Bệnh ái kỷ: Những điều cần biết

Bệnh ái kỷ là một rối loạn tâm thần với tỷ lệ mắc ở nam cao hơn ở nữ. Bệnh thường khởi phát ở độ tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành. Bệnh ái kỷ tuy không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống của bệnh nhân. Tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng của bệnh ái kỷ sẽ giúp chúng ta sớm phát hiện bệnh và liệu pháp điều trị kịp thời.

1. Bệnh ái kỷ là gì?

Bệnh ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách ái kỷ hay còn gọi là chứng yêu bản thân thái quá là một bệnh lý tâm thần. Bệnh nhân mắc bệnh lý này chỉ quan tâm đến bản thân, luôn mong muốn người khác ngưỡng mộ và tôn trọng mình nhưng lại thiếu sự đồng cảm với người khác. Bệnh lý này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh ái kỷ xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới và thường bắt đầu ở độ tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành. Bệnh nhân mắc bệnh ái kỷ thường có hành vi kiêu ngạo, thiếu đồng cảm với mọi người và chỉ muốn được mọi người ngưỡng mộ. Những người ái kỷ thường được mô tả là những người tự phụ, luôn xem bản thân là trung tâm. Họ cũng có tính cách thất thường và luôn tin rằng mình xứng đáng được đối xử đặc biệt. Những rối loạn nhân cách có liên quan bao gồm: rối loạn chống đối xã hội, ranh giới, kịch tính. Tự kiêu là mức độ nhẹ hơn của bệnh tâm lý ái kỷ. Người tự kiêu thường ra vẻ tự phụ, ích kỷ, thích kiểm soát và có một tình yêu huyễn hoặc với bản thân.

2. Triệu chứng thường gặp của bệnh ái kỷ

Bệnh nhân mắc bệnh ái kỷ thường có các triệu chứng bao gồm:

  • Không muốn bị người khác nhắc nhở, phê bình. Phản ứng thái quá khi nhận được những lời nhận xét, góp ý từ ai đó. Họ cũng có thể rút lui hoặc chấp nhận một cách hình thức tình huống này để bảo vệ cảm giác tự trọng của bản thân. Bên cạnh đó, họ cũng có xu hướng né tránh những tình huống mà họ có thể thất bại.
  • Khoác lác về năng lực của bản thân. Tự xem mình là nhân vật quan trọng, luôn mong muốn trở thành trung tâm, muốn được mọi người chú ý và ngưỡng mộ.
  • Lợi dụng người khác để đạt được mục đích của mình.
  • Thiếu sự đồng cảm với người khác.
  • Ảo tưởng về sự những thành tựu của bản thân và nhạy cảm quá mức với những thất bại của mình.
  • Bệnh nhân ái kỷ cảm thấy chỉ nên kết nối với những người đặc biệt và tài năng như họ và xem thường những người họ cho là bình thường. Họ tin rằng sự kết hợp với những người tài giỏi sẽ hỗ trợ và nâng cao lòng tự trọng của họ.
  • Đánh giá quá cao về thành tựu của bản thân và đánh giá thấp giá trị và thành tựu của người khác.
  • Những người ái kỷ thường tỏ ra tự cao tự đại. Những nghiên cứu mới nhất đưa ra những bằng chứng cho rằng người ái kỷ có thể phô trương cả bên trong lẫn bên ngoài. Người ái kỷ thường có vẻ ngoài rất lôi cuốn và thu hút ánh nhìn vậy nên họ có lợi thế trong lần gặp gỡ đầu tiên. Tuy vậy, về lâu dài thì người ái kỷ sẽ dần trở nên u uất, đặc biệt là về phương diện xã hội (khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ lâu dài).

3. Nguyên nhân gây bệnh ái kỷ là gì?

Hiện nay, nguyên nhân gây ra bệnh ái kỷ vẫn chưa thật sự rõ ràng. Có nhiều giả thiết cho rằng gen di truyền đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách ái kỷ (khoảng 50%). Bên cạnh đó, ảnh hưởng của môi trường cũng góp phần hình thành nhân cách ái kỷ. Các yếu tố khác như yếu tố văn hóa cũng có thể dẫn tới bệnh ái kỷ. Các vấn đề về tâm sinh lý cũng có thể là một nguyên nhân gây ra bệnh tâm lý ái kỷ như bị ngược đãi, bỏ bê hoặc nuông chiều và khen ngợi quá mức...

4. Cách điều trị bệnh ái kỷ như thế nào?

Trên thực tế, bệnh tâm lý ái kỷ là một trong những bệnh tâm lý có tỷ lệ mắc không cao. Tuy nhiên, bệnh lý ái kỷ đang dần dần gia tăng trong bối cảnh hiện nay. Nhìn chung, rối loạn nhân cách ái kỷ rất khó chữa trị. Nguyên nhân có thể là vì người mắc bệnh không nghĩ rằng họ bị bệnh và không tự đi tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia.

Phương thức chữa bệnh phổ biến nhất là liệu pháp tâm lý, hướng dẫn bệnh nhân suy nghĩ tốt hơn, tích cực hơn. Các chuyên gia tâm thần sẽ giúp người bệnh có cái nhìn sâu sắc về bản thân họ, giải đáp tại sao họ lại có thái độ và hành vi như vậy để giúp cải thiện hành vi, suy nghĩ của bệnh nhân. Thực tế, không có loại thuốc nào có thể chữa được bệnh ái kỷ. Liệu pháp tâm lý cá nhân là cách điều trị bệnh ái kỷ tốt nhất được các bác sĩ tâm thần sử dụng. Bố mẹ hoặc người thân trong gia đình nên thường xuyên trò chuyện hàng ngày với bệnh nhân để tạo mối quan hệ thân mật.

Ngoài ra, còn có một phương pháp điều trị ái kỷ khác gọi là phương pháp nhận thức hành vi. Phương pháp này giúp phát hiện ra suy nghĩ và hành vi không lành mạnh, đồng thời thay thế bằng những hành động và suy nghĩ tích cực hơn. Liệu pháp nhận thức-hành vi có thể phù hợp với bệnh nhân bị ái kỷ bởi vì nhu cầu được khen ngợi có thể cho phép một nhà trị liệu định hình hành vi của họ. Một số bệnh nhân bị chứng rối loạn nhân cách ái kỷ nhận thấy liệu pháp nhận thức-hành vi quá đơn giản hoặc chung chung cho các nhu cầu đặc biệt của họ.

Bên cạnh đó, thuốc chống trầm cảm đôi khi được dùng ở bệnh nhân ái kỷ có triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu. Bệnh nhân ái kỷ cũng cần áp dụng những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh bao gồm: chế độ sinh hoạt phù hợp, giảm bớt các tương tác trên mạng xã hội, tránh xa những tin tức tiêu cực, giảm căng thẳng bằng cách thiền, tập yoga hoặc thái cực quyền.

Tóm lại, bệnh ái kỷ là một rối loạn tâm thần có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và công việc của bệnh nhân. Đây là một bệnh lý khó điều trị, đòi hỏi sự hợp tác tích cực từ bệnh nhân, người nhà và chuyên gia tâm lý. Bạn nên tìm hiểu về bệnh lý này để sớm nhận ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh. Để từ đó có những phương pháp điều trị phù hợp. Hãy đến cơ sở y tế hoặc tìm gặp các chuyên gia tâm thần nếu bạn nghĩ đến việc làm hại bản thân hoặc người khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

132.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan