Sơ cứu khi bị chảy máu nghiêm trọng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Thắng - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong Hồi sức cấp cứu.

Thực tế có nhiều trường hợp vết thương chảy máu được nhập viện cấp cứu trong tình trạng mất máu không kiểm soát. Nguyên nhân là do đa số mọi người thiếu kiến thức hoặc lo sợ làm sai các bước sơ cứu vết thương chảy máu nặng.

1. Vết thương chảy máu do đâu?

Các vết thương chảy máu là tình trạng bất kỳ ai cũng có thể gặp phải do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Thiếu cẩn thận khi sinh hoạt, ví dụ lúc làm bếp hoặc sửa chữa nhà cửa;
  • Làm việc trong môi trường nguy hiểm, có nhiều vật sắc nhọn;
  • Tai nạn giao thông gây chấn thương, hoặc gãy xương chọc rách mạch máu;
  • Sử dụng hung khí khi ẩu đả...

Đối với các vết thương nhẹ và chảy máu ít, chẳng hạn như vết xước do cạo râu hay do kim may, vẫn nên thực hiện các biện pháp cầm máu đơn giản bằng băng cá nhân. Ngoài ra cũng có thể bôi thuốc có chứa neosporin để ngăn ngừa nhiễm trùng và điều trị những vết thương nhẹ. Cần lưu ý rửa sạch tay và vết thương trước khi tiến hành sơ cứu, có thể để hở cho vết xước da khô phần máu rỉ hoặc băng gạc kín nếu máu chảy nhiều hơn.

Tuy nhiên cũng không nên chủ quan với những vết thương chảy máu ít, vì thực tế không thể đánh giá được mức độ nghiêm trọng thông qua lượng máu chảy ra. Đôi khi chỉ một vết cắt nhỏ cũng có nguy ảnh hưởng tới các mạch máu, đặc biệt là nếu bị thương ở các vùng như đầu, mặt và miệng.

Theo các bác sĩ, việc chảy máu cũng có lợi vì sẽ góp phần giúp làm sạch vết thương, thế nhưng mất máu quá nhiều có nguy cơ khiến cơ thể bị sốc và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác. Nhất là đối với các vết thương ở mạch máu lớn, nếu không cấp cứu kịp thời và sơ cứu vết thương chảy máu nặng đúng cách, nạn nhân có thể tử vong.

Sơ cứu vết thương chảy máu nặng
Mất máu quá nhiều có nguy cơ khiến cơ thể bị sốc và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác

2. Sơ cứu vết thương chảy máu nặng

Rất dễ để nhận ra các vết thương hở, chảy máu ngoài liên tục và khẩn cấp; song bên cạnh đó vẫn có trường hợp vết thương mạch máu đã ngừng chảy máu, hoặc tụ máu dưới da hay chảy máu trong cũng rất nguy hiểm. Đối với vết thương chảy máu nghiêm trọng, cần trấn an người bị thương và thực hiện các bước sơ cứu vết thương chảy máu nặng như sau:

Bước 1: Cởi bỏ phần quần áo hoặc gỡ mảnh vụn, bụi đất tại vị trí vết thương

Tuy nhiên không nên tự ý rút ra các vật thể lớn hoặc nhọn cắm sâu vào cơ thể nạn nhân. Tránh kiểm tra thăm dò vết thương hoặc cố gắng rửa sạch bởi vì cầm máu mới là việc quan trọng cần làm trước tiên. Theo nguyên tắc, cần rửa tay sạch trước khi tiến hành sơ cứu vết thương chảy máu nặng, và nếu có thể, hãy mang găng tay y tế dùng một lần trong quá trình sơ cứu để hạn chế nhiễm trùng.

Bước 2: Băng ép cầm máu

  • Đặt một cuộn băng vô trùng hoặc vải sạch lên vết thương và quấn nhiều vòng cho đến khi không còn thấy máu thấm băng;
  • Dùng lòng bàn tay nhấn đè lên miếng băng liên tục cho đến khi máu ngừng chảy;
  • Buộc chặt vết thương lại nhưng không nên băng quá siết làm tắc nghẽn lưu thông máu, nới lỏng băng nếu thấy da các đầu chi lạnh và tím tái.

Tuy nhiên không nên tạo áp lực trực tiếp theo cách trên đối với những vết thương ở gần mắt hoặc đang có vật nhọn đâm sâu vào. Thay vào đó nên dùng băng dính hoặc tiếp tục dùng tay đè lên miếng băng để cố định lại.

Lưu ý: Không nên gỡ miếng gạc hoặc tháo ra băng lại. Nếu máu chảy quá nhiều và thấm ra ngoài, đắp thêm một miếng băng khác lên trên vết thương và tiếp tục nhấn đè mạnh.

Bước 3: Giúp người bị thương nằm xuống

  • Tìm cách đặt nạn nhân nằm trên một tấm chiếu hoặc chăn mền để tránh mất nhiệt cơ thể, chống choáng sơ bộ bằng cách ủ ấm cho nạn nhân;
  • Nếu vết thương chảy máu ở tay hoặc chân, cần nâng chi bị thương lên trên mức của tim nhằm hỗ trợ máu tiếp tục lưu thông đến các cơ quan chủ chốt trong cơ thể;
  • Bình tĩnh trấn an người bị thương đồng thời vẫn dùng tay giữ ép hai bên mép vết cắt.

Bước 4: Băng garô

Đặt garô rất có hiệu quả trong trường hợp chi bị dập nát đến mức không còn khả năng bảo tồn, hoặc giúp kiểm soát mất máu từ một chi nhiều đến mức đe dọa tính mạng. Tiến hành quấn băng garô phải tuân thủ đúng theo đúng kỹ thuật đã được đào tạo, chẳng hạn như:

Sơ cứu vết thương chảy máu nặng
Đặt garô rất có hiệu quả trong trường hợp chi bị dập nát đến mức không còn khả năng bảo tồn
  • Đặt gần vết thương và đảm bảo dễ nhìn thấy nhất;
  • Ghi phiếu giờ đặt garô;
  • Cách 1 giờ thì nới lỏng garô trong vài phút;
  • Tiếp tục siết garô khi vết thương chảy máu trở lại;
  • Chỉ đặt tạm thời trong thời gian ngắn;
  • Chuẩn bị sẵn sàng cầm máu và hồi sức khi tháo garô để can thiệp y tế.

Nếu đang gọi cấp cứu thì khi đội ngũ nhân viên y tế có mặt, cần thông tin với họ về thời gian đã đặt băng garô trong bao lâu.

Bước 5: Cố gắng bất động phần cơ thể bị thương đến mức tối đa

Cố định miếng băng chắc chắn và đưa người bị thương đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt. Hoặc gọi ngay 115 trong trường hợp mất máu nghiêm trọng không thể kiểm soát và sơ cứu vết thương.

Khi một người bị mất máu ở mức trung bình sẽ cảm thấy lâng lâng, choáng váng hoặc buồn nôn. Trong trường hợp mất máu quá nhiều, nạn nhân sẽ có các biểu hiện da lạnh và sưng phù nề, nhịp tim yếu và mất ý thức. Lúc này nhiều khả năng nạn nhân đã bị sốc do mất máu, cần được theo dõi và tiến hành thêm các bước sơ cấp cứu cho người bị sốc.

Nhìn chung, thực hiện sơ cứu vết thương chảy máu nặng đúng cách đóng vai trò rất quan trọng vì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của nạn nhân. Khi gặp người bị vết thương chảy máu, cần nhanh chóng cầm máu để cứu sống nạn nhân bằng một số cách như đặt garô, băng ép và ép mạch máu. Sau khi vết thương đã được sơ cứu và băng bó cẩn thận, tiếp tục theo dõi để kịp thời xử lý những tình huống khác có thể xảy ra, chẳng hạn như chất dịch mủ chảy ra từ vết thương báo hiệu nhiễm trùng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org; Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan