Mùa hè là một trong những mùa được yêu thích nhất trong năm với nhiều hoạt động thể thao và giải trí ngoài trời. Tuy nhiên, sau nhiều giờ vui chơi dưới ánh nắng mặt trời, con người thường phải đối diện với tình trạng da bị cháy nắng sạm đen. Nhiều người đang đi tìm câu trả lời cho những vấn đề liên quan như bị cháy nắng bôi gì hoặc cháy nắng làm sao để trắng lại. Nhiều biện pháp đơn giản có thể được thực hiện ngay tại nhà để giải quyết tình trạng cháy nắng, làm dịu da và giảm kích ứng.
1. Tổng quan về cháy nắng
Cháy nắng là tình trạng da trở nên đỏ ửng và bỏng rát khi chạm vào, thường xuất hiện nhiều giờ sau khi phơi nhiễm với tia UV trong ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn ánh sáng nhân tạo khác.
Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều lần gây bỏng da và làm tăng nguy cơ gặp phải nhiều tổn thương khác như lão hóa da, nám da, bong da và ung thư da. Nhiều biện pháp giúp giảm cháy nắng có thể được thực hiện từ những phương pháp đơn giản tại nhà. Làn da bị cháy nắng thường mất khoảng nhiều ngày để hồi phục hoặc lâu hơn. Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ da khi vui chơi hoặc làm việc ở môi trường bên ngoài, thậm chí vào những ngày mát mẻ để bảo vệ da và phòng ngừa tình trạng cháy nắng.
2. Tại sao da bị cháy nắng sạm đen?
Rất nhiều người băn khoăn không biết vì sao càng chống nắng càng đen da, thực tế là bởi tình trạng da bị cháy nắng sạm đen xuất hiện do da tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (tia UV). Bức xạ tia cực tím có bước sóng quá ngắn vì thế mắt người không thể nhìn thấy được. Tia UV được chia thành nhiều nhóm dựa vào bước sóng, bao gồm hai nhóm chính là tia UVA và tia UVB. Tia UVA là tia có khả năng gây tổn thương lão hóa da, trong khi tia UVB là tác nhân chính gây bỏng da. Tiếp xúc với tia cực tím bao gồm cả tia UVA và UVB làm tăng khả năng xuất hiện ung thư da. Các loại giường tắm nắng có khả năng sản xuất ra bức xạ UV nên cũng có thể gây cháy nắng sạm da.
Melanin là thành phần sắc tố nằm ở lớp thượng bì của da, qui định màu sắc da bình thường của từng người. Tia UV là tác nhân kích thích cơ thể tăng sản xuất melanin và khiến da bị sạm đen. Đây là phản ứng bảo vệ cơ thể khỏi bị cháy nắng và những tổn thương da nặng hơn. Tuy nhiên lượng sắc tố melanin sản xuất ở mỗi người được quy định bởi bộ gen và nhiều người không sản xuất đủ melanin để bảo vệ da. Khi đó, tia UV gây ra tình trạng bỏng rát, đau, sưng nề và đỏ da.
Da có thể bị cháy nắng và sạm đen ngay trong những ngày mát mẻ và những ngày nhiều mây. Hơn 80% tia UV có thể xuyên khỏi mây và đến tiếp xúc với da. Nước, cát, tuyết và những bề mặt khác có thể phản xạ được tia cực tím, gây bỏng da ở mức độ tương tự như khi tiếp xúc trực tiếp.
3. Yếu tố nguy cơ khiến da bị cháy nắng sạm đen
Những cá thể sở hữu các đặc điểm sau sẽ có nguy cơ bị cháy nắng cao hơn:
- Có làn da sáng màu, mắt xanh, tóc vàng hoặc đỏ
- Sống hoặc đi du lịch đến những vùng có khí hậu nóng, nhiều ánh sáng mặt trời
- Thường xuyên làm việc ngoài trời
- Tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời và sử dụng thức uống có cồn đồng thời.
- Có tiền sử bị cháy nắng
- Thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và các nguồn sáng nhân tạo mà không có biện pháp bảo vệ da.
- Sử dụng một số loại thuốc làm tăng khả năng bắt nắng của da.
4. Dấu hiệu nhận biết khi da bị cháy nắng
Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng cháy nắng bao gồm:
- Đỏ ửng da
- Sờ da thấy nóng
- Đau, sưng nề và ngứa
- Xuất hiện các bọng nước nhỏ trên bề mặt da
- Đau đầu, sốt cao, nôn mửa và lừ đừ nếu gặp phải tình trạng cháy nắng nghiêm trọng.
Bất kì phần nào trên cơ thể khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đều có thể bị tổn thương, bao gồm cả dái tai, da đầu, mi mắt và môi. Thậm chí, những phần da được che chắn cũng có thể bị cháy nắng vì tia UV có thể xuyên qua được những chất liệu mỏng.
Các dấu hiệu và triệu chứng của cháy nắng thường xuất hiện trong khoảng vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tiếp tục diễn tiến trong nhiều ngày sau đó. Vào giai đoạn sau, cơ thể có thể tự chữa lành bằng tình trạng bong lớp da tổn thương bên trên.
Khi da bị cháy nắng sạm đen, người dân cần đến gặp bác sĩ nếu gặp phải các dấu hiệu nguy hiểm sau:
- Vùng da bị tổn thương rộng, đau đớn nhiều
- Đi kèm sốt, đau đầu, lú lẫn, nôn mửa
- Không tự cải thiện sau nhiều ngày
- Xuất hiện các nốt bỏng chứa dịch vàng, là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng
5. Khi da bị cháy nắng bôi gì?
Có nhiều biện pháp đơn giản có thể được thực hiện ở nhà khi da bị cháy nắng. Những người bị tổn thương da do ánh nắng mặt trời có thể bôi lên da những chất sau để giảm nhẹ triệu chứng, bao gồm:
5.1. Nước mát
Cháy nắng được hiểu một cách đơn giản là phản ứng viêm của da. Một trong những cách dễ dàng nhất để giảm viêm là hạ nhiệt độ của khu vực bị ảnh hưởng. Cách hiệu quả để giảm cảm giác bỏng rát ngay lập tức là nhảy vào nước hoặc dội nước mát. Tuy nhiên, nên cảnh giác với nước ở hồ bơi vì nước clo ở đó có thể kích ứng da nhiều hơn. Nên tránh sử dụng đá lạnh trực tiếp lên bề mặt da vì nó có thể gây ra nhiều tổn thương hơn cho vùng da bị cháy nắng.
5.2. Baking soda và bột yến mạch
Pha một vài muỗng baking soda vào buồng tắm với nước mát và ngâm mình trong đó khoảng 15 đến 20 phút giúp giảm nhẹ các tổn thương trên da. Có thể bổ sung thêm bột yến mạch đến làm dịu tình trạng kích ứng và lấy lại độ ẩm tự nhiên trên da. Không chà xát trên da khi tắm và sau đó, chỉ nên thấm nước trên da bằng khăn vải mềm.
5.3. Nha đam
Lớp gel từ cây nha đam được biết đến với nhiều công dụng, bao gồm khả năng làm mát và dịu da. Bôi trực tiếp lớp gel lên da giúp cung cấp độ ẩm và giảm nhẹ được tình trạng bỏng da một cách nhanh chóng.
5.4. Giấm
Có nhiều ý kiến khác nhau về việc sử dụng giấm để khắc phục làn da cháy nắng. Một vài người cho rằng pha giấm vào bồn tắm có thể giúp đẩy lùi cảm giác bỏng rát, ngược lại một số người cho rằng tính axit của giấm chỉ khiến cho tình trạng xấu hơn.
Ngoài ra, một số biện pháp sau cũng có hiệu quả khi da bị cháy nắng sạm đen:
- Mặc quần áo mỏng nhẹ: khi da bị cháy nắng, nên lựa chọn những loại quần áo không bám vào bề mặt da. Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể vì vậy điều tốt nhất là tạo sự thông thoáng cho làn da hô hấp và phục hồi từ những tổn thương như cháy nắng. Chất liệu từ các loại sợi tự nhiên như cotton là sự lựa chọn tốt trong trường hợp này.
- Uống nhiều nước: khi bị cháy nắng, da cần nhiều độ ẩm hơn để phục hồi. Uống nhiều nước là biện pháp đơn giản và mang lại nhiều hiệu quả.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm: ngoài những biện pháp xử trí ban đầu, làn da cần được chăm sóc nhẹ nhàng hơn. Một trong những điều quan trọng cần làm để phòng tránh bong da là sử dụng kem dưỡng ẩm lên các vùng da bị tổn thương. Nên lựa chọn các loại kem chuyên biệt dùng riêng cho da nhạy cảm, đặc biệt không chứa chất tạo màu và chất tạo hương để hạn chế gây kích ứng da.
6. Các biện pháp phòng tránh cháy nắng
Một số phương pháp giúp phòng ngừa tình trạng tổn thương da do ánh nắng mặt trời, bao gồm:
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều: đây là thời điểm bức xạ mặt trời cao nhất vì thế nên hạn chế các hoạt động ngoài trời trong khoảng thời gian này.
- Tránh sử dụng các giường tắm nắng: ánh sáng nhân tạo từ các giường tắm nắng có khả năng sản xuất tia cực tím và gây bỏng da.
- Che chắn: khi đi ra ngoài, nên đội mũ rộng vành và mặc áo dài tay và quần dài để bảo vệ cơ thể. Trang phục tối màu có khả năng bảo vệ tốt hơn.
- Sử dụng kem chống nắng đủ và thường xuyên: chọn các loại kem chống nắng kháng nước và son dưỡng có chỉ số SPF từ 30 trở lên với phổ kháng tia UVA và UVB. Nên bôi kem chống nắng lên da trong khoảng 15 đến 30 phút trước khi ra ngoài, lưu ý những khu vực da không được che chắn. Sử dụng kem chống nắng lặp lại sau mỗi 40 đến 80 phút hoặc ngay sau khi đi tắm hay ra nhiều mồ hôi. Nên bôi kem chống nắng trước khi bôi kem đuổi côn trùng.
- Mang kính mát khi đi ra ngoài: nên lựa chọn các loại kính có khả năng chống tia UVA và tia UVB, có thể tham khảo trên các thông số của sản phẩm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org