Bệnh rò động tĩnh mạch màng cứng là gì?

Rò động tĩnh mạch màng cứng là một trường hợp của bệnh rò động tĩnh mạch. Hầu hết các trường hợp rò động tĩnh mạch màng cứng đều không rõ nguyên nhân. Ở những bệnh nhân có nguyên nhân tiền căn, hầu hết xảy ra do kết quả của quá trình hình thành vi mạch gây ra bởi huyết khối xoang màng cứng trước đây.

1. Bệnh rò động tĩnh mạch màng cứng là gì?

Bệnh rò động tĩnh mạch màng cứng là gì? Trong y khoa, rò động tĩnh mạch màng cứng là những tình trạng dị thể, có các luồng thông động tĩnh ở mạch máu màng cứng với các biểu hiện đa dạng như xuất huyết hoặc tăng áp tĩnh mạch. Việc điều trị hiện nay còn rất nhiều khó khăn.

Rò động tĩnh mạch màng cứng là một trường hợp của bệnh rò động tĩnh mạch. Rò động tĩnh mạch là sự nối kết bất thường giữa tĩnh mạch và động mạch. Theo thường lệ, máu chảy sẽ từ động mạch đến mao mạch rồi cuối cùng đến tĩnh mạch. Các dưỡng chất và oxy trong máu từ mao mạch sẽ đến các mô. Tuy nhiên, khi bị rò động tĩnh mạch, máu sẽ chảy trực tiếp từ động mạch vào tĩnh mạch, bỏ qua một số mao mạch khiến các mô bị bỏ qua sẽ được cung cấp ít máu hơn. Rò động tĩnh mạch có thể phát triển bất cứ nơi nào trong cơ thể.

Biến chứng của rò động tĩnh mạch màng cứng xảy ra phụ thuộc vào sự đổ ra của tĩnh mạch và không phải do động mạch cung cấp. Một số biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Xuất huyết: Một số biến chứng xuất huyết của rò động tĩnh mạch màng cứng là xuất huyết dưới màng cứng, xuất huyết dưới màng nhện hoặc xuất huyết nội sọ...
  • Xung huyết hoặc tăng áp tĩnh mạch, phù nề
  • Tăng áp lực nội sọ và nhuyễn tủy
Rò động - tĩnh mạch
Rò động tĩnh mạch màng cứng là một trường hợp của bệnh rò động tĩnh mạch

2. Triệu chứng rò động tĩnh mạch màng cứng

Tương tự rò động tĩnh mạch, triệu chứng rò động tĩnh mạch màng cứng rất đa dạng. Trong một số trường hợp sẽ không có triệu chứng và không được phát hiện cho đến khi bệnh phát triển đến giai đoạn nặng. Một số triệu chứng rò động tĩnh mạch màng cứng có thể bao gồm:

  • Đau đầu: Đây là triệu chứng điển hình nhất với tất cả các loại bệnh rò động tĩnh mạch màng cứng.
  • Ù tai: Người bị bệnh rò động tĩnh mạch màng cứng có thể nghe thấy tiếng vo vo hoặc tiếng chuông bất thường trong tai. Triệu chứng này càng dễ nhận biết hơn khi rò động tĩnh mạch màng cứng xảy ra gần tai. Trong khi đó, một số bệnh nhân nghe thấy tiếng mạch đập khi dòng máu chảy qua chỗ rò.
  • Triệu chứng tại mắt: Khi bị rò động tĩnh mạch màng cứng gần mắt, người bệnh có thể sẽ bị suy giảm thị lực, mắt sưng và đỏ, xoang xung huyết.
  • Đột quỵ: Tất cả các loại rò động tĩnh mạch, trong đó có rò động tĩnh mạch màng cứng có thể gây triệu chứng như đột quỵ, động kinh nếu mạch máu bị vỡ. Xuất huyết trong não có thể gây ra dị tật vĩnh viễn hoặc tử vong cho người bệnh.
  • Một số triệu chứng khác: Liệt dây thần kinh sọ; tăng áp lực nội sọ; tăng áp tĩnh mạch và thiếu hụt thần kinh cục bộ
Đau đỉnh đầu kèm trí nhớ kém là bệnh gì?
Đau đầu là triệu chứng điển hình nhất với tất cả các loại bệnh rò động tĩnh mạch màng cứng

3. Nguyên nhân rò động tĩnh mạch màng cứng

Hầu hết các trường hợp rò động tĩnh mạch màng cứng đều không rõ nguyên nhân. Ở những bệnh nhân có nguyên nhân tiền căn, hầu hết xảy ra do kết quả của quá trình hình thành vi mạch gây ra bởi huyết khối xoang màng cứng trước đây. Các nguyên nhân khác bao gồm: Chấn thương và phẫu thuật não trước đó hoặc một số bệnh nhân có rò không rõ nguyên nhân có huyết khối không tiền triệu, đặc biệt là tình trạng tiền huyết khối do di truyền như thiếu hụt antithrombin, protein C và thiếu protein S có liên quan đến rò động tĩnh mạch màng cứng.

  • Trên và cạnh lều: Gồm động mạch giữa màng não, động mạch thái dương nông
  • Sàn sọ trước: Nhánh sàng của động mạch mắt
  • Xoang hang: động mạch thân màng não hố yên và Động mạch thân bên dưới; động mạch màng não phụ
  • Sàn sọ sau: gồm các động mạch cột sống, chẩm và động mạch hầu lên

4. Chẩn đoán điều trị bệnh rò động tĩnh mạch màng cứng

4.1. Chẩn đoán bệnh rò động tĩnh mạch màng cứng

Những phương pháp sau thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh rò động tĩnh mạch màng cứng, giúp xác định kích thước, vị trí và mô hình dòng máu chảy. Cụ thể:

  • Chụp cắt lớp vi tính: Tia X được sử dụng để tạo hình ảnh 3 chiều của não và xác định chỗ chảy máu hoặc xuất huyết. Để có hình ảnh mạch máu chính xác hơn, chụp mạch máu não và chụp cộng hưởng từ thường được chỉ định.
  • Chụp cộng hưởng từ mạch máu: Phương pháp này sẽ sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ để tạo ra hình ảnh chi tiết của mạch máu. Việc sử dụng từ trường mạnh sẽ tạo ra hình ảnh 3 chiều của não nhằm phát hiện, chẩn đoán và hỗ trợ điều trị rò động tĩnh mạch màng cứng cũng như rối loạn mạch máu khác. Có thể sẽ tiêm thuốc nhuộm vào tĩnh mạch trong một số trường hợp.
  • Chụp X quang mạch máu não: Đây là phương pháp quan trọng nhất để chẩn đoán rò động tĩnh mạch màng cứng, bởi chụp X quang sẽ cho thấy cấu trúc của mạch máu. Khi tiến hành, thuốc nhuộm sẽ được tiêm vào động mạch cấp máu cho não để chảy trong mạch máu đến não và sẽ biểu hiện vị trí tắc nghẽn hay rò rỉ của tĩnh mạch.
chụp X-quang tư thế Chaussé III
Chụp X quang mạch máu não là phương pháp quan trọng nhất để chẩn đoán rò động tĩnh mạch màng cứng

4.2. Điều trị bệnh rò động tĩnh mạch màng cứng

Việc điều trị bệnh rò động tĩnh mạch màng cứng còn phải phụ thuộc vào các mạch máu có liên quan, loại rò, biểu hiện trực tiếp của triệu chứng do rò, tuổi tác và các bệnh hiện đang có trên bệnh nhân. Các phương pháp điều trị chủ yếu gồm:

  • Điều trị cao cấp như borden loại II và III, Cognard loại IIb-V: Phương pháp này có tỷ lệ tử vong ở người bệnh mỗi năm khoảng 10% và nguy cơ xuất huyết nội sọ nên cần phải cân nhắc dùng khi điều trị.
  • Điều trị bảo tồn như Borden loại I và Cognard loại I và IIa
  • Phương pháp tiếp cận gây tắc mạch: Phương pháp này làm giảm lưu lượng máu đến chỗ rò bằng cách làm nghẽn các mạch máu xung quanh vị trí đó. Khi thực hiện phương pháp này, lỗ rò được làm đầy bằng các cuộn dây, keo hoặc khối cầu được thiết kế đặc biệt nhằm chặn mạch máu.
  • Xạ phẫu đích: Trong trường hợp, có một số lỗ rò sẽ không thể hoàn toàn bị tắc nghẽn bởi phương pháp gây tắc mạch nên có thể phải phẫu thuật để phân tách hoặc đóng chúng. Trường hợp này, các bác sĩ sẽ đóng lỗ rò bằng phương pháp dao Gamma hoặc xạ phẫu đích.
  • Nội mạch: Kỹ thuật nội mạch là một phương pháp xâm lấn tối thiểu được thực hiện qua các mạch máu. Phương pháp này được phát triển để điều trị rò động tĩnh mạch màng cứng một cách an toàn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan