Bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ em

Nhiều người vẫn nghĩ rằng, đục thủy tinh thể chỉ gặp ở đối tượng là người già, nhưng trên thực tế ở trẻ nhỏ vẫn có thể có chứng bệnh này. Bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh xuất hiện từ lúc trẻ mới sinh ra. Vậy đục thủy tinh thể bẩm sinh chữa được không? Cách điều trị bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh là gì?

1. Thế nào là đục thủy tinh thể bẩm sinh?

Đục thể thủy tinh bẩm sinh là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp của mắt xảy ra trước khi sinh hoặc ngay lúc vừa mới sinh. Thay vì thủy tinh thể trong suốt như bình thường thì lại bị đục và khiến cho ánh sáng tới mắt bị cản trở.

Khi một trẻ nhỏ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh sẽ không thể nhìn rõ bằng mắt như những đứa trẻ bình thường khác. Điều này khiến cho mắt và não của trẻ nhỏ khó khó phối hợp với nhau, ảnh hưởng đến sự phát triển thị giác và chuyển động của mắt cũng kém chính xác hơn.

2. Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể bẩm sinh

Hầu hết không tìm ra nguyên nhân của bệnh đục thể thủy tinh bẩm sinh, rất hiếm trẻ em bị bệnh này, một số nguyên nhân có thể nghi ngờ gây ra đục thủy tinh thể bẩm sinh như sau:

  • Nguyên nhân di truyền: Nếu trong gia đình có tiền sử mắc bệnh đục thủy tinh thể thì nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khả năng trẻ em sinh ra bị đục thủy tinh thể bẩm sinh là rất cao.
  • Dị tật bẩm sinh: Một số dị tật bẩm sinh do sự bất thường ở trên nhiễm sắc thể như hội chứng chondrodysplasia, hội chứng Down, hội chứng loạn sản ngoại bì, ...
  • Nhiễm trình trong quá trình mang thai: Một số bệnh nhiễm trùng mà người mẹ có thể mắc phải khi đang mang thai có thể làm tăng nguy cơ sinh con bị đục thủy tinh thể bẩm sinh như: Bệnh giang mai, HIV, bệnh rubella, bệnh sởi, mụn rộp, thủy đậu, bệnh toxoplasmosis....
  • Các tổn thương khi mang thai: Trong những trường hợp bà mẹ đang mang thai bị chấn thương về thể chất như bạo lực thân thể, té ngã, tai nạn xe,... có thể khiến mắt của trẻ bị chấn thương.
  • Bị hạ đường huyết trong quá trình mang thai: Với những thai phụ bị bệnh đái tháo đường, việc không kiểm soát tốt có thể dẫn đến nguy cơ đường huyết cao quá mức hoặc hạ đường huyết. Những tình trạng này có thể dẫn đến hỏng các cơ quan trong cơ thể, như mạch máu, mắt, dây thần kinh của cả bé và mẹ.
  • Sinh non: Đối với những trẻ em sinh ra trước 37 tuần sẽ dễ gặp các vấn đề về sức khỏe hơn.

Đối với đối tượng là người lớn, đục thủy tinh thể xảy ra sau khi mắt đã được phát triển và hoàn chỉnh các chức năng của thị giác. Sau khi thay thế thủy tinh thể đục bằng thủy tinh thể nhân tạo, phần lớn những người này vẫn giữ được thị giác tốt. Trong khi đó ở đối tượng là trẻ nhỏ, mắt vẫn đang trong quá trình phát triển cho đến 8 - 10 tuổi. Nếu không được chữa trị sớm sẽ để lại những hậu quả lâu dài về thị giác.

Đa số đục thể thủy tinh bẩm sinh đều phải cần đến phẫu thuật để có thể lấy bỏ thủy tinh thể đục.

3. Các hình thái đục thủy tinh thể bẩm sinh

  • Đục thủy tinh thể cực trước: Thường hay kết hợp với các đặc điểm di truyền, nằm ở phần trước của thủy tinh thể mắt.
  • Đục thủy tinh thể cực sau: Thường có ranh giới rõ ràng, xuất hiện ở phần sau của thủy tinh thể mắt.
  • Đục nhân thủy tinh thể: Là loại hay gặp nhất của đục thủy tinh thể bẩm sinh, xuất hiện ở phần trung tâm của thủy tinh thể.
  • Đục thủy tinh thể lấm tấm xanh da trời: Thường xuất hiện ở cả 2 mắt của trẻ nhỏ, có thể được phân biệt bằng các chấm nhỏ màu xanh trong thủy tinh thể. Đục thủy tinh thể xanh da trời có xu hướng di truyền và không gây ra các vấn đề về thị giác.

4. Phẫu thuật đục thủy tinh thể bẩm sinh

Các vấn đề cần được lưu ý trước mổ:

  • Thị giác của trẻ sẽ không thể nào hồi phục lại được một cách hoàn hảo sau khi phẫu thuật nếu như không được lấy bỏ đục thủy tinh thể trong năm đầu đời.
  • Ở trẻ nhỏ, nếu không được hiệu chỉnh sớm sau khi lấy bỏ thủy tinh thể, thị giác hầu như không bao giờ có thể phục hồi lại một cách bình thường được.
  • Thông thường chúng ta không thể biết đâu là nguyên nhân gây ra đục thủy tinh thể bẩm sinh, trẻ nhỏ rất ít khi bị đục thủy tinh thể, nhưng khi bị bệnh lại thường kèm theo với một vài bệnh toàn thân khác, các bệnh này thường hiếm thấy.
  • Việc điều trị bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ nhỏ còn thay đổi tùy theo hình thái và độ nặng của mờ đục. Ở hầu hết trẻ nhỏ, để loại bỏ thủy tinh thể đục đều cần phải tiến hành phẫu thuật. Khác với người lớn khi đã có con mắt phát triển toàn diện về mặt chức năng cũng như giải phẫu. việc phẫu thuật cho trẻ nhỏ phải có các dụng cụ mổ và kỹ thuật thích ứng. Các nguy cơ hay gặp nhất sau phẫu thuật là phản ứng viêm, tăng nhãn áp thứ phát và bong võng mạc.

Phẫu thuật:

  • Phẫu thuật đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ nhỏ đòi hỏi phải gây mê toàn thân, điều này có thể dẫn tới việc kèm theo các bất thường trên tim và các nơi khác, con mắt của người lớn cũng khác xa với mắt của trẻ nhỏ.
  • Chỉ có thể loại bỏ hoàn toàn thủy tinh thể đục bằng cách hút vì thủy tinh thể ở trẻ nhỏ không có nhân cứng bên trong.
  • Lấy thể thủy tinh không đặt kính nội nhãn: ở trẻ em, phẫu thuật này được thực hiện qua vết mổ nhỏ ở vùng rìa (là phần dẹt của thể mi trong lớp mạch mạc của mắt) bằng dụng cụ cắt dịch kính.
  • Lấy thể thủy tinh và đặt thấu kính nội nhãn: Trong phẫu thuật thủy tinh thể ở trẻ nhỏ, thấu kính nội nhãn được dùng phổ biến là một mảnh mềm được làm bằng chất liệu Acrylic, loại kính này có thể được đặt vào mắt qua đường mổ nhỏ chỉ 3mm ở đường hầm cùng mach hoặc rìa giác mạc.

Chăm sóc sau phẫu thuật:

  • Độ khúc xạ: Hiệu chỉnh tình trạng không còn thủy tinh thể là vấn đề ưu tiên đầu tiên và phải được làm càng sớm càng tốt. Độ khúc xạ cần phải được kiểm tra một cách thường xuyên và đều đặn, ít nhất nên thực hiện mỗi 6 tháng cho đến khi trưởng thành.
  • Chứng nhược thị: Hầu hết các trẻ nhỏ khi đã bị bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh đều sẽ bị giảm sức nhìn (hay còn gọi là nhược thị). Việc mổ bỏ thủy tinh thể đục và có sự hiệu chỉnh cho tình trạng không còn thủy tinh thể giúp cho việc khôi phục độ sáng rõ của hình ảnh, tuy nhiên não bộ vẫn cần phải học cách nhìn và cần có một khoảng thời gian nhất định. Khi trẻ nhỏ không thể khôi phục tốt thị lực, các hậu quả mà bé có thể gặp phải như rung giật nhãn cầu, nhược thị, lác mắt.

5. Các biến chứng sau phẫu thuật đục thủy tinh thể

Có sự khác biệt rất lớn ở các biến chứng thường gặp sau khi đã lấy thủy tinh thể đục trên đối tượng là người lớn và trẻ nhỏ:

  • Viêm màng bồ đào: Ở trẻ em mắt khi đã được đặt kính nội nhãn, sự hình thành phản ứng viêm và dính móng có thể làm tăng tỷ lệ tăng sinh của tế bào biểu mô thủy tinh thể ở cả phía trước, sau.
  • Đục bao sau: Biến chứng này có thể gặp ở hầu hết mọi đứa trẻ khi không được cắt mở bao sau.
  • Glocom: Sau phẫu thuật đục thể thủy tinh ở trẻ nhỏ, tình trạng Glocom đã được ghi nhận là gặp rất nhiều, biến chứng này có thể sẽ xảy ra rất sớm ở giai đoạn ngay sau khi phẫu thuật hoặc có thể sẽ xuất hiện muộn hơn sau nhiều năm.
  • Bong võng mạc: Là một biến chứng hiếm gặp nhưng lại đe dọa thị lực nghiêm trọng ở trẻ em sau khi đã được phẫu thuật lấy thủy tinh thể đục.

Đục thể thủy tinh bẩm sinh là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp của mắt xảy ra trước khi sinh hoặc ngay lúc vừa mới sinh. Đa số đục thể thủy tinh bẩm sinh đều phải cần đến phẫu thuật để có thể lấy bỏ thủy tinh thể đục. Tuy nhiên, thị giác của trẻ sẽ không thể nào hồi phục lại được một cách hoàn hảo sau khi phẫu thuật nếu như không được lấy bỏ đục thủy tinh thể trong năm đầu đời.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán đục thủy tinh thể

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan