Rạch tầng sinh môn lúc sinh: Những điều cần biết

Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Thị Lệ - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Rạch tầng sinh môn là nỗi ám ảnh của phần đa mẹ bầu sinh thương. Vậy tại sao phải làm thủ thuật này, trường hợp nào phải thực hiện và làm cách nào để giảm nguy cơ phải rạch tầng sinh môn? Bài viết sau sẽ giúp chị em phụ nữ tìm hiểu chi tiết về vấn đề này.

1. Vị trí và cấu tạo của tầng sinh môn

Tầng sinh môn là phần mô nằm giữa hậu môn và âm đạo, bao gồm tất cả các bộ phận mềm, cơ và dây chằng bịt lỗ dưới khung chậu, dài khoảng 4 - 5cm. Trong quá trình sinh nở của phụ nữ, bộ phận này sẽ giãn nở một cách tự nhiên hoặc có thể bị rạch để giúp cho thai nhi dễ dàng ra ngoài.

Tầng sinh môn có cấu tạo gồm 3 tầng: Tầng nông, tầng giữa và tầng sâu. Ở mỗi tầng sẽ có cơ và một lớp cân riêng:

  • Tầng nông: Gồm năm cơ (cơ ngang nông, cơ hành ngang, cơ ngồi hang, cơ khít âm môn và cơ thắt hậu môn). Cơ thắt hậu môn nằm trong tầng sinh môn sau còn các cơ còn lại nằm trong tầng sinh môn trước.
  • Tầng giữa: Gồm có cơ thắt niệu đạo và cơ ngang sâu nằm trong tầng sinh môn trước, được bao bọc bởi hai lá cân tầng sinh môn giữa.
  • Tầng sâu: Gồm có cơ ngồi cụt và cơ nâng hậu môn được bao bọc bởi hai lá cân của tầng sinh môn sâu.

2. Tầng sinh môn có chức năng gì?

Tầng sinh môn chính là một phần của bộ phận sinh sản. Nó giữ vai trò nâng đỡ, bảo vệ các cơ quan trong vùng chậu, là cửa giao hợp tiếp nhận tinh trùng vào tử cung, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tình dục của người phụ nữ.

Đối với quá trình sinh đẻ của phụ nữ, đây là bộ phận sẽ giãn nở để giúp cho trẻ sinh ra dễ dàng và an toàn hơn. Những người có tầng sinh môn giãn nở kém thì quá trình sinh nở sẽ rất dễ làm tổn thương và rách bộ phận này gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ về sau và suy giảm chất lượng đời sống tình dục của nữ giới. Điều này được giải thích rằng: Việc tầng sinh môn bị rách và tổn thương khiến phụ nữ cảm thấy đau rát, mất hứng và sợ “yêu” nên khó đạt khoái cảm; lâu dần dễ lãnh cảm khiến hạnh phúc gia đình bị đe dọa.

Có đến 95% phụ nữ sinh thường phải rạch tầng sinh môn. Vậy tại sao phụ nữ phải làm vậy? Đọc thêm bài viết phía dưới để tìm hiểu lý do phụ nữ phải rạch tầng sinh môn?

XEM THÊM: Tìm hiểu về rạch tầng sinh môn

3. Thủ thuật rạch tầng sinh môn chủ yếu được thực hiện với các trường hợp

  • Người sinh con lần đầu (sinh con so) hay con rạ có tầng sinh môn giãn nở kém, tiên lượng nếu không rạch thì tầng sinh môn có thể bị rách sâu hay rách phức tạp
  • Đáy chậu bị viêm hoặc phù nề, viêm âm đạo.
  • Đường kính lưỡng đỉnh của đầu thai nhi lớn.
  • Trong các bệnh lý của mẹ cần cho thai phải sổ nhanh để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ như suy tim, tiền sản giật, cao huyết áp.
  • Rạch tầng sinh môn khi làm các thủ thuật như forceps, giác hút, đỡ sinh ngôi mông...
Rạch tầng sinh môn khi sinh
Có đến 95% phụ nữ sinh thường phải rạch tầng sinh môn

4. Làm thế nào để giảm nguy cơ phải cắt tầng sinh môn?

  • Chuẩn bị sức khỏe thật tốt cho cuộc đẻ, đi bộ nhiều, hạn chế ngồi nhiều trong thời gian mang thai.
  • Tập các bài tập Kegel trong suốt thai kỳ;
  • Thường xuyên massage đáy chậu 6-8 tuần trước ngày dự sinh;
  • Đứng hoặc ngồi xổm trong quá trình chuyển dạ hay khi rặn em bé ra ngoài;
  • Tập trung hết sức và rặn trong khoảng 5-7 giây và nghỉ thư giãn (thay vì cố sức rặn trong 10 giây khi mà bạn đang cần giữ hơi);
  • Hãy nhờ bác sĩ hoặc nữ hộ sinh giữ chặt đáy chậu của bạn khi đầu của em bé vừa ra ngoài để bé không xổ ra quá nhanh gây rách tầng sinh môn.

Quyết định có thực hiện phương pháp này hay không sẽ được bác sĩ đưa ra trong quá trình sinh hoặc trong phòng sinh khi đầu em vừa ra ngoài. Bạn cũng đừng quá lo lắng nếu phải cắt tầng sinh môn nhé vì cách này cũng khá phổ biến và đôi khi là vô cùng cần thiết đấy.

Sinh con là dấu ấn rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi người phụ nữ. Không nên quá lo lắng và hãy trang bị cho mình thật nhiều sự hiểu biết về sinh đẻ để có thể đón con chào đời một cách an toàn và khỏe mạnh.

Khách hàng có thể tham khảo Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với lộ trình thăm khám khoa học cho bà mẹ mang thai trước - trong - sau sinh với các bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Sản phụ khoa, đảm bảo việc theo dõi sát sao giúp sản phụ có 1 thai kỳ khỏe mạnh và cuộc chuyển dạ an toàn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan