Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Đã bao giờ bạn được đo nhịp tim hay đo huyết áp, đến khi thấy kết quả nhịp tim của mình thì không biết như vậy có bình thường hay không? Vậy nhịp tim chuẩn là bao nhiêu và khi nào thì gọi là rối loạn nhịp tim?
1. Nhịp tim chuẩn đối với người bình thường
Nhịp tim chuẩn có thể khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào độ tuổi, thể trạng, giới tính,... Đối với người từ 18 tuổi trở lên, nhịp tim bình thường trong lúc nghỉ ngơi dao động trong khoảng từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút. Thông thường, người có thể trạng càng khỏe mạnh, thì nhịp tim càng thấp. Đối với những vận động viên chuyên nghiệp, khi ở chế độ nghỉ ngơi, nhịp tim trung bình của họ chỉ khoảng 40 nhịp một phút. Ví dụ như vận động viên đua xe đạp Lance Armstrong - huyền thoại của làng thể thao thế giới, tim của anh chỉ đập khoảng 32 nhịp mỗi phút.
Theo nghiên cứu của Cơ quan y tế quốc gia tại Vương quốc Anh, dưới đây là bảng tiêu chuẩn nhịp tim lý tưởng theo từng độ tuổi:
Nhịp tim của chúng ta vào từng thời điểm thường bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như: Hoạt động thể chất của cơ thể trước lúc đó, tình hình sức khỏe và bệnh lý, nhiệt độ môi trường, tư thế đứng, ngồi, hay nằm). Ngoài ra, trạng thái tinh thần và cảm xúc cũng ảnh hưởng ít nhiều (ví dụ như cảm xúc giận dữ, vui mừng, sợ hãi, lo lắng,...). Bên cạnh đó, một số loại thuốc cũng có khả năng ảnh hưởng đến nhịp tim. Tuy nhiên, khi đề cập đến nhịp tim chuẩn, hay nhịp tim bình thường, nghĩa là nhịp tim được đo lúc cơ thể đang nghỉ ngơi hoàn toàn.
Trắc nghiệm: Huyết áp của bạn có đang thực sự tốt?
Huyết áp cao hay thấp đều ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe con người. Để biết tình trạng huyết áp của bạn có thực sự tốt không, hãy làm bài trắc nghiệm sau đây để đánh giá.2. Thận trọng với rối loạn nhịp tim
Nếu do một nguyên nhân hoặc tác động nào đó khiến cho nhịp đập trái tim trở nên bất thường, như nhịp tim nhanh (hơn 100 nhịp mỗi phút), nhịp tim chậm (dưới 60 nhịp mỗi phút) hoặc tim đập lúc nhanh, lúc chậm, thậm chí có nhịp tim tim đập nhưng không thấy mạch, thì được gọi là rối loạn nhịp tim. Trong cuộc sống hàng ngày, không thể tránh khỏi những lúc trái tim bị lạc nhịp. Tình trạng này thường xuất phát từ những nguyên nhân rất “đời thường”, chẳng hạn như: Căng thẳng, hoạt động gắng sức, rối loạn tâm lý, hay những thói quen xấu như thức khuya, hút thuốc lá, sử dụng một số chất kích thích như rượu bia, cà phê, trà đặc,...
Những triệu chứng của rối loạn nhịp tim
Bên cạnh đó, các bệnh lý liên quan trực tiếp đến tim mạch như: Suy tim, Thiếu máu cơ tim, các bệnh lý về van tim (hở van tim và hẹp van tim), viêm cơ tim, bệnh tim bẩm sinh,... đều là những căn nguyên ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền xung động điện trong tim và gây ra rối loạn nhịp tim.
Rối loạn nhịp tim còn liên quan tới một số bệnh lý hoặc nguyên nhân khác như:
- Tăng huyết áp.
- Rối loạn mỡ máu.
- Tiểu đường.
- Thừa cân béo phì.
- Cường giáp.
- Viêm phế quản cấp tính hay mạn tính.
- Thiếu máu, thiếu hụt dinh dưỡng.
- Rối loạn cân bằng kiềm - toan và điện giải.
- Đôi khi, chính các thuốc chống loạn nhịp tim lại là thủ phạm gây ra rối loạn nhịp tim.
Ngoài ra, nhiều trường hợp rối loạn nhịp tim không thể xác định được nguyên nhân. Như vậy, không phải lúc nào tim chúng ta cũng duy trì được nhịp tim chuẩn. Tuy nhiên, một số trường hợp rối loạn nhịp tim không đáng kể, thậm chí vô hại, nhưng cũng có những trường hợp cần phải đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
3. Khi nào bệnh nhân rối loạn nhịp tim cần đi khám bác sĩ?
Nói chung, hầu hết các bệnh tim mạch đều có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng diễn biến của chúng lại rất thầm lặng và chỉ biểu hiện thoáng qua. Vì vậy, nếu nhận thấy bất kỳ sự khác thường nào của trái tim, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán sớm đối với những vấn đề về tim mạch. Những trường hợp dưới đây cần được ưu tiên điều trị rối loạn nhịp tim kịp thời:
- Tim đập nhanh hoặc chậm, kèm theo dấu hiệu hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt, thậm chí là choáng ngất.
- Loạn nhịp tim, kèm theo khó thở, đau ở vùng ngực, cổ, vai, cánh tay hoặc lưng.
- Nhịp tim chuẩn, bỗng loạn nhịp đột ngột, xuất hiện khi bạn vừa sử dụng một loại thuốc điều trị nào đó.
- Rối loạn nhịp tim xuất hiện đồng thời với các biểu hiện bất thường khác, như sụt cân, mệt mỏi kéo dài, giảm khả năng gắng sức, kèm theo đau đầu, vã mồ hôi.
4. Cần làm gì để lấy lại nhịp tim chuẩn?
Bệnh nhân rối loạn nhịp tim muốn lấy lại nhịp tim bình thường, ngoài việc đến khám và điều trị trực tiếp với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, cần thực hiện những biện pháp sau đây:
- Thay đổi hoặc từ bỏ những thói quen xấu (rượu bia, thuốc lá), điều này sẽ giúp cải thiện rõ rệt tình trạng rối loạn nhịp tim.
- Ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch, bao gồm: rau xanh, cá (cá hồi, cá thu,...), hạn chế mỡ động vật và nguồn cholesterol (trứng, sữa béo,...)
- Tăng cường luyện tập thể chất.
- Cân bằng công việc, giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống.
Ngoài ra, khi đã được chỉ định điều trị thì người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn điều trị rối loạn nhịp tim của bác sĩ.
Cai thuốc lá là một trong những cách giúp trái tim tìm lại nhịp đập bình thường.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp chữa trị, giúp bệnh nhân có thể lấy lại nhịp tim chuẩn ban đầu. Tùy thuộc vào mỗi tình trạng bệnh khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định một phương án thích hợp, theo những nguyên tắc điều trị chung, đó là:
- Loại bỏ những tác nhân thủ phạm gây ra loạn nhịp như thuốc hoặc chất kích thích.
- Điều trị tốt các bệnh lý nền: Bệnh tim mạch, đái tháo đường, cường giáp,...
- Sử dụng thuốc chống loạn nhịp theo phác đồ mới nhất.
- Áp dụng những nghiệm pháp làm giảm nhịp tim, bao gồm: gây cường phó giao cảm (bằng cách ấn và xoa xoang động mạch cảnh, ấn nhãn cầu), hay nghiệm pháp Valsalva,...
- Trong các trường hợp rối loạn nhịp tim nghiêm trọng hoặc không thể đáp ứng điều trị nội khoa, mức nhịp tim chuẩn không đạt được, thì các phương pháp can thiệp khác có thể được áp dụng, chẳng hạn như đặt máy tạo nhịp, sốc điện tim, đốt điện sinh lý, phẫu thuật tim,...
Nếu bạn gặp phải triệu chứng rối loạn nhịp tim hoặc đang nghi ngờ mình mắc các bệnh về tim mạch, hãy ĐẶT LỊCH KHÁM với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị ngay hôm nay.
Bên cạnh đó, tầm soát sớm nguy cơ tim mạch, phòng tránh bệnh luôn là điều quan trọng nhất, giúp duy trì nhịp tim chuẩn, hạn chế những biến cố nguy hiểm cho sức khỏe. THAM KHẢO NGAY gói tầm soát bệnh lý tim mạch tại Vinmec với các bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Để tầm soát sớm các bệnh lý về tim mạch, bạn có thể đăng kí khám bệnh online hoặc liên hệ trực tiếp đến Vinmec để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.