Giới thiệu và hướng dẫn một số dụng cụ để vận động theo nhạc cho trẻ tự kỷ

Bài viết được viết bởi Kỹ thuật viên Âm nhạc trị liệu - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Vận động theo nhạc là một trong những hoạt động âm nhạc đem lại nhiều ý nghĩa và lợi ích với trẻ tự kỷ. Không chỉ giúp trẻ hình thành kỹ năng bắt chước, vận động thô mà còn mang lại hiệu quả trong các mục tiêu phát triển kỹ năng tương tác xã hội. Trong khi một số trẻ yêu thích âm nhạc, luôn tỏ ra hứng khởi và vui vẻ khi nghe và nhảy múa theo nhịp điệu của âm nhạc thì một số trẻ cần tới âm nhạc như động lực để trẻ thực hiện các bài tập vận động cơ thể.

Như chúng ta đã biết, khả năng chú ý và tập trung của trẻ tự kỷ không cao nên việc duy trì sinh hoạt cũng là một trong những mục tiêu trẻ cần có. Ngoài các bài tập vận động tay không với âm nhạc, thì một số đạo cụ, vật dụng để thu hút sự chú ý của trẻ cũng được các gia đình sử dụng trong các hoạt động vận động cùng âm nhạc.

1. Khăn voan

Đây là đồ dùng vô cùng quen thuộc, giá thành rẻ, dễ tìm mua ở các nhà sách, cửa hàng đồ chơi hoặc ở chợ. Loại khăn này có nhiều màu sắc, nhẹ, mỏng và tiện dụng.

Hướng dẫn một số hoạt động âm nhạc với khăn voan:

1.1 Tung và bắt khăn theo nhịp điệu

Bạn nên lựa chọn những bản nhạc nhẹ nhàng, có tốc độ vừa phải và hướng dẫn trẻ tung và bắt khăn theo nhịp điệu của bản nhạc. Những chiếc khăn voan khi tung lên và hạ xuống thường thu hút và kích thích thị giác tạo sự lôi cuốn và phát triển khả năng tập trung chú ý của trẻ tự kỷ khi trẻ theo dõi chuyển động của khăn voan.

Bên cạnh đó, bài tập giúp thúc đẩy nhiều giác quan cùng một lúc, tai trẻ cần lắng nghe âm nhạc, mắt trẻ theo dõi khăn, trẻ cần cảm nhận bản thể để di chuyển và tung bắt khăn voan.
Với hoạt động này, bạn có thể hướng dẫn trẻ tự tung và bắt khăn theo nhịp điệu. Cũng có thể hướng dẫn trẻ tung và bắt khăn với người khác nhằm phát triển kỹ năng chơi, trẻ biết chờ đến lượt, chơi luân phiên.

1.2 Bắt chước vận động với khăn voan

Bạn nên sử dụng bản nhạc không lời có giai điệu được lặp đi lặp lại, thời gian một bản nhạc khoảng từ 2- 4 phút tùy thuộc vào mức độ tập trung của từng trẻ. Hướng dẫn trẻ bắt chước các động tác chuyển động với khăn voan như: Đưa sang trái/ phải, đưa khăn lên cao/ hạ xuống thấp, xoay vòng tròn, lượn sóng... theo tiết tấu của bản nhạc.

2. Dây co giãn

Dây co giãn được làm từ chất liệu cao su được thiết kế bởi những đường may nhiều màu sắc bằng vải nỉ bông bên ngoài. Loại dây này thường được sử dụng trong các giờ học nhóm, các hoạt động được thiết kế để trẻ tương tác theo vòng tròn và phát triển kỹ năng tương tác xã hội với các bạn cùng tuổi. Tùy thuộc vào số lượng người tham gia mà bạn có thể lựa chọn độ dài ngắn của dây co giãn sao cho phù hợp.

Hướng dẫn một số hoạt động âm nhạc với dây co giãn:

2.1 Hoạt động nhóm nhỏ (khoảng 2- 4 người)

Hoạt động này khá phù hợp để sử dụng trong mô hình gia đình, các thành viên cùng tham gia hoạt động với trẻ. Cùng với âm nhạc, hoạt động với dây co giãn giúp kết nối tình cảm và khả năng tương tác của trẻ tự kỷ với mọi người trong gia đình. Bởi đây là một hoạt động chơi, không ép buộc hay cố để tạo ra những tình huống để ép trẻ phải tương tác.

Cả gia đình có thể ngồi vòng tròn, đưa dây co giãn vào giữa, các thành viên sẽ nắm 2 tay lên sợi dây, đung đưa chiếc dây và hát các bài hát mà trẻ yêu thích hoặc lựa chọn những bài hát dành cho thiếu nhi có độ dài khoảng 4 câu hát. Trẻ tự kỷ sẽ được vào giữa vòng tròn, di chuyển xung quanh khi nghe thấy tiếng nhạc hoặc dừng lại trước một người thân khi bài hát kết thúc. Hướng dẫn một cách chào hỏi khi trẻ dừng lại trước mặt bạn (Ví dụ: Cúi chào khi dừng trước ông bà, bắt tay khi dừng trước em nhỏ, ôm khi dừng trước bố mẹ hoặc đập tay khi đứng trước anh chị...)

Bố mẹ cũng có thể hướng dẫn các anh chị em của trẻ cách chơi luân phiên, thay phiên nhau vào trong vòng tròn để trẻ học cách kỹ năng như: Chờ đến lượt, chơi giả vờ đơn giản khi đóng vai vào các nhân vật để đối lại lời chào cho phù hợp.

2.2 Hoạt động nhóm lớn (trên 4 người)

Hoạt động này khá phù hợp với các bạn trong nhóm lớp, tạo môi trường để trẻ phát triển kỹ năng chơi với các bạn cùng độ tuổi. Hãy sắp xếp các trẻ ngồi thành vòng tròn, để trẻ có thể quan sát và có cơ hội tương tác xã hội thông qua ánh mắt, cử chỉ, biểu cảm trên khuôn mặt với tất cả các thành viên trong nhóm.

Âm nhạc thường được lựa chọn trong hoạt động này là các bản nhạc không lời, có sắc thái, tiết tấu, tính chất các đoạn tương phản nhau để thể hiện âm thanh: Nhanh/ Chậm, To/ Nhỏ, Dài/ Ngắn, Cao/ Thấp... và trẻ sẽ lắng nghe và chuyển động dây co giãn theo tính chất của đoạn nhạc.
Ví dụ: To (kéo sợi dây giãn to ra), nhỏ (đưa tay ra phía trước để thu nhỏ sợi dây lại), nhanh (chuyển động dây nhanh), chậm (chuyển động dây chậm), âm thanh cao (đưa dây lên cao), âm thanh thấp (đưa dây xuống thấp)... Với sự tương phản trong âm nhạc kết hợp với thay đổi về cách thể hiện bằng hành động, sợi dây co giãn được làm bằng cao su nên trẻ dễ dàng cảm nhận sự mạnh/ nhẹ, nhanh/ chậm... và học cách thể hiện cảm xúc khi được tham gia các trò chơi trong vòng tròn.

3. Dải lụa

Dải lụa được làm từ chất liệu vải mỏng, nhẹ, mềm mại, được thiết kế nhiều màu sắc, dễ tìm mua tại các cửa hàng đồ chơi cho trẻ em hoặc tự làm bằng cách sử dụng các sợi dây ruy-băng kết nối với nhau.

Các bản nhạc sử dụng trong bài tập với dải lụa thường ưu liên lựa chọn có tính chất âm nhạc nhẹ nhàng, mềm mại, tốc độ vừa phải.

Hướng dẫn một số hoạt động âm nhạc với dải lụa:

3.1 Nghe và chuyển động theo nhạc hiệu

Hoạt động này cho phép trẻ được tự do sáng tạo và thể hiện bản thân thông qua việc lắng nghe và chuyển động phù hợp với âm nhạc.

Hãy bật một bản nhạc du dương và làm mẫu những chuyển động thật đẹp mắt với dải lụa (tạo hình sóng, tạo hình zíc zắc...) để thu hút sự chú ý của trẻ. Khi trẻ bắt đầu có sự chú ý và chấp nhận tương tác cùng người lớn hãy đưa cho trẻ 1 dải lụa, cầm tay hướng dẫn trẻ một vài động tác cơ bản để chuyển động với lụa như (đưa lên cao/ xuống thấp, đưa ra trước/ sau, xoay vòng tròn). Khuyến khích những chuyển động sáng tạo của trẻ, bắt chước lại chuyển động của trẻ để phát triển tương tác xã hội và bắt đầu tham gia vào những chuyển động đôi với dải lụa.

3.2 Chuyển động soi gương

Là chuyển động với nhóm đôi mà người này sẽ quan sát và bắt chước lại chuyển động của người còn lại. Hãy để trẻ là người khởi xướng trước và người lớn bắt chước lại chuyển động của trẻ một cách chính xác và đổi ngược lại, trẻ bắt chước các hoạt động của người lớn.

Tùy theo khả năng bắt chước của trẻ để lựa chọn bản nhạc có độ dài trong câu được lặp đi lặp lại dài hay ngắn. Với những trẻ có khả năng bắt chước tốt hãy lựa chọn chuyển động theo chuỗi (từ 2 động tác trở lên) để phát triển khả năng quan sát, ghi nhớ của trẻ.

4. Dù màu sắc

Nhiều trẻ tự kỷ gặp vấn đề về giác quan. Trong khi một số trẻ gặp vấn đề về thị giác, xúc giác, vị giác, thính giác thì một số khác khó khăn trong việc cảm nhận bản thể, hệ tiền đình. Việc sử dụng dù với 7 màu sắc của cầu vồng, mỏng, nhẹ và chất liệu vải chắc chắn có thể thiết kế rất nhiều hoạt động chơi nhằm hỗ trợ những trẻ có khó khăn về giác quan. Lưu ý, mỗi trẻ có khó khăn về giác quan riêng nên việc sử dụng âm nhạc cũng như thiết kế các hoạt động là riêng biệt, tùy thuộc vào mục tiêu của từng nhóm trẻ.

Hướng dẫn một số hoạt động âm nhạc với dù màu sắc:

4.1 Kích thích thị giác

Lựa chọn những bản nhạc có tốc độ vừa phải, giai điệu nhẹ nhàng, đặt trẻ nằm ngửa dưới sàn, người lớn nâng dù lên/ xuống hoặc di chuyển theo vòng tròn xung quanh trẻ theo nhịp điệu của bản nhạc. Lưu ý tung/ hạ dù theo đúng nhịp để trẻ cảm nhận và phán đoán được hướng chuyển động của dù.

4.2 Kích thích thính giác

Lựa chọn các bản nhạc có tính chất âm nhạc rõ ràng, tương phản nhau như âm vực cao/ thấp, phát nhạc/ dừng, nhanh/ chậm... sau đó hướng dẫn nhóm trẻ đứng thành vòng tròn xung quanh dù, nắm 2 tay vào mép dù và di chuyển chiếc dù lên cao/ xuống thấp khi nghe thấy âm thanh cao/ thấp, di chuyển nhanh/ chậm khi nghe thấy tiết tấu nhanh/ chậm hoặc rung lắc chiếc dù theo nhịp điệu khi nghe thấy nhạc và dừng lại khi không có tiếng nhạc...

5. Vòng nhựa

Vòng nhựa cũng là một trong những đồ dùng quen thuộc và dễ tìm mua dành cho trẻ ở lứa tuổi mầm non. Vòng nhựa thường được sử dụng trong các bài tập phát triển vận động thô hoặc các hoạt động nhóm.

Hướng dẫn một số hoạt động âm nhạc với vòng nhựa:

5.1 Trò chơi âm nhạc “Về nhà”

Trò chơi này có thể sử dụng trong các hoạt động nhóm, với mục tiêu để trẻ lắng nghe và thực hiện theo nhạc hiệu. Nghĩa là sử dụng âm nhạc như 1 ngôn ngữ, trẻ nghe giai điệu âm nhạc để thực hiện theo quy tắc đã được hướng dẫn từ trước.

Luật chơi:

  • Mỗi trẻ sẽ được phát một chiếc vòng nhựa và quy ước chiếc vòng nhựa đó là ngôi nhà.
  • Đặt chiếc vòng xuống sàn và hướng dẫn trẻ đứng vào trong ngôi nhà của mình.
  • Lựa chọn một bản nhạc thiếu nhi ngắn và quy định: Khi âm nhạc vang lên, trẻ được phép di chuyển ra khỏi nhà, khi kết thúc bản nhạc, trẻ phải đứng trong ngôi nhà của mình.

Trò chơi này không chỉ củng cố kỹ năng chơi theo luật mà còn giúp trẻ tập trung chú ý và phán đoán trước sự việc (nghe giai điệu để chuẩn bị quay về chiếc vòng trước khi bản nhạc kết thúc). Chúng ta cũng có thể giúp trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề bằng cách lấy đi 1 ngôi nhà (một chiếc vòng) và quan sát, hướng dẫn các trẻ trong nhóm biết chia sẻ khi thiếu 1 ngôi nhà.

5.2 Trò chơi âm nhạc “Đoàn tàu tí hon”

Đây là hoạt động giúp trẻ phát triển kỹ năng chơi giả vờ, tưởng tượng đơn giản. Trò chơi phù hợp để tổ chức trong giờ hoạt động nhóm nhằm thúc đẩy kỹ năng tương tác xã hội.

Luật chơi:

  • Xếp các trẻ thành hàng mô phỏng đoàn tàu, bám vào vai nhau.
  • Sử dụng vòng nhựa và giả vờ là vô lăng của tàu hỏa.
  • Bạn đứng đầu tiên sẽ là người lái tàu và cầm vô lăng.
  • Sử dụng đàn Piano/ Organ để chơi giai điệu bài “Đoàn tàu tí hon”
  • Khi giai điệu bài hát vang lên, cả lớp cùng di chuyển.
  • Khi nghe thấy tiếng Píp...Píp (mô phòng âm thanh trên đàn Organ) thì đoàn tàu sẽ dừng lại.
  • Khi nghe thấy âm thanh từ thấp đến cao (Chơi nốt Đồ, Rê, Mi, Pha, Sol, La, Si Đố) thì bạn đang đứng ở cuối hàng sẽ chạy lên đầu hàng, nhận vô lăng từ bạn đầu tiên và trở thành người lái tàu.
  • Khi nghe thấy âm thanh từ cao xuống thấp (Chơi nốt Đố, Si, La, Sol, Pha, Mi, Rê, Đồ) thì bạn đang là lái tàu sẽ đưa vô lăng cho bạn đứng ngay sau mình và chạy xuống cuối hàng.

Âm nhạc là liệu pháp tâm lý không chỉ khắc phục các khó khăn của trẻ tự kỷ như: Ngôn ngữ, tập trung chú ý, tương tác xã hội... mà còn là phương pháp đem lại hiệu quả trong việc giúp trẻ và người chăm trẻ trẻ giải tỏa căng thẳng, điều chỉnh cảm xúc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

372 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan