Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp và Gây mê, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Sỏi thận (hay sạn thận) là loại sỏi hình thành trên đường tiết niệu. Đây là hệ quả của sự kết tinh chất khoáng trong nước tiểu và lắng đọng lại tại thận, lâu ngày kết tụ tạo thành sỏi. Sỏi thận có thể không có triệu chứng và tự đào thải ra ngoài. Tuy nhiên sỏi to lại có nguy cơ gây tắc nghẽn, gây ra những cơn đau quặn thận kinh hoàng.
1. Sự hình thành của sỏi thận
Hầu hết các loại sỏi thận đều không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, bằng cách kết hợp những phần tử nhỏ bé lại với nhau, theo thời gian, sỏi thận sẽ lớn dần lên và gây ra triệu chứng đau, điển hình là các cơn đau quặn thận dữ đội. Có năm loại thành phần hóa học chính cấu thành sỏi thận là canxi oxalate, canxi photphat, struvite, axit uric và cysteine. Trong đó, các sỏi thận có thành phần hóa học là canxi oxalate là phổ biến nhất.
Sự hình thành sỏi thận dựa trên nồng độ cao các tinh thể. Ví dụ như tinh thể canxi oxalate được lọc qua thận rồi vào nước tiểu. Tại đây, chúng nhanh chóng gắn kết lại với nhau và hình thành tinh thể. Có hai loại tinh thể cơ bản:
- Loại đồng nhất là loại tinh thể bao gồm các phân tử bao quanh một nhân cùng cấu trúc.
- Loại không đồng nhất là loại tinh thể bao gồm các phân tử bao quanh một nhân với cấu trúc khác, chẳng hạn như là mảnh vỡ của tế bào.
Sỏi thận được hình thành khi lượng nước tiểu quá ít hay nồng độ các chất khoáng kể trên trong nước tiểu tăng cao, lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Những tinh thể này được tạo ra thông qua quá trình lọc máu tại các ống thận hình thành nước tiểu. Chúng thường lắng đọng tại nhú thận vì đây là nơi các tinh thể sẽ trải qua giai đoạn gắn kết với nhau. Theo thời gian, tinh thể sẽ càng ngày càng lớn dần, tạo thành viên sỏi và được giữ lại thận cũng như tiếp tục phát triển.
2. Diễn biến của sỏi thận
Sỏi thận thường được thải ra theo dòng nước tiểu nhưng trong thời gian đầu, hầu hết các bệnh nhân đều không cảm nhận được sự hiện diện của sỏi thận vì sỏi còn quá nhỏ. Nhưng khi viên sỏi lớn dần đạt kích thước từ 4 đến 5 mm, thì chúng không đi qua được các đoạn hẹp giải phẫu của ống niệu quản. Do đó, các cạnh sắc bén trên bề mặt sỏi có thể làm chúng tắc nghẽn trong lòng niệu quản ở bất kỳ vị trí nào. Đặc biệt là tại đoạn hẹp của niệu quản khi bắt chéo với động mạch chậu trước khi dẫn vào bàng quang, sỏi kẹt sẽ gây ra cơn đau dữ dội cho đến khi sỏi rơi vào trong bàng quang và được đào thải ra ngoài khi đi tiểu.
78% các trường hợp sỏi sẽ được thải ra ngoài một cách tự nhiên mà không cần phải can thiệp đặc hiệu gì. Tuy nhiên, khi sỏi bị mắc kẹt lại trong niệu quản, các nhà phẫu thuật niệu khoa sẽ cần phải thực hiện tán sỏi hay phải mổ để lấy sỏi ra ngoài.
Một trong những phương pháp tán sỏi mang lại hiệu quả cao, ít xâm lấn và được ứng dụng nhiều làNội soi tán sỏi thận laser bằng ống soi mềm. Phương pháp này có ưu điểm nổi bật là giúp bảo tồn tối đa chức năng thận, giúp bệnh nhân ít đau, nhanh hồi phục và không để lại sẹo do phẫu thuật hoàn toàn theo đường tự nhiên. Đây là phương pháp điều trị sỏi thận tiên tiến và đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ thực hiện được ở các bệnh viện lớn. Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã đưa vào triển khai phương pháp này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
3. Nguyên nhân gây sỏi thận
Nhiều giả thiết đã được đặt ra để giải thích cho sự lắng đọng tinh thể - nguyên nhân gây ra bệnh sỏi thận.
- Uống nước không đủ khiến nước tiểu quá cô đặc, nồng độ các tinh thể trở nên bão hòa trong nước tiểu.
- Những dị dạng bẩm sinh hay do mắc phải của đường tiết niệu khiến cho nước tiểu không thể thoát ra được, mà tích trữ đọng lại, lâu dần tạo thành sỏi thận.
- Những bệnh nhân bị phì đại tiền liệt tuyến, u xơ, túi thừa trong bàng quang làm cho nước tiểu bị đọng lại ở khe kẽ.
- Sau chấn thương nặng không thể đi lại mà chỉ nằm một chỗ.
- Bị nhiễm trùng vùng sinh dục tái đi tái lại, làm cho vi trùng có cơ hội xâm nhập gây tình trạng viêm đường tiết niệu dai dẳng, về lâu dần sẽ tạo ra mủ và lắng đọng các chất bài tiết, hình thành nên sỏi thận.
- Chế độ ăn uống nhiều oxalate, canxi, dùng lâu dài một số loại thuốc như acetazolamide, thuốc lợi tiểu quai, thiazide, glucocorticoids, theophyline, vitamin D, vitamin C..
Sỏi thận là bệnh thường gặp nhưng đôi khi tồn tại thầm lặng bên trong cơ thể mà không gây ra phiền hà gì. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm và chủ động đào thải sỏi thận ra bên ngoài bằng các cách tự nhiên luôn là việc nên làm trước khi chúng gây ra biến chứng nặng nề.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán sỏi thận