Các dấu hiệu cho thấy âm đạo bị teo

Teo âm đạo là một tình trạng gây nhiều bất tiện, khó chịu cho người mắc, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Vậy dấu hiệu nào cho thấy tình trạng teo âm đạo đang diễn ra?

1. Teo âm đạo là gì?

Teo âm đạo là tình trạng các thành âm đạo mỏng đi, bị khô và viêm, xảy ra khi cơ thể thiếu hụt estrogen. Teo âm đạo thường xảy ra nhất sau khi mãn kinh.

Với nhiều phụ nữ, tình trạng teo âm đạo không chỉ khiến bị đau trong lúc quan hệ tình dục mà còn gây ra những triệu chứng tiết niệu khó chịu. Vì thế mà các bác sĩ thường ít khi chỉ đề cập riêng tới teo âm đạo, mà sử dụng thuật ngữ hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh (genitourinary syndrome of menopause - GSM) để miêu tả tình trạng teo âm đạo và các triệu chứng kèm theo (bởi teo âm đạo gây ảnh hưởng đối với cả âm đạo và tiết niệu).

Hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh có thể điều trị được bằng những phương pháp đơn giản, hiệu quả. Sụt giảm nồng độ estrogen dẫn tới nhiều thay đổi trong cơ thể, nhưng điều đó không có nghĩa sẽ phải sống chung với những khó chịu do hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh gây ra.

2. Các dấu hiệu và triệu chứng của teo âm đạo cũng như hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh

Các dấu hiệu và triệu chứng của teo âm đạo cũng như hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh có thể là:

  • Khô âm đạo.
  • Âm đạo bỏng rát.
  • Âm đạo tiết dịch bất thường.
  • Ngứa cơ quan sinh dục.
  • Bỏng buốt khi đi tiểu.
  • Tiểu dắt, cảm giác cần đi tiểu ngay lập tức.
  • Đi tiểu nhiều lần.
  • Nhiễm khuẩn đường niệu tái diễn.
  • Tiểu tiện mất kiểm soát.
  • Chảy máu nhẹ sau khi quan hệ tình dục.
  • Cảm giác khó chịu khi quan hệ tình dục.
  • Âm đạo giảm tiết khi có các hành vi tình dục.
  • Âm đạo trở nên ngắn và hẹp.

Khô âm đạo là một trong số những triệu chứng của teo âm đạo
Khô âm đạo là một trong số những triệu chứng của teo âm đạo

3. Nguyên nhân gây ra hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh

Hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh bắt nguồn từ sự sụt giảm chế tiết nội tiết tố estrogen. Nồng độ estrogen giảm thấp dẫn tới các mô âm đạo trở nên mỏng hơn, khô hơn, kém đàn hồi và dễ tổn thương.

Sự sụt giảm nồng độ estrogen có thể xảy ra:

  • Sau khi mãn kinh.
  • Trong thời kì tiền mãn kinh.
  • Sau khi phẫu thuật loại bỏ cả hai buồng trứng.
  • Trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Trong thời gian sử dụng các thuốc mà có ảnh hưởng tới nồng độ estrogen, chẳng hạn như thuốc viên tránh thai.
  • Sau khi xạ trị ung thư vùng chậu.
  • Sau khi điều trị hóa trị.
  • Là một tác dụng không mong muốn của việc điều trị ung thư vú bằng nội tiết tố.

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh có thể xuất hiện ngay từ thời kì tiền mãn kinh hoặc có thể nhiều năm sau khi mãn kinh mới xuất hiện. Mặc dù là tình trạng thường thấy, nhưng không phải tất cả phụ nữ mãn kinh đều gặp hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh. Các hành vi tình dục thông thường (với bạn tình hoặc thủ dâm) có thể giúp giữ cho các mô âm đạo khỏe mạnh.

4. Các yếu tố nguy cơ của hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh


Hút thuốc lá có thể làm tăng khả năng xảy ra hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh
Hút thuốc lá có thể làm tăng khả năng xảy ra hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh

Một số yếu tố nhất định có thể tăng khả năng xảy ra hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh, chẳng hạn như:

  • Hút thuốc lá: hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, và có thể gây giảm lượng máu và oxy tới âm đạo và các khu vực xung quanh. Hút thuốc lá cũng làm giảm hiệu lực của estrogen nội sinh của cơ thể.
  • Chưa từng sinh đẻ qua đường âm đạo: các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy những người phụ nữ chưa từng sinh đẻ qua đường âm đạo dễ xuất hiện các triệu chứng của hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh hơn những phụ nữ đã sinh đẻ qua đường âm đạo.
  • Không quan hệ tình dục: các hành vi tình dục, dù với bạn tình hay thủ dâm, làm tăng lượng máu đến và làm các mô âm đạo đàn hồi hơn.

5. Khi nào cần đi thăm khám bác sĩ?

Nhiều phụ nữ mãn kinh xuất hiện hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh nhưng có khá ít người đi thăm khám và điều trị, bởi họ ngại miêu tả cho bác sĩ những gì đang diễn ra, và do đó âm thầm chịu đựng những biểu hiện của hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh.

Hãy đi thăm khám bác sĩ nếu thấy âm đạo xuất hiện đốm máu hoặc chảy máu không giải thích được, tiết dịch bất thường, cảm giác đau hoặc bỏng rát.

Nếu bị đau khi quan hệ tình dục mà dùng các loại dưỡng ẩm âm đạo (như K-Y Liquibeads, Replens, Sliquid,...) hay các chất bôi trơn gốc nước (như Astroglide, K-Y Jelly, Sliquid,...) vẫn không giải quyết được vấn đề, hãy đi thăm khám bác sĩ.

6. Chẩn đoán hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh

Để chẩn đoán hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh bác sĩ có thể cần:

  • Thăm khám âm đạo.
  • Xét nghiệm nước tiểu: khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng của hệ tiết niệu.
  • Thử nghiệm độ cân bằng acid: bằng cách lấy mẫu dịch âm đạo xét nghiệm hoặc dùng giấy chỉ thị quét vào âm đạo để xem độ cân bằng acid của âm đạo.

7. Điều trị hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh


Có thể sử dụng các sản phẩm có tác dụng dưỡng ẩm âm đạo để phục hồi lại độ ẩm cho âm đạo
Có thể sử dụng các sản phẩm có tác dụng dưỡng ẩm âm đạo để phục hồi lại độ ẩm cho âm đạo

Để điều trị hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh trước tiên bác sĩ có thể khuyên dùng các phương pháp không cần kê đơn, chẳng hạn như:

  • Dưỡng ẩm âm đạo: bằng các sản phẩm như K-Y Liquibeads, Replens, Sliquid,... để giúp hồi phục lại độ ẩm cho âm đạo, và thường phương pháp này có tác dụng kéo dài hơn so với việc sử dụng chất bôi trơn âm đạo.
  • Chất bôi trơn âm đạo: với các sản phẩm như Astroglide, K-Y Jelly, Sliquid,... được sử dụng ngay trước khi quan hệ tình dục, giúp làm giảm những khó chịu trong lúc quan hệ. Hãy chọn những sản phẩm không chứa glycerin hoặc các thành phần làm ấm bởi chúng dễ gây kích ứng. Tránh những chất bôi trơn gốc dầu nếu quan hệ tình dục có sử dụng bao cao su, bởi chất bôi trơn gốc dầu có thể làm hư hại bao cao su.

Nếu những phương án trên không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định:

  • Estrogen tại chỗ: estrogen dùng tại âm đạo có ưu điểm là mang lại hiệu quả với liều thấp hơn và hạn chế ảnh hưởng tới toàn thân, đồng thời cũng có tác dụng làm giảm nhẹ các triệu chứng tốt hơn so với estrogen đường uống. Estrogen đường âm đạo có rất nhiều loại khác nhau với hiệu quả tương tự nhau:
    • Kem estrogen âm đạo (Estrace, Premarin).
    • Viên đạn estrogen nhét âm đạo (Imvexxy).
    • Vòng estrogen âm đạo (Estring, Femring).
    • Viên nén estrogen nhét âm đạo (Vagifem).
  • Ospemifene (Osphena): Uống hàng ngày có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng đau khi quan hệ tình dục với những bệnh nhân bị hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh mức độ trung bình và nặng. Thuốc chống chỉ định với những bệnh nhân đang bị ung thư vú hoặc có nguy cơ bị ung thư vú.
  • Prasterone (Intrarosa): loại thuốc nhét âm đạo này đưa trực tiếp nội tiết tố DHEA vào âm đạo giúp giảm nhẹ đau khi quan hệ tình dục. DHEA là nội tiết tố giúp cơ thể sản xuất các nội tiết tố khác bao gồm estrogen.
  • Liệu pháp estrogen toàn thân: Nếu âm đạo bị khô kèm theo các triệu chứng tiền mãn kinh khác, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng estrogen đường uống.
  • Dụng cụ làm giãn âm đạo: dụng cụ này kích thích và làm giãn cơ ở âm đạo, giúp phục hồi lại tình trạng hẹp âm đạo.
  • Lidocaine tại chỗ: dưới dạng mỡ hoặc gel cần kê đơn, giúp giảm nhẹ những khó chịu khi quan hệ tình dục, sử dụng trước khi bắt đầu từ 5 tới 10 phút.

8. Phòng tránh hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh

Các hành vi tình dục thông thường, với bạn tình hoặc thủ dâm, có thể giúp phòng tránh hội chứng niệu dục thời kì mãn kinh. Các hoạt động tình dục làm tăng lượng máu tới âm đạo, giúp giữ các mô âm đạo khỏe mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe