Viêm thanh quản cấp ở trẻ em

Bài viết được viết bởi BS Hồ Thị Anh Thư - Bác sĩ Nhi sơ sinh, Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Viêm thanh quản cấp (VTQ) chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi, ít gặp ở trẻ trên 6 tuổi. Bệnh thường xảy ra vào mùa thu và những tháng đầu mùa đông. Bệnh thường gặp ở trẻ trai hơn so với trẻ gái.

1. Nguyên nhân viêm thanh quản cấp

Nguyên nhân thường gặp của viêm thanh quản là do nhiễm virus (parainfluenza hoặc cúm) dẫn đến viêm thanh quản và khí quản.

Ban đầu, virus xâm nhập vào mũi và họng sau đó dọc theo đường hô hấp trên đến thanh quản và khí quản. Khi bệnh diễn tiến, phần dưới cùng của thanh quản và phần trên của khí quản bị viêm, làm hẹp luồng khí vào phổi.

Bệnh do nguyên nhân virus gây ra, tuy nhiên cũng có vài trường hợp bội nhiễm (đồng nhiễm vi khuẩn). Lúc này bệnh thường nặng hơn và điều trị khác với nhiễm virus.

2. Triệu chứng viêm thanh quản

Triệu chứng chính của viêm thanh quản là ho dai dẳng và khàn giọng. Viêm thanh quản thường nhẹ và kéo dài dưới 1 tuần, mặc dù vài trường hợp có thể trở nặng và đe dọa tính mạng. Triệu chứng thường nặng lên vào ban đêm. Các triệu chứng thường khởi phát từ từ, bắt đầu bằng nghẹt mũi và chảy nước mũi. Trong vòng 12 đến 48 giờ sau, có thể diễn tiến thành khó thở và trở nặng. Hầu hết trẻ bị sốt, có thể từ sốt nhẹ 38°C đến rất cao 40,5°C.

Các triệu chứng khác như phát ban, đỏ mắt (viêm kết mạc) và sưng hạch, tùy thuộc vào từng loại virus gây bệnh. Mất nước có thể xảy ra nếu trẻ không được uống đủ nước.

Khi đường thở hẹp dần, sẽ nghe tiếng thở rít, ồn ào và thở nhanh hơn; trẻ có thể trở nên bứt rứt hoặc kích động. Khi trẻ càng quấy, đường thở hẹp hơn, trẻ càng khó thở và bứt rứt hơn. Khi trẻ khó thở và thở nhanh, trẻ sẽ mệt mỏi, kiệt sức và không thể tự thở trong những trường hợp nặng.

Luồng khí đến phổi bị hạn chế làm trẻ bị thiếu oxy và trở nên tím tái. Đầu tiên có thể thấy tím tái ở các đầu ngón tay và móng chân, vành tai, đầu mũi, môi và lưỡi, và niêm mạc má.

Trẻ bị sốt siêu vi có uống được kháng sinh
Viêm thanh quản gây ra triệu chứng sốt ở trẻ nhỏ

3. Mức độ lây lan

Viêm thanh quản do virus gây ra, có thể lây lan dễ dàng qua ho, hắt hơi, và dịch tiết đường hô hấp (chất nhầy và giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi). Trẻ em bị viêm thanh quản có khả năng lây nhiễm trong vòng 3 ngày sau khi biểu hiện triệu chứng hoặc cho đến khi hết sốt.

4. Độ nặng viêm thanh quản

Viêm thanh quản có thể rất nhẹ hoặc rất nặng, tùy thuộc vào mức độ gắng sức của trẻ khi hít vào. Đường kính của khí quản (trẻ càng nhỏ kích thước càng nhỏ) và mức độ hẹp là những yếu tố quan trọng quyết định độ nặng của bệnh. Bệnh có thể trở nên nặng hơn khi trẻ quấy khóc hoặc khó chịu.

4.1 Mức độ nhẹ

Trẻ bị viêm thanh quản nhẹ thường tỉnh táo và môi hồng và không thở gắng sức. Trẻ có thể ho, tiếng ho như tiếng chó sủa. Khi trẻ ngủ, không nghe thấy tiếng thở rít nhưng có thể xuất hiện khi trẻ ho hoặc khóc. Các triệu chứng có thể diễn tiến nặng hơn, đặc biệt là vào buổi tối.

4.2 Mức độ trung bình

Trẻ bị viêm thanh quản mức độ trung bình có thể có thở rít và thở gắng sức mức độ trung bình khi ngủ. Trẻ có thể hơi quấy khóc, rứt rứt, kích thích, và khó thở mức độ trung bình.

4.3 Mức độ nặng

Trẻ bị viêm thanh quản nặng có biểu hiện thở rít và thở gắng sức khi ngồi yên. Trẻ có biểu hiện thở co lõm hõm ức và thở rút lõm lồng ngực nặng khi hít vào. Trẻ có thể tỏ ra bứt rứt, kích động hoặc mệt mỏi. Tím môi thường gặp, ban đầu chỉ khi trẻ cử động hoặc quấy khóc, nhưng nặng dần đến mức xuất hiện ngay cả khi trẻ đang nghỉ ngơi.

Người 36 tuổi có thể phẫu thuật lõm lồng ngực bẩm sinh không?
Mức độ nặng của viêm thanh quản cấp có thể khiến trẻ gặp tình trạng rút lõm lồng ngực

5. Chẩn đoán viêm thanh quản

Viêm thanh quản thường được chẩn đoán dựa trên bệnh sử và triệu chứng lâm sàng của trẻ, bao gồm ho, khàn tiếng và thở rít, đặc biệt thường xảy ra vào mùa thu và mùa đông. Thường không cần làm các cận lâm sàng như xét nghiệm máu hay chụp X-Quang. Bác sĩ khi thăm khám sẽ quyết định mức độ nặng, và điều trị tùy theo từng mức độ.

6. Điều trị viêm thanh quản

Điều trị viêm thanh quản phụ thuộc vào mức độ nặng và nguy cơ diễn tiến nặng của bệnh. Trẻ có các triệu chứng nhẹ và không có yếu tố nguy cơ diễn tiến nặng thường được điều trị tại nhà. Trong khi đó, trẻ có triệu chứng từ trung bình đến nặng hoặc trẻ có nguy cơ diễn tiến nặng nên được điều trị tại bệnh viện.

6.1 Viêm thanh quản mức độ nhẹ

Hầu hết trẻ viêm thanh quản nhẹ có thể điều trị thành công tại nhà. Điều trị bằng cách xông hơi ấm cho trẻ ở trong phòng kín với máy tạo độ ẩm hoặc trong phòng tắm với hơi nước ấm (tạo hơi nước bằng nước nóng chảy ra từ vòi sen).

Cha mẹ ở cùng trẻ trong quá trình xông hơi; một cuốn sách trẻ yêu thích hoặc bài hát ru có thể giúp trẻ giảm lo lắng và hạn chế làm trẻ khóc, vì điều này có thể làm cho tình trạng nặng hơn.

Nên tránh sử dụng máy tạo ẩm bằng hơi nước nóng vì có thể gây bỏng. Nếu tình trạng của trẻ không cải thiện, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám.

Một số biện pháp hỗ trợ:

  • Cho trẻ ở phòng thoáng khí bằng cách mở cửa sổ hoặc cửa ra vào.
  • Có thể điều trị sốt bằng acetaminophen hoặc ibuprofen.
  • Có thể điều trị ho bằng uống nước ấm để làm lỏng chất nhầy tở dây thanh. Nước ấm, nước táo hoặc nước chanh an toàn cho trẻ trên 4 tháng.
  • Nên tránh hút thuốc trong nhà; khói thuốc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ho của trẻ.
  • Nâng cao đầu của trẻ, có thể được kê thêm gối. Gối không được sử dụng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
  • Cha mẹ nên ngủ cùng trẻ để phát hiện triệu chứng khó thở kịp thời.
  • Cha mẹ cần đưa trẻ khám ngay khi biểu hiện bệnh nặng hơn.

Điều trị thuốc:

  • Trẻ bị viêm thanh quản nhẹ có thể điều trị bằng xông hơi và một liều duy nhất glucocorticoid. Glucocorticoid thường dùng nhất là dexamethasone và prednisolone. Dexamethasone cũng có thể được tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp khi trẻ bị nôn nhiều và khó uống thuốc. Đôi khi có thể phun khí dung budesonide.
  • Glucocorticoid có tác dụng làm giảm viêm thanh quản, thường có tác dụng vòng 6 giờ sau khi dùng liều đầu tiên.
Kê đơn, bác sĩ chỉ định uống thuốc
Sau khi thăm khám bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho trẻ viêm thanh quản

6.2 Viêm thanh quản mức độ trung bình, nặng

Viêm thanh quản mức độ trung bình đến nặng nên được đánh giá tại bệnh viện. Viêm thanh quản nặng là tình trạng đe dọa tính mạng và không nên trì hoãn điều trị vì bất kỳ lý do gì. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, bao gồm:

  • Thở không khí được làm ẩm hoặc oxy (nếu trẻ cần oxy).
  • Có thể cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch nếu trẻ bị mất nước do sốt hoặc thở nhanh, cả hai điều này đều làm cho trẻ mất nước.
  • Theo dõi nồng độ oxy, nhịp thở, nhịp tim, màu da, và mức độ tỉnh táo để đánh giá tình trạng của trẻ và đáp ứng điều trị.
  • Đặt nội khí quản hiếm khi cần đối với trẻ bị viêm thanh quản nặng; ít hơn 1% trẻ được khám tại khoa cấp cứu cần đặt nội khí quản.

Điều trị bằng thuốc:

  • Dexamethasone

Dexamethasone là loại thuốc thường dùng nhất để điều trị viêm tĩnh mạch. Đây là một glucocorticoid tác dụng kéo dài và điều trị hiệu quả viêm tĩnh mạch. Thuốc làm giảm viêm thanh quản, thường có tác dụng trong vòng 6 giờ sau khi dùng liều đầu tiên. Thuốc làm giảm nhu cầu tái khám, giảm thời gian lưu tại phòng cấp cứu và giảm liều lượng các thuốc khác (ví dụ: epinephrine).

Thuốc được dùng dưới dạng siro uống hoặc tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch (tùy vào việc điều trị nào là dễ dàng nhất cho trẻ). Hầu hết chỉ cần dùng một liều, và các tác dụng phụ nghiêm trọng rất hiếm khi xảy ra.

  • Epinephrine

Epinephrine, thường được gọi là "adrenalin", được sử dụng bằng máy phun khí dung cho trẻ bị viêm thanh quản từ trung bình đến nặng. Thuốc cũng làm giảm viêm đường thở và có tác dụng nhanh hơn dexamethasone. Thuốc có tác dụng trong khoảng thời gian ngắn (hai giờ hoặc ít hơn) và có thể dùng sau mỗi 15 đến 20 phút đối với các trường hợp nặng. Phun adrenalin lại sau 2 giờ nếu các triệu chứng tái phát. Các triệu chứng có thế tái phát lại, thường là trong vòng 2 đến 4 giờ sau khi điều trị.

Tác dụng phụ của epinephrine bao gồm nhịp tim nhanh. Tác dụng phụ nghiêm trọng rất hiếm xảy ra. Trẻ được sử dụng epinephrine phải được theo dõi từ 3 đến 4 giờ sau liều cuối cùng để đảm bảo rằng các triệu chứng tắc nghẽn đường thở không tái phát.

Các biện pháp khác:

Thuốc kháng sinh, thuốc ho, thuốc giảm sung huyết mũi và thuốc an thần không được khuyến cáo dùng thường quy cho trẻ bị viêm thanh quản. Thuốc kháng sinh không điều trị được virus, và virus là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp viêm thanh quản. Thuốc ho và thuốc giảm sung huyết mũi chưa được chứng minh có lợi và thuốc an thần có thể che dấu các triệu chứng của giảm oxy máu và khó thở.

7. Biện pháp phòng ngừa viêm thanh quản


Điều đáng tiếc là không có cách nào để ngăn ngừa viêm thanh quản. Không có vắc-xin nào ngừa hầu hết virus gây ra viêm thanh quản.Các biện pháp vệ sinh đơn giản có thể giúp ngăn ngừa nhiễm virus. Các biện pháp này bao gồm:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước

Lý tưởng nhất là tay nên được làm ướt bằng nước và xà phòng thường hoặc kháng khuẩn, và cọ xát tay với nhau trong vòng 15 đến 30 giây. Cần đặc biệt chú ý đến móng tay, kẽ ngón tay và cổ tay. Cần rửa tay thật sạch và lau khô bằng khăn dùng một lần.Đây là một giải pháp thay thế để khử trùng tay nếu không có bồn rửa tay. Nên thoa đều tay lên toàn bộ bàn tay, ngón tay và cổ tay cho đến khi khô, có thể dùng nhiều lần. Khi có bồn rửa, bé nên rửa tay sạch bằng nước và xà phòng.

Lưu ý khi rửa tay sát khuẩn cho bé
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước giúp phòng ngừa viêm thanh quản

  • Tránh tiếp xúc gần với người lớn và trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên

Điều này có thể khó khăn, đặc biệt là khi ở nơi công cộng, nhưng cha mẹ có thể cố gắng hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Ngoài ra, không nên gửi trẻ nhỏ hoặc trẻ em đang bị bệnh đến nhà trẻ hoặc trường học vì điều này có thể khiến người khác bị bệnh.

  • Nên chủng ngừa virus cúm hàng năm cho những trẻ trên 6 tháng tuổi.

Thuốc chủng ngừa cúm thường được tiêm vào các tháng mùa thu và mùa đông.

8. Khi nào cần đi khám?

Nếu bất cứ lúc nào trẻ có biểu hiện xấu đi hoặc nặng hơn, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay:

  • Khó thở
  • Da nhợt nhạt hoặc tím tái
  • Cơn ho dữ dội
  • Chảy nước dãi hoặc khó nuốt
  • Không thể nói hoặc khóc do khó thở
  • Khi thở nghe tiếng huýt sáo hoặc tiếng thở ồn ào, the thé khi ngồi hoặc nghỉ ngơi
  • Co lõm hõm ức hoặc co lõm ngực

Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám khi:

  • Sốt (nhiệt độ cao hơn 38°C) kéo dài hơn 3 ngày
  • Các triệu chứng của viêm thanh quản nhẹ nhưng kéo dài hơn 7 ngày

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,.... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn:

[1] Alberta Clinical Practice Guidelines Guideline Working Group. Guidelines to the diagnosis and management of croup. www.topalbertadoctors.org/download/252/croup_guideline.pdf (Accessed on March 20, 2013).

[2] Gates A, Gates M, Vandermeer B, et al. Glucocorticoids for croup in children. Cochrane Database Syst Rev 2018; 8:CD001955.

[3] Cherry JD. State of the evidence for standard-of-care treatments for croup: are we where we need to be? Pediatr Infect Dis J 2005; 24:S198.

[4] Vernacchio L, Mitchell AA. Oral dexamethasone for mild croup. N Engl J Med 2004; 351:2768.

[5] VSchmitt BD. Croup. In: Instructions for Pediatric Patients, 2nd ed, Saunders, Philadelphia 1999. p.70.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

896 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan