Sa bàng quang dễ gây rối loạn đời sống tình dục

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Sa bàng quang là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh đẻ. Những phụ nữ bị sa bàng quang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày không những vậy còn gây mất thẩm mỹ, khiến phụ nữ tự ti và ảnh hưởng không ít đến quan hệ vợ chồng.

1. Sa bàng quang là gì?

Tình trạng bàng quang của phụ nữ khi bị lệch khỏi vị trí và sà xuống âm đạo được gọi là sa bàng quang. Về phương diện giải phẫu học, bàng quang nằm giữa xương mu ( phía trước) và tử cung ( phía sau) và ở trên âm đạo.

Hiện tượng sa bàng quang, hay còn gọi là chứng thoát vị bàng quang, xảy ra khi các cơ thành âm đạo suy yếu và không đủ khả năng giữ các cơ quan vùng chậu đúng vị trí. Trong trường hợp này, bàng quang bị lồi lên hoặc thụt vào âm đạo.

Sự căng các cơ hỗ trợ vùng chậu có thể dẫn đến sa bàng quang. Nó thường xảy ra trong quá trình sinh đẻ, bị táo bón mãn tính, ho dữ dội hoặc nặng nề. Sa bàng quang cũng có xu hướng gây ra các vấn đề sau mãn kinh khi nồng độ estrogen giảm.

Tình trạng sa bàng quang nhẹ hoặc trung bình có thể áp dụng hiệu quả các phương pháp điều trị không phẫu thuật. Trong trường hợp nặng hơn, bệnh nhân cần phẫu thuật để giữ âm đạo và các cơ quan vùng chậu khác ở đúng vị trí.

Phụ nữ
Sa bàng quang là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh đẻ

2. Nguyên nhân gây sa bàng quang

2.1. Mang thai và sinh con là nguyên nhân chính gây sa bàng quang

Trong thời gian mang thai và sinh đẻ, các cơ vùng chậu và mô nâng đỡ thường bị kéo căng. Đây là những nhóm cơ giữ cố định bàng quang, vì vậy nếu chúng bị căng quá mức hoặc yếu đi, bàng quang sẽ tụt vào âm đạo.

Phụ nữ từng mang thai, đặc biệt là phụ nữ sinh nở nhiều lần qua ngã âm đạo, thường có nguy cơ cao bị chứng sa bàng quang. Ngay cả khi phụ nữ sinh mổ cũng có thể gặp phải tình trạng này.

2.2 Thời kỳ mãn kinh

Những phụ nữ đã qua thời kỳ mãn kinh thường gặp rủi ro sa bàng quang do nồng độ nội tiết tố nữ estrogen bị giảm sút. Estrogen có nhiệm vụ chính là duy trì sức mạnh, sự rắn chắc và đàn hồi của cơ âm đạo. Vì vậy, hiện tượng nồng độ estrogen giảm kèm theo giai đoạn chuyển sang mãn kinh có thể làm cho nhóm cơ mỏng và ít đàn hồi hơn, gây suy yếu toàn bộ.

2.3 Sự căng thẳng quá mức hoặc nhấc đồ nặng đôi khi cũng góp phần làm sa bàng quang

Khi căng nhóm cơ sàn chậu, bạn có nguy cơ bị sa bàng quang ( đặc biệt nếu cơ thành âm đạo bị suy yếu do mãn kinh hoặc sinh nở). Dưới đây là một số hoạt động căng cơ có thể gây ra sa bàng quang:

  • Nhấc đồ rất nặng
  • Ho mãn tính và nặng
  • Táo bón và rặn khi đi vệ sinh

2.4 Thừa cân béo phì

Nếu bị thừa cân hoặc béo phì, bạn rất dễ bị sa bàng quang. Trọng lượng thừa tăng thêm áp lực lên các nhóm cơ sàn chậu.

Phụ nữ béo phì
Nếu bị thừa cân hoặc béo phì, bạn rất dễ bị sa bàng quang

3. Dấu hiệu nhận biết

3.1 Cảm nhận sự hiện diện của bướu trong âm đạo

Trong một số trường hợp nặng, bạn có thể cảm thấy bàng quang bị hạ thấp xuống âm đạo. Khi ngồi xuống, bạn có cảm giác như đang ngồi trên quả bóng hoặc trứng, cảm giác này sẽ biết mất khi đứng dậy hoặc nằm xuống. Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của chứng sa bàng quang, và bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa hoặc phụ khoa càng sớm càng tốt.

3.2 Đau hoặc khó chịu vùng chậu

Nếu cảm thấy đau, tức hoặc khó chịu phần bụng dưới, vùng chậu hoặc âm đạo, bạn cần đi khám bác sĩ ngay. Một số bệnh lý, trong đó bao gồm sa bàng quang có thể gây nên những triệu chứng trên.

Nếu bị sa bàng quang, bạn sẽ cảm thấy đau, tức hoặc khó chịu hơn khi ho, hắt hơi, ráng sức hoặc tạo áp lực lên sàn chậu. Khi đó bạn cần phải mô tả rõ với bác sĩ. Bạn sẽ cảm thấy như thể có thứ gì đó rơi ra khỏi âm đạo nếu bị sa bàng quang.

3.3 Triệu chứng đường tiết niệu

Nếu hay bị chảy nước tiểu khi ho, hắt hơi, cười lớn hoặc ráng sức, bạn đang gặp phải tình trạng tiểu không tự chủ do áp lực. Phụ nữ mới sinh con thường dễ gặp rủi ro và nguyên nhân chính có thể là sa bàng quang. Bạn cần đi khám để giải quyết sớm vấn đề này.

Bạn nên quan sát mọi sự thay đổi khi đi tiểu, bao gồm tình trạng khó bắt đầu tiểu, tiểu không hết ( còn gọi là bí tiểu), tiểu rắt.

Quan sát tần suất nhiễm trùng bàng quang hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu ( UTI). ‘thường xuyên’ được định nghĩa là nếu trong thời gian 6 tháng có hơn một lần bị UTI. Phụ nữ bị sa bàng quang cũng thường hay nhiễm trùng bàng quang, vì thế bạn cần hết sức lưu ý tần suất xảy ra UTI.

3.4 Cảm giác đau đớn khi quan hệ

Đau khi giao hợp và có thể do một số nguyên nhân liên quan đến tình trạng sa bàng quang. Nếu hiện tượng này xảy ra, bạn cần đến gặp bác sĩ tổng quát hoặc phụ khoa càng sớm càng tốt.

3.5 Đau lưng

Một số phụ nữ mắc chứng sa ruột của bàng quang thường cảm thấy đau, tức, hoặc khó chịu vùng thắt lưng. Đau lưng là triệu chứng phổ biến của nhiều tình trạng bệnh- hoặc không có gì nghiêm trọng cả. Tuy nhiên bạn vẫn cần đi khám nếu có kèm theo các triệu chứng khác.

4. Sa bàng quang có nguy hiểm không?

Hình ảnh sa bàng quang
Hình ảnh sa bàng quang

Trước hết, sa bàng quang sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh. Phụ nữ sẽ thường xuyên cảm thấy chán nản, mệt mỏi và mặc cảm trong mỗi cuộc ‘yêu’, nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến lãnh cảm và có thể phá vỡ hạnh phúc gia đình bạn.

Nguy hiểm hơn là khi bàng quang bị ứ đọng nước do khó tiểu, tiểu ít kéo dài sẽ gây ra suy giảm chức năng thận, khiến thận hoạt động kém hơn bình thường. Nếu tình trạng này không được phát hiện và điều trị sớm thì sẽ để lại biến chứng rất nguy hiểm, không chỉ đe dọa đến sinh lý, giảm khả năng thụ thai mà còn nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Được tận hưởng đời sống tình dục viên mãn là nhu cầu thiết thực của mọi người phụ nữ. Tình dục mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp cuộc sống thăng hoa, giảm stress, trẻ lâu...Trên hết, tình dục còn là sợi dây bền chặt gắn kết vợ chồng ở tuổi U40, giữ ấm nếp nhà và mang lại không khí hạnh phúc tròn đầy cho tổ ấm. Vậy nên phụ nữ không nên âm thầm chịu đựng dẫn đến sợ gần gũi chồng làm hạnh phúc gia đình lung lay mà hãy chủ động tìm đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan