HIV ở phụ nữ mang thai: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Mang Thị Phương Mai - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai đe dọa tới sức khỏe của người mẹ và thai nhi vì virus HIV có thể lây truyền cho bé qua nhau thai, trong khi sinh hoặc thông qua sữa mẹ sau khi sinh.

1. Các con đường lây truyền HIV từ mẹ sang con

Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS trực thuộc Bộ Y tế, năm 2017 cả nước có hơn 2,7 triệu phụ nữ mang thai. Trong đó, số phụ nữ mang thai thực hiện xét nghiệm HIV là gần 1,4 triệu người (chiếm tỷ lệ hơn 50%), phát hiện 1.108 người nhiễm HIV, tỷ lệ dương tính HIV trong nhóm chẩn đoán sớm trong vòng 2 tháng sau sinh là 1,8%.

Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền cho con qua 3 giai đoạn:

  • Khi người mẹ mang thai, HIV từ mẹ truyền qua nhau thai vào cơ thể thai nhi từ rất sớm, có thể ngay từ tuần thứ 8 của thai kỳ. Có khoảng 17 – 25% trẻ sơ sinh có khả năng lây nhiễm HIV ở giai đoạn này.
  • Khi sinh, HIV lây từ dịch và máu của mẹ nhiễm HIV vào cơ thể trẻ. Có khoảng 50 – 60% trẻ sơ sinh bị lây nhiễm HIV từ giai đoạn này.
  • Khi cho con bú, HIV có thể lây qua sữa mẹ hoặc các vết nứt, trầy xước ở núm vú mẹ sang cơ thể trẻ. Có khoảng 15 – 25% trẻ bị lây nhiễm HIV ở giai đoạn bú mẹ.

Mẹ nhiễm HIV có thể truyền sang con qua nhau thai, khi sinh hoặc khi cho con bú
Mẹ nhiễm HIV có thể truyền sang con qua nhau thai, khi sinh hoặc khi cho con bú

2. Phụ nữ mang thai nên làm gì khi bị phát hiện nhiễm HIV?

Để tầm soát HIV ở phụ nữ mang thai, tất cả thai phụ nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt (tốt nhất là trong 3 tháng đầu). Nếu phát hiện bệnh và được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, bệnh nhân có thể đảm bảo hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con.

Những việc phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV cần làm để có một thai kỳ khỏe mạnh:

  • Đảm bảo sức khỏe tốt trước khi mang thai.
  • Nếu người bệnh có HIV dương tính và chưa được điều trị bằng ARV, nên tham khảo ý kiến bác sĩ về thời điểm phù hợp để điều trị dự phòng nhằm ngăn ngừa khả năng lây nhiễm HIV cho con.
  • Nếu đang điều trị ARV, người bệnh nên đến gặp bác sĩ sớm để trao đổi về các loại thuốc có thể uống trong thời kỳ mang thai. Tùy thuộc thời điểm xác định HIV dương tính vào giai đoạn nào của thai kỳ, các bác sĩ sẽ có chỉ định dự phòng phù hợp và việc dùng thuốc điều trị ARV sẽ được thực hiện theo phác đồ riêng.
  • Khi chuyển dạ, cần hạn chế tối thiểu các chấn thương cho mẹ và cho trẻ: đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối khi đỡ đẻ, không rạch màng ối sớm, hạn chế can thiệp gây chảy máu đường sinh dục trong thời gian sinh, tránh các thủ thuật can thiệp dễ gây tổn thương da thai nhi,...
  • Sau khi sinh, tốt nhất trẻ nên được nuôi bằng sữa ngoài thay thế sữa mẹ để tránh nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ.
  • Đảm bảo trẻ được xét nghiệm chẩn đoán sớm HIV lúc sinh hoặc trước khi uống thuốc .
  • Nếu bé được chẩn đoán mắc HIV, cả mẹ và bé đều nên dùng thuốc điều trị HIV theo chỉ định.

Thai phụ có thể dùng thuốc chống HIV theo chỉ định của bác sĩ
Thai phụ có thể dùng thuốc chống HIV theo chỉ định của bác sĩ

Lưu ý: bên cạnh việc chăm sóc về y tế, những biện pháp chăm sóc về tinh thần và tư vấn kịp thời cũng giúp thai phụ có thêm kiến thức về đường lây truyền HIV/AIDS, giúp họ ổn định tâm lý và tuân thủ tốt các hướng dẫn điều trị, dự phòng.

3. Lưu ý với người chăm sóc phụ nữ mang thai nhiễm HIV

Trong quá trình chăm sóc thai phụ có HIV, bác sĩ và người nhà bệnh nhân cần đặc biệt cẩn trọng. Những lưu ý quan trọng là:

  • Để thai phụ dùng riêng một số đồ dùng cá nhân như: khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, dụng cụ nạo lưỡi, bấm móng tay, kim tiêm,...
  • Mang găng tay cao su khi chăm sóc vết thương hở cho bà bầu, tránh tiếp xúc trực tiếp.
  • Các dụng cụ như khăn, quần áo,... đã dính máu thai phụ cần phải được ngâm nước Javen (0,1 – 0,5%) 30 phút trước khi giặt lại bằng xà phòng. Nếu khăn của thai phụ dính các chất đặc như phân, chất nôn,... thì cần giặt sơ bộ trước khi ngâm Javen, sau đó giặt lại bằng xà phòng.
  • Khi bị dính máu, dịch tiết của bà bầu hoặc lỡ bị các vật nhọn của bệnh nhân đâm vào thịt, người chăm sóc cần ngay lập tức rửa tay bằng xà bông và sát trùng lại bằng cồn. Bên cạnh đó, sau khi xử lý tại nhà, người thân của thai phụ có HIV nên liên lạc với trung tâm y tế chuyên khoa để được hướng dẫn phòng bệnh.
  • Với các loại rác có máu của bệnh nhân như giấy, bông, kim tiêm, băng gạc,... cần cho vào 2 lần túi nilon, buộc lại trước khi bỏ vào thùng rác. Bên cạnh đó, người thân của thai phụ nhiễm HIV nên làm việc với nhân viên vệ sinh để họ phân biệt những loại rác y tế này với rác thường, tránh nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác.
  • Ngoài ra, người chăm sóc thai phụ nhiễm HIV cần giữ cho tâm lý của bệnh nhân luôn ổn định vì những chấn động tâm lý có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của cả mẹ và bé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe