1. Công dụng của thuốc Gentadex
“Gentadex là thuốc gì?”. Thuốc Gentadex chứa hoạt chất Gentamycin Sulfate và Dexamethasone Natri Phosphate bào chế dưới dạng dung dịch nhỏ tai.
Hoạt chất Gentamycin là kháng sinh thuộc nhóm Aminoglycosid có phổ tác dụng rộng. Thuốc tác dụng chủ yếu trên vi khuẩn ưa khí gram âm, gram dương như tụ cầu, phế cầu, liên cầu. Gentamycin tác dụng theo cơ chế gắn vào tiểu đơn vị 30S của protein vi khuẩn, làm cho trình tự sắp xếp các acid amin không đúng từ đó tạo ra các protein không hoạt tính và tiêu diệt được vi khuẩn.
Hoạt chất Dexamethasone là Corticoid tác dụng kháng viêm mạnh, tác dụng theo cơ chế gắn vào thụ thể ở tế bào, chuyển vị vào nhân tế bào và tác động lên một số gen được dịch mã. Dexamethasone có tác dụng chính là kháng viêm, kháng dị ứng và ức chế miễn dịch.
Thuốc Gentadex được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Viêm giác mạc, viêm kết mạc, viêm túi lệ, viêm tuyến Meibomius, viêm kết mạc dị ứng, viêm màng mạch nhỏ, viêm thượng củng mạc;
- Viêm tai ngoài không bị thủng màng nhĩ, chàm bội nhiễm ống tai, viêm tai giữa cấp tính.
2. Liều dùng của thuốc Gentadex
Gentadex thuộc nhóm thuốc kê đơn, liều thuốc sử dụng được chỉ định bởi bác sĩ điều trị dựa vào tình trạng người bệnh. Một số khuyến cáo về liều thuốc Gentadex như sau:
- Điều trị bệnh lý về mắt: Nhỏ 1 - 2 giọt thuốc Gentadex vào mắt bị đau cách mỗi 4 giờ. Trường hợp nhiễm trùng nặng khuyến cáo dùng liều 2 giọt/ lần/ giờ. Thời gian điều trị bằng thuốc không quá 7 ngày;
- Điều trị bệnh lý về tai: Đối với người trưởng thành dùng liều 1 - 5 giọt/ lần x 2 lần/ ngày, thời gian điều trị từ 6 - 10 ngày. Đối với trẻ em dùng liều 1 - 2 giọt/ lần x 2 lần/ ngày, thời gian điều trị từ 6 - 10 ngày.
Lưu ý liều thuốc nêu trên chỉ mang tính chất khuyến cáo, liều dùng cụ thể cần được chỉ định bởi bác sĩ điều trị. Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc Gentadex khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
3. Tác dụng phụ của thuốc Gentadex
Thuốc Gentadex công dụng điều trị nhiễm khuẩn tai - mắt có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
- Thường gặp: Tình trạng kích ứng thoáng qua như chảy nước mắt, khó chịu, sung huyết kết mạc, sưng tấy, phản ứng quá mẫn;
- Điều trị bằng Gentadex trong thời gian dài có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn bao gồm đục thủy tinh thể, viêm giác mạc nông, bội nhiễm, lâu lành vết thương, loét củng mạc.
Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các triệu chứng gặp phải trong thời gian điều trị bằng Gentadex.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Gentadex
4.1. Chống chỉ định
Chống chỉ định sử dụng thuốc Gentadex trong những trường hợp sau:
- Người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của Gentadex;
- Người bệnh bị viêm giác mạc Herpes biểu mô;
- Người có tiền sử hoặc người thân trong gia đình có tiền sử bị tăng nhãn áp, viêm kết mạc do virus, lao mắt, nhiễm khuẩn mí mắt và nhiễm khuẩn mắt.
4.2. Thận trọng khi sử dụng
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Gentadex như sau:
- Người bệnh điều trị bằng Gentadex trong thời gian dài cần theo dõi nhãn áp và nguy cơ bị đục thủy tinh thể;
- Không đeo kính áp tròng trong thời gian điều trị bằng Gentadex;
- Không được dùng thuốc Gentadex để tiêm, tránh dùng ở thuốc ở trẻ sơ sinh;
- Thận trọng khi dùng thuốc ở người cao tuổi, người bệnh suy gan, suy thận, viêm loét dạ dày hoặc hôn mê gan;
- Đối với phụ nữ đang mang thai: Hiện chưa có nghiên cứu về độ an toàn khi sử dụng Gentadex ở phụ nữ đang mang thai, vì vậy việc sử dụng thuốc ở đối tượng này cần được chỉ định bởi bác sĩ dựa trên lợi ích và nguy cơ;
- Đối với phụ nữ đang cho con bú: Thận trọng khi sử dụng thuốc Gentadex ở phụ nữ đang cho con bú.
5. Tương tác thuốc
Hiện chưa có báo cáo cụ thể về khả năng tương tác của Gentadex và các thuốc dùng cùng. Tuy nhiên tương tác thuốc có thể xảy ra làm giảm tác dụng điều trị của Gentadex, tăng nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn. Vì vậy người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm bổ sung đang sử dụng trước khi điều trị bằng Gentadex để đảm bảo an toàn, hiệu quả khi điều trị.