Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II, Bác sĩ cao cấp Đoàn Dư Đạt - Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Hồng cầu là thành phần quan trọng của máu, lượng hồng cầu luôn cần duy trì ở mức thích hợp, không quá ít nhằm đảm bảo việc cung cấp oxy cho cơ thể, nhưng cũng không quá nhiều gây cản trở sự tuần hoàn của máu. Vậy chức năng của hồng cầu là gì? Hồng cầu sống được bao lâu trong cơ thể?
1. Hình dạng, số lượng hồng cầu
Máu là mô lỏng, được lưu thông trong hệ tuần hoàn của cơ thể. Máu gồm hai phần: tế bào và huyết tương.
- Tế bào gồm: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu
- Huyết tương gồm: các yếu tố đông máu, kháng thể, nội tiết tố, protein, muối khoáng và nước.
Hồng cầu chiếm hơn 99% trong các thành phần hữu hình của máu. Dưới kính hiển vi quang học, hồng cầu được thấy có hình tròn nên thời trước người ta cho rằng các tế bào đó hình cầu - đây là nguồn gốc tên gọi "hồng cầu". Dưới kính hiển vi điện tử có thể thấy hồng cầu là tế bào có hình đĩa hai mặt lõm, đường kính 7-8 mm, bề dày phần ngoại vi 2-2,5 mm và phần trung tâm 1mm, thể tích trung bình 90-95 mm3. Hình dạng này giúp:
- Tăng diện tích bề mặt tiếp xúc làm tăng khả năng khuếch tán khí thêm 30% so với hồng cầu cùng thể tích mà có dạng hình cầu.
- Làm cho hồng cầu trở nên cực kỳ mềm dẻo, có thể đi qua các mao mạch hẹp mà không gây tổn thương mao mạch cũng như bản thân hồng cầu.
Hồng cầu không có nhân cũng như các bào quan. Thành phần chính của hồng cầu là hemoglobin (Hb), chiếm 34% trọng lượng( Hemoglobin(Hb) chiếm khoảng 33% của 1 tế bào hồng cầu. Lượng Hb trung bình 14 g/dL ở nữ giới và 15,5 g/dL ở nam giới). Cấu trúc của hồng cầu đặc biệt thích ứng với chức năng vận chuyển khí oxy.
Ở người bình thường, số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi là:
- Nam: 5.400.000 ± 300.000/mm3.
- Nữ: 4.700.000 ± 300.000/mm3
Số lượng hồng cầu có thể thay đổi trong một số trường hợp sinh lý. Ở trẻ sơ sinh, số lượng hồng cầu cao trong vòng một hai tuần đầu, sau đó có hiện tượng vỡ hồng cầu gây vàng da sinh lý. Ngoài ra, số lượng hồng cầu có thể tăng ở những người lao động nặng, sống ở vùng cao.
2. Chức năng hồng cầu
Chức năng chủ yếu của hồng cầu là vận chuyển oxy tới các tổ chức. Ngoài ra hồng cầu còn có các chức năng sau: vận chuyển một phần CO2 (nhờ hemoglobin), giúp huyết tương vận chuyển CO2 (nhờ enzym carbonic anhydrase), điều hoà cân bằng toan kiềm nhờ tác dụng đệm của hemoglobin.
3. Hồng cầu sống được bao lâu?
Đời sống trung bình của hồng cầu trong máu ngoại vi là 120 ngày. Theo thời gian, màng hồng cầu sẽ mất dần tính mềm dẻo và cuối cùng hồng cầu sẽ vỡ khi đi qua các mao mạch nhỏ của lách. Hemoglobin phóng thích ra từ hồng cầu vỡ sẽ bị thực bào bởi các đại thực bào cố định của gan, lách và tủy xương.
Tủy xương có vai trò sinh các hồng cầu mới để thay thế và duy trì lượng hồng cầu ổn định trong cơ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.