Lý do khiến cơ thể mệt mỏi buồn ngủ

Cơ thể mệt mỏi buồn ngủ thường xuyên không những ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày mà còn tiềm tàng nhiều nguy cơ sức khỏe. Tình trạng này kéo dài còn có thể khiến cơ thể kiệt sức, mất khả năng lao động và học tập. Vậy cơ thể hay mệt mỏi buồn ngủ là bệnh gì?

1. Nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi buồn ngủ

1.1. Cơ thể mệt mỏi buồn ngủ do các vấn đề về tâm lý

Các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, lo âu thường xuyên có thể là gốc rễ của tình trạng cơ thể mệt mỏi hay buồn ngủ đau đầu.

Trầm cảm có xu hướng ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều gấp đôi so với nam giới, nhiều chị em bị trầm cảm sau khi sinh hoặc bị rối loạn cảm xúc vào mùa đông với triệu chứng phổ biến là cơ thể mệt mỏi buồn ngủ.

Đối với chứng lo âu còn có những biểu hiện khác như dễ kích động, khó ngủ, cảm thấy cơ thể luôn trong tình trạng cảnh giác, lo lắng. Khi bệnh nhân bị trầm cảm còn thấy chán nản gần như cả ngày kèm theo ăn quá nhiều hoặc quá ít, ngủ quá nhiều hoặc không thể ngủ được, tuyệt vọng...

Nếu bạn cảm thấy cơ thể mệt mỏi buồn ngủ kèm theo các dấu hiệu tâm lý bất thường, hãy đi khám bác sĩ tham khảo chuyên gia tâm lý.

cơ thể mệt mỏi buồn ngủ
Cơ thể mệt mỏi buồn ngủ thường xuyên tiềm tàng nhiều nguy cơ sức khỏe

1.2. Cơ thể mệt mỏi buồn ngủ do thiếu máu

Phụ nữ đang ở độ tuổi sinh sản rất dễ bị thiếu máu, đặc biệt là những người vừa phẫu thuật. Thiếu máu có thể do thiếu sắt, thiếu axit folic, thiếu vitamin B12 hoặc do các bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh thận... dẫn đến tình trạng cơ thể mệt mỏi buồn ngủ thường xuyên. Mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể dẫn tới thiếu sắt.

Có thể chẩn đoán chính xác thiếu máu bằng các xét nghiệm máu. Nếu thiếu máu do thiếu sắt dẫn đến mệt mỏi, nên bổ sung sắt hoặc các loại thực phẩm giàu chất sắt vào chế độ ăn uống hàng ngày. Ngoài ra, nên bổ sung vitamin C trong bữa ăn để sắt được hấp thu tốt hơn.

1.3. Các bệnh lý mạn tính khiến cơ thể mệt mỏi hay buồn ngủ đau đầu

Mệt mỏi còn là triệu chứng của rất nhiều các bệnh mạn tính như viêm khớp, bệnh lý tim mạch, mất ngủ, suy giáp, hạ natri máu, đái tháo đường...

Ở những người mắc đái tháo đường, nồng độ đường trong máu cao bất thường trong khi các tế bào không được cung cấp đủ đường đế biến thành năng lượng cho cơ thể. Kết quả là người bệnh luôn thấy cơ thể mệt mỏi buồn ngủ mặc dù vẫn ăn uống đầy đủ. Vì vậy khi mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân, bạn nên đi khám và thực hiện các xét nghiệm đái tháo đường.

Cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ trong các công việc hàng ngày như dọn dẹp nhà cửa hoặc khi làm vườn có thể là dấu hiệu tim không hoạt động tốt. Nếu bạn cảm thấy ngày càng khó khăn hơn khi thực hiện các công việc hàng ngày thì nên đi khám tầm soát tim mạch.

Sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh như thuốc kháng histamin, thuốc an thần, thuốc ngủ... cũng có thể gây ra tác dụng phụ cơ thể mệt mỏi buồn ngủ. Những loại thuốc này nào có nhãn cảnh báo không được lái xe hoặc vận hành máy móc sau khi sử dụng nên cần được chú ý tuân thủ.

Nếu luôn cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để điều trị các bệnh mãn tính cũng như có phác đồ dùng thuốc cho phù hợp, không để mệt mỏi buồn ngủ kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và chất lượng sống. Khi đó bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc thay thế không có hoặc ít có tác dụng phụ khiến cơ thể mệt mỏi buồn ngủ hoặc điều chỉnh lại liều lượng thuốc hiện tại.

cơ thể mệt mỏi buồn ngủ
Cơ thể mệt mỏi buồn ngủ có thể do ngủ không đủ giấc

1.4. Cơ thể thiếu vitamin gây mệt mỏi buồn ngủ thường xuyên

Thiếu hụt vitamin cũng có thể là nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi buồn ngủ, tình trạng này thường liên quan đến hàm lượng vitamin D, vitamin B12, magie, kali... Chúng ta nên thực hiện các xét nghiệm máu định kỳ để xác định cơ thể đang thiếu hụt loại vitamin nào, từ đó có kế hoạch bổ sung và tăng cường các loại thực phẩm nhất định. Khi bạn có được một chế độ dinh dưỡng cân bằng, hệ miễn dịch sẽ khỏe mạnh hơn, giảm thiểu mệt mỏi.

1.5. Ngủ không đủ giấc

Đây là nguyên nhân dễ hiểu nhất khiến nhiều người thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Ngủ không đủ giấc làm giảm sự tập trung trong các hoạt động sống hàng ngày. Người trưởng thành nên dành 7 – 8 tiếng/đêm cho giấc ngủ.

Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, chúng ta cố gắng hoàn thành xong công việc để đi ngủ sớm, tránh xa thiết bị điện tử khi chuẩn bị đi ngủ...

1.6. Chứng ngưng thở khi ngủ

Chứng ngưng thở khi ngủ là một loại rối loạn được biểu hiện bởi sự ngừng thở trong lúc ngủ, tuy nhiên hầu hết người bệnh không hề hay biết. Mặc dù ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi đêm nhưng cơ thể vẫn cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày. Để khắc phục tình trạng này, người bệnh cần đến khám với các bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được điều trị. Ngoài ra nên nên giảm cân nếu đang béo phì, bỏ thuốc lá, sử dụng máy thở áp lực dương liên tục nếu có chỉ định.

1.7. Không cung cấp đủ năng lượng khiến cơ thể mệt mỏi buồn ngủ

Ăn quá ít là nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi buồn ngủ. Mặt khác việc tiêu thụ những thực phẩm không lành mạnh cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe. Một chế độ ăn uống cân bằng giúp lượng đường trong máu ở mức bình thường, ngăn ngừa tình trạng mệt mỏi, uể oải khi lượng đường bị hạ xuống. Luôn duy trì thói quen ăn sáng, trong mỗi bữa ăn đều đảm bảo ăn đầy đủ lượng protein và carbohydrate. Các bữa ăn vặt hoặc ăn nhẹ lành mạnh cũng giúp ích nhiều để duy trì năng lượng cho cơ thể.

1.8. Cơ thể mệt mỏi buồn ngủ do lạm dụng caffeine

Caffeine có thể cải thiện sự tỉnh táo, tăng cường sự tập trung nếu dùng ở liều vừa phải. Việc tiêu thụ số lượng lớn caffeine dẫn đến tăng nhịp tim, tăng huyết áp, gây bồn chồn và một số nghiên cứu chứng minh có thể khiến cơ thể mệt mỏi buồn ngủ.

Những người có thói quen lạm dụng caffeine có thể khắc phục bằng cách cắt giảm dần các loại đồ ăn, thức uống có chứa chất này như cà phê, trà, sôcôla, nước ngọt và một số loại thuốc. Lưu ý không nên ngừng đột ngột vì có thể dẫn đến một số tác dụng phụ, trong đó bao gồm cả dấu hiệu cơ thể mệt mỏi.

1.9. Dị ứng thức ăn khiến cơ thể mệt mỏi buồn ngủ

Một số bác sĩ cho rằng dị ứng thức ăn khiến cơ thể mệt mỏi, hay buồn ngủ, đau đầu. Nếu thường xuyên cảm thấy mệt hơn sau khi ăn uống, bạn có thể bị dị ứng nhẹ với các loại thực phẩm đã tiêu thụ. Tình trạng dị ứng nhẹ này không đủ để gây ngứa hoặc phát ban trên da nhưng lại khiến cơ thể mệt mỏi.

Người hay bị mệt mỏi sau ăn nên tạm thời ngừng ăn các loại thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng và theo dõi sức khỏe. Ngoài ra, bạn có thể thăm khám với bác sĩ chuyên khoa dị ứng miễn dịch lâm sàng để được khẳng định có bị dị ứng thực phẩm hay không.

cơ thể mệt mỏi buồn ngủ
Ăn quá ít là nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi buồn ngủ

1.10. Hội chứng mệt mỏi mãn tính và đau xơ cơ

Nếu cơ thể mệt mỏi buồn ngủ kéo dài trên 6 tháng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động hàng ngày thì nguyên nhân có thể do hội chứng mệt mỏi mãn tính và đau cơ xơ. Mặc dù 2 bệnh lý trên đều kèm theo nhiều triệu chứng khác nhưng cơ thể mệt mỏi buồn ngủ là một trong những biểu hiện chính, đặc biệt khi không thể giải thích do một nguyên nhân khác. Để khắc phục, người bệnh có thể thay đổi lịch trình hàng ngày, luyện tập thói quen ngủ tốt và xây dựng chế độ tập luyện thể dục nhẹ nhàng...

2. Một số biện pháp cải thiện tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ

Một số bí quyết dưới đây sẽ giúp người hay bị mệt mỏi buồn ngủ ban ngày dễ dàng đi vào giấc ngủ mỗi đêm:

  • Xây dựng và duy trì thói quen ngủ đều đặn: Bạn nên cố gắng tạo thói quen đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm, kết hợp thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng, kể cả ngày cuối tuần;
  • Hạn chế ngủ trưa: Cơ thể cần một thời lượng ngủ nhất định trong vòng 24 giờ. Thói quen ngủ trưa có thể có lợi nhưng đôi khi nó lại làm giảm thời gian ngủ trong ngày, dẫn đến khó ngủ vào ban đêm và giấc ngủ đứt quãng;
  • Giới hạn thời gian thức trên giường: Mỗi khi lên giường ngủ, chúng ta nên cố gắng ngủ trong vòng 5 – 10 phút. Nếu vẫn cảm thấy khó ngủ, bạn hãy thử ra khỏi giường và làm một việc khác (chẳng hạn như đọc sách) cho đến khi cảm thấy buồn ngủ thì mới quay trở lại giường;
  • Tạo môi trường giúp ngủ dễ chịu: Phòng ngủ phải đủ yên tĩnh, đủ tối và có nhiệt độ thoải mái. Ánh sáng trong phòng là yếu tố có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, tương tự nhiệt độ phòng mát mẻ sẽ thúc đẩy giấc ngủ dễ dàng hơn;
  • Hạn chế đồ uống chứa caffeine: Hạn chế uống sau buổi trưa. Tác dụng kích thích của caffeine có thể kéo dài trong nhiều giờ sau khi uống và gây mất ngủ;
  • Tránh thuốc lá và rượu bia trước khi ngủ: Thói quen hút thuốc lá và uống rượu trước khi đi ngủ có thể khiến giấc ngủ bị gián đoạn.

Khi cơ thể mệt mỏi hay buồn ngủ đau đầu bạn có thể áp dụng các biện pháp trên để cải thiện tình trạng sức khỏe. Từ đó, giảm được ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và phòng ngừa các bệnh lý khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

141.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan