Lạc nội mạc tử cung và nguy cơ sảy thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý thường gặp ở nữ giới, gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản làm tăng nguy cơ sẩy thai đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

1. Lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung là thuật ngữ chỉ tình trạng các mô nội mạc vốn có nguồn gốc từ tử cung lại phát triển ở các vị trí bên ngoài tử cung. Lạc nội mạc tử cung thường thấy xuất hiện nhất ở các vị trí là hai bên buồng trứng, ống fallop; hiếm gặp hơn lạc nội mạc tử cung có thể lan ra ngoài các tạng của vùng tiểu khung.

Khi các cơ quan sinh sản bị ảnh hưởng bởi lạc nội mạc tử cung, chúng có thể bị tổn thương, bị kích thích hoặc bị cản trở cơ học, khiến việc thụ thai và mang thai trở nên khó khăn hơn.

Một nghiên cứu cho thấy khi các cặp đôi chủ động muốn có thai thì tỉ lệ thành công của mỗi tháng là 15 tới 20%, nhưng đối với những cặp đôi bị ảnh hưởng bởi lạc nội mạc tử cung thì tỉ lệ trên giảm xuống từ 2 tới 10%.

2. Lạc nội mạc tử cung và quá trình mang thai

Khi mang thai bệnh nhân sẽ tạm thời không còn chu kỳ kinh nguyệt, từ đó các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung cũng thường giảm nhẹ hoặc biến mất (chẳng hạn như đau, ra huyết nặng,...). Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng với tất cả các phụ nữ mang thai, bởi với một số người, các triệu chứng có thể hoàn toàn không thuyên giảm, thậm chí đôi khi còn nặng hơn. Tất cả phụ thuộc từng cá thể, vào mức độ thay đổi nội tiết tố và vào sự phản ứng của cơ thể trước tình trạng mang thai.

Lạc nội mạc tử cung có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng của mang thai và sinh nở, bao gồm sảy thai, sinh non và nhau tiền đạo.

Sinh non
Lạc nội mạc tử cung khi mang thai sẽ gây ra nhiều biến chứng như sinh non

2.1 Lạc nội mạc tử cung và nguy cơ sảy thai

Có một số nghiên cứu đã cho thấy khả năng sảy thai sẽ cao hơn ở những phụ nữ mang thai có lạc nội mạc tử cung so với những thai phụ bình thường, kể cả những người chỉ có lạc nội mạc tử cung nhẹ.

Một phân tích hồi cứu kết luận rằng phụ nữ lạc nội mạc tử cung khi mang thai có tỷ lệ sảy thai là 35,8%, so với những phụ nữ bình thường thì tỉ lệ sảy thai chỉ là 22%.

Không có một phương cách nào mà bác sĩ hay bệnh nhân có thể sử dụng để có thể ngăn chặn được sảy thai một khi nó đã xảy ra, nhưng cần nắm bắt được các dấu hiệu và biểu hiện của sảy thai để tìm sự trợ giúp về y tế và tâm lý kịp thời, hỗ trợ cho quá trình hồi phục tốt nhất.

Nếu mang thai dưới 12 tuần, các dấu hiệu nghi ngờ sảy thai cũng tương tự như các dấu hiệu khi người phụ nữ có kinh:

  • Chảy máu
  • Đau bụng
  • Đau vùng lưng dưới

Đôi khi người phụ nữ có thể thấy có những mảnh mô được xuất ra ngoài.

Đối với thai trên 12 tuần thì các triệu chứng cũng tương tự như trên, tuy nhiên mức độ của chúng sẽ nặng hơn.

2.2. Lạc nội mạc tử cung và nguy cơ sinh non

Thống kê lại một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ sinh con trước tuần 37 của thai kỳ ở phụ nữ mang thai bị lạc nội mạc tử cung cao hơn 1,5 lần so với những thai phụ bình thường khác. Sinh con trước tuần thứ 37 của thai kỳ được định nghĩa là sinh non.

Những em bé sinh non có xu hướng có cân nặng lúc sinh thấp và dễ xuất hiện các vấn đề về sức khỏe và sự phát triển hơn. Các dấu hiệu và biểu hiện cảnh báo chuyển dạ và sinh non bao gồm:

  • Các cơn co tử cung xuất hiện thường xuyên. Thai phụ có thể cảm thấy đau hoặc không.
  • Dịch tiết âm đạo thay đổi, có thể có máu lẫn trong dịch, hoặc dịch trở nên đặc như mủ.
  • Cảm thấy tăng áp lực ở khu vực tiểu khung.

Nếu thai phụ thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào, hãy đi thăm khám bác sĩ ngay lập tức để được xử trí kịp thời.

2.3 Lạc nội mạc tử cung và nguy cơ nhau tiền đạo

Bánh nhau là một bộ phận gắn liền với quá trình mang thai. Chức năng chính của bánh nhau là cung cấp oxy và dưỡng chất cho bào thai phát triển. Vị trí bình thường của bánh nhau là ở đỉnh hoặc ở mặt bên của tử cung. Ở một số phụ nữ mang thai, bánh nhau lại bám ở vị trí thấp, chỗ cổ tử cung, gây nên tình trạng có tên là nhau tiền đạo.

Nhau tiền đạo làm tăng nguy cơ nhau bong sớm trong quá trình chuyển dạ, từ đó gây chảy máu nghiêm trọng và đe dọa tính mạng của cả thai phụ và thai nhi.

Những phụ nữ mang thai có lạc nội mạc tử cung có nguy cơ cao hơn bị nhau tiền đạo. Triệu chứng chính của nhau tiền đạo là chảy máu âm đạo (máu đỏ tươi). Nếu tình trạng chảy máu quá nặng, thai phụ có thể cần mổ cấp cứu.

3. Xử trí lạc nội mạc tử cung ở phụ nữ mang thai

Liệu pháp nội tiết tố và can thiệp phẫu thuật thường không được chỉ định đối với phụ nữ mang thai có lạc nội mạc tử cung. Các thuốc giảm đau sẽ có tác dụng làm giảm bớt khó chịu, nhưng bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc an toàn, với liều dùng an toàn đối với thai nhi.

Một số biện pháp tự chăm sóc khác có thể có hiệu quả bao gồm:

  • Tắm bồn nước ấm.
  • Ăn các loại thức ăn giàu chất xơ giúp làm giảm nguy cơ bị táo bón.
  • Đi bộ nhẹ nhàng hoặc thực hiện các bài tập phù hợp nhằm làm giãn cơ lưng, qua đó làm giảm triệu chứng đau lưng có liên quan tới lạc nội mạc tử cung.

tăng huyết áp nên tập thể dục
Tập thể dục nhẹ nhàng là một trong những biện pháp tự chăm sóc sức khỏe của phụ nữ mang thai có lạc nội mạc tử cung

Những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung hoàn toàn vẫn có thể mang thai và sinh ra những đứa con khỏe mạnh, dù lạc nội mạc tử cung sẽ khiến việc thụ thai khó khăn hơn, cũng như quá trình mang thai và sinh nở dễ gặp các biến chứng hơn. Phụ nữ lạc nội mạc tử cung mang thai được coi là đối tượng có nguy cơ cao, do đó các thai phụ này nên chú ý trong vấn đề quản lý thai nghén, nhằm có thể phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường và được can thiệp xử trí kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan