Polyp thường xuất hiện trong đại tràng, dạ dày với số lượng từ vài cái cho đến hàng nghìn cái. Tình trạng bệnh lý này khá phổ biến hiện nay, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ bản chất của tình trạng tổn thương này.
1. Polyp là gì? Polyp có phải là ung thư không?
Polyp là một dạng tổn thương có hình dáng giống với một khối u nhưng không phải là u, nó có thể có cuống hoặc không có cuống. Polyp do niêm mạc hoặc tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành. Đa số các khối polyp là lành tính, nhưng một số polyp có khả năng hóa thành ác tính (ung thư) nếu như không được điều trị kịp thời.
Polyp có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều vị trí trong cơ thể như dạ dày, ruột non, đạt trực tràng. Trong đó polyp đại tràng có tỷ lệ ung thư cao nhất. Một người mắc bệnh này có thể có hàng chục, hàng trăm thậm chí có đến hàng nghìn polyp to nhỏ khác nhau trong đại tràng và có thể kèm theo hàng chục polyp khác ở ruột non, dạ dày.
2. Polyp có biểu hiện như thế nào?
Tùy thuộc vào vị trí của khối polyp mà bệnh nhân sẽ có những biểu hiện khác nhau.
Trắc nghiệm: Làm thế nào để bảo vệ lá gan khỏe mạnh?
Làm test trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về gan có thể giúp bạn nhận thức rõ vai trò quan trọng của gan, từ đó có các biện pháp bảo vệ gan để phòng ngừa bệnh tật.2.1. Polyp đại tràng
Thông thường, bệnh nhân bắt đầu có các khối polyp to nhỏ khác nhau trong đại tràng từ tuổi dậy thì nhưng hiếm khi xuất hiện triệu chứng trước tuổi 33.
Có tới hơn 2/3 tổng số bệnh nhân bị polyp không có triệu chứng. Số còn lại thường có biểu hiện như:
- Dễ bị tiêu chảy.
- Có người bị tiêu chảy xen kẽ với táo bón.
- Có người đi ngoài phân có lẫn máu.
- Có một số ít trường hợp đi ngoài bình thường nhưng lại có biểu hiện đau quặn bụng dọc theo khung đại tràng.
- Có một số bệnh nhân có biểu hiện giống viêm dạ dày mạn tính với triệu chứng như đầy hơi, khó tiêu.
Khi số lượng polyp trong đại tràng quá nhiều, cần phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột già có polyp để tránh nguy cơ chuyển thành ung thư đại tràng.
Với số lượng polyp không quá nhiều, từ 50 - 60 khối polyp thì có thể cắt bỏ triệt để qua nội soi đại tràng.
Polyp đại tràng có mức độ phổ biến cao hơn bệnh polyp dạ dày, với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 5 - 6% dân số. Những yếu tố làm khởi phát bệnh như là:
- Yếu tố cơ địa.
- Do di truyền.
- Tuổi cao, trên 60 tuổi.
- Người béo phì.
- Hút thuốc lá.
- Uống nhiều bia rượu.
- Chế độ ăn nhiều chất béo.
- Thiếu chất xơ.
- Thiếu calcium.
- Thiếu Selenium.
Polyp đại tràng có hai dạng thường gặp đó là polyp tăng sản và polyp tuyến.
- Polyp tăng sản:
- Dạng này thường có kích thước nhỏ.
- Hay gặp ở đoạn cuối của đại tràng: trực tràng và đại tràng Sigma.
- Dạng polyp tăng sản rất ít khi trở thành ác tính.
- Polyp tuyến:
- Có tới 2/3 tổng số polyp đại tràng là polyp tuyến.
- Đa số chúng không phát triển thành ung thư, mặc dù chúng có tiềm năng này.
- Polyp tuyến lại thường được phân loại theo kích thước, hình dáng và đặc điểm mô học của chúng qua sinh thiết.
- Polyp tuyến càng lớn thì khả năng ung thư hóa càng cao. Vì vậy các khối polyp lớn cần phải sinh thiết hoặc cắt bỏ hoàn toàn rồi gửi đi làm giải phẫu bệnh
Rất khó để phân biệt hai dạng polyp này nếu chỉ dựa trên hình ảnh nội soi, do đó các polyp tăng sản vẫn được cắt bỏ và gửi đi làm tế bào học giống như polyp tuyến.
Nội soi đại tràng là phương pháp tốt nhất để phát hiện polyp đại tràng và tiến hành cắt bỏ khi phát hiện ra chúng. Ngoài ra, phương pháp chụp đại tràng cản quang cũng có thể phát hiện các khối polyp mặc dù độ chính xác không cao lắm.
2.2. Polyp dạ dày
Polyp dạ dày là các khối u lành tính, có kích thước từ 3-4mm cho đến 2 - 3 cm phát triển trên bề mặt dạ dày. Số lượng polyp dạ dày có thể chỉ là 1- 2 cái, nhưng cũng có khi đến 5 - 10 cái hoặc đến hàng chục cái. Theo các số liệu thống kê cho thấy có khoảng 1% dân số mắc phải căn bệnh này.
Các triệu chứng thường gặp của polyp dạ dày đó là:
- Đầy bụng, khó tiêu.
- Đau tức vùng bụng trên rốn.
- Khi các khối polyp có kích thước lớn sẽ gây chảy máu rỉ rả, gây nôn ói ra máu hoặc đi ngoài phân đen.
Tình trạng này nếu không được phát hiện và cắt bỏ polyp kịp thời, bệnh nhân sẽ bị thiếu máu mạn tính với các triệu chứng như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, xanh xao, sụt cân.
Nội soi dạ dày qua miệng hoặc qua mũi là phương pháp duy nhất để chẩn đoán chính xác căn bệnh này. Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết dạ dày để xem polyp dạ dày có chuyển thành ung thư dạ dày hay không.
Nguyên nhân gây ra các loại polyp dạ dày đó là do:
- Nhiễm vi khuẩn Hp.
- Hút thuốc lá.
- Uống rượu bia.
- Dùng thuốc ức chế tiết acid dạ dày liều cao kéo dài trong nhiều năm.
Polyp dạ dày gồm có các dạng chính sau:
- Polyp tăng sản:
- Dạng này tạo thành một phản ứng viêm mạn tính trong các tế bào lót mặt trong của dạ dày.
- Đây là dạng phổ biến nhất ở những bệnh nhân bị viêm dạ dày. Có thể có mối liên quan đến vi khuẩn HP.
- Polyp tăng sản hầu như không có khả năng trở thành ung thư dạ dày. Tuy nhiên với những khối polyp tăng sản lớn, có đường kính trên 2cm thì có nguy cơ trở thành ung thư.
- Polyp tuyến:
- Hình thành từ các tế bào tuyến trên lớp niêm mạc bên trong của dạ dày.
- Dạng này thường xảy ra ở những người bị hội chứng di truyền hiếm được gọi là bệnh polyp u tuyến gia đình.
- U tuyến là loại polyp dạ dày phổ biến nhất.
- Có nhiều khả năng trở thành ung thư dạ dày.
Như vậy polyp nếu không được điều trị kịp thời có thể chuyển thành ung thư, gây nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Vậy điều trị polyp bằng cách nào?
3. Cách điều trị polyp
Cách điều trị polyp nói chung là tiến hành cắt bỏ polyp trong quá trình nội soi, nếu phát hiện ra có polyp. Nếu polyp quá to không thể cắt bằng nội soi, bác sĩ sẽ xử trí bằng phương pháp phẫu thuật.
Với những polyp to ở đại tràng đã chuyển sang ung thư giai đoạn sớm nếu khối polyp không quá to và chưa dính sâu vào thành ruột già thì bác sĩ vẫn có thể cắt được. Nếu ung thư xâm lấn gây ảnh hưởng đến các đoạn của ruột già thì cần phải phẫu thuật cắt bỏ chúng.
Sau khi cắt polyp thành công qua nội soi, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nội soi kiểm tra lại trong vòng 3 - 6 tháng sau đó. Nếu bệnh nhân ổn định, sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra trong vòng 1 - 3 năm tiếp theo. Trong quá trình theo dõi, nếu phát hiện polyp tái phát, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ các khối polyp tái phát qua nội soi.
4. Cách phòng tránh polyp
- Không nên hút thuốc lá.
- Không uống rượu bia.
- Tăng cường tập thể dục.
- Tránh tình trạng béo phì.
- Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây.
- Hạn chế ăn chất béo và thịt có màu đỏ.
- Bổ sung thêm calcium từ thức ăn và sữa.
Như vậy, polyp không phải là ung thư và đa phần là lành tính. Tuy nhiên một số trường hợp có thể hóa ác tính thành ung thư, do đó khi phát hiện có polyp cần phải được điều trị kịp thời và theo dõi để phòng tránh bệnh chuyển thành ung thư.
Đại tràng và dạ dày là hai cơ quan thường xuất hiện polyp nhất. Nội soi dạ dày, nội soi đại tràng vừa giúp chẩn đoán vừa là phương pháp điều trị polyp tốt nhất hiện nay. Với những trường hợp khối polyp lớn, không thể cắt qua nội soi, sẽ phải tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ.
Khoa Nội soi - Tiêu hóa là một trong những chuyên khoa mũi nhọn tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.