Ẩm mốc ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

Ẩm mốc từ môi trường sinh hoạt, học tập hoặc nấm mốc trong thực phẩm đều có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của con người, gây dị ứng, bệnh hô hấp với các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, đau khớp,...

1. Ẩm mốc có tác hại gì?

1.1 Tác hại của ẩm mốc trong môi trường sống

Nấm mốc thường phát triển trong điều kiện ẩm ướt, ấm áp, chủ yếu là xung quanh vòi hoa sen, máy rửa bát, máy giặt, trong phòng bếp,... Nấm mốc sinh sản bằng cách tự phân đôi, tạo ra các bào tử và phát tán vào không khí. Đây cũng là thành phần chủ yếu của bụi trong nhà, nơi làm việc.

Khi hít phải nấm mốc, cơ thể có phản ứng tương tự như hít phải bụi, phấn hoa,... Các bào tử nấm mốc hình thành với số lượng lớn sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe như dị ứng, bệnh hô hấp với các triệu chứng như hắt hơi, nhức ngứa mắt, đau đầu, mệt mỏi, đau khớp, nổi mề đay, ho, hen suyễn, buồn nôn,... Một số loại nấm mốc còn sản sinh ra độc tố mycotoxin - gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người và động vật. Tiếp xúc với độc tố mycotoxin với nồng độ cao có thể dẫn đến các vấn đề về thần kinh, thậm chí gây tử vong.

Nhóm người có nguy cơ lớn gặp vấn đề về sức khỏe do ẩm mốc là trẻ em, người cao tuổi và người có sức đề kháng kém. Người mắc một số bệnh như xơ nang, viêm phổi mạn tính có thể bị nhiễm trùng hệ miễn dịch nếu hít phải một số loại nấm mốc.

Ẩm mốc trong môi trường sống
Ẩm mốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người

1.2 Tác hại của nấm mốc trong thực phẩm

Nấm mốc và các độc tố của chúng trong thực phẩm có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Khoa học đã chứng minh, nếu chúng ta ăn phải những loại thức ăn nhiễm nấm mốc thì có thể mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Các bệnh có thể ở dạng ngộ độc cấp tính nhưng phần lớn là ngộ độc mạn tính do cơ thể tích lũy lượng nhỏ độc tố nấm mốc trong thời gian dài.

Ước tính có khoảng gần 40% số loài nấm mốc được biết đến có thể sản sinh độc tố gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Các độc tố nấm có mức độ độc khác nhau nên khi xâm nhập vào cơ thể cũng sẽ gây ra các bệnh lý và triệu chứng khác nhau. Với những loại nấm mốc ít độc hoặc chỉ sử dụng với lượng nhỏ thì người bệnh chỉ bị ngộ độc nhẹ với những biểu hiện như nôn mửa, choáng váng, tiêu chảy,... Trong trường hợp tích lũy độc tố vi nấm trong cơ thể với thời gian dài thì có thể gặp phải một số bệnh lý nguy hiểm như suy thận do ochratoxin, ung thư gan do aflatoxin, ung thư buồng trứng do fumonisins,...

Độc tố nấm mốc có trong những loại thực phẩm sau:

Tiêu đau
Nấm mốc trong thực phẩm có thể gây tiêu chảy

  • Bánh chưng:

Bánh chưng nếu bị chua, mốc meo thì sẽ gây nguy hiểm khi ăn vào. Vì bánh chưng có độ ẩm cao, giàu chất dinh dưỡng nên đây chính là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển, dễ bị mốc.

Dưới tác dụng của men amilaza của một số loại nấm mốc, tinh bột chuyển thành đường glucoza và rượu ethylic, làm bánh bị vữa ở vị trí bị mốc, có vị cay, hăng mùi rượu. Một số chủng nấm mốc khác có khả năng lên men glucoza, mantoza tạo thành acid gluconic, acid fumatic,... làm bánh bị chua. Đáng chú ý, một số loại nấm mốc thuộc họ Aspergillus và họ Penicillium có thể tiết ra độc tố cho người ăn bánh. Vì vậy, không nên ăn bánh chưng bị mốc, chua, vữa, đắng,...;

  • Bánh ngọt, mứt hoa quả:

Nếu để lâu, bảo quản kém, bánh ngọt và mứt hoa quả dễ bị hỏng do vi sinh vật và nấm mốc. Trên bề mặt bánh ngọt nếu để lâu sẽ xuất hiện những loại nấm mốc khác nhau, làm bánh mất mùi vị, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Do đó, nếu bánh ngọt bị chảy nước, mất mùi vị, biến đổi màu sắc thì cần bỏ đi;

  • Lương thực, thực phẩm:

Nấm mốc có trong lạc, đậu nành, hạt hướng dương, hạt điều, gạo, ngô, sắn,... có thể gây nguy hại cho sức khỏe. Một trong những loại độc tố vi nấm gây nguy hiểm chính là Aflatoxin do nấm Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus có trong gạo, ngô, lạc, đậu,... bị ẩm mốc. Ngoài tác hại gây độc cấp tính, loại độc tố này còn tích lũy dần trong cơ thể, có thể gây bệnh ung thư. Độc tố Aflatoxin rất khó bị phân hủy bởi hóa chất hay nhiệt độ cao nên cần bỏ ngay khi thực phẩm bị mốc, không nên dùng chúng làm thức ăn.

Bánh chưng mốc
Bánh chưng mốc

2. Biện pháp chống ẩm mốc, bảo vệ sức khỏe

2.1 Phương pháp ngăn ẩm mốc trong môi trường sống

  • Nhanh chóng tìm ra và xử lý những vị trí bị ẩm ướt trong nhà càng sớm càng tốt. Cụ thể, gia chủ nên kiểm tra, khắc phục các chỗ dột trên mái nhà, những chỗ rò rỉ ở hệ thống nước, cửa sổ,...;
  • Giữ thông thoáng những khu vực ẩm ướt để tránh nấm mốc có cơ hội phát triển. Cần giữ thiết bị trong phòng tắm, nhà bếp khô thoáng, lau khô nước đọng, thường xuyên mở cửa sổ và lắp đặt quạt thông gió để hạn chế tình trạng ẩm mốc;
  • Hạn chế sử dụng những chất liệu dễ hút ẩm khi trang trí nội thất như thảm, rèm vải,...;
  • Nên phơi quần áo ngoài trời;
  • Chạy máy hút ẩm, đặt lọ hóa chất chống nấm mốc và túi hút ẩm,... trong những nơi kín đáo như ngăn tủ, ngăn kéo để giảm nấm mốc;
  • Định kỳ làm sạch điều hòa để đảm bảo thiết bị lâu bền và có khả năng hút ẩm, làm thoáng khí tốt;
  • Khi trang trí nhà cửa nên chọn loại sơn thân thiện với môi trường, sơn chống nấm mốc và thoáng khí;
  • Có thể sử dụng những nguyên liệu sẵn có như giấm trắng, baking soda, dầu trà, nước chanh, chiết xuất hạt chanh, vỏ cam, vôi sống,... để làm sạch những chỗ bị nấm mốc, ngăn nấm mốc phát triển.
Lau sạch và khử trùng các bề mặt hoặc vật liệu thường xuyên tiếp xúc bằng chất diệt khuẩn
Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa giúp ngăn ngừa nấm mốc

2.2 Phương pháp xử trí, phòng ngừa nấm mốc trong thực phẩm

  • Đảm bảo an toàn thực phẩm qua các khâu chế biến, bảo quản, lưu thông, phân phối và sử dụng;
  • Bảo quản thực phẩm khô ở nơi khô ráo, thoáng mát, cân nhắc bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đá tủ lạnh tùy từng loại thực phẩm;
  • Khi màu sắc, hình dạng, mùi vị của thực phẩm có dấu hiệu khác thường so với đặc trưng của thực phẩm hoặc nghi ngờ thực phẩm không đảm bảo an toàn thì cần loại bỏ, không nên sử dụng. Việc rửa các thực phẩm bị mốc vẫn không thể loại bỏ triệt để độc tố của nấm mốc;
  • Khi có biểu hiện nhiễm độc, ngộ độc thức ăn hoặc nghi ngờ bị ngộ độc sau khi sử dụng các loại thực phẩm nghi ngờ bị ẩm mốc thì người dùng cần phải ngừng sử dụng thức ăn đó, giữ toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, nước tiểu, phân,... để xét nghiệm và kịp thời đi cấp cứu;
  • Xử trí cấp cứu: Cho người bị ngộ độc nôn hết ra chất đã ăn vào, ngăn cản sự hấp thu của ruột với chất độc, đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày;
Bảo quản thực phẩm khô ở nơi khô ráo
Bảo quản thực phẩm khô ở nơi khô ráo

Ẩm mốc tồn tại trong môi trường sống hoặc các loại thực phẩm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con người. Vì vậy, để bảo vệ chính mình và những người xung quanh, mỗi người nên chú ý giữ vệ sinh môi trường và bảo quản thực phẩm đúng cách, ngăn chặn nguy cơ hình thành, phát triển của nấm mốc, vi sinh vật.

Video đề xuất:

Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

75.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan