Chống nắng an toàn cho trẻ em

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bức xạ tia cực tím (tia UV) từ mặt trời có thể gây cháy nắng, tổn thương da, tổn thương mắt và ung thư da. Tác hại của tia UV tích tụ trong suốt thời thơ ấu và thanh thiếu niên có liên quan chặt chẽ đến việc tăng nguy cơ ung thư da sau này.

Ung thư da là một trong những bệnh ung thư có thể phòng ngừa được, trong đó sử dụng kem chống nắng cho trẻ em là việc làm đơn giản, dễ thực hiện và có hiệu quả cao. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần phải làm gương cho trẻ trong việc duy trì các thói quen chống nắng tốt, vì trẻ dễ học theo bằng cách quan sát hành vi của bố mẹ và người chăm sóc.

1. Tổng quan về kem chống nắng cho trẻ em

Trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi không nên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời khi cường độ tia UV từ mức 3 trở lên vì nguy cơ cháy nắng. Cháy nắng làm tăng khả năng mắc phải ung thư da. Cháy nắng không chỉ xảy ra vào các kỳ nghỉ hè và trẻ em có thể gặp phải ngay cả khi trời nhiều mây.

Không có cách nào an toàn hoặc lành mạnh để sở hữu làn da rám nắng. Và da rám nắng cũng không bảo vệ được làn da của trẻ khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Đại học Da liễu Australasian không khuyến nghị sử dụng rộng rãi kem chống nắng cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi.

Các biện pháp bảo vệ như mặc quần áo dài tay và mũ rộng vành là cách bảo vệ tốt nhất cho trẻ sơ sinh, và kem chống nắng chỉ nên được sử dụng trên những vùng da rất nhỏ.

Một số cha mẹ lo lắng về việc da của con họ phản ứng với kem chống nắng. Có rất nhiều loại kem chống nắng được sản xuất dành cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, nhẹ nhàng cho làn da nhạy cảm. Trước khi quyết định sử dụng kem chống nắng cho trẻ em, nên bôi thử kem chống nắng trên một vùng da nhỏ để đảm bảo không bị phản ứng.

Có nên dùng kem chống nắng cho trẻ nhỏ?
Kem chống nắng có tác dụng ngắn ngừa tia UV có hại

2. Một số mẹo an toàn khi chống nắng cho trẻ em

Chỉ một vài vết cháy nắng lớn cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư da của trẻ sau này. Trẻ em không nhất thiết phải ở hồ bơi, bãi biển hoặc đi nghỉ để phơi nắng quá nhiều. Da của chúng cần được bảo vệ khỏi tia cực tím (UV) có hại của mặt trời bất cứ khi nào ở môi trường bên ngoài. Dưới đây là một số mẹo an toàn khi chống nắng cho trẻ em:

  • Tìm bóng râm. Tia UV mạnh nhất và có hại nhất vào buổi trưa, vì vậy tốt nhất là trẻ nên lên lựa chọn các hoạt động trong nhà vào khoảng thời gian này. Nếu không thể, hãy tìm bóng râm dưới gốc cây, ô che hoặc mái che, lều. Sử dụng các vật dụng này để ngăn ngừa cháy nắng chứ không phải để tìm kiếm cứu trợ sau khi nó xảy ra.
  • Che đậy. Khi có thể, nên mặc cho trẻ các loại áo sơ mi dài tay, quần dài và váy có thể bảo vệ khỏi tia UV. Quần áo làm từ vải dệt chặt giúp bảo vệ tốt nhất. Áo phông ướt có khả năng chống tia cực tím thấp hơn nhiều so với áo khô và màu tối hơn có thể bảo vệ nhiều hơn áo sáng màu. Một số quần áo được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ cung cấp các thông tin về hệ số chống tia cực tím của nó một cách rõ ràng.
  • Đội mũ. Mũ rộng vành có thể che mặt, da đầu, tai và cổ, dễ sử dụng và có khả năng bảo vệ tốt. Mũ bóng chày phổ biến ở trẻ em, nhưng chúng không bảo vệ tai và cổ của chúng. Nếu con bạn chọn mũ lưỡi trai, hãy nhớ bảo vệ những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bằng kem chống nắng.
  • Đeo kính râm. Chúng có thể bảo vệ đôi mắt của trẻ khỏi tia UV, có thể dẫn đến đục thủy tinh thể sau này. Tìm kính râm có hình dáng thiết kế bao quanh mắt và ngăn chặn càng gần 100% tia UVA và UVB càng tốt.
  • Bôi kem chống nắng. Sử dụng kem chống nắng có ít nhất SPF 30 và bảo vệ khỏi tia UVA và UVB (phổ rộng) mỗi khi trẻ đi ra ngoài. Để được bảo vệ tốt nhất, hãy thoa kem chống nắng 30 phút trước khi ra ngoài trời. Đừng quên bảo vệ tai, mũi, môi và bàn chân. Bôi lại sau mỗi hai giờ và sau khi bơi, đổ mồ hôi hoặc quấn khăn. Bố mẹ nhớ mang theo kem chống nắng để thoa lại trong ngày, đặc biệt là sau khi trẻ đi bơi hoặc tập thể dục. Điều này cũng áp dụng đối với cả các loại kem chống nắng chống thấm và chống nước. Các loại kem chống nắng không có thành phần giống nhau; nếu da của trẻ phản ứng xấu với một sản phẩm, hãy thử một sản phẩm khác hoặc gọi bác sĩ.

Hãy nhớ rằng kem chống nắng không phải để cho phép trẻ em tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều hơn. Hãy thử kết hợp kem chống nắng với các biện pháp khác để ngăn chặn tác hại của tia UV.

Cần ghi nhớ nguyên tắc dành nhiều thời gian trong bóng râm vào khoảng thời gian ánh nắng mặt trời mạnh nhất trong ngày. Thông thường, thời gian này kéo dài từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều trong ngày và từ tháng 3 đến tháng 10 trong năm.

Có nên dùng kem chống nắng cho trẻ nhỏ?
Nên bôi kem chống nắng 30 phút trước khi ra ngoài

Một số điều cần lưu ý khi chống nắng cho trẻ em bao gồm:

  • Bố mẹ hãy làm gương cho trẻ và thực hiện các thói quen chống nắng để chúng sẵn sàng làm điều tương tự.
  • Khi chỉ số UV từ mức 3 trở lên, hãy đảm bảo rằng làn da của trẻ luôn được bảo vệ.
  • Không nên để trẻ dưới 12 tháng tuổi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời khi mức độ UV đạt từ 3 trở lên, và tránh sử dụng kem chống nắng cho trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi.
  • Giữ trẻ ở trong bóng râm từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều
  • Lựa chọn cho trẻ loại quần áo và mang kính râm phù hợp

3. Nên lựa chọn kem chống nắng cho trẻ em như thế nào?

Đừng chỉ dựa vào kem chống nắng để bảo vệ trẻ khỏi ánh nắng mặt trời. Hãy mặc quần áo thích hợp và dành thời gian ở trong bóng râm vào thời điểm mặt trời nóng nhất.

Khi mua kem chống nắng cho trẻ em, nên lưu ý các thông số sau trên nhãn hiệu:

  • Chỉ số chống nắng (SPF): ít nhất là 30 để chống lại tia UVB
  • Chỉ số chống tia UVA: ít nhất 4 sao. Khả năng bảo vệ khỏi tia UVA có thể được biểu thị bằng các chữ cái "UVA" trong một vòng tròn, cho biết rằng loại kem chống nắng này đáp ứng tiêu chuẩn của EU.
  • Chắc chắn rằng kem chống nắng cho trẻ em không quá hạn sử dụng. Hầu hết các loại kem chống nắng đều có hạn sử dụng từ 2 đến 3 năm.
  • Không phơi nắng lâu khi không dùng kem chống nắng.
Chỉ số SPF
Chỉ số SPF

4. Chỉ số SPF và xếp hạng sao là gì?

Chỉ số chống nắng, hay SPF, là thước đo mức độ bảo vệ da khỏi tia cực tím B (UVB) của loại kem chống nắng nào đó. SPF được đánh giá trên thang điểm từ 2 đến 50+ dựa trên mức độ bảo vệ mà chúng cung cấp, với 50+ tương đương với khả năng chống tia UVB mạnh nhất.

Xếp hạng sao hay số các ngôi sao ám chỉ mức độ bảo vệ da khỏi tia cực tím A (UVA). Xếp hạng sao càng cao càng tốt, tương đương với khả năng chống tia UVA tốt.

Các chữ cái "UVA" bên trong một vòng tròn là dấu của Châu Âu. Điều này có nghĩa là khả năng bảo vệ khỏi tia UVA ít nhất là một phần ba giá trị SPF và đáp ứng các khuyến nghị của EU.

Kem chống nắng có khả năng bảo vệ da khỏi tia UVA và tia UVB đôi khi được gọi là kem chống nắng có phổ rộng.

Kem chống nắng cho trẻ em
Kem chống nắng giúp bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời

5. Cách thoa kem chống nắng

Hầu hết mọi người không thoa đủ kem chống nắng. Theo hướng dẫn, lượng kem chống nắng cần được sử dụng phụ thuộc vào diện tích vùng da cần được bảo vệ, ví dụ:

  • Nên sử dụng 2 thìa cà phê kem chống nắng nếu muốn bảo vệ vùng đầu, cánh tay và cổ.
  • Cần dùng 2 muỗng canh kem chống nắng nếu cần che toàn bộ cơ thể khi mặc đồ bơi

Nếu thoa kem chống nắng quá mỏng, khả năng bảo vệ da sẽ giảm đi. Nếu lo lắng rằng mình có thể không thoa đủ SPF30, bạn có thể sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF cao hơn.

Ngoài ra, nếu dự định cho trẻ ở ngoài nắng lâu, để giảm nguy cơ bị cháy nắng, bố mẹ cần thoa kem chống nắng cho trẻ hai lần: 30 phút trước khi ra ngoài và ngay trước khi ra ngoài.

Thoa kem chống nắng cho trẻ em nên được dùng cho tất cả các vùng da hở, bao gồm mặt, cổ, tai, và đầu nếu trẻ có tóc mỏng hoặc không có tóc, nhưng tốt hơn hết là đội mũ rộng vành cho trẻ khi ra ngoài trời nắng.

Kem chống nắng cho trẻ em cần được bôi lại thường xuyên và theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Điều này bao gồm việc thoa kem ngay sau khi trẻ tiếp xúc với nước, ngay cả khi kem chống nắng cho trẻ em là loại "chống nước" hoặc sau khi lau khô khăn, đổ mồ hôi. Kem chống nắng cho trẻ em nên được thoa lại sau mỗi 2 giờ, vì ánh nắng mặt trời có thể làm khô da của trẻ.

Trẻ cần cung cấp đủ lượng kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Bài viết tham khảo nguồn: rch.org.au, nhs.uk, cdc.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

244 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan