Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Nôn trớ nếu diễn ra trong một thời gian dài sẽ làm cho trẻ biếng ăn dẫn đến thiếu chất, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vì vậy không nên xem thường biểu hiện nôn trớ.
1. Nguyên nhân trẻ bị nôn trớ có đờm
Do hệ thống tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện nên trẻ dễ nuốt hơi khi bú, lượng hơi này chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng ọc sữa ở trẻ. Nếu ọc sữa chỉ xảy ra trong vài tháng đầu và sức khỏe của bé vẫn tốt thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu hiện tượng nôn trớ có đờm, kèm theo hơi thở khò khè thì có khả năng trẻ đang bị trào ngược dịch vị dạ dày hoặc dị ứng. Trào ngược dịch vị dạ dày có thể gây tăng tiết đờm nhớt dẫn đến trẻ bị ọc sữa và thở khò khè. Dị ứng cơ địa gây ra tăng tiết và ứ đọng đờm nhớt ở vòm mũi, gây ngạt mũi nên trẻ phải thở bằng miệng.
Việc có đờm ở cổ họng do các vấn đề hô hấp dẫn đến việc trẻ cảm thấy khó thở ho và cổ họng dễ bị kích ứng nên khi trớ sữa có cả đờm.
Nguyên nhân khác khiến trẻ sơ sinh hay bị nôn trớ cũng có thể trẻ bị nhiễm siêu vi do virus gây nên làm cho trẻ sốt cao,chảy mũi, ho. Trẻ thường có biểu hiện tiêu chảy trong vòng 1-2 ngày đầu sau đó là nôn ói từ 12-72 tiếng.
2. Cách phòng tránh nôn trớ ở trẻ
Trẻ cần được rửa vòm mũi họng bằng nước muối sinh lý 3-5 lần/ngày và theo dõi diễn tiến của bệnh. Nếu không thấy thuyên giảm thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám kỹ hơn.
Lưu ý đến tư thế của trẻ khi bú để giảm bị nôn trớ. Khi bú nên cho trẻ nghiêng người khoảng 35-45 độ, cho trẻ bú vú trái trước rồi chuyển sang vú phải.
Khi ngủ cần cho trẻ nằm nghiêng đầu, gối cao hơn 2 vai và lưu ý đổi tư thế ngủ cho bé.
Không cho trẻ nằm ngay sau khi vừa bú xong mà nên bế bé trên vai và vuốt lưng đợi cho đến khi trẻ ợ.
Trắc nghiệm: Sự phát triển tinh thần, vận động của bé thế nào là đúng chuẩn?
Khi nào bé biết nói, biết hóng chuyện hay biết cầm cốc là "đúng chuẩn"? Điểm xem bạn biết được bao nhiêu mốc phát triển tinh thần, vận động "đúng chuẩn" của bé nhé!Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
3. Cách xử lý trẻ sơ sinh bị trớ sữa có đờm
Nếu trẻ bị sốt, ho có đờm, sổ mũi thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám. Ngoài ra có thể thực hiện các phương pháp sau ngay tại nhà để trẻ cảm giác thoải mái hơn.
- Vỗ lưng: thường xuyên vỗ lưng trẻ sẽ giúp phổi lưu thông tuần hoàn máu tốt hơn và đờm trong cổ họng dễ được đẩy ra ngoài hơn. Khi thực hiện vỗ lưng nên cho trẻ nằm nghiêng không gối đầu trẻ dùng khăn mềm kê dưới mông của trẻ tạo thành một góc 15 độ. Sau đó, vỗ liên tục trên lưng bé từ phổi hướng về phía cổ. Khi vỗ tay cần thao tác nhẹ nhàng tránh gây đau cho trẻ. Thực hiện vỗ liên tục trong vòng 3 phút thì dừng lại. Đối với trẻ nhỏ thì sau khi vỗ phải bế trẻ trên tay ở tư thế an toàn và gây ho cho trẻ bằng cách day nhẹ ngón tay vào cổ trẻ để trẻ ho và bật đờm ra ngoài.
- Cho trẻ bú làm nhiều lần và cho trẻ bú đúng cách: Khi trẻ bị trớ sữa có đờm nên cho bé bú làm nhiều lần, mỗi lần bú cách nhau khoảng 2 giờ để tránh trẻ quá no. Không lắc mạnh hay di chuyển khi trẻ đang bú.
Nôn trớ ở trẻ nhỏ không phải là căn bệnh nguy hiểm nhưng cần cho trẻ uống đủ nước, nhất là trong giai đoạn 12 giờ sau khi nôn. Trẻ khi nôn trớ cần phải được theo dõi, nếu trẻ có các biểu hiện sau thì cần đưa trẻ đi khám vì có thể là dấu hiệu của viêm màng não hoặc viêm thận: đau đầu đau cổ, sốt cao nhiễm trùng đường tiểu.
Ở Việt Nam hiện nay cứ 10 trẻ dưới 5 tuổi có đến 7 trẻ thiếu kẽm và 10 bà mẹ có thai có đến 8 người bị thiếu kẽm. Tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 80,3%, phụ nữ tuổi sinh đẻ 63,6% và trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4%. Biểu hiện bé thiếu kẽm thường thấy đó chính là chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng nhẹ và vừa, chậm tăng trưởng chiều cao, và có 1 số triệu chứng quan sát được như trẻ chán ăn hoặc giảm ăn, giảm bú, không ăn thịt cá, chậm tiêu, táo bón nhẹ, buồn nôn và nôn kéo dài ở trẻ. Bên cạnh việc bổ sung kẽm hợp lý, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... cho con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.