Bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh là một trong những bệnh lý gây suy hô hấp cấp phổ biến, hay xảy ra ở nhóm trẻ sinh non. Bệnh màng trong có nguyên nhân từ sự phát triển chưa hoàn chỉnh của đường hô hấp và sự thiếu hụt surfactant, một hoạt chất trên bên mặt trong của túi phế nang.
1. Bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh là gì?
Bệnh màng trong là một trong những nguyên nhân gây suy hô hấp cấp thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, đặc biệt ở nhóm trẻ sinh non. Đây cũng là bệnh lý gây tử vong nhiều nhất ở những trẻ sinh non.
Bệnh màng trong ở trẻ đẻ non xảy ra do phổi của trẻ chưa thực sự trưởng thành. Sự thiếu hụt chất surfactant khiến các túi phế nang bên trong phổi của trẻ bị xẹp, huyết tương từ các mao mạch tràn ngập phế nang và cản trở việc hô hấp. Trẻ mắc bệnh màng trong thường có biểu hiện suy hô hấp cấp tính nặng sau sinh khoảng vài phút đến vài giờ, loại trừ được các nguyên nhân khác liên quan đến nhiễm trùng, hít phân su nước ối.
Bệnh màng trong ở trẻ sinh non là bệnh được dự phòng có hiệu quả trước sinh nếu được quản lý thai kỳ tốt. Những thai phụ có tiền sử sinh non, hoặc những bất thường khác làm tăng khả năng chuyển dạ sinh non như cổ tử cung ngắn hay nhiễm trùng cần được theo dõi thai kỳ chặt chẽ hơn để kịp thời điều trị và dự phòng suy hô hấp cho trẻ.
2. Nguyên nhân gây bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh
Sự thiếu hụt surfactant và hệ hô hấp chưa phát triển hoàn chỉnh là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh màng trong ở trẻ đẻ non. Surfactant là hoạt chất nằm bên trong phế nang, có nhiệm vụ duy trì sức căng bề mặt của các túi phế nang, giữ chúng không bị xẹp trong suốt quá trình hô hấp. Ở một bào thai khỏe mạnh, tế bào phế nang loại II bắt đầu tiết chất surfactant từ tuần thai thứ 20 và hệ thống phế nang phát triển hoàn tất ở tuần thai thứ 32.
Trẻ sinh non mắc bệnh màng trong phải đối diện với tình trạng giảm diện tích bề mặt trao đổi khí phế nang do xẹp phổi, thiếu oxy máu đi nuôi cơ thể dẫn đến toan hóa máu, tổn thương cấp tính và mạn tính tại nhu mô phổi. Các tổn thương tại phổi tiếp tục cản trở quá trình sản xuất chất surfactant, tăng quá trình phù các túi phế nang do ứ dịch và lắng đọng các sợi fibrin.
Bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh được chia thành hai nhóm chính: Bệnh màng trong nguyên phát xảy ra ở trẻ sinh non và bệnh màng trong thứ phát xuất hiện ở những trẻ đủ tháng và gần đủ tháng. Như vậy, bệnh màng trong không chỉ xảy ra với nhóm trẻ sinh non. Tỷ lệ ghi nhận bệnh màng trong ở trẻ đủ tháng khoảng 5% và rất hiếm ở những thai kỳ trên 38 tuần. Một số những yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh là:
- Tăng nồng độ glucose trong máu mẹ.
- Mẹ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.
- Nồng độ insulin trong máu mẹ cao.
- Trẻ hít phải phân su
- Các tình trạng viêm nhiễm tại nhu mô phổi
- Sinh mổ
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh
Bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh biểu hiện đặc trưng với tình trạng suy hô hấp cấp xảy ra sớm sau sinh. Triệu chứng thường khởi phát khoảng 6 giờ đầu sau sinh, một số trường hợp nhẹ có thể sau vài ngày. Suy hô hấp xuất hiện một cách đột ngột với các biểu hiện như:
- Tím tái da và niêm mạc, tiến triển nặng dần theo thời gian.
- Tần số thở tăng nhanh. Ở những trẻ sơ sinh cực non, tần số thở có thể chậm.
- Mạch nhanh
- Dấu sử dụng các cơ hô hấp phụ: phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức
- Phổi nghe giảm thông khí. Vùng phổi giảm thông khí lan rộng từ khu trú sang toàn phổi.
- Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ mắc bệnh màng trong sẽ rơi vào trạng thái nặng với các triệu chứng vật vã, thở ngáp, tần số thở thấp, xuất hiện những cơn ngừng thở và tử vong.
4. Các phương pháp chẩn đoán bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh
Chẩn đoán bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh cần có sự phối hợp giữa việc khai thác các yếu tố nguy cơ của bệnh, triệu chứng sớm phát hiện bệnh và các xét nghiệm cận lâm sàng bổ sung. Bệnh màng trong thường xuất hiện với tần suất cao ở những trẻ sinh non, trẻ bị ngạt do hít phân su và mẹ mắc bệnh đái tháo đường. Biểu hiện trên lâm sàng chủ yếu là tình trạng suy hô hấp nặng nề, tiến triển xấu đi theo thời gian. Khi nghi ngờ một trẻ mắc bệnh màng trong, các phương tiện cận lâm sàng được chỉ định để hỗ trợ làm rõ chẩn đoán thường được dùng bao gồm:
- Chụp X quang phổi: Bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh có các tổn thương dạng nốt mờ rải rác hai bên phổi kèm theo hình ảnh tổn thương ứ khí tại phế quản. Ở những trường hợp nặng, mô kẽ tại phổi bị phù dịch tạo nên hình ảnh mờ dạng lưới hoặc mờ toàn bộ hai phế trường khi có xẹp phổi.
- Khí máu động mạch: Giúp xác định tình trạng suy hô hấp cấp và toan hóa máu. Nhiễm toan mất bù trong máu là dấu hiệu tiên lượng xấu cho trẻ.
- Test sinh hóa nước ối, dịch tiết phế quản hoặc dạ dày xác định tình trạng non tháng ở trẻ.
- Giải phẫu bệnh: Tiến hành lấy mô bệnh phẩm từ phổi làm giải phẫu bệnh để chẩn đoán chính xác bệnh chỉ được thực hiện hồi cứu trên tử thi. Phổi tổn thương đặc trưng với xẹp phế nang, lòng phế nang chứa nhiều tế bào viêm và sợ fibrin, mô kẽ sung huyết.
5. Các phương pháp điều trị bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh
Hiệu quả của việc điều trị bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh để điều trị. Trẻ mắc bệnh được phát hiện sớm ngay sau sinh làm tăng tỷ lệ điều trị thành công.
Phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh màng trong là bổ sung surfactant chủ động ở những trường hợp nguy cơ cao. Việc chỉ định vào thời điểm trẻ có các biểu hiện suy hô hấp được cho là muộn. Surfactant sử dụng trên thị trường có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc tổng hợp, sử dụng qua đường nội khí quản đến hai phổi. Sử dụng surfactant có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như nhịp tim chậm hoặc ngừng thở.
Khi suy hô hấp xảy ra, trẻ cần được ngay lập tức hỗ trợ bằng thở oxy qua các dụng cụ khác nhau. Thở máy được chỉ định khi suy hô hấp trở nên nặng nề không đáp ứng với thở oxy. Rối loạn thăng bằng toan kiềm cần được điều chỉnh để duy trì pH máu ở mức 7,25.
Các phương pháp điều trị hỗ trợ khác bao gồm ổn định thân nhiệt, bổ sung đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng, cân bằng điện giải cũng cần được duy trì.
Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline TẠI ĐÂY để được hỗ trợ.
XEM THÊM