy nhất trong hội chứng mệt mỏi là: đau cơ xương khớp, đau đầu, lo lắng, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn giấc ngủ và rối loạn chức năng nhận thức. Các thuốc giảm đau chống viêm như ibuprofen và naproxen giúp làm giảm đau cơ xương khớp, đau đầu và hạ sốt. Thuốc chống co giật như gabapentin và pregabalin đôi khi được kê đơn cho chứng đau dây thần kinh và cải thiện các vấn đề về giấc ngủ. Thuốc chống trầm cảm để giảm bớt trầm cảm và lo lắng, tăng cường khả năng tập trung và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Nhiều loại thuốc chống trầm cảm giúp việc cải thiện giấc ngủ, mức độ đau, cũng như mức độ nghiêm trọng của mệt mỏi. Liều sử dụng ở đây thường thấp hơn liều dùng để điều trị trầm cảm. Các thuốc gây nghiện hướng thần như tramadol, codeine hoặc morphine đôi khi được kê đơn để điều trị cơn đau dữ dội, kém đáp ứng với các loại thuốc giảm đau thông thường. Tuy nhiên, nhóm thuốc này chỉ dành cho những trường hợp nặng và chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn vì nguy cơ gây nghiện.

thuốc kê đơn
Điều trị hội chứng mệt mỏi bằng thuốc dưới sự kiểm soát của bác sĩ

Tóm lại, hội chứng mệt mỏi là vấn đề thường gặp, nhưng ít được quan tâm và can thiệp đúng mức. Hầu hết bệnh nhân cần được chăm sóc y tế khi ở giai đoạn mệt mỏi mạn tính. Dấu hiệu nhận biết là tình trạng mệt mỏi sau gắng sức liên quan đến nhiều chứng bệnh về thần kinh, tim mạch, hô hấp, cũng như đường tiêu hóa. Bệnh nhân cũng có thể biểu hiện các triệu chứng lo lắng không kiểm soát, các cơn hoảng sợ và suy giảm chức năng xã hội. Từ những biểu hiện đa dạng này, việc điều trị cũng khó khăn và phức tạp. Để đạt được hiệu quả điều trị, chúng ta cần sự phối hợp của nhiều bác sĩ chuyên khoa và nhiều phương thức điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan