Lưu ý khi sử dụng thuốc trị đau mắt đỏ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Thông thường, trong hầu hết các trường hợp bị đau mắt đỏ đều có thể tự khỏi bệnh mà không cần phải nhờ đến sự can thiệp của các loại thuốc. Tuy nhiên vẫn có khả năng phải áp dụng kết hợp những biện pháp điều trị khi đau mắt đỏ lâu ngày không khỏi. Vậy đâu là những lưu ý cho người bệnh có thắc mắc đau mắt đỏ dùng thuốc gì hiệu quả?

1. Dùng nước muối nhỏ mắt

Khi bị viêm kết mạc do nhiễm virus, nước muối sinh lý,( natri clorid 0,9%), được nhiều chuyên gia y tế khuyên dùng vì tính nhẹ dịu an toàn mà cũng khá hiệu quả của nó. Dùng thuốc nhỏ mắt natri clorid 0,9% nhiều lần trong ngày giúp rửa trôi đi mầm vi khuẩn gây bệnh, tạo độ ẩm và êm dịu cho đôi mắt. Tuy không có khả năng chữa khỏi chứng đau mắt đỏ, song dung dịch nước muối này sẽ làm giảm bớt các triệu chứng khó chịu, đau và ngứa mắt . Một số lưu ý khi dùng nước muối sinh lý bao gồm:

  • Thời gian và liều lượng: Dùng nước muối đẳng trương 0,9% làm sạch mắt hàng ngày, sau khi ngủ dậy, đi bơi hoặc bất cứ khi nào mắt thấy mắt bị lem nhem do nhiều ghèn rỉ. Nhỏ khoảng 2 giọt cho một bên mắt mỗi lần sử dụng.
  • Bảo quản: Chỉ nên sử dụng thuốc nhỏ mắt trong vòng 15 - 30 ngày sau khi mở nắp, cần thay chai thuốc mới mặc dù vẫn còn hạn sử dụng nhưng đã quá thời gian mở nắp.
  • Không nên sử dụng thuốc nhỏ mắt chung với người khác, trong khi nhỏ không nên để đầu lọ thuốc chạm vào mắt và lông mi vì có nguy cơ sẽ làm bẩn lọ thuốc.
  • Thường xuyên thực hiện súc họng, xịt rửa mũi để loại bỏ virus gây bệnh.

Muối nhỏ mắt NaCl
Muối nhỏ mắt NaCl

2. Nước mắt nhân tạo

Các loại nước mắt nhân tạo, chất làm ẩm hay dung dịch bôi trơn nhãn cầu có độ nhớt thấp cũng có thể dùng trị đau mắt đỏ với công dụng như trên và đem lại cảm giác dễ chịu cho đôi mắt. Tuy nhiên đối với vấn đề bị đau mắt đỏ làm sao nhanh khỏi thì thật ra nước muối hay nước mắt nhân tạo không thể sớm dứt điểm triệu chứng của bệnh. Nước mắt nhân tạo chủ yếu có tác dụng hút, giữ nước để duy trì độ ẩm trên bề mặt nhãn cầu, tăng độ nhầy, giúp hạn chế tình trạng khô mắt.

Thế nhưng, do hiện nay có rất nhiều biệt dược khác nhau về dược chất (lên đến hàng chục loại) nên người bệnh không biết đau mắt đỏ nhỏ thuốc gì hay đau mắt đỏ uống thuốc gì để phù hợp với mình, vì vậy cần bác sĩ thăm khám và kê đơn để chọn lựa, song tốt nhất nên là loại thuốc không có chất bảo quản benzalkonium chloride. Nếu sử dụng lâu dài chất này sẽ gây tích lũy trên bề mặt nhãn cầu, làm phá vỡ cấu trúc lipid, dẫn đến mất tính bền vững của màng phim nước mắt. Trường hợp viêm kết mạc nặng, mỗi ngày bệnh nhân phải tra thường xuyên 5 - 6 lần. Loại nước mắt nhân tạo nói chung chỉ dùng khi có tình trạng khô mắt, không dùng liên tục nhiều ngày.

3. Thuốc không kê đơn

Các loại thuốc không kê đơn chủ yếu dùng để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng, chẳng hạn như vitamin A, D (người lớn không bổ sung quá 5.000 UI vitamin A/ngày + 500 UI vitamin D3/ngày), dùng liên tục trong 10 ngày rồi nghỉ. Nếu cần thiết, bệnh nhân có thể dùng thêm vitamin C dạng viên uống, hoặc vitamin B2. Trường hợp bệnh đau mắt đỏ lâu ngày không khỏi, cần dùng thêm các loại thuốc nhỏ mắt chứa vitamin nhóm B và chondroitin hoặc thuốc nhỏ mắt có chứa vitamin A, E, B6.

4. Thuốc kháng sinh

Khi tình trạng đau mắt đỏ xảy ra bắt nguồn từ sự viêm nhiễm, thông thường là do virus gây ra thì trường hợp này thuốc kháng sinh thường không có tác dụng, bệnh trạng có thể chỉ kéo dài vài ngày rồi hết.

Những loại thuốc do bác sĩ kê đơn có chứa kháng sinh (ví dụ như thuốc trị đau mắt đỏ tobrex, với thành phần hoạt chất có kháng sinh tobramycin) chỉ sử dụng tối đa trong 7 ngày, nếu chưa khỏi thì phải thay thuốc khác. Mỗi ngày bệnh nhân nhỏ 4 - 6 lần để có thể phát huy tác dụng phòng bội nhiễm vi khuẩn gây ra viêm loét giác mạc. Các thuốc kháng sinh không có tác dụng diệt virus.

Thông thường đối với kháng sinh, người dân hay có tâm lý thích dùng kháng sinh mạnh, có người còn muốn tiêm kháng sinh vài ngày. Một số người thậm chí tự mua kháng sinh đắt tiền để tra mắt. Thật ra, kháng sinh không thể tiêu diệt được virus gây bệnh, có chăng chỉ là diệt các vi khuẩn bội nhiễm luôn có mặt kèm với virus khi chúng hoành hành trên kết mạc. Vì vậy, đối với vấn đề đau mắt đỏ dùng thuốc gì hiệu quả thì thái độ đúng đắn chiếm một phần quan trọng, sau đó mới là loại thuốc. Trong việc sử dụng kháng sinh điều trị dịch đau mắt đỏ thì nguyên tắc là chỉ dùng một kháng sinh tra mắt phổ rộng là đủ, còn dùng thuốc nội hay ngoại là tùy thuộc vào kinh tế của bệnh nhân.

Tuy nhiên, bác sĩ thường không khuyến khích dùng thuốc mỡ trong giai đoạn cấp vì sẽ làm tăng cảm giác khó chịu khi mắt đang ở giai đoạn viêm. Trong khi đó, các thuốc được quảng cáo là để chữa đỏ mắt hầu như sẽ không có tác dụng trong chữa đau mắt dịch, đặc biệt là những loại thuốc có hoạt chất làm co mạch, có khả năng dẫn đến viêm nặng hơn hoặc gây xuất huyết kết mạc, nhất là với những bệnh nhân đau mắt đỏ lâu ngày không khỏi.


Thuốc nhỏ mắt Tobrex
Thuốc nhỏ mắt Tobrex

5. Các sản phẩm có chứa cortizol

Bệnh nhân chỉ có thể biết được tình trạng bệnh của mình khi được bác sĩ nhãn khoa thăm khám, khi đó mới có đơn thuốc và mua thuốc chữa đúng bệnh. Việc tự mua và sử dụng các thuốc bừa bãi có thể gây ra những biến chứng ngoài ý muốn, ví dụ như nhóm chống viêm dòng cortizol.

Người bị đau mắt đỏ lâu ngày không khỏi có thể dùng các sản phẩm có kết hợp kháng sinh mạnh với một chất chống viêm dòng cortizol như thuốc trị đau mắt đỏ tobrex (là kết hợp Tobramycin + dexamethasone), nhưng bác sĩ phải căn cứ vào từng trường hợp bệnh cụ thể mới có thể chỉ định cho dùng các thuốc này.

6. Nguy cơ khi sử dụng thuốc không đúng

Những người có tâm lý hoang mang, nôn nóng, thường thắc mắc bị đau mắt đỏ làm sao nhanh khỏi, tự tìm mua thuốc về tra, tự thực hiện xông lá, làm theo lời mách bảo của người xung quanh. Hậu quả, có nhiều trường hợp dẫn đến bỏng mắt do xông lá hay tinh dầu. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân nhỏ cortizol tùy tiện gây ra loét giác mạc do Herpes hay nấm, nên năm nào cũng có hàng chục, hàng trăm người bị mù lòa từ vấn đề này, điều trị trở nên vô cùng phức tạp và tốn kém.

Do đó, quan điểm dùng thuốc nói chung là phải thật thận trọng. Khi dùng thuốc phải có sự tham vấn của bác sĩ và nên ngưng thuốc khi đã đạt được mục tiêu điều trị. Khi ngưng thuốc, đa số trường hợp cần phải giảm liều dần dần, tránh dừng sử dụng đột ngột, có theo dõi và tái khám theo lịch hẹn.

Bệnh nhân khi bị bệnh đau mắt đỏ nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị chuyên khoa, không nên tự tìm hiểu về các vấn đề như đau mắt đỏ dùng thuốc gì hiệu quả hay đau mắt đỏ uống thuốc gì nhanh khỏi, dẫn đến việc tự tìm mua các loại thuốc không đúng chỉ định. Thông thường, bệnh đau mắt đỏ tiến triển lành tính, có thể tự khỏi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp do điều trị không đúng cách nên diễn biến nặng nề hơn, gây tổn thương trên giác mạc, ảnh hưởng xấu đến thị lực, khiến cho việc điều trị rất dai dẳng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe