Điều trị trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Hùng Tiến - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Trật khớp háng bẩm sinh là khi trẻ chào đời khớp háng ở tình trạng không ổn định, do sự hình thành bất thường ở khớp háng trong giai đoạn đầu phát triển của thai nhi. Đây là dị tật hiếm gặp ở trẻ sơ sinh, cần được phát hiện sớm sẽ giúp điều trị dễ dàng và đơn giản hơn. Vậy điều trị trật khớp háng ở trẻ thế nào?

1. Dấu hiệu trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ

Tình trạng trật khớp háng có thể được phát hiện ngay sau sinh hoặc một vài tuần sau sinh. Trẻ sơ sinh có các dấu hiệu sau có thể nghĩ ngay đến trật khớp háng bẩm sinh:

  • Trẻ bị chênh lệch chiều dài hai bên chân, bên trật khớp háng chân sẽ ngắn hơn bên còn lại. Tuy nhiên nếu trật cả hai khớp háng thì sẽ khó phát hiện hơn.
  • Có nếp lằn mông, đùi ở chân bên trật ít hơn và cao hơn bên lành.
  • Bàn chân trẻ đổ ra bên ngoài khi trẻ nằm duỗi chân.
  • Tư thế gấp gối, khớp gối bên trật khớp háng thấp hơn.
  • Trẻ bị hạn chế gấp và dạng khớp háng bên trật.
  • Trẻ lớn bị trật khớp sẽ thấy dáng đi khập khiễng nếu bị trật cả hai bên.
  • Trẻ lớn dưới 6 tuổi khi gấp và khép háng thấy chỏm xương đùi trượt ra ngoài ổ khớp tạo nên tiếng lục cục.

Ngoài ra khi chụp Xquang khớp háng hoặc siêu âm có thể thấy rõ sự trật khớp ở trẻ sơ sinh hay trẻ lớn.

Trật khớp háng được phát hiện khi trẻ mới sinh
Trật khớp háng được phát hiện khi trẻ mới sinh hoặc một vài tuần sau sinh

2. Trật khớp háng bẩm sinh có chữa được không?

Phát hiện càng sớm trật khớp háng ở trẻ sơ sinh thì càng dễ điều trị và giúp trẻ chóng lành bệnh. Tốt nhất ngay sau sinh, cha mẹ nên chú ý các dấu hiệu để phát hiện và điều trị sớm để đưa khớp háng về trạng thái bình thường bằng các cách điều trị đơn giản.

Cha mẹ có thể đóng bỉm vệ sinh, dùng tã gấp dày để giữ cho khớp háng dạng ra; hoặc có thể cõng hoặc địu trẻ, đặt trẻ nằm sấp khi ngủ. Các cách điều trị này được áp dụng cho trẻ từ 1 đến 6 tháng tuổi, khớp háng sẽ trở lại vị trí bình thường sau từ 3-4 tuần. Có 90-95% trường hợp trẻ bị trật khớp háng sơ sinh sẽ trở lại trạng thái ổn định, hết trật khớp.

Tùy vào trường hợp, tình trạng trật khớp háng cũng như tuổi của trẻ mà điều trị trật khớp háng cần phải can thiệp toàn diện hoặc bó bột, áp dụng các bài tập vận động tại vùng khớp bị trật, sử dụng nẹp chỉnh hình.

Một số biện pháp điều trị trật khớp háng cha mẹ cần biết để áp dụng điều trị cho con dưới sự chỉ định của bác sĩ gồm:

  • Nẹp chỉnh hình:

Khớp háng bị trật sẽ được nẹp bằng xốp mềm để ổn định cơ khớp háng bị trật một bên hoặc cả hai bên. Thời gian đeo nẹp sẽ khác nau ở trẻ từng độ tuổi. Ngay sau sinh đến khi trẻ 12 tháng tuổi, trẻ được đeo liên tục cả ngày và đêm trong 6 tháng đầu và chỉ đeo vào ban đêm trong 6 tháng tiếp theo. Quá trình đeo cần có sự theo dõi, thăm khám thường xuyên, định kỳ của bác sĩ điều trị.

  • Bó bột chỉnh hình:

Đây là phương pháp điều trị được chỉ định cho trẻ trật khớp háng bẩm sinh dưới 6 tháng tuổi. Trẻ được bó bột một đợt 2 tuần và thực chu trình điều trị kéo dài trong 10-15 đợt, dựa trên sự phục hồi của từng trẻ.

Sau quá trình bó bột điều trị trật khớp háng, trẻ cần được cha mẹ theo dõi tại nhà. Khi phát hiện trẻ có tình trạng sưng tím ngón chân, trẻ đau khóc, quấy cần phải tháo bột ngay để tránh tình trạng xấu nhất là hoại tử khớp. Sau khi tháo bột cần phải vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, bôi cồn iot vào chỗ xước, loét nếu có.

Bó bột chỉnh hình là phương pháp được chỉ định cho trẻ dưới 6 tháng tuổi
Bó bột chỉnh hình là phương pháp được chỉ định cho trẻ dưới 6 tháng tuổi
  • Phẫu thuật chỉnh hình:

Đây là phương pháp điều trị dành cho trẻ lớn hơn nếu từ khi sinh đến 18 tháng tuổi trẻ vẫn chưa can thiệp điều trị trật khớp háng. Phẫu thuật chỉnh hình được tiến hành sớm nếu điều trị bảo tồn không mang lại kết quả, giúp trẻ không bị hỏng dáng đi và có sức khỏe, phát triển bình thường.

Phát hiện sớm và điều trị trật khớp háng cho trẻ sơ sinh thực sự đóng vai trò quan trọng. Bởi nếu để trẻ càng lớn với tình trạng trật khớp háng thì điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Có nhiều kỹ thuật điều trị trật khớp háng khác nhau như tạo hình ổ cối, sửa trục cổ- chỏm xương đùi... nhưng đều có những hạn chế nhất định khi tình trạng trật khớp đã có thời gian tồn tại lâu, cũng như hiệu quả điều trị sẽ không đạt mức tối đa cho trẻ.

Để ngăn ngừa tình trạng trật khớp háng bẩm sinh, cha mẹ cần đưa con đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Phát hiện các dấu hiệu triệu chứng bất thường ở con cần đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác có bị trật khớp háng hay không. Tiến hành điều trị ngay là cách tốt nhất để trẻ phát triển bình thường, không bị giới hạn chức năng hay hạn chế vận động về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan