Bài tập vật lý trị liệu liệt nửa người

Tai biến mạch máu não để lại nhiều di chứng nặng nề, khó hồi phục cho người bệnh như liệt nửa người, rối loạn sử dụng ngôn ngữ và thị giác, rối loạn cảm xúc. Việc áp dụng các bài tập vật lý trị liệu sẽ giúp người bệnh phục hồi chức năng cơ bản để sinh hoạt, làm việc. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số bài tập vật lý trị liệu liệt nửa người.

1. Mức độ nguy hiểm của tai biến mạch máu não

Đây là tình trạng khi các mạch máu não bị tắc hoặc vỡ. Ngày nay, căn bệnh này trở nên phổ biến và gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Tuy nhiên nhiều người cho rằng tai biến mạch máu não - hay còn gọi là đột quỵ chỉ xảy ra ở người già hoặc những người có nguy cơ cao về các bệnh lý tim mạch.

Tuy nhiên theo các nghiên cứu thì đột quỵ cũng có thể xuất hiện ở người trẻ tuổi. Thậm chí là ngay cả ở những trung niên và thanh niên. Nguyên nhân là do lối sống sinh hoạt của giới trẻ đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh như hút thuốc, sử dụng chất kích thích, ăn quá nhiều thức ăn nhiều dầu mỡ...

Đột quỵ diễn ra chỉ trong một thời gian rất ngắn, vài phút, vài giờ, thậm chí chỉ vài giây. Tiến triển của bệnh diễn ra một cách thầm lặng. Người bệnh bị đột quỵ thường xuất hiện các triệu chứng khá mơ hồ, chung chung rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như đau đầu dữ dội, liệt người, buồn nôn, chóng mặt... hay gặp vấn đề về sử dụng ngôn ngữ khi giao tiếp.

Trường hợp người bệnh không được cấp cứu kịp thời trong “giờ vàng” thì nguy cơ tử vong khá cao. Dù được cứu sống sau đó người bệnh cũng sẽ phải gánh chịu những di chứng nặng nề do bệnh để lại. Mức độ của các di chứng phụ thuộc vào vị trí, kích thước của tổn thương não và thời gian được cấp cứu sau cơn đột quỵ xảy ra.

Nếu đột quỵ xảy ra ở các mạch máu vùng bán cầu não trái có thể ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, trí nhớ và liệt vận động ở phần cơ thể phía bên phải. Trong khi nếu đột quỵ xảy ra ở vùng não phải thì có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận biết không gian, nhận thức cũng như liệt vận động ở phần cơ thể bên trái.

Liệt nửa người sau tai biến mạch máu não là một trong những hậu quả thường gặp nhất. Khả năng vận động của người bệnh sau xảy ra tai biến thường được quan tâm nhất. Tuy nhiên trong những năm gần đây, các bác sĩ lâm sàng chuyên điều trị bệnh tai biến đã chú trọng hơn về khả năng sử dụng ngôn ngữ cũng như rối loạn cảm xúc để giúp người bệnh nâng cao chất lượng sống toàn diện.

2. Vật lý trị liệu – giải pháp thiết yếu giúp người bệnh hồi phục sau tai biến mạch máu não

Tai biến liệt nửa người có hồi phục được không? Đây là di chứng thường gặp nhất ở người bị đột quỵ. Khả năng phục hồi và mức độ phục hồi của người bệnh sống sót sau đột quỵ còn phụ thuộc vào kích thước và vị trí tổn thương não.

Tiến trình hồi phục của mỗi người bệnh sau tai biến sẽ khác nhau, vì vậy mỗi người bệnh cần được đánh giá tình trạng và xây dựng kế hoạch phục hồi chức năng phù hợp với mức độ thương tổn ở não do bệnh gây ra.

Việc áp dụng các bài tập vật lý trị liệu nhằm mục đích như sau:

  • Hạn chế các bệnh lý thứ phát và tàn tật thứ phát.
  • Giúp người bệnh có khả năng tự di chuyển và đi lại trong khả năng cho phép, bao gồm cả việc hướng dẫn người bệnh sử dụng một số dụng cụ, thiết bị hỗ trợ như xe lăn, nạng.
  • Giúp người bệnh thực hiện các hoạt động sinh hoạt cá nhân như đánh răng, tắm rửa, vệ sinh, mặc quần áo...
  • Giúp người bệnh thích nghi với các di chứng còn lại.
  • Giúp người bệnh trở lại công việc như trước hoặc có thể có công việc mới phù hợp với khả năng hiện tại.

Để quá trình hồi phục có hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ một số nguyên tắc tập vật lý trị liệu liệt nửa người bao gồm:

  • Người bệnh nên bắt đầu tập sớm sau khi bệnh đã ổn định, mỗi giai đoạn sẽ có những bài tập khác nhau.
  • Hướng dẫn người bệnh tập luyện trong phạm vi khả năng của họ, hỗ trợ khi cần thiết. Tùy theo khả năng hồi phục để giảm bớt mức độ trợ giúp để người bệnh có thể tự chủ hơn.
  • Sau khi bệnh đã ổn định, người bệnh nên bắt đầu bằng những bài tập với các tư thế và vị trí khác nhau từ đơn giản đến phức tạp dần, từ dễ đến khó. Giúp người bệnh có thể rời giường càng sớm càng tốt nếu khả năng bệnh lý cho phép.
  • Sau khi xuất viện, người bệnh cũng cần được tiếp tục chương trình phục hồi chức năng tại nơi ở để giúp tái hòa nhập cộng đồng nhanh chóng.

3. Một số bài tập vật lý trị liệu liệt nửa người

Bao gồm các bài tập ở các tư thế khác nhau:

3.1. Các bài tập ở tư thế nằm:

Các bài tập cho toàn thân:

  • Tập lăn nghiêng sang phía bên liệt: Dùng tay phía bên không liệt nắm lấy cạnh giường bên liệt, dùng chân không liệt để tự xoay mình.
  • Tập lăn người bên liệt nghiêng qua bên lành: Người bệnh dùng tay lành giữ lấy tay liệt đưa sang bên cơ thể và dùng tay lành giữ thành giường bên không liệt, đưa bàn chân lành xuống dưới cổ chân liệt rồi làm động tác xoay người.
  • Tập trồi lên: người bệnh nằm ngửa, chân lành gập, hông và gập gối, tay lành giữ thành giường nâng mạnh người lên.
  • Tập trồi xuống: Ở tư thế nằm ngửa, người bệnh gập hông và gập gối bên lành, tay lành giữ thành giường ấn mạnh xuống, rồi đẩy cả thân mình xuống dưới. Tập ngồi không có trợ giúp: Ngồi bên lành được thực hiện người bệnh nằm ngửa, tay lành nâng tay liệt đặt lên bụng, bàn tay và khuỷu tay ấn mạnh xuống giường tự ngồi dậy.
  • Tập ngồi có sự hỗ trợ: Dùng một sợi dây buộc vào cuối chân giường, người bệnh đang ở tư thế nằm, cầm chắc đầu dây rồi kéo lên để ngồi dậy.
  • Tập ngồi dậy ở tư thế nằm nghiêng bên liệt: Dùng tay không liệt chống xuống giường gần chỗ vai liệt, đẩy mình lên đồng thời đẩy hai chân ra khỏi giường ngồi dậy.
  • Tập ngồi dậy ở tư thế nằm nghiêng bên lành: Nâng tay liệt ngang qua thân mình, đẩy mình lên bằng tay không liệt đồng thời đẩy 2 chân ra khỏi giường và ngồi dậy

Các bài tập cho tay liệt

  • Dùng tay lành để vận động lên xuống cho tay liệt.
  • Tập các động tác gấp duỗi vai phía bên liệt ở các tư thế khác nhau.

Các bài tập với hông và chân

  • Tập đưa người về phía chân liệt
  • Tập động tác làm cầu nối bằng 2 chân, sau đó chỉ tập với bên liệt.
  • Tập gấp duỗi chân liệt
  • Tập động tác gấp duỗi ở khớp hông bên liệt khi khớp gối đang ở tư thế gấp.
  • Tập động tác tứ thế dạng, khép khớp háng bên liệt trong khi khớp gối đang ở tư thế gấp.

3.2. Các bài tập vận động ở tư thế ngồi:

Tập ngồi chuyển trọng lượng lần lượt sang 2 bên mông: Kết hợp với việc điều chỉnh thân mình cho cân cả hai bên, giữ thăng bằng ở tư thế ngồi thẳng đứng, rồi tập nghiêng mình sang phía bên liệt, rồi sang bên lành.

Tập chân liệt ở tư thế ngồi:

  • Tập ngồi bắt chéo chân bên liệt sang chân bên lành
  • Dậm gót chân xuống sàn nhà
  • Tập đẩy người về phía trước giúp cho việc tập đứng lên.
  • Tập đứng lên khi ở tư thế ngồi trên giường, ghế hoặc xe lăn

3.3. Các bài tập ở tư thế đứng và đi.

  • Tập đứng và giữ thăng bằng bằng cách đứng giữ vững bằng 2 tay với 2 thanh song song rồi dồn sức nặng cơ thể lên 2 chân.
  • Tập đứng dậy và đẩy toàn bộ cơ thể lên mỗi chân.
  • Tập đi: thực hiện đi trong 2 thanh song song, ngoài 2 thanh song song, tập đi lên đi xuống cầu thang.

3.4. Tập các động tác tự chăm sóc bản thân

Tập cách đánh răng, tắm, vệ sinh cơ thể, mặc áo quần.... để người bệnh có thể chủ động thực hiện theo nhu cầu hàng ngày.

Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích về các bài tập vật lý trị liệu dành cho người bệnh bị liệt nửa người sau tai biến. Người bệnh có thể chủ động thực hiện các bài tập trên dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên phục hồi chức năng nhằm cải thiện khả năng phục hồi các di chứng nhanh chóng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan