Viêm loét dạ dày ở trẻ sơ sinh

Viêm loét dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ em thường do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori với đường lây truyền phổ biến là đường miệng hoặc đường phân, qua người và ruồi nhặng. Viêm loét dạ dày ruột còn là hậu quả của tình trạng mất cân bằng giữa yếu tố tấn công và yếu tố bảo vệ ở niêm mạc dạ dày của trẻ.

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Viêm dạ dày ở trẻ em và bệnh loét dạ dày ở trẻ nhỏ có thể phân thành 2 nhóm nguyên phát và thứ phát:

  • Hầu hết các trường hợp viêm dạ dày ở trẻ em nguyên phát là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (chiếm đến 80% bệnh nhi). HP thuộc nhóm xoắn khuẩn có roi, là một khuẩn nhóm gram âm, được phát hiện ở trong và ở lớp dưới niêm mạc dạ dày.
  • Viêm loét dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thứ phát do các nguyên nhân như: yếu tố stress, sử dụng thuốc (như aspirin, kháng viêm không steroids, corticoides...), các bệnh lý choáng, suy thận và nhiễm trùng...

Bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ nhỏ tập trung nhiều ở các nước đang phát triển, liên quan đến khả năng kinh tế, sự phát triển kém của văn hóa-xã hội, ô nhiễm nguồn nước, tập quán nhai, mớm và đút thức ăn cho trẻ hoặc thói quen cho trẻ ăn cơm sớm (trước 2 tuổi)... Các yếu tố trên làm tăng nguy cơ lây truyền HP giữa các thành viên cho trẻ nhỏ.

Một số yếu tố nguy cơ khác có thể gây viêm loét dạ dày ruột cho trẻ nhỏ nhưng ở mức độ nhẹ bao gồm chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học (sử dụng nhiều các món ăn nhanh, ăn thiếu bữa, không đúng giờ, vừa ăn vừa xem tivi...), áp lực học tập, hoàn cảnh sống...

2. Dấu hiệu nhận biết viêm loét dạ dày ở trẻ nhỏ

Viêm loét dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có biểu hiện khác nhau tùy thuộc lứa tuổi và nguyên nhân gây bệnh.

Triệu chứng của cơ quan tiêu hóa:

  • Trẻ đau bụng chủ yếu ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn, liên quan đến bữa ăn hoặc đau vào ban đêm. Trẻ lớn thường đau bụng thượng vị tương tự người lớn, đôi khi có cảm giác bỏng rát ở thượng vị và đôi khi rất mơ hồ, không rõ ràng.
  • Buồn nôn, nôn ói.
  • Ăn kém, chán ăn, đôi khi bé khóc dữ dội.
  • Dấu hiệu thiếu máu do suy dinh dưỡng.

Biểu hiện biến chứng của loét dạ dày ở trẻ nhỏ:

  • Chảy máu tiêu hóa trên với biểu hiện nôn ói ra máu và tiêu phân đen
  • Hẹp môn vị: Trẻ nôn ói tái diễn, đôi khi nôn ra máu hoặc thủng tạng
  • Thiếu máu, suy dinh dưỡng.
loét dạ dày ở trẻ nhỏ
Trẻ nôn ói do loét dạ dày ở trẻ nhỏ gây ra

3. Điều trị bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Biện pháp điều trị viêm loét dạ dày ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được chỉ định bởi các bác sĩ tại các cơ sở y tế. Bé cần được thăm khám kỹ lưỡng trước khi đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Thông thường, bác sĩ chuyên khoa thường chẩn đoán xác định và can thiệp điều trị viêm dạ dày ở trẻ em bằng phương pháp nội soi. Dựa vào hình ảnh, kết quả nội soi, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp, đồng thời có kế hoạch theo dõi, tái khám định kỳ cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm và khỏi bệnh hoàn toàn.

Bên cạnh sử dụng thuốc, trẻ bị viêm loét dạ dày ruột cần được kiểm soát chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt và cả các hoạt động tinh thần thích hợp. Hạn chế các yếu tố trong cuộc sống làm bé căng thẳng tinh thần, lo lắng, kích động hoặc tổn thương.

4. Chế độ ăn trong bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

4.1. Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị, phục hồi sức khỏe của trẻ

Chế độ dinh dưỡng phù hợp có những lợi ích sau:

  • Bảo vệ niêm mạc dạ dày
  • Hạn chế bài tiết nhiều dẫn đến dư thừa acid dịch vị
  • Duy trì chức năng cơ bản của dạ dày và đường ruột
  • Dự phòng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ

4.2. Nguyên tắc ăn uống phụ huynh cần lưu ý khi trẻ bị viêm loét dạ dày

Khẩu phần mà phụ huynh chuẩn bị cho trẻ cần cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng để đảm bảo quá trình tăng trưởng của trẻ. Sử dụng các loại thực phẩm giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, chống tiết acid dịch vị trong chế độ ăn của trẻ bị viêm loét dạ dày như:

  • Nhóm thực phẩm giảm tiết acid dịch vị như mật ong, đường, bánh quy, dầu thực vật...
  • Các món ăn có thể trung hòa acid dịch vị như sữa, trứng
  • Thức ăn có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày, ít mùi vị như gạo nếp, bột sắn, khoai, bánh mì
  • Thực phẩm ít xơ sợi như các loại rau củ non
  • Thức uống phù hợp như nước chín, nước chè loãng

Quá trình chế biến các món ăn cha mẹ nên ưu tiên hấp luộc, hầm nhừ, nghiền nát hoặc xay nhuyễn. Điều này góp phần giảm kích thích bài tiết dịch vị và thức ăn vận nhanh qua dạ dày nhanh hơn.

Hạn chế hoặc không sử dụng các loại thực phẩm có khả năng kích ứng niêm mạc dạ dày:

  • Các loại nước sốt làm sẵn, dăm bông, lạp xưởng, xúc xích
  • Món ăn có độ cứng dai, nhiều xơ sợi như thịt có gân, sụn, rau sống, rau quả nhiều chất xơ
  • Thức ăn chua như dưa cà, hành muối, hoa quả chua
  • Gia vị mạnh như giấm, ớt, tỏi, tiêu
  • Rượu, chè, cà phê đặc.

Chế độ ăn hợp lý cho trẻ viêm loét dạ dày ruột phải đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi, mỗi ngày chia số bữa ăn thành 5-6 lần.

4.3. Tránh các thói quen sống gây kích thích niêm mạc dạ dày

  • Cha mẹ nên chia bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày để nương nhẹ chức năng tiêu hóa của dạ dày
  • Tập thói quen ăn uống điều độ, không con quá đói hoặc ăn quá no
  • Hạn chế sử dụng các món ăn chế biến bằng quay hay rán
  • Các món ăn nên duy trì ở nhiệt độ thích hợp, không quá nóng hay quá lạnh vì như thế sẽ làm dạ dày co bóp mạnh. Nhiệt độ đồ ăn, thức uống thích hợp là khoảng 40-50 độ C.
Hạn chế ăn thức ăn chiên rán sẽ giúp hạn chế tình trạng viêm dạ dày ở trẻ em
Hạn chế ăn thức ăn chiên rán sẽ giúp hạn chế tình trạng viêm dạ dày ở trẻ em

5. Phòng ngừa viêm loét dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Một số biện pháp giúp phòng tránh viêm loét dạ dày ở trẻ nhỏ bao gồm:

  • Giữ vệ sinh cá nhân, tắm rửa mỗi ngày, đặc biệt cha mẹ cần rửa tay trước và sau khi cho ăn và sau khi đi vệ sinh
  • Hạn chế cho bé sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác vì đây là yếu tố tăng khả năng lây lan nhiều bệnh tật, trong đó viêm loét dạ dày ruột do HP
  • Không để trẻ vui chơi, nghịch ngợm ở những nơi bẩn. Đây là nơi sinh sống của các tác nhân gây bệnh, khi tiếp xúc giúp vi khuẩn dễ dàng tấn công vào cơ thể và gây các bệnh đường tiêu hóa
  • Thay đổi thói quen nhai và mớm thức ăn cho trẻ.
  • Bảo đảm các món ăn của trẻ phải được nấu chín kỹ, vệ sinh sạch sẽ và bảo quản tốt
  • Cho trẻ uống nước đã được đun sôi để nguội
  • Hạn chế bổ sung các món ăn chiên xào, món ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, chất béo, thức uống có ga, đồ ăn cay nóng, thực phẩm vị chua...
  • Chú ý chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất thiết yếu. Điều này giúp cơ thể phát triển toàn diện, nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ viêm loét dạ dày ruột nhiều bệnh lý khác nhau.

Khi trẻ có dấu hiệu mắc các bệnh viêm loét dạ dày, cha mẹ nên đưa con tới các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra sớm từ đó nhằm có hướng điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan