Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Phạm Thị Sơn - Bác sĩ Thần kinh - Khoa Khám bênh & Nội khoa, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Hải Phòng.
Đau đầu là triệu chứng thần kinh thường gặp nhất trong thực hành thần kinh chung. Hội chứng đau đầu có thể là một căn bệnh, cũng có thể là triệu chứng của bệnh nội, ngoại khoa khác nhau. Mỗi loại nguyên nhân đau đầu sẽ có một phương pháp điều trị riêng. Bài viết dưới đây sẽ giúp khách hàng hiểu hơn về hội chứng này.
1. Phân loại đau đầu
Bảng phân loại đau đầu theo hiệp hội đau đầu thế giới (International Headache Society hay HIS) năm 2004
Xem thêm: Mô tả các hội chứng đau đầu thường gặp
2. Cơ chế gây đau đầu
Tất cả các cấu trúc cảm giác của hệ thần kinh trong hoặc ngoài sọ đều có thể gây sinh đau khi bị kích thích. Nguyên nhân kích thích có thể là do quá trình viêm nhiễm, sự xâm lấn của khối u, thiếu máu, các quá trình bệnh lý gây xoắn vặn, giãn căng hoặc phù nề quanh các mạch máu.
Cơ chế sinh đau của các thương tổn thực thể nêu trên thường qua hai con đường:
- Thương tổn thực thể kích thích cơ học lên các thụ cảm thể đau(như làm căng giãn hoặc xoắn vặn các mạch máu cũng như các tổ chức mang thụ cảm thể đau khác).
- Thương tổn sinh ra các chất trung gian hóa học (chất P, serotonin, kinin, prostaglandin), các chất này tác động nên các thụ cảm thể đau và gây diễn biến đau trên lâm sàng
3. Các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán nguyên nhân đau đầu
Có rất nhiều phương pháp chẩn đoán bổ trợ được ứng dụng cho việc thăm khám bệnh cho bệnh nhân đau đầu. Tuy nhiên tùy từng trường hợp cụ thể, tùy từng đặc tính bệnh học của các quá trình bệnh lý mà người thầy thuốc cần có sự lựa chọn phương pháp thích hợp.
3.1. Chụp cắt lớp vi tính sọ não
- Ưu điểm thời gian chụp nhanh, xác định được khối choáng chỗ, nhồi máu, chảy máu, não nước...
- Nhược điểm: Khó chẩn đoán bệnh lý hố sau
- Đối tượng: Các bệnh nhân đau đầu chuỗi, đau đầu do căng thẳng, đau đầu chức năng cho hình ảnh bình thường.
3.2. Chụp cộng hưởng từ sọ não
- Đây là phương pháp hiện đại nhất cho hình ảnh rõ ràng những bệnh lý tổn thương ở não, có thể dựng hình ở não theo nhiều chiều khác nhau.
- Ưu điểm: Có ưu thế chẩn đoán bệnh lý hố sau, chẩn đoán bệnh lý phần mềm (não, tủy, phần mềm cổ).
- Nhược điểm: Thời gian chụp lâu, một lần chụp mất khoảng 30 phút.
3.3. Chụp cộng hưởng từ mạch não
- Dùng để đánh giá mạch máu trong và ngoài sọ, chẩn đoán dị dạng mạch não, xơ vữa, hẹp tắc động mạch, chẩn đoán huyết khối xoang tĩnh mạch sọ.
3.4. Chụp mạch số hóa xóa nền DSA
- Thường được chỉ định để chẩn đoán và can thiệp các bệnh lý của mạch máu trong và ngoại sọ.
3.5. Điện não đồ
- Ghi lại các hoạt động chức năng của não. Điện não đồ đặc biệt có giá trị chẩn đoán và theo dõi các bệnh động kinh.
- Trong đó điện não đồ video là phương pháp theo dõi hoạt động của não bộ, kết quả thu được là video ghi lại hoạt động của sóng điện não trong thời gian dài nhằm xác định những bất thường trong hoạt động chức năng của hệ thần kinh, nhờ đó chẩn đoán bệnh động kinh chính xác, đồng thời giúp xác định thể động kinh và khu vực não bộ hoạt động bất thường
3.6. Siêu âm mạch cảnh
- Là phương tiện lựa chọn hàng đầu để phân loại, chẩn đoán, và kiểm tra các trường hợp bệnh xơ vữa động mạch cảnh.
- Xơ vữa động mạch cảnh là một trong những nguyên nhân làm giảm lưu lượng máu lên não và tiềm ẩn nguy cơ tắc mạch não.
3.7. Siêu âm xuyên sọ
- Có giá trị để theo dõi co thắt mạch não đặc biệt trong trường hợp chảy máu dưới nhện, chẩn đoán hẹp hoặc tắc mạch não, theo dõi trong phẫu thuật, theo dõi và đánh giá chết não...trong đó một trong những ứng dụng quan trọng là phát hiện các dị dạng thông động tĩnh mạch não.
3.8. Xét nghiệm dịch não tủy
- Có giá trị để chẩn đoán nguyên nhân Trong các trường hợp đau đầu kèm theo có sốt để tìm căn nguyên gây bệnh.
- Ngoài ra bệnh nhân có thể phải làm thêm các xét nghiệm máu, cận lâm sàng khác để tìm các nguyên nhân gây bệnh không phải tại não: Như tổng phân tích tế bào máu, nước tiểu,chức năng gan, thận, đường máu mỡ máu, điện tim, siêu âm tim....
4. Điều trị và cách phòng tránh đau đầu
Các phương pháp điều trị không dùng thuốc đối với các đau đầu căng thẳng:
- Tập luyện thể chất hàng ngày như bơi lội, đi bộ, tập yoga..
- Nên tránh các căng thẳng, xung đột trong công việc và cuộc sống.
- Luôn sống lạc quan vui vẻ và chia sẻ các vấn đề khó khăn với người thân và bạn bè.
- Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá, các chất kích thích,tránh thức khuya và ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng.