Các giai đoạn học viết của trẻ nhỏ

Có 4 giai đoạn học viết mà trẻ em sẽ trải qua, bao gồm: viết nguệch ngoạc, viết có kiểm soát, viết chữ cái, luyện viết chữ. Biết trẻ đang ở giai đoạn nào giúp bạn hỗ trợ con một cách tốt nhất để phát triển kỹ năng viết cho trẻ. Khả năng viết của con bạn phụ thuộc vào khả năng của trẻ để thông thạo nhiều kỹ năng đọc - viết bao gồm nhận dạng chữ cái, nhận biết chữ in, chẳng hạn như khoảng cách của các từ.

1. Giai đoạn bắt đầu: Viết nguệch ngoạc (0 đến 2 tuổi)

Trẻ em thích bày tỏ suy nghĩ và ý tưởng của mình bằng lời nói. Viết những suy nghĩ đó ra giấy xảy ra theo từng giai đoạn, điều này phụ thuộc vào tốc độ phát triển kỹ năng của trẻ.

Trong giai đoạn đầu tiên của sự phát triển kỹ năng viết, bất kỳ nét vẽ nguệch ngoạc hoặc vẽ vời nào mà trẻ làm đều được coi là viết. Khi trẻ xem bạn và những người lớn khác viết, trẻ thường bắt chước cầm bút màu và bắt đầu viết nguệch ngoạc. Kiểu chơi giả vờ này cho thấy trẻ đang nghĩ, “ con cũng có thể làm được như vậy”.

Đó là một thời điểm quan trọng khi một đứa trẻ nhận ra những ý tưởng của mình có thể tồn tại dưới dạng chữ viết. Bạn sẽ biết điều này đang xảy ra khi bạn nhìn thấy trẻ viết nguệch ngoạc hoặc vẽ trong khi nói các từ hoặc kể một câu chuyện. Trong giai đoạn này, hãy hoan nghênh bất kỳ nỗ lực học viết nào của trẻ.

Một cách tuyệt vời để khuyến khích trẻ học viết ở giai đoạn này đó là, bạn hãy nói với trẻ rằng, "Hãy cho mẹ biết những gì con đã viết." Trẻ em thích chia sẻ những câu chuyện của chúng và bạn sẽ thích thú khi nghe những suy nghĩ thường phức tạp và viển vông ẩn sau những nét vẽ nguệch ngoạc đơn giản đó.

Để giấy và bút chì màu hoặc bút dạ ở những vị trí trẻ có thể lấy dễ dàng để trẻ có thể bắt đầu viết khi có hứng thú. Bút và bút chì cũng tốt, nhưng trẻ nhỏ thường dễ cầm các dụng cụ viết dày hơn.

Bạn cũng có thể khuyến khích bé bằng cách viết ghi chú cho con. Một câu đơn giản có nội dung "mẹ yêu bạn!" và đặt mẩu giấy lên bàn ăn sáng có thể tạo cảm hứng để trẻ đáp lại một ghi chú khác.

Viết và vẽ nguệch ngoạc
Trong giai đoạn đầu tiên của sự phát triển kỹ năng viết, bất kỳ nét vẽ nguệch ngoạc hoặc vẽ vời nào mà trẻ làm đều được coi là viết

2. Giai đoạn viết có kiểm soát: Chữ viết thành văn bản (2 đến 4 tuổi)

Con bạn có đang nguệch ngoạc nhiều chữ cái ngẫu nhiên trên một trang giấy không? Điều này có nghĩa là trẻ đang trong giai đoạn phát triển chữ viết thứ hai, thường xảy ra ở độ tuổi từ 2 đến 4. Trẻ em ở giai đoạn này đã nhận thức được rằng những nét chữ “ nguệch ngoạc” mà người lớn viết chính là chữ cái. Trẻ không hoàn toàn khớp được các chữ cái với âm thanh tương ứng- ít nhất là không nhất quán - nhưng trẻ bắt đầu hiểu rằng các chữ cái đóng một vai trò đặc biệt trong việc viết. Khi bắt đầu giai đoạn này, trẻ vẫn có thể sử dụng các ký hiệu khác như hình vẽ hoặc hình vuông. Khi đạt được sự tiến bộ nhất định, trẻ bắt đầu chỉ sử dụng các chữ cái và tin chắc rằng bản thân cũng đang viết như cách mà người lớn đang viết.

Để khuyến khích trẻ phát triển kỹ năng viết ở giai đoạn này, bạn hãy dạy con bạn viết tên của mình và giúp con hiểu rằng các chữ cái được sử dụng để tạo ra các cụm từ có nghĩa. Điều này cũng giúp trẻ chuyển từ viết nguệch ngoạc sang sử dụng các chữ cái. Khi đã thành thạo, bạn có thể chuyển sang dạy con viết những từ như "Mẹ", "Bố" và tên của các thành viên khác trong gia đình; hoặc cùng nhau tạo các biển báo khi bạn và trẻ đang chơi trò chơi, chẳng hạn như biển báo DỪNG khi bạn đang chơi ô tô.

Kỹ năng đọc cũng rất quan trọng trong giai đoạn này. Một cách tuyệt vời để khuyến khích việc đọc sách ở trẻ là dành thời gian để đọc cho trẻ nghe hàng ngày. Ngoài việc khuyến khích trẻ yêu thích đọc sách, đọc to còn truyền cảm hứng cho người kể chuyện, giúp trẻ có sự liên tưởng nhất định khi nghe câu chuyện. Trẻ sẽ bắt đầu nghĩ ra những câu chuyện tưởng tượng của riêng mình.

Đọc cho trẻ nghe giúp trẻ nhận thức được rằng các từ được tạo thành từ các chữ cái và các cụm từ có nghĩa cụ thể. Khi bạn đọc đi đọc lại cùng một câu chuyện, con bạn có thể bắt đầu nhận ra một số từ. Đối với nhiều trẻ em, việc lặp lại này không chỉ là một bước để rèn luyện kỹ năng đọc mà còn để phát triển kỹ năng viết. Ví dụ, khi một đứa trẻ đã nhìn thấy từ "con bọ" trong một câu chuyện vài lần, chúng sẽ bắt đầu nhận ra từ đó. Một khi nhận ra nó, trẻ có thể chuyển sang viết các đoạn văn để kể câu chuyện của mình về con bọ.

tập viết
Trẻ em ở giai đoạn 2-4 tuổi đã nhận thức được rằng những nét chữ “ nguệch ngoạc” mà người lớn viết chính là chữ cái

3. Giai đoạn chuyển tiếp: Các chữ cái ghép với nhau tạo thành từ (4 đến 7 tuổi)

Khi trẻ bắt đầu nhận ra rằng các từ được tạo thành từ tiếng và các chữ cái ghép lại với nhau tạo thành từ, trẻ sẽ ngừng sử dụng các chữ cái ngẫu nhiên trong bài viết của mình. Thay vào đó, trẻ bắt đầu cố gắng ghép các âm mà trẻ nghe được trong một từ với các chữ cái mà trẻ biết. Bước nhảy vọt về nhận thức này thường xảy ra trong độ tuổi từ 4 đến 7..

Trong giai đoạn này, trẻ em thường đảo ngược các chữ cái hoặc trộn chúng với nhau. Thay vì chỉ chú ý để sửa lỗi cho trẻ, bạn nên tập trung vào niềm vui khi thấy con đã có sự tiến bộ ở giai đoạn này. Bởi những sai lầm như thế này rất phổ biến ở lứa tuổi này và là một phần của quá trình học tập. Hãy khuyến khích khả năng viết và giao tiếp của trẻ, đồng thời lưu lại các bài học chính tả khi con lớn hơn.

Khuyến khích trẻ hoàn thiện kỹ năng viết ở giai đoạn này bằng cách biến việc rèn luyện kỹ năng viết trở thành một phần của trò chơi giữa bạn và trẻ, chẳng hạn như giúp trẻ viết thực đơn cho một bữa tiệc trà với đồ chơi của trẻ hoặc một đơn thuốc cho bạn khi bạn đang đóng vai bác sĩ.

Trẻ tập viết
Khi trẻ bắt đầu nhận ra rằng các từ được tạo thành từ tiếng và các chữ cái ghép lại với nhau tạo thành từ, trẻ sẽ ngừng sử dụng các chữ cái ngẫu nhiên trong bài viết của mình

4. Giai đoạn thành thạo: viết chính tả (5 đến 6 tuổi)

Trong giai đoạn này (thường diễn ra trong độ tuổi từ 5 đến 6), trẻ bắt đầu sử dụng cách đánh vần để tạo ra các cụm từ có nghĩa. Cách đánh vần có thể không chính xác, nhưng trẻ giai đoạn này nhận thức được rằng các cách viết khác nhau có thể có các ý nghĩa khác nhau. Trẻ thậm chí sẽ bắt đầu ghi nhớ một số từ, đặc biệt là những từ khó nhưng được sử dụng phổ biến, để trẻ có thể đánh vần chúng một cách chính xác.

Việc cố gắng đẩy trẻ đến giai đoạn này quá nhanh đôi khi có thể gây ức chế cho chúng, vì trẻ cảm thấy cần phải có cách viết chính tả hoàn hảo. Nếu bạn cảm thấy con mình đang phải vật lộn với áp lực phải đánh vần một cách hoàn hảo, một cách tuyệt vời để giảm bớt căng thẳng là giới thiệu trẻ dùng các bản nháp. Bạn có thể nhấn mạnh rằng bản nháp đầu tiên chỉ là để lấy ý tưởng, và bản nháp thứ hai là để kiểm tra chính tả.

Điều này cũng hữu ích cho trẻ em khi bắt đầu ghi nhớ các từ thông dụng. Những từ này được sử dụng thường xuyên và không tuân theo các quy tắc cơ bản của chính tả. Ghi nhớ những từ này sẽ giúp trẻ viết chính tả dễ dàng hơn rất nhiều.

Để phát triển kỹ năng viết của trẻ ở giai đoạn này, bố mẹ cần khuyến khích trẻ sử dụng chữ viết để kết nối với mọi người. Hãy thử viết những bức thư ngắn cho nhau , giữa gia đình hoặc bạn bè. Một cách thú vị khác để biến kỹ năng viết thành một hoạt động xã hội là viết những câu chuyện được chia sẻ: Bạn bắt đầu bằng cách viết hai hoặc ba dòng đầu tiên của câu chuyện. Sau đó, con bạn viết một đoạn tiếp theo.

Nếu con bạn chưa ở giai đoạn viết thành thạo và muốn chơi, trẻ có thể đọc chính tả và bạn có thể viết. Trẻ em nghĩ về các ý tưởng câu chuyện nhanh hơn nhiều so với việc chúng có thể viết ra. Khi bạn viết cho con mình, trẻ sẽ cảm thấy thú vị khi được ghi lại những câu chuyện gốc của mình. Theo thời gian, khả năng viết của trẻ sẽ phù hợp với tốc độ suy nghĩ của bản thân. Nhưng cho đến khi điều đó xảy ra, hãy giảm bớt sự thất vọng của trẻ về bản thân bằng cách hỗ trợ, giúp đỡ trẻ.

Bất kỳ độ tuổi nào được đề cập trên đây đều chỉ là một mức chung và được sử dụng làm chỉ số chung. Và bố mẹ cần nhớ rằng: Không có bất cứ đứa trẻ nào giống nhau. Những kỹ năng mà trẻ đạt được cũng sẽ có sự khác nhau. Vì thế, không nên so sánh trẻ với những bạn bè khác cùng trang lứa nhằm tránh gây áp lực cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan