5 điều bạn chưa biết về giấc ngủ của trẻ sơ sinh

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh rất quan trọng, chúng ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ cũng như nhiều các cơ quan trong cơ thể. Thực tế trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều, trung bình từ 16-18 giờ một ngày trong hai tuần đầu tiên. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh thức dậy thường xuyên và hiếm khi ngủ quá 4 giờ đồng hồ, thậm chí vào ban đêm. Ngoài ra, còn rất nhiều điều thú vị về giấc ngủ của trẻ sơ sinh mà có thể bạn chưa khám phá hết.

1. Giấc ngủ trẻ sơ sinh

Thông thường, trong thực tế, trẻ sơ sinh ngủ nhiều vào cả ban ngày cũng như ban đêm và chỉ thức dậy để ăn sau mỗi vài giờ ngủ. Những người lần đầu làm cha, mẹ thường khó nắm bắt được thời gian và tần suất ngủ ở những trẻ sơ sinh. Ban đầu, giấc ngủ của trẻ không tuân theo một lịch trình cụ thể nào, thậm chí có nhiều trẻ sơ sinh thường ngủ nhiều hơn vào ban ngày và liên tục thức, quấy khóc vào ban đêm.

Thông thường, trẻ sơ sinh ngủ tổng cộng khoảng 8 đến 9 tiếng vào ban ngày và thêm khoảng 8 tiếng vào ban đêm. Tuy nhiên do đặc thù dạ dày nhỏ, chúng thường thức dậy sau mỗi vài tiếng để ăn. Hầu hết trẻ sơ sinh không ngủ liền mạch từ 6 đến 8 tiếng mỗi đêm cho đến khi chúng được 3 tháng tuổi, thậm chí có nhiều trường hợp, trẻ thường xuyên thức đêm cho đến khi được 1 tuổi.

Trong hầu hết trường hợp, trẻ sẽ thức dậy và sẵn sàng cho bữa ăn sau mỗi ba giờ ngủ. Tuy nhiên tần suất thức của bé có thể thay đổi, tùy thuộc vào những gì bé được cho ăn cũng như độ tuổi của bé. Do cấu tạo dạ dày chưa đủ lớn để chứa được nhiều thức ăn do đó các bậc cha mẹ cũng được khuyến cáo cho cháu ăn thành nhiều bữa nhỏ kể cả khi chúng không đòi ăn để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ.

Trẻ sơ sinh ngủ nhiều cả ban ngày lẫn ban đêm
Trẻ sơ sinh ngủ nhiều cả ban ngày lẫn ban đêm

Cần thường xuyên theo dõi những thay đổi trong giấc ngủ của trẻ sơ sinh. Trong trường hợp trẻ đã ngủ liên tục nhưng đột nhiên thức giấc thường xuyên hơn, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe của bé, hoặc trẻ sơ sinh đang trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ và cần được ăn thường xuyên hơn. Trong nhiều trường hợp, một số rối loạn giấc ngủ đơn giản là do những thay đổi trong sự phát triển hay những kích thích quá độ mà trẻ gặp phải.

2. 5 điều bạn chưa biết về giấc ngủ của trẻ sơ sinh

2.1. Một số trẻ sơ sinh thức cả đêm và ngủ nhiều vào ban ngày

Nhiều em bé xuất hiện sự rối loạn về giấc ngủ ngày và đêm, thậm chí đảo ngược thói quen ngủ vào ban ngày và thức vào ban đêm. Chúng thường ít vận động, dành nhiều thời gian cho việc ngủ vào ban ngày và tỉnh táo hơn ban đêm. Đó là những chia sẻ của bác sĩ Charles Shubin, trưởng khoa nhi tại bệnh viện Mercy Family Care ở Baltimore. Ông gọi thân mật những đứa trẻ này là “những con cú nhỏ”.

Một đứa trẻ thức đêm thường hoạt động nhiều, ăn và đòi hỏi sự chăm sóc yêu thương của người lớn khiến các bậc cha mẹ ngày càng kiệt sức. Điều này có thể rất khó khăn đối với người trưởng thành, bởi nhịp sinh học bình thường của cơ thể không được định hướng cho việc thức suốt đêm. Đó là lý do dẫn đến những ca làm việc vào ban ngày của những ông bố bà mẹ này gặp nhiều khó khăn và thường không đạt hiệu quả cao.

Điều họ có thể làm là cố gắng chợp mắt vào những khoảng thời gian ngủ của bé và yên tâm rằng giai đoạn này rồi cũng sẽ trôi qua. Tình trạng thức đêm của trẻ chỉ là tạm thời. Khi não và hệ thần kinh trung ương của chúng phát triển đầy đủ, chu kỳ giấc ngủ sẽ kéo dài hơn và trẻ sẽ ngủ nhiều hơn vào ban đêm. Hầu hết các bé sẽ tự điều chỉnh thời gian ngủ theo thời gian biểu của gia đình trong khoảng 1-3 tháng hoặc lâu hơn nhưng thường không quá 1 năm.

Trẻ có thể ngủ nhiều vào ban ngày và thức vào ban đêm
Trẻ có thể ngủ nhiều vào ban ngày và thức vào ban đêm

Các bậc cha mẹ cũng có thể hỗ trợ bé trong việc định hình thời gian ngủ bằng cách tạo ra một không gian yên tĩnh, đủ tối vào ban đêm và để phòng mình được chiếu sáng vào ban ngày. Ngoài ra, khi cho trẻ ăn vào ban ngày, bạn cần trò chuyện cũng như kích thích trẻ để chúng thức trong khi vào ban đêm cần cho trẻ ăn một cách yên tĩnh và sử dụng ít ánh sáng nhất có thể.

2.2. Giấc ngủ của trẻ sơ sinh thất thường và khó nắm bắt

Trong những tuần đầu tiên sau khi chào đời, trẻ sơ sinh có thể ngủ rất nhiều, có thể lên đến 16-18 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên có một vấn đề là chúng sẽ không ngủ quá 4 giờ cho mỗi giấc ngủ, kể cả ngày hay đêm.

Trẻ sơ sinh thường ngủ 14-18 giờ mỗi ngày trong tuần đầu tiên và 12-16 giờ khi chúng đã được một tháng tuổi. Có nhiều trẻ sẽ ngủ nhiều hoặc ít hơn một chút so với những giá trị trên. Thật không may tuy ngủ nhiều nhưng trẻ sơ sinh cũng cần được ăn nhiều lần trong ngày, kể cả vào ban đêm, điều đó dẫn đến hậu quả là tình trạng thiếu ngủ của các bà mẹ.

Trong một cuộc khảo sát mới đây trên BabyCenter, 71% số bà mẹ tiết lộ rằng thiếu ngủ chính là phần khó khăn nhất trong quá trình sinh con. Những bà mẹ hoàn toàn có thể đổ lỗi cho việc thiếu năng lượng dựa vào sự thất thường trong giấc ngủ của trẻ. 9 tuần đầu tiên luôn là khoảng thời gian khó khăn nhất, đôi khi các bà mẹ có khoảng 4 giờ để ngủ trước khi phải dậy cho trẻ ăn nhưng đôi khi khoảng thời gian họ phải thức dậy sau mỗi một giờ.

Thiếu ngủ là tình trạng chung của các bà mẹ bỉm sữa
Thiếu ngủ là tình trạng chung của các bà mẹ bỉm sữa

Ngược lại, nhiều bậc cha mẹ trở nên lo lắng, thậm chí hoảng hốt vì trẻ sơ sinh ngủ quá nhiều. Có những trẻ sơ sinh 9 ngày tuổi ngủ cả ngày và chỉ có khoảng vài phút tỉnh táo. Tuy nhiên điều này không đáng ngại. Theo những chia sẻ của Scott Cohen, bác sĩ nhi khoa và là tác giả của cuốn sách Eat Sleep Poop: Hướng dẫn về ý thức chung cho năm đầu tiên của bé, việc một số trẻ sơ sinh ngủ tới 20 giờ mỗi ngày là điều hoàn toàn bình thường. Các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng bởi giai đoạn này sẽ không kéo dài quá lâu.

2.3. Trẻ sơ sinh không cần không gian yên tĩnh để ngủ

Trẻ sơ sinh có thể ngủ ở những nơi ồn ào nhất, sáng nhất, điều này không có gì đáng ngạc nhiên nếu so sánh với khoảng thời gian 9 tháng trẻ ở trong tử cung của người mẹ. Trên thực tế, tử cung không phải nơi yên tĩnh như nhiều người lầm tưởng. Những âm thanh từ nhịp tim, hệ tiêu hóa và các chức năng khác của cơ thể người mẹ thực sự khá to. Tuy nhiên, để có thể giúp em bé ngủ tốt hơn, dễ dàng hơn, cần có một chu trình đi ngủ rõ kết hợp một môi trường yên tĩnh, ít ánh sáng có thể kết hợp những âm thanh lặp lại như tiếng ồn trắng, tiếng thác nước...

Nhiều trẻ sơ sinh ngủ tốt hơn khi bao quanh bởi những âm thanh lặp đi lặp lại chẳng hạn như âm thanh từ quạt hoặc máy giặt... Trẻ sơ sinh cũng còn quá nhỏ để bị phân tâm bởi bất kỳ yếu tố nào, kể cả một món đồ chơi đẹp hay những câu chuyện từ người khác. Chúng chỉ đơn giản là ngủ bất cứ khi nào chúng muốn.

Trẻ sơ sinh có thể ngủ trong môi trường ồn ào mà không hề bị ảnh hưởng
Trẻ sơ sinh có thể ngủ trong môi trường ồn ào mà không hề bị ảnh hưởng

Khi trẻ sơ sinh bước qua giai đoạn này, chúng có khả năng nhận thức rõ hơn về môi trường xung quanh, bé sẽ bắt đầu thoát khỏi tình trạng ngủ bất cứ lúc nào. Khi đó những tiếng ồn và kích thích xung quanh dần trở nên quan trọng và có tác động đến giấc ngủ của trẻ hơn.

2.4. Trẻ sơ sinh có những cách ngủ rất riêng

Có những sự khác biệt giữa mỗi đứa trẻ trong cách chúng ngủ giống như đối với người lớn. Cha mẹ của nhiều trẻ sơ sinh thường phát hiện ra những khác biệt này từ rất sớm. Nhiều người mẹ cho biết bé đầu của họ thường ngủ rất ngoan nhưng bé thứ hai ngủ hay trở mình và thời gian cho mỗi giấc ngủ cũng ngắn hơn rất nhiều.

Điều này cũng phần nào thể hiện tính cách của trẻ, nhiều bé quyết tâm hơn và muốn chống lại những giấc ngủ trong khi những bé khác dễ tính hơn chấp nhận nó một cách tự nhiên

2.5. Trẻ sơ sinh cần không gian ngủ an toàn

Những thế hệ trước của chúng ta thường không quá quan tâm đến không gian dành cho giấc ngủ của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên mọi thứ đang dần thay đổi. Việc trẻ được ngủ trong một môi trường hợp lý sẽ mang lại sự an toàn hơn rất nhiều. Tư thế ngủ và không gian ngủ an toàn nhất cho trẻ là nằm ngửa trên một tấm nệm trải phẳng.

Không nên để thú bông, chăn gối xung quanh khu vực bé ngủ
Không nên để thú bông, chăn gối xung quanh khu vực bé ngủ

Cần loại bỏ bất kỳ vật dụng nào khỏi khu vực ngủ bao gồm chăn, gối, thú bông hoặc màn, bởi nó có thể gây ngạt thở cho trẻ hoặc khiến trẻ quá nóng hay suy yếu hệ hô hấp hoặc có thể gây đột quỵ ở trẻ nhỏ (SIDS). Điều này giúp giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ đối với những trẻ từ 1 tháng đến 1 năm tuổi.

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh có nhiều sự khác biệt so với giấc ngủ của người trưởng thành. Trẻ sơ sinh cần ngủ rất nhiều, đặc biệt trong những tuần đầu sau sinh. Tuy nhiên những giấc ngủ của trẻ tương đối ngắn và thường không kéo dài quá 4 tiếng do trẻ cần được ăn để cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển. Các bậc cha mẹ cũng không cần quá lo lắng trong trường hợp con mình ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường hay ngủ ngày và thức đêm. Tình trạng này sẽ sớm được cải thiện khi hệ thống thần kinh trung ương của trẻ dần hoàn thiện. Điều cần làm là tạo một không gian dành cho giấc ngủ của bé một cách hợp và đảm bảo an toàn cho trẻ.

Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ về thể chất và trí tuệ. Vì thế, nắm rõ đặc điểm giấc ngủ trẻ sơ sinh sẽ giúp cha mẹ chăm sóc trẻ tốt hơn, đảm bảo trẻ có giấc ngủ chất lượng.

Luôn đặt bé nằm ngửa khi ngủ tránh hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh
Giấc ngủ chất lượng rất tốt cho sự phát triển của não bộ

Ngoài việc chăm sóc giấc ngủ cuả trẻ, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: stanfordchildrens.org, babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan