Tật đầu nhỏ ở trẻ: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ Thanh đã có thời gian công tác 25 năm trong điều trị các bệnh lý Nhi sơ sinh.

Tật đầu nhỏ ở trẻ là một trong số những căn bệnh liên quan đến rối loạn thần kinh mà cha mẹ nên đặc biệt lưu ý. Trên thực tế, tỷ lệ trẻ mắc tật đầu nhỏ luôn ở mức rất thấp, có thể liệt vào nhóm những bệnh ít gặp. Tuy vậy, có không ít phụ huynh vẫn chưa nắm rõ được những điều cần biết về căn bệnh này để từ đó có những kiến thức phòng bệnh cho con.

1. Tật đầu nhỏ ở trẻ là gì?

Tật đầu nhỏ với tên khoa học là Microcephaly, hay còn được gọi hội chứng teo não, là một rối loạn thần kinh rất hiếm gặp. Trẻ sơ sinh không may mắc tật đầu nhỏ sẽ có kích cỡ vòng đầu nhỏ hơn những đứa trẻ khác cùng tuổi và cùng giới.

Theo khẳng định của nhiều chuyên gia, tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra riêng biệt - nghĩa là xảy ra mà không kèm theo các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng nào khác, hoặc ngược lại cũng có thể đi kèm với các dị tật bẩm sinh lớn khác. Bệnh có thể xảy ra ngay từ khi bé còn nằm trong bụng người mẹ hoặc đến trong vài năm đầu sau khi sinh.

Tật đầu nhỏ
Tật đầu nhỏ gây rối loạn thần kinh ở trẻ

2. Các nguyên nhân nào gây hội chứng đầu nhỏ ở trẻ?

Tật đầu nhỏ là kết quả của sự phát triển không bình thường của não bộ. Trong suốt thời kỳ là bào thai, nếu não bộ của trẻ không phát triển đúng cách hoặc ngưng phát triển sau khi chào đời sẽ mang đến những ảnh hưởng trực tiếp lên kích thước vòng đầu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ bị tật đầu nhỏ có thể là do yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, nguyên nhân gây tật đầu nhỏ còn có thể kể đến như:

  • Dính khớp sọ: Giữa các tấm xương hình thành nên hộp sọ sẽ tồn tại các khớp sọ. Ở trẻ nhũ nhi, nếu các khớp sọ này dính vào nhau quá sớm sẽ làm cản trở sự phát triển của não bộ. Trong trường hợp này, trẻ cần được phẫu thuật để tách các xương dính vào nhau, giúp nới rộng không gian để cho phép não bộ được phát triển đúng cách.
  • Suy dinh dưỡng nặng: Chế độ ăn thiếu chất của người mẹ không đủ để cung cấp các dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé trong thai kỳ, chính điều này có thể sẽ gây tật đầu nhỏ ở trẻ.
  • Nhiễm trùng bào thai: Nhiễm virus Toxoplasmosis, virus rubella, cytomegalovirus và thủy đậu là một số nhiễm trùng gây ảnh hưởng đến thai nhi trong quá trình mang thai. Nhiều nghiên cứu cho hay đã có đủ bằng chứng để kết luận nhiễm trùng bào thai là nguyên nhân không chỉ gây ra tật đầu nhỏ ở trẻ mà còn dẫn đến các dị tật não khác ở thi nhi.
  • Hiện tượng thiếu oxy não khi còn là bào thai: Lượng oxy được cung cấp cho não có thể bị giảm do một số biến chứng của thai kỳ hoặc chuyển dạ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ.
  • Sự bất thường nhiễm sắc thể: Các khiếm khuyết trong gen có liên quan trực tiếp đến sự phát triển sớm của não. Theo đó, trẻ bị hội chứng Down và các chứng rối loạn di truyền thường có nguy cơ mắc bệnh đầu nhỏ.
  • Bệnh Phenylketone niệu (PKU) ở người mẹ

Ngoài ra, tật đầu nhỏ ở trẻ còn bắt nguồn từ những nguyên nhân như:

  • Tổn thương não sau khi sinh;
  • Khuyết tật não hay cột sống;
  • Đột quỵ hay xuất huyết ở trẻ sơ sinh;
  • Bị gián đoạn nguồn cung cấp máu trong giai đoạn não của thai nhi đang phát triển.

Xem thêm: Các nguyên nhân gây tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh

VIrus RNA rubella
Mẹ bầu nhiễm virus rubella gây nhiễm trùng bào thai và tật đầu nhỏ ở trẻ

3. Những dấu hiệu nhận biết tật đầu nhỏ ở trẻ

Trong trường hợp nhẹ nhất, kích thước vòng đầu của trẻ sẽ chỉ nhỏ hơn nhưng không đi kèm thêm bất cứ vấn đề gì khác. Phần đầu sẽ vẫn phát triển trong quá trình trẻ lớn lên, tuy nhiên, kích cỡ vẫn sẽ nhỏ hơn so với những đứa trẻ bình thường cùng trang lứa khác.

Cũng tồn tại trường hợp trí thông minh của bé sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến những khó khăn trong học tập mà trẻ sẽ gặp phải khi lớn lên, nhưng sẽ không quá mức nghiêm trọng.

Những triệu chứng khác để nhận biết tật đầu nhỏ ở trẻ bao gồm:

  • Khả năng cân bằng và phối hợp
  • Nghe kém
  • Chậm phát triển (trì hoãn giai đoạn tập ngồi, đứng, đi)
  • Gặp khó khăn trong việc ăn uống
  • Các vấn đề về thị giác
  • Co giật
  • Chiều cao phát triển không tốt
  • Khả năng ngôn ngữ
  • Hiếu động thái quá (khả năng tập trung kém hoặc không ngồi yên được).
Trẻ nghe kém
Trẻ nghe kém là dấu hiệu của bệnh tật đầu nhỏ

4. Điều trị hiệu quả tật đầu nhỏ ở trẻ

Cho đến ngày nay, nền y học thế giới vẫn chưa tìm ra phương thức điều trị dứt điểm tật đầu nhỏ ở trẻ. Nếu trẻ không may mắc phải thì chứng đầu nhỏ sẽ đi theo trẻ suốt cả đời. Bệnh được chia từ mức độ nhẹ đến nặng, theo đó với mỗi mức độ bệnh sẽ có phương hướng điều trị khác nhau.

Với trẻ mắc tật đầu nhỏ ở mức nhẹ, ngoại trừ việc có kích thước vòng đầu nhỏ thì không gặp phải bất cứ vấn đề gì, phụ huynh lưu ý đưa bé đi thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sự tăng trưởng và phát triển. Đối với trẻ ở mức độ nặng, bác sĩ sẽ can thiệp để giúp kiểm soát các triệu chứng mà căn bệnh đầu nhỏ này gây ra, đảm bảo chất lượng cuộc sống của trẻ được cải thiện.

Việc can thiệp và trị liệu tật đầu nhỏ sớm sẽ giúp cải thiện và phát huy tối đa khả năng thể chất cũng như trí tuệ của trẻ. Trị liệu ngôn ngữ, vật lý trị liệu và trị liệu cơ năng là cần thiết nếu trẻ có các triệu chứng như khả năng ngôn ngữ bị ảnh hưởng, khả năng cân bằng và phối hợp kém. Điều trị bằng thuốc cũng rất cần thiết để kiểm soát cơn co giật hoặc động kinh, tránh những đe dọa xảy đến với tính mạng của trẻ.

Tật đầu nhỏ ở trẻ là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm về thần kinh, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống tương lai của trẻ. Nếu bé mắc hội chứng đầu nhỏ thì các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín, có các bác sĩ chuyên sâu về điều trị dị tật bẩm sinh để có được kết quả điều trị tốt.

Khám bệnh
Ba mẹ nên cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các bệnh lý

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có đầy đủ hệ thống các chuyên gia bao gồm bác sĩ nhi, chuyên gia thần kinh học trẻ em, các chuyên gia trị liệu về ngôn ngữ, thể chất và các kỹ năng giúp bé mắc hội chứng đầu nhỏ phát triển, thay đổi hành vi, giảm co giật, cải thiện chất lượng cuộc sống. Bé sẽ được kiểm tra toàn diện: thính giác, thị giác, nhận thức, vận động để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Đội ngũ y bác sĩ của Vinmec đều được đào tạo bài bản, chuyên sâu, giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, hiểu hành vi, tâm lý trẻ nhỏ. Vinmec có đầy đủ trang thiết bị hiện đại giúp quá trình vật lý trị liệu đạt hiệu quả tốt.

Nếu có nhu cầu khám và điều trị dị tật đầu nhỏ ở trẻ, bạn vui lòng đặt lịch trực tiếp tại website hoặc liên hệ đến hệ thống hotline để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan