Sữa mẹ lưu trữ tối đa được bao lâu?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Khi bắt đầu quay trở lại công việc và không thể dành nhiều thời gian bên con, nhiều bà mẹ thường vắt sữa để trong tủ lạnh và cho trẻ dùng dần. Vậy bảo quản sữa mẹ như thế nào để sữa giữ nguyên dưỡng chất và sữa mẹ lưu trữ tối đa được bao lâu?

1. Nên sử dụng loại bình nào để lưu trữ sữa mẹ đã vắt ra?

Trước khi vắt hoặc xử lý sữa mẹ, hãy rửa tay sạch bằng xà phòng và nước. Nếu không có sẵn xà phòng và nước, các bà mẹ có thể vệ sinh hai tay bằng dung dịch rửa tay nhanh chứa ít nhất 60% thành phần cồn. Sữa có thể được vắt ra theo cách thủ công bằng tay hoặc bằng máy hút sữa. Nếu sử dụng máy hút sữa, các bộ phận của máy cũng cần được đảm bảo làm sạch, khử trùng và bảo quản đúng cách để bảo vệ sữa mẹ không bị ô nhiễm. Xem thêm các hướng dẫn của cơ quan y tế về cách vệ sinh và bảo quản thiết bị máy bơm và các vật dụng cho trẻ sơ sinh một cách an toàn.

Sau đó, sữa mẹ đã vắt ra nên được lưu trữ trong hộp thủy tinh sạch, có nắp đậy hoặc hộp nhựa cứng không được làm bằng bisphenol A (BPA) hóa học hoặc có mã số tái chế 7 (xem dưới đáy hộp). Bạn cũng có thể sử dụng các túi nhựa chuyên dụng được thiết kế để lấy và bảo quản sữa. Không bảo quản sữa mẹ trong các chai dùng một lần hoặc túi nhựa được thiết kế để sử dụng chung trong gia đình.

vắt sữa bằng máy
Vắt sữa bằng máy mang lại sự tiện lợi cho mẹ khi quay lại làm việc hoặc học tập

2. Cách tốt để lưu trữ sữa mẹ đã vắt ra là gì?

Luôn ghi nhớ sử dụng nhãn và mực không thấm nước để dán nhãn cho mỗi bình chứa. Các thông tin ghi chú trên các bình sữa phải bao gồm ngày giờ vắt sữa mẹ. Nếu bạn đang bảo quản sữa đã vắt tại cơ sở giữ trẻ của con bạn, hãy thêm tên của con bạn vào nhãn.

Đặt hộp chứa vào phía sau tủ lạnh hoặc tủ đông, nơi có nhiệt độ mát nhất. Nếu bạn không có tủ lạnh hoặc tủ đông, hãy bảo quản sữa tạm thời trong ngăn mát cách nhiệt với túi đá.

lưu trữ sữa mẹ
Bạn có thể lưu trữ sữa mẹ bằng tủ lạnh hoặc tủ đông

Đổ đầy sữa vào từng hộp riêng với lượng vừa đủ mà con bạn sẽ cần cho một lần bú. Bạn có thể bắt đầu với 2 đến 4 ounce (60 đến 120 mililit), sau đó điều chỉnh theo nhu cầu của trẻ nếu cần. Cũng nên cân nhắc dự trữ các phần nhỏ hơn - 1 đến 2 ounce (30 đến 60 mililit) - cho những trường hợp bất ngờ hoặc nếu có sự chậm trễ trong việc cho ăn thông thường.

Sữa mẹ sẽ nở ra khi đóng băng, vì vậy đừng đổ đầy sữa vào các bình chứa đến sát miệng. Khoảng cách giữa vạch sữa và miệng chứa nên duy trì trong khoảng 2 cm.

3. Sữa mẹ lưu trữ tối đa được bao lâu?

Sữa mẹ lưu trữ được bao lâu? Cũng là một vấn đề bạn cần quan tâm trong việc bảo quản sữa. Thời gian bạn có thể lưu trữ sữa mẹ một cách an toàn tùy thuộc vào phương pháp bảo quản. Hãy xem xét các hướng dẫn chung này cho các trẻ sơ sinh khỏe mạnh:

  • Nhiệt độ phòng. Sữa mẹ mới vắt ra có thể được giữ ở nhiệt độ phòng đến sáu giờ. Tuy nhiên, cách tốt là sử dụng hoặc bảo quản sữa mẹ đúng cách trong vòng bốn giờ đầu sau vắt, đặc biệt nếu phòng có nhiệt độ ấm.
  • Bộ làm mát cách nhiệt. Sữa mẹ mới vắt ra có thể được bảo quản trong ngăn mát cách nhiệt với túi đá trong tối đa một ngày.
  • Tủ lạnh. Sữa mẹ mới vắt ra có thể được bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh đến bốn ngày trong điều kiện sạch sẽ. Tuy nhiên, cách tốt là sử dụng hoặc trữ đông sữa trong vòng ba ngày.
  • Ngăn đông. Sữa mẹ mới vắt ra có thể được bảo quản trong ngăn đông trong tối đa 12 tháng, nhưng thời gian sử dụng tối ưu sữa đông lạnh kéo dài khoảng sáu tháng.

Hãy nhớ rằng các nghiên cứu đều cho thấy khi bảo quản sữa mẹ càng lâu - cho dù trong tủ lạnh hay trong ngăn đá thì lượng vitamin C trong sữa bị mất đi càng nhiều.

Điều quan trọng cần lưu ý là sữa mẹ sản xuất một cách thay đổi để đáp ứng nhu cầu của em bé. Sữa mẹ được vắt ra ở thời điểm trẻ mới sinh sẽ không hoàn toàn đáp ứng nhu cầu khi trẻ được vài tháng tuổi. Ngoài ra, hướng dẫn bảo quản có thể khác nhau đối với trẻ sinh non, ốm yếu hoặc nhập viện.

4. Làm cách nào để rã đông sữa mẹ đông lạnh một cách an toàn?

Rã đông sữa cũ nhất trước. Đặt hộp sữa đã được đông lạnh vào ngăn mát tủ lạnh vào đêm trước khi bạn định sử dụng. Bạn cũng có thể làm ấm sữa nhẹ nhàng bằng cách đặt sữa dưới vòi nước ấm hoặc trong một bát nước ấm.

lưu trữ sữa mẹ
Sau khi lưu trữ sữa mẹ, khi sử dụng cần rã đông đúng cách

Không làm nóng chai sữa đã đông lạnh trong lò vi sóng hoặc đun nhanh trên bếp. Một số phần của sữa có thể quá nóng và một số phần khác lạnh. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy rằng việc đun nóng nhanh có thể ảnh hưởng đến các kháng thể của sữa.

Mặc dù cần nghiên cứu thêm về việc liệu sữa đã được rã đông trước đó có thể được đông lạnh trở lại và sử dụng an toàn hay không, nhiều chuyên gia khuyên bạn nên loại bỏ sữa mẹ đã rã đông không được sử dụng trong vòng 24 giờ.

5. Chất lượng sữa mẹ đã rã đông có khác với sữa mẹ tươi mới được vắt ra không?

Màu sắc của sữa có thể thay đổi một chút tùy thuộc vào chế độ ăn uống của người mẹ. Ngoài ra, sữa mẹ đã rã đông có thể có mùi hoặc độ đặc khác với sữa mới vắt.

Sữa mẹ được rã đông vẫn an toàn khi cho bé bú. Nếu con bạn từ chối sữa đã rã đông, nên cân nhắc việc rút ngắn thời gian lưu trữ sữa mẹ.

Khi đã hiểu được cách bảo quản cũng như rã đông sữa mẹ, bạn nên lưu ý và áp dụng theo nhằm đảm bảo chất lượng sữa cho con được tốt .

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan