Các nguyên nhân cấp tính gây khò khè trẻ em

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ma Văn Thấm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Khò khè là âm thanh có âm sắc cao, như tiếng huýt sáo xuất hiện khi các đường hô hấp nhỏ bị hẹp lại do co thắt phế quản, dày niêm mạc do viêm phù nề, quá nhiều chất tiết hoặc dị vật đường thở. Nó được nghe chủ yếu trong thì thở ra do tắc nghẽn đường thở ở mức độ nhất định. Nó có nhiều âm sắc đa dạng khi hẹp đường thở ở nhiều mức độ như trong bệnh hen. Khò khè đơn âm sắc được tạo ra trong các đường hô hấp lớn hơn trong thì thở ra như khí quản hoặc phế quản đoạn xa.

1. Hen phế quản

Hen phế quản là nguyên nhân quan trọng gây thở khò khè ở trẻ em.

Ba dạng thở khò khè trẻ nhỏ được xác định là:

  • Khò khè sớm thoáng qua: 19.9% dân số nói chung, đã khò khè ít nhất một lần với nhiễm trùng đường hô hấp dưới trước 3 tuổi nhưng không bao giờ tái phát
  • Khò khè thường xuyên kéo dài (dai dẳng): 13,7% dân số nói chung, khởi phát khò khè trước 3 tuổi và vẫn khò khè sau 6 tuổi
  • Khò khè khởi phát muộn: 15% dân số nói chung, không khởi phát khò khè trước 3 tuổi mà khởi phát muộn từ 6 tuổi.

Trong tất cả các trẻ khò khè khởi phát trước năm 3 tuổi, gần 60% ngừng khò khè từ 6 tuổi. Các yếu tố nguy cơ của khò khè liên tục bao gồm mẹ hen phế quản, mẹ hút thuốc lá, viêm mũi dai dẳng (một phần của nhiễm trùng đường hô hấp trên) và eczema khi dưới 1 tuổi.

Các kiểu hình lâm sàng gợi ý chẩn đoán hen phế quản:

  • Khò khè nhiều yếu tố khởi phát: Ít nhất 2 yếu tố thông thường khởi phát hen dẫn tới khò khè sau 3 tuổi.
  • Khò khè dai dẳng: Vẫn còn triệu chứng giữa các đợt khò khè trong thời gian 1 đến 6 tuổi.
  • Khò khè thường xuyên: Khò khè ít nhất một tháng/ lần trong vòng 1 năm từ 1 đến 6 tuổi
  • Khò khè từng đợt: Khò khè khởi phát sau nhiễm virus đường hô hấp giữa thời gian 1 đến 6 tuổi.
Các mức độ từ nhẹ đến nguy kịch của hen phế quản ở trẻ nhỏ
Nguyên nhân thở khò khè ở trẻ em thường do hen phế quản

2. Nhiễm trùng

Mối liên quan giữa nhiễm virus, khò khè, khả năng phát triển thành hen thay đổi theo tuổi, cơ địa dị ứng và các yếu tố môi trường.

Viêm tiểu phế quản là một bệnh nhiễm trùng cấp tính của đường hô hấp dưới xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ, thường từ 2-24 tháng tuổi. 75% xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi, và 95% ở trẻ dưới 2 tuổi. Tần số xuất hiện cao nhất là từ 6-18 tháng tuổi. Tỷ lệ mắc hàng năm là 11,4% ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và 6% ở trẻ từ 1-2 tuổi. Bệnh này chiếm tới 4500 ca tử vong và 90.000 trường hợp nhập viện trong một năm. Tần suất có thể cao hơn ở khu vực thành thị.

Viêm tiểu phế quản thường do nhiễm virus ở đường dẫn khí nhỏ là tiểu phế quản với nguyên nhân chính là RSV, tiếp theo đó là rhinovirus. Viêm các tế bào biểu mô phế quản làm tăng tiết dịch nhầy, chết tế bào, và sưng phù, theo sau là thâm nhiễm lympho ở quanh tiểu phế quản. Sự kết hợp của các mảnh vụn tế bào và phù nề thành tiểu phế quản bị viêm làm hẹp nghiêm trọng và làm tắc nghẽn đường thở nhỏ. Giảm sự thông khí của một phần phổi gây ra rối loạn thông khí tưới máu, dẫn đến tình trạng thiếu oxy. Trong thì thở ra, sự thu hẹp tương đối của đường thở sẽ làm giảm luồng khí lưu thông và hậu quả là bẫy khí hay ứ khí. Công việc hít thở được tăng lên do lượng phổi thở cuối cùng tăng lên và sự tuân thủ phổi giảm. Sự phục hồi các tế bào biểu mô hô hấp bắt đầu xảy ra sau 3-4 ngày, nhưng lông chuyển không tái tạo trong khoảng 2 tuần. Các mảnh vụn bị xóa bởi các đại thực bào. Nhiễm trùng lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với chất bài tiết qua đường hô hấp. Nhiễm trùng trước với các siêu vi gây bệnh thông thường không tạo ra miễn dịch chủ động.

Không phải tất cả trẻ nhỏ nhiễm virus đều bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới (LRTI). Các yếu tố giải phẫu và các yếu tố miễn dịch của trẻ đóng vai trò quan trọng trong mức độ nghiêm trọng các triệu chứng lâm sàng. Trẻ mà có các đường dẫn khí thu hẹp từ trước đó và chức năng phổi giảm có thể biểu hiện nặng nề hơn. Ngoài ra, nhiễm RSV kích thích đáp ứng miễn dịch phức tạp và trẻ có khò khè biểu hiện nồng độ interferon-γ ở đường thở và leukotrienes cao hơn. Đồng nhiễm RSV với metapneumovirus có thể nặng hơn so với đơn nhiễm. Virus metapneumovirus ở người (hMPV), giống như RSV của người, được phân loại trong họ phân họ Pneumovirinae của họ paramyxoviridae. Tuy nhiên, nó chủ yếu liên quan di truyền học đến bệnh cúm gia cầm do metapneumovirus.

Có bằng chứng cho thấy sự thiếu hụt hoạt tính kháng virus và sự toàn vẹn của hàng rào biểu mô hô hấp có thể làm cho những bệnh nhân hen phế quản có nhiều khả năng bị nhiễm trùng đường hô hấp do đường hô hấp trên nghiêm trọng hơn, và do đó làm tăng nguy cơ trầm trọng hơn. Chẩn đoán sinh học phân tử tiên tiến đã xác định được rhinoviruses người (HRVs) như là các mầm bệnh thường gây ra khò khè ở trẻ nhỏ. Khò khè trong suốt giai đoạn nhiễm HRV ở lứa tuổi sớm có nguy cơ cao phát triển hen phế quản. Nhiễm HRV thúc đẩy sự biểu hiện của các yếu tố liên quan đến tổn thương và tái tạo đường thở bao gồm amphiregulin, activin A, và VEGF. Gần đây, người ta đã chứng minh rằng nhiễm HRV ở các tế bào biểu mô cũng gây ra sự tăng sản sinh chất nhầy phụ thuộc TLR-3 và tăng sự điều hòa của thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì, một thành phần nổi bật trong việc tân tạo và sửa chữa biểu mô hô hấp.

Các căn nguyên nhiễm trùng khác cũng liên quan với khò khè cấp tính bao gồm viêm thanh khí quản cấp, viêm phế quản cấp, viêm phổi do mycoplasma, áp xe phổi.

Dị vật đường thở
Nguyên nhân thở khò khè khởi phát cấp tính có thể do dị vật đường thở

3. Dị vật đường thở

Dị vật đường thở cần được đặt ra ở những trẻ với khò khè khởi phát cấp tính, đặc biệt những trẻ không rõ hội chứng xâm nhập hay dị vật đường thở bỏ quên.

Bệnh sử chi tiết về hoàn cảnh khởi phát khò khè cần được làm rõ. Rõ ràng chẩn đoán nếu có hội chứng xâm nhập khởi phát cấp tính nhưng một phần không nhỏ không khai thác được. Tỷ lệ dị vật đường thở có hội chứng xâm nhập rõ ràng khoảng 80%. Độ tuổi hay gặp nhất là < 3 tuổi chiếm tới 80%, nhiều hơn cả là độ tuổi 1 – 2 tuổi và rất hiếm gặp ở độ tuổi < 6 tháng tuổi.

Khám lâm sàng cần tìm các dấu hiệu gợi ý chẩn đoán. Bất kỳ trẻ có khò khè khu trú hoặc ran phổi khu trú cần nghĩ đến dị vật đường thở. Vị trí hay gặp nhất là phổi phải khoảng 60%, phổi trái khoảng 20%, khí quản 13%. Đôi khi hiếm hơn, dị vật đường thở có thể gây nên đáp ứng lan tỏa ở phổi và khò khè đa âm sắc.

X-quang ngực cần tìm các dấu hiệu gợi ý như ứ khí hoặc xẹp phổi khu trú. Tuy nhiên một số nguyên nhân khác như hen phế quản hay viêm tiểu phế quản cũng gây ra các bẫy khí khu trú. Cho bệnh nhân chụp phim x-quang 2 thì hít vào và thở ra có thể giúp xác định bẫy khí. Tuy nhiên, không có các dấu hiện trên cũng không loại trừ chẩn đoán.

Thông thường, dị vật đường thở không đáp ứng với các thuốc giãn phế quản.

Một số trường hợp dị vật thực quản cũng có thể gây khò khè khởi phát cấp tính nếu dị vật lớn gây chèn ép đường thở. Khai thác bệnh sử về bất thường nuốt, nuốt khó giúp gợi ý cho chẩn đoán.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ nhỏ hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

450 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan