Suy buồng trứng sớm ảnh hưởng thế nào tới khả năng sinh sản?

Suy buồng trứng sớm là tình trạng ngừng hoạt động chức năng buồng trứng ở phụ nữ sau tuổi dậy thì và trước tuổi 40, thường có biểu hiện thiểu kinh hoặc vô kinh nguyên phát hay thứ phát. Suy sớm buồng trứng (POF) có tần suất gặp ở khoảng 1% trong phụ nữ, là một trong những nguyên nhân hiếm muộn mang nhiều lo âu cho phụ nữ.

Suy buồng trứng sớm là thách thức rất lớn cho các chuyên gia hỗ trợ sinh sản trong điều trị hiếm muộn để mang lại hạnh phúc được làm cha mẹ cho các vợ chồng hiếm muộn vô sinh. Hiểu được bệnh lý này sẽ giúp cho người bệnh giảm bớt căng thẳng lo âu, giảm áp lực và chấp nhận kết quả điều trị một cách tốt hơn. Đó cũng là một giải pháp tích cực trong quá trình điều trị đầy thử thách.

1. Suy buồng trứng sớm là gì?

Suy buồng trứng sớm (POF) là khi bạn ngừng rụng trứng thường xuyên trước tuổi 40. Suy buồng trứng sớm còn được gọi là suy buồng trứng nguyên phát. Nếu bạn bị POF, bạn sẽ rụng trứng ngày càng ít với tần suất thường xuyên hơn và kinh nguyệt của bạn trở nên không đều. Điều này có thể diễn ra trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm trước khi buồng trứng ngừng giải phóng trứng hoàn toàn. Suy buồng trứng sớm có thể gây ra các triệu chứng giống như mãn kinh và gây khó khăn cho việc mang thai.

Nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo tuổi tác. POF ảnh hưởng đến:

  • 1/ 10.000 phụ nữ ở độ tuổi 20
  • 1/1.000 phụ nữ ở độ tuổi 30
  • 1/250 phụ nữ ở độ tuổi 35
  • 1/100 phụ nữ ở độ tuổi 40

2. Sự khác biệt giữa suy buồng trứng sớm và mãn kinh sớm là gì?

Hai thuật ngữ này thường được sử dụng thay thế cho nhau và cả hai đều đề cập đến các tình trạng xảy ra với phụ nữ dưới 40 tuổi. Trước đây, bệnh này được gọi là mãn kinh sớm, song thuật ngữ này không mô tả đúng thực trạng của người phụ nữ bị suy buồng trứng sớm. Nếu bạn đã trải qua thời kỳ mãn kinh tự nhiên, bạn sẽ không có kinh trở lại, nhưng những người phụ nữ bị suy buồng trứng sớm có thể hành kinh trở lại dù không đều như trước. Người mãn kinh tự nhiên không thể có thai nhưng trong một vài trường hợp, suy buồng trứng sớm vẫn có thể mang thai. Đây là đặc điểm nổi bật để phân biệt hiện tượng suy buồng trứng sớm với nhiều loại bệnh cùng chung triệu chứng.

Mãn kinh
Suy buồng trứng sớm và mãn kinh sớm đều có thể xảy ra ở phụ nữ dưới 40 tuổi

Nếu bạn có POF, bạn vẫn rụng trứng không thường xuyên. Phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh sớm đã ngừng rụng trứng hoàn toàn. (Độ tuổi trung bình của phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh là 51 và về mặt lý thuyết, bạn sẽ không mãn kinh cho đến khi bạn trải qua một năm mà không có kinh nguyệt).

3. Nguyên nhân gây ra suy buồng trứng sớm

Hiện nay, phần lớn các trường hợp bị suy buồng trứng sớm. Các nguyên nhân gây suy buồng trứng sớm có thể bao gồm hóa trị, xạ trị, rối loạn di truyền (chẳng hạn như hội chứng Turner) và một số rối loạn tự miễn dịch.

Dưới đây là các yếu tố được cho là nguyên nhân gây nên tình trạng suy buồng trứng sớm:

  • Rối loạn miễn dịch: Bạn có thể bị suy buồng trứng sớm nếu mắc các bệnh tự miễn như viêm tuyến giáp tự miễn( là bệnh do cơ thể tự sinh ra kháng thể hủy hoại dần tuyến giáp của mình). Bạn cần lưu ý đến nguy cơ này nếu có vấn đề về viêm tuyến giáp.
  • Điều trị bệnh gây suy buồng trứng sớm: chức năng của buồng trứng bị rối loạn gây suy buồng trứng sớm trước tuổi 40 nếu phải cắt cả hai bên hoặc một bên buồng trứng. Vì thế, bạn cần cố gắng tránh làm những phẫu thuật ảnh hưởng đến buồng trứng như nạo phá thai nhiều lần.
  • Suy buồng trứng tự phát: một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của bệnh suy buồng trứng sớm là tình trạng tự dưng bị tắt kinh, nó thường phát bệnh ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ với các biểu hiện lâm sàng là kinh nguyệt ít dần, có thể dẫn đến bế kinh (tắt kinh), đồng thời xuất hiện những triệu chứng ở thời kỳ mãn kinh như: bực bội, cáu gắt, khô âm đạo,...
  • Đối với những người trẻ tuổi, kinh nguyệt không đều, thậm chí là bế kinh trong thời gian dài mà không đi khám bác sĩ, đến khi lập gia đình, thụ thai trong thời gian dài không thành công mới phát hiện ra. Nếu không chữa trị kịp thời khi chức năng của buồng trứng bị suy sớm để bị tắt kinh, một số triệu chứng khác có thể xuất hiện kèm theo, chẳng hạn như loãng xương, những bệnh biến về tim mạch và rối loạn trao đổi chuyển hóa chất béo.
  • Bị nhiễm virus: bạn có nguy cơ bị viêm buồng trứng hoặc buồng trứng tự miễn làm tổn hại đến buồng trứng gây suy buồng trứng sớm nếu nhiễm những loại virus như virus herpes simplex (HSV), virus gây bệnh quai bị.
  • Vô sinh: hiện nay tỷ lệ vô sinh ở nữ giới ngày càng tăng cao, để làm tăng thêm cơ hội có thể mang thai thì nhiều người phải dùng đến phương pháp kích thích rụng trứng. Tuy nhiên, một khi những kích thích đó gây ra những biến chứng thì lại rất có hại cho buồng trứng. Vì vậy, cần thận trọng khi áp dụng cách làm này.
  • Giảm cân quá mức: lượng chất béo bên trong cơ thể bị giảm “cấp tốc” nếu bạn giảm cân quá mức, Lượng estrogen trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng khi tỷ lệ chất béo giảm xuống quá thấp vì chất béo là thành phần chủ yếu để tạo thành estrogen, chất béo trong cơ thể không đủ, sẽ khiến estrogen bị thiếu hụt. Thiếu estrogen khiến kinh nguyệt bị rối loạn, thậm chí còn gây tắt kinh, kìm hãm chức năng rụng trứng của buồng trứng, dễ khiến chức năng buồng trứng bị suy sớm, nếu chữa trị không kịp thời, có thể dẫn đến vô sinh. Thêm vào đó, suy buồng trứng sớm là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng rối loạn kinh nguyệt trở nên trầm trọng hơn.
  • Thói quen sinh hoạt: Bạn có thể bị suy buồng trứng sớm nếu bạn có những thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu vì nicotin có trong thuốc là và nồng độ cồn trong rượu làm rối loạn kinh nguyệt.
  • Căng thẳng: phụ nữ hiện đại dễ rơi vào tình trạng căng thẳng quá mức, lâu dần có thể làm rối loạn chức năng thần kinh thực vật, ảnh hưởng đến sự điều tiết nội tiết trong cơ thể, làm suy giảm chức năng buồng trứng sớm, giảm hoóc-môn estrogen khiến cho thời kỳ mãn kinh đến sớm.
phụ nữ uống
Thói quen sinh hoạt như uống rượu có thể làm rối loạn kinh nguyệt.

4. Các triệu chứng của POF là gì?

Triệu chứng phổ biến nhất bạn thường gặp khi bị suy buồng trứng sớm là kinh nguyệt không đều. Nếu bạn không có kinh trong 3 tháng liên tiếp, hãy đến gặp bác sĩ.

Bạn cũng có thể bị bốc hỏa, khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục, cáu kỉnh, rối loạn tâm trạng, đổ mồ hôi ban đêm và khó ngủ. Ngoài ra, phụ nữ bị suy buồng trứng sớm còn xuất hiện các biểu hiện khác tương tự mãn kinh tự nhiên như đau khi quan hệ tình dục, mất khả năng sinh sản, rối loạn tiết niệu, khó tập trung tư tưởng...

Nếu bạn bị suy buồng trứng sớm do sự suy giảm nồng độ hormone, người bệnh có thể bị stress, loãng xương, suy tuyến giáp, bệnh tim (do những thay đổi về nội tiết tố dẫn đến tăng nguy cơ phát triển bệnh tim sau này),....ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ.

Bị suy buồng trứng sớm vào giai đoạn muộn, nhiều trường hợp còn bị hạ huyết áp và sạm da... khi xảy ra sự cố cần phẫu thuật, bệnh nhân dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời.

5. Suy buồng trứng sớm được chẩn đoán như thế nào?

Tại cuộc hẹn, bác sĩ sẽ khám sức khỏe và có thể yêu cầu xét nghiệm máu để loại trừ việc mang thai và bất kỳ rối loạn di truyền nào có thể gây ra tình trạng suy buồng trứng sớm. Mức độ hormone sinh sản, chẳng hạn như hormone kích thích nang trứng (FSH), hormone tạo hoàng thể (LH) và estrogen cũng sẽ được kiểm tra.

6. Bạn vẫn có thể mang thai khi bị suy buồng trứng sớm?

Bạn có thể mang thai khi bị suy buồng trứng sớm. Khoảng 5 đến 10 % phụ nữ bị suy buồng trứng sớm có thể mang thai mà không cần điều trị khả năng sinh sản.

Nếu điều đó không xảy ra với bạn một cách tự nhiên, bạn có thể cân nhắc phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với trứng của người hiến tặng. Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thành công 90% ở phụ nữ bị suy buồng trứng sớm sau 3 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm.

Nếu bạn bị POF do hóa trị hoặc bức xạ, bạn có thể mắc tình trạng được gọi là "thuyên giảm tự phát". Điều đó có nghĩa là buồng trứng của bạn bắt đầu hoạt động trở lại mà không cần can thiệp (nếu trong thời gian điều trị bạn còn ít tuổi thì tỷ lệ xảy ra điều này càng cao)

Các nghiên cứu khác cho thấy dùng dehydroepiandrosterone (DHEA) có thể giúp phụ nữ bị suy buồng trứng sớm có thai. Tuy nhiên, các nghiên cứu còn hạn chế, vì vậy DHEA được coi là một phương pháp điều trị thử nghiệm cho đến khi các nghiên cứu quy mô lớn được triển khai tốt hơn.

7. Làm thế nào để đối phó với cảm giác của mình về việc mắc suy buồng trứng sớm?

Đối phó với các vấn đề liên quan đến khả năng sinh sản liên quan đến POF có thể căng thẳng, hoặc thậm chí trầm cảm. Hỗ trợ chuyên môn từ một chuyên gia tư vấn trong việc điều trị cho phụ nữ đã từng trải qua vô sinh có thể giúp bạn đối phó với cảm giác của mình khi mắc phải hội chứng này.

Khám phụ khoa
Định kỳ kiểm tra sức khỏe sinh sản giúp phụ nữ phát hiện sớm tình trạng suy buồng trứng

8. Suy buồng trứng sớm có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác không?

Mặc dù khả năng sinh sản của bạn có thể là mối quan tâm chính nhưng suy buồng trứng sớm có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe khác. Ví dụ, khi bạn bị POF, buồng trứng của bạn không tạo ra nhiều estrogen như bình thường. Cơ thể bạn cần estrogen để xương chắc khỏe, vì vậy bác sĩ có thể kiểm tra mật độ khoáng chất trong xương và đề nghị bổ sung canxi và vitamin D mỗi ngày để duy trì độ chắc khỏe của xương.

Estrogen cũng bảo vệ tim mạch bằng cách giữ cho các mạch máu linh hoạt, giúp máu lưu thông thuận lợi. Estrogen có thể bảo vệ chống lại bệnh Alzheimer, cholesterol cao và đột quỵ. Bởi vì estrogen đóng một vai trò quan trọng trong rất nhiều chức năng của cơ thể, bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp thay thế hormone (HRT) để cung cấp cho cơ thể bạn các hormone mà buồng trứng không tạo ra nữa. Bạn có thể đã nghe nói rằng HRT có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, một nghiên cứu lớn cho thấy chỉ những phụ nữ dùng hormone nhiều năm sau khi mãn kinh mới có nguy cơ gia tăng tình trạng này.

Theo đó, HRT có phù hợp với bạn hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến hormone (như ung thư vú, buồng trứng và tử cung) và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Nếu bạn tiếp tục áp dụng HRT, có thể bạn sẽ bắt đầu có kinh nguyệt đều đặn trở lại và có khả năng bạn sẽ giảm bớt các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, mất ngủ, đau đớn khi giao hợp, rối loạn tâm trạng và khô âm đạo. Bạn cũng có thể duy trì sức khỏe của xương và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Bác sĩ có thể đề nghị bạn duy trì HRT cho đến khi bạn khoảng 50 tuổi, khoảng độ tuổi mà phụ nữ thường trải qua thời kỳ mãn kinh.

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị phục hồi chức năng của buồng trứng đối với những người bị suy buồng trứng sớm. Mục đích điều trị hiện nay nhằm giảm tác động của các triệu chứng. Tùy từng trường hợp để đưa ra phương pháp điều trị hormon thay thế (HRT) hay điều trị hiếm muộn sau khi bác sĩ tiến hành chẩn đoán và làm một số xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan