Có nên làm việc nặng khi có kinh ?

Hành kinh là hoạt động sinh lý hàng tháng của người phụ nữ. Trong thời gian này, cơ thể có những thay đổi lớn về nội tiết, dẫn đến những thay đổi về sức khỏe, tâm trạng. Việc sinh hoạt, làm việc, vận động khi có kinh cũng cần được lưu ý để đảm bảo người phụ nữ có những “kỳ rụng dâu” an toàn và thoải mái nhất có thể.

1. Dấu hiệu nhận diện “có kinh”

“Có kinh” hay hành kinh là hiện tượng sinh lý đặc trưng bởi sự bong tróc lớp nội mạc tử cung dẫn đến ra máu âm đạo, xuất hiện từ khi trẻ gái bắt đầu dậy thì đến khi mãn kinh. Một đợt hành kinh bình thường thường kéo dài từ 3 – 7 ngày và lượng máu kinh khoảng 30 – 80 ml.

Sự định kỳ, đều đặn của chu kỳ kinh nguyệt có được là nhờ sự phối hợp hoạt động một cách nhịp nhàng, trật tự và phức tạp của hệ thống nội tiết bao gồm vùng hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng. Nếu có bất kỳ rối loạn nào xảy ra trong các hoạt động của hệ thống này đều có thể dẫn đến sự rối loạn của chu kỳ kinh nguyệt và có thể dẫn đến những rối loạn về chức năng sinh sản của người phụ nữ.

Trước khi việc hành kinh chính thức xảy ra, cơ thể người phụ nữ sẽ có những thay đổi nhất định do sự ảnh hưởng của các hormone buồng trứng như estrogen và progesterone. Người phụ nữ nên biết những điều này để có một tâm lý thoải mái và sự chuẩn bị đầy đủ cũng như sắp xếp công việc hợp lý trong thời gian hành kinh. Một số dấu hiệu có thể nhận biết kỳ kinh sắp đến bao gồm:

  • Cảm giác đau, trằn bụng hoặc tức nặng vùng bụng dưới.
  • Căng tức ngực hai bên
  • Có máu âm đạo.
  • Thay đổi tâm trạng, dễ thất thường
  • Mỏi hoặc đau lưng
  • Nổi mụn nhiều, đặc biệt là vùng mặt
  • Khó ngủ hoặc mất ngủ
  • Rối loạn đường tiêu hóa

2. Những việc không nên làm trong thời gian có kinh

Khi đến ngày hành kinh, cơ thể phụ nữ sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, không thoải mái, thậm chí một số người còn ảnh hưởng đến công việc hoặc sinh hoạt hàng ngày. Để giảm bớt sự khó chịu và hạn chế những bất lợi có thể xảy ra, người phụ nữ cần chú ý kiêng các hoạt động sau.

  • Không làm việc nặng khi có kinh

Trong những ngày có kinh, nếu làm các công việc nặng nhọc, cần dùng nhiều sức lực hoặc vận động thể thao quá mức, cường độ mạnh thì rất dễ bị rong kinh kéo dài, gây mất máu, suy giảm sức khỏe, dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó thở,.... Ngoài ra, nếu làm việc nặng trong thời gian hành kinh cũng sẽ làm các cơn đau bụng dưới trở nên mạnh hơn, làm người phụ nữ nhanh mất sức, dễ cáu gắt và kéo dài kỳ kinh hơn.

  • Đấm lưng để giảm đau

Cảm giác đau mỏi lưng thường xuất hiện khoảng thời gian trước, trong và sau khi hành kinh dẫn đến sự khó chịu, mệt mỏi và sự ức chế tinh thần. Để giảm các cảm giác này, nhiều người thường xuyên đấm lưng mà không biết việc ấy chỉ có tác động giảm đau tức thời nhưng có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Sự ứ đọng máu kinh ở vùng xương chậu là nguyên nhân được lý giải cho hiện tượng đau mỏi lưng khi tới tháng. Lúc này, nếu thường xuyên đấm lưng, không những không làm đẩy lùi cơn đau mỏi mà còn làm tình trạng tắc nghẽn lưu thông máu dễ trở nên nặng nề hơn. Hơn nữa, những ngày đèn đỏ là thời kỳ sức đề kháng của phụ nữ giảm xuống vì sự mất một lượng máu do bong tróc lớp niêm mạc tử cung. Nếu thường xuyên tác động trực tiếp đến vùng lưng có thể gây ảnh hưởng tới niêm mạc tử cung. Vì thế, hạn chế đấm lưng là việc cần nhớ trong các việc kiêng làm khi có kinh để cảm thấy dễ chịu và làm giảm ảnh hưởng đến sức khỏe.

  • Sử dụng chất kích thích hoặc thực phẩm lạnh, tươi sống

Trà, cà phê, thuốc lá, bia rượu chắc chắn là những thực phẩm đầu tiên trong danh sách những chất cần tránh khi có kinh. Chất acid tannic trong lá trà có thể làm giảm sự hấp thu sắt do kết hợp với một số loại thực phẩm hoặc sắt trong máu, từ đó có thể dễ dẫn đến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Mặt khác, caffeine trong trà và các loại đồ uống khác có thể dễ dàng gây kích thích hệ thần kinh, khiến người phụ nữ cảm thấy bồn chồn, khó chịu và làm cho cảm giác mệt mỏi, không thoải mái trở nên trầm trọng hơn trong ngày đèn đỏ.

Nhóm thực phẩm tiếp theo cần tránh trong những ngày hành kinh là các món ăn lạnh hoặc tươi sống. Vì đây là các thực phẩm có tính hàn nên sẽ dễ khiến cơ thể lạnh dẫn đến ứ đọng máu kinh. Khi lượng máu kinh bị ứ đọng tại buồng tử cung hoặc âm đạo sẽ gây ra các cục máu đông, thay đổi màu sắc máu hành kinh và nhất là làm trầm trọng hơn các cơn đau bụng kinh. Vì thế, để đảm bảo cơ thể khỏe khoắn, dễ chịu và một kỳ kinh thoải mái, các chị em phụ nữ cần tránh ăn các thực phẩm thuộc nhóm này.

  • Quan hệ tình dục

Nếu bạn nghĩ rằng quan hệ vào những ngày hành kinh là an toàn vì sẽ không mang thai thì đây là một sai lầm. Tình dục trong kỳ kinh đầu tiên sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng xung huyết vùng chậu, từ đó gây rong kinh kéo dài và đau bụng kinh nghiêm trọng hơn. Tiếp theo, máu kinh là môi trường thuận lợi cho sự phát triển các vi khuẩn, nếu quan hệ trong những ngày này sẽ đưa lượng lớn các vi khuẩn vào cơ thể, từ đó rất dễ tạo cơ hội để vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm vùng kín. Điều này gây ảnh hưởng rất tiêu cực cho cho vùng chậu, viêm âm đạo cũng như hệ cơ quan sinh sản của phụ nữ.

3. Những lợi ích không ngờ của việc vận động hợp lý khi có kinh

Thay vì làm việc nặng hay luyện tập thể thao quá mức, chị em nên thực hiện những hoạt động vừa phải, nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga,... sẽ giúp đem lại nhiều hiệu quả bất ngờ, không chỉ cho sức khỏe mà còn giúp có một chu kỳ kinh nguyệt thoải mái hơn.

Đầu tiên, tập thể dục giúp cơ thể trở nên bớt “thất thường” hơn. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi hoặc cảm giác ức chế, khó chịu và dễ thay đổi tâm trạng trong những ngày đèn đỏ thì việc luyện tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn cải thiện các vấn đề này.

Thứ hai, tập thể dục giúp giải phóng Endorphin, cải thiện tâm trạng. Endorphin là một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, chất này có tác dụng tạo ra các cảm xúc tích cực, giảm đau và cải thiện tâm trạng. Một lượng endorphin cao tự nhiên được sản xuất nhờ vào việc tập thể dục, cho nên nếu thực hiện hoạt động này trong ngày đèn đỏ sẽ giúp cải thiện tâm trạng và khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn.

Cuối cùng là tập thể dục nhẹ nhàng, hợp lý giúp giảm đau. Đi bộ hoặc tập yoga hay các bài thể dục tại chỗ sẽ giúp thúc đẩy lưu thông tuần hoàn, từ đó giảm đau bụng kinh, cảm giác trướng, mỏi lưng hoặc sự mệt mỏi, chán nản. Ngoài ra, cũng như việc luyện tập thể dục thể thao nói chung, việc vận động hợp lý trong những ngày đèn đỏ sẽ giúp cơ thể bạn tăng sức mạnh và sức bền, nhờ vậy, góp phần nâng cao sức khỏe.

Tóm lại, để có một kỳ “rụng dâu” thoải mái, giảm sự mệt mỏi, khó chịu, các chị em phụ nữ cần chú ý tránh các việc không được làm, đặc biệt là làm việc nặng. Thay vào đó, hãy tập thể dục nhẹ nhàng, hợp lý để mang lại nhiều lợi ích cho kỳ kinh cũng như cho sức khỏe của bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan