Đánh giá sự phát triển của trẻ như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Quá trình phát triển của con bạn cần phải được đánh giá điều này sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu trẻ chậm phát triển tâm thần, chiều cao, hay sự tăng trưởng của trẻ nhanh hay chậm. Qua đó giúp bạn có kế hoạch điều chỉnh cách chăm sóc, nuôi dạy phù hợp và hiệu quả. Vậy đánh giá sự phát triển của trẻ là gì? Có cần lo lắng khi đưa trẻ đi đánh giá? Trong bài viết này chúng tôi cung cấp những thông tin hữu ích về những lợi ích của việc đánh giá sự phát triển của trẻ.

1. Đánh giá sự phát triển của trẻ là gì?

Đánh giá sự phát triển của trẻ là một đánh giá có cấu trúc về sự phát triển của trẻ về cả thể chất, phát triển ngôn ngữ, trí tuệ, xã hội và tình cảm bởi một chuyên gia đánh giá sự phát triển hoặc một nhóm chuyên gia có thể bao gồm bác sĩ nhi khoa, chuyên gia ngôn ngữ, nhà thính học, nhà trị liệu nghề nghiệp, nhà tâm lý học trẻ em, nhà trị liệu vật lý và một số chuyên gia tại các lĩnh vực liên quan khác.

Đánh giá sự phát triển của trẻ sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với tuổi của bé, các vấn đề nghi ngờ hoặc chậm trễ. Nói chung, cha mẹ của trẻ có thể được dành thời gian trả lời một loạt các câu hỏi chi tiết về sự phát triển của con mình như về: thể chất, hành vi, cách chơi, tương tác với các thành viên trong gia đình và phần còn lại của thế giới. Và trẻ sẽ trải qua một loạt các bài kiểm tra có thể bao gồm khám sức khỏe, kiểm tra thính giác và mắt khi chơi, các bài kiểm tra tiêu chuẩn, cho bé thực hiện một số nhiệm vụ nhất định để xác định điểm mạnh và điểm yếu.

Nếu ai đó đề nghị bạn đưa con mình đi đánh giá sự phát triển, bạn có thể cảm thấy lo lắng, sợ hãi hoặc thậm chí tội lỗi. Không phụ huynh nào thích nghe rằng con mình có vấn đề. Việc lo lắng là điều bình thường, nhưng hãy nhớ rằng đây chỉ đơn giản là đánh giá sự phát triển con bạn. Bản thân nó không phải là một chẩn đoán (mặc dù nó có thể dẫn đến một chẩn đoán), cũng không phải là một dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn hoặc nghiêm trọng đối với trẻ.

Trong nhiều trường hợp, kết quả đánh giá cho thấy trẻ hoàn toàn bình thường và không cần điều trị gì thêm. Trong quá trình đánh giá, hãy cố gắng cởi mở và cung cấp nhiều thông tin nhất có thể. Điều đó sẽ giúp bài đánh giá trở nên chính xác và chỉ mang lại lợi ích cho trẻ cũng như cha mẹ của trẻ mà thôi.

Trẻ 32 tuần tuổi chậm phát triển vận động
Đánh giá sự phát triển của trẻ sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với lứa tuổi

2. Làm thế nào để biết liệu trẻ có cần được đánh giá hay không?

Bác sĩ sẽ theo dõi chính thức sự phát triển của trẻ tại mỗi lần khám sức khỏe tổng quát cho bé. Nếu nhận thấy một lĩnh vực mà trẻ có vẻ chậm phát triển đáng kể so với các bạn cùng trang lứa, các bác sĩ có thể giới thiệu trẻ và cha mẹ của trẻ đến gặp chuyên gia phát triển để được đánh giá. Cha mẹ cũng có thể là động lực thúc đẩy đánh giá. Trên thực tế, cha mẹ thường là những người đầu tiên nhận thấy sự chậm phát triển của trẻ vì họ hiểu rõ con mình nhất. Bác sĩ chỉ có thể dành vài phút cho trẻ trong mỗi lần khám, vì vậy trẻ rất dễ bỏ sót những vấn đề tế nhị.

Nếu cha mẹ cảm thấy lo lắng về một vấn đề cụ thể, chẳng hạn như khả năng nói hoặc khả năng lấy đồ vật của trẻ mà bác sĩ không đề cập đến bất cứ điều gì, hãy cung cấp cho họ một số thông tin về tình trạng đó của trẻ và yêu cầu giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa.

3. Những dấu hiệu của một đánh giá tốt là gì?

Mọi đánh giá đều khác nhau vì mỗi đứa trẻ và gia đình có những đặc điểm khác nhau. Theo Zero to Three, một tổ chức phi lợi nhuận dành cho sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ nhỏ, người đi đầu trong việc thiết lập các tiêu chuẩn chuyên nghiệp cho việc đánh giá trẻ em, chia sẻ những đặc điểm sau:

  • Cha mẹ và các chuyên gia nên làm việc cùng nhau. Cha mẹ chính là một chuyên gia về hành vi của con mình và nên đóng một vai trò quan trọng trong quá trình đánh giá. Thông tin và ý kiến ​​của cha mẹ rất quan trọng trong việc xác định xem bé đang thực sự như thế nào.
  • Việc đánh giá nên được thực hiện bởi một nhóm có thể bao gồm: bác sĩ nhi khoa, nhà thính học, nhà tâm lý học trẻ em, nhà trị liệu vật lý, cùng những người khác, để có được bức tranh toàn cảnh về các kỹ năng của trẻ. Các thành viên của nhóm đều phải có hiểu biết vững chắc về sự phát triển của trẻ.
  • Các bé tham gia đánh giá nên được quan sát trong một số môi trường với những người khác nhau để có được bức tranh toàn cảnh về cách trẻ chơi, học, di chuyển, tương tác, v.v. Chẳng hạn, cách bé cư xử với bạn có thể khác với cách trẻ cư xử với anh chị em của mình. Một nhóm đánh giá tốt là một nhóm sẽ xem xét đến tất cả những điều này.
  • Quá trình này cần xác định điểm mạnh và điểm yếu của trẻ. Sự phát triển của trẻ rất phức tạp và một đánh giá tốt cần xem xét cách bé hoạt động trong một số lĩnh vực, chứ không chỉ một hoặc hai lĩnh vực mà trẻ có vẻ đang gặp khó khăn.
  • Trẻ không nên bị buộc phải tách khỏi cha mẹ trong khi tiến hành các bài đánh giá. Bạn không thể mong đợi một đứa trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ hoạt động tốt nhất nếu chúng lo lắng về việc xa cách cha mẹ của mình.
  • Một đánh giá sẽ giúp cha mẹ của trẻ cảm thấy như được giúp đỡ. Đánh giá chính thức về sự phát triển của trẻ thường là bước đầu tiên để xác định xem trẻ có cần can thiệp hoặc điều trị sớm hay không. Nhưng khi việc kiểm tra được thực hiện tốt, nhiều phụ huynh nói rằng bản thân nó cũng rất có ích. Trong suốt quá trình này, họ sẽ cảm thấy như kiến ​​thức của mình về trẻ đang tăng lên, họ đang có những ý tưởng mới về cách tương tác với con và câu trả lời cho nhiều câu hỏi phát triển của trẻ. Nhiều bậc cha mẹ còn cho biết họ thậm chí có thể cảm thấy nhẹ nhõm. Đối mặt với một vấn đề phát triển tiềm ẩn có thể khiến họ khó chịu, nhưng biết rằng những sự trợ giúp luôn có sẵn có thể mang lại cho cha mẹ của trẻ nhiều hi vọng.
Các hoạt động thúc đẩy phát triển thể chất cho trẻ
Mọi đánh giá đều khác nhau vì mỗi đứa trẻ và gia đình có những đặc điểm khác nhau

4. Làm thế nào để đảm bảo kết quả đánh giá tốt nhất cho trẻ?

Chuẩn bị cho cuộc đánh giá và trở thành người cung cấp toàn bộ thông tin về sự phát triển của trẻ là hai điều quan trọng nhất cha mẹ có thể làm để đảm bảo nhận được kết quả tối ưu. Dưới đây là một số gợi ý cụ thể:

  • Cả cha và mẹ của trẻ nên tham gia bất kỳ cuộc họp hoặc khám sàng lọc nào, nếu có thể. Cha mẹ có thể cung cấp những thông tin hoặc ý tưởng khác nhau để đóng góp và chính mình đưa ra những so sánh qua những lần đánh giá để có cái nhìn khác về quá trình phát triển của trẻ.
  • Đảm bảo rằng trẻ có trạng thái khỏe mạnh và thoải mái trong quá trình kiểm tra. Ví dụ, một đứa trẻ cảm thấy sợ hãi, bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng tai, sẽ không thể hiện tốt nhất trong bài đánh giá của mình.
  • Yêu cầu báo cáo bằng văn bản khi kết thúc đánh giá. Đặt câu hỏi về bất cứ điều gì mình không hiểu và đừng ngại phản đối hoặc nêu yêu cầu thảo luận thêm về những điểm mình cảm thấy có vấn đề. Việc chấp nhận một đánh giá mà bạn cho là không tốt sẽ không mang lại lợi ích gì cho bạn hoặc con bạn.
  • Cân nhắc kỹ trước khi bắt đầu một chương trình can thiệp. Việc điều trị có thể tốn kém, tốn thời gian và đôi khi có thể khiến tình cảm mẹ con hoặc cha con gặp nhiều vấn đề. Do đó trước khi cam kết thực hiện can thiệp, cần tham khảo thêm ý kiến từ các chuyên gia khác hoặc chính từ những người thân trong gia đình.
  • Đánh giá định kỳ cho trẻ. Trẻ em lớn lên và phát triển rất nhanh với tốc độ khác nhau, do đó, điều quan trọng là phải đánh giá lại chúng thường xuyên. Trẻ có thể phát triển nhanh hơn hoặc chậm hơn ở một số khía cạnh so với những bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên để xác định sự phát triển nhanh hay chậm ở trẻ có phải là vấn đề nghiêm trọng hay không cần có các đánh giá định kỳ.

Đánh giá sự phát triển của trẻ là quá trình lập bản đồ của một đứa trẻ để so sánh sự phát triển của cùng một lĩnh vực đó so với những đứa trẻ cùng tuổi khác. Các nhóm so sánh sẽ được lấy từ mẫu mang tính đại diện của dân số nơi đứa trẻ đó sinh sống. Trong một xã hội đa văn hóa, việc tìm ra các tiêu chuẩn thích hợp cho tất cả trẻ em là điều gần như không thể. Do đó quá trình đánh giá sự phát triển của trẻ chỉ mang tính tương đối. Một điều nữa là không ai hiểu con mình hơn chính cha mẹ chúng và đôi khi nên để chính trực giác của các ông bố bà mẹ mách bảo.

Dha giúp trẻ phát triển trí tuệ lẫn thể chất
Trẻ em lớn lên và phát triển rất nhanh do đó điều quan trọng là phải đánh giá lại chúng thường xuyên

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, bmj.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan