Định lượng canxi trong nước tiểu

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Nước tiểu là một chất lỏng thường vô trùng do thận tiết ra và lưu trữ trong cơ thể tại bàng quang, có giá trị chẩn đoán khá nhiều bệnh lý của cơ thể. Định lượng canxi trong nước tiểu là một ví dụ và đây là một xét nghiệm thường được ứng dụng khi nghi ngờ có những rối loạn trong quá trình chu chuyển canxi của cơ thể.

1. Định lượng canxi niệu là gì?

Xét nghiệm canxi trong nước tiểu thực hiện nhằm mục đích đo lượng canxi được đào thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Xét nghiệm này còn được gọi là xét nghiệm Ca2+ niệu.

Canxi là một trong những khoáng chất thiết yếu nhất và có khối lượng nhiều nhất trong cơ thể. Tất cả các tế bào trong cơ thể đều sử dụng canxi cho các chức năng khác nhau của hoạt động sống. Trong đó, quan trọng nhất là cơ thể sử dụng canxi để xây dựng và sửa chữa cấu trúc của xương và răng, hai cơ quan có cấu tạo chủ yếu từ canxi. Nằm trong số các chức năng ngoài xương của canxi là tham gia vào đông máu, dẫn truyền thần kinh cơ, kích hoạt cơ xương và cơ tim, hoạt hóa men và bảo vệ tính toàn vẹn và tính thấm màng tế bào.

Hầu hết canxi trong cơ thể được lưu trữ trong xương và răng ( chiếm từ 1 đến 2 kg). Lượng canxi còn lại được phân bố giữa các mô khác nhau và trong dịch ngoại bào ở đó nó đóng vai trò sống còn trong nhiều quá trình duy trì sự sống. Canxi là ion kim loại có nhiều nhất trong cơ thể, tuy nhiên chỉ có 0.5% tổng lượng ion này được trao đổi. Khi nồng độ canxi trong máu xuống quá thấp, xương sẽ giải phóng cho đủ canxi để đưa mức độ trong máu trở lại bình thường. Ngược lại, khi nồng độ canxi tăng quá cao, lượng canxi dư thừa sẽ được lưu trữ vào lại trong xương hoặc bị đào thải ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu hoặc đường tiêu hóa.

Nồng độ canxi trong cơ thể phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Lượng canxi lấy từ thực phẩm;
  • Lượng canxi và vitamin D được hấp thụ qua ruột;
  • Nồng độ phosphate trong cơ thể; nồng độ protein máu
  • Nồng độ các hormone có vai trò trong chuyển hóa, như estrogen, calcitonin và hormone tuyến cận giáp.
  • pH máu
  • Sự thải trừ canxi qua thận (99% canxi lọc qua cầu thận sẽ được tái hấp thu ở các ống thận).

Trong máu, canxi được biểu hiện dưới hai dạng chính : dạng có gắn protein (dạng bất hoạt) và dạng không gắn với protein, lưu hành dưới dạng ion hóa – thay đổi nồng độ dạng canxi này trong máu mới gây nên các biến đổi lâm sàng thật sự.

Khuyến cáo về dinh dưỡng trong và sau khi điều trị ung thư
Nồng độ canxi trong cơ thể phụ thuộc vào lượng canxi lấy từ thực phẩm

2. Khi nào cần làm định lượng canxi trong nước tiểu?

Nồng độ canxi trong nước tiểu có liên quan đến sự thải trừ canxi qua thận, và có liên quan với:

  • Lượng canxi ăn vào (với chế độ ăn có lượng canxi < 200mg/ngày, thải trừ canxi qua nước tiểu <200mg/24h; và khi khẩu phần ăn có lượng canxi >1000 mg/ngày, thải trừ canxi qua nước tiểu là 300mg/24h)
  • Chức năng của các ống thận
  • Các loại thuốc có sử dụng (sử dụng thuốc lợi tiểu hoặc truyền muối làm tăng canxi niệu)
  • Nồng độ vitamin D, hormone cận giáp làm tăng hấp thu canxi ở ống thận, hormone calcitonin làm giảm quá trình này.

Khi có những dấu hiệu sau, người bệnh nên được thực hiện xét nghiệm canxi nước tiểu:

  • Đánh giá nồng độ canxi trong nước tiểu cao có dẫn đến sự hình thành và tiến triển của sỏi thận;
  • Đánh giá lượng canxi ăn vào có đủ nhu cầu hay không;
  • Đánh giá khả năng hấp thụ canxi của đường ruột;
  • Phát hiện nguyên nhân hủy xương lấy canxi;
  • Đánh giá chức năng thận trong việc tái hấp thu canxi;
  • Chẩn đoán các bệnh lý trên tuyến cận giáp;
  • Ngoài ra, xét nghiệm canxi niệu cũng như canxi máu cũng giúp chẩn đoán các bệnh lý xương, ung thư, huyết học, bệnh lý tuyến tụy,...

3. Cách thực hiện xét nghiệm canxi trong nước tiểu

Để chuẩn bị cho xét nghiệm canxi niệu, bác sĩ có thể sẽ hướng dẫn bạn ngừng dùng một số loại thuốc có thể tác động đến nồng độ canxi trong nước tiểu lẫn trong máu, làm sai lệch kết quả xét nghiệm. Ngoài ra, bạn cũng có thể được hướng dẫn chế độ ăn kiêng với lượng canxi đưa vào xác định trong vài ngày trước khi tiến hành xét nghiệm. Nếu cần xét nghiệm canxi nước tiểu ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cũng sẽ được hướng dẫn cách thức lấy nước tiểu bằng cách sử dụng các loại túi thu thập nước tiểu chuyên biệt.

Xét nghiệm canxi trong nước tiểu được tiến hành trên một mẫu nước tiểu lấy ra từ tất cả các lần tiểu tiện gom góp trong khoảng thời gian 24 giờ. Do đó, người bệnh cần thu thập toàn bộ nước tiểu từ một mốc thời gian hôm nay đến mốc thời gian đó hôm sau vào một thùng chứa được cung cấp từ trước. Sau đó, bệnh nhân sẽ đóng hộp và giữ lạnh chúng trong thời gian thu thập 24 giờ. Trên hộp cần ghi chú rõ ràng tên tuổi người bệnh cũng như giờ bắt đầu, giờ kết thúc và giao nộp lại cho nhân viên y tế.

4. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm canxi trong nước tiểu

4.1. Kết quả bình thường

Lượng canxi trong nước tiểu của một người ăn chế độ ăn bình thường là 100 đến 300 miligam mỗi ngày (mg/ngày). Nếu chế độ ăn uống có hàm lượng canxi thấp, nồng độ canxi trong nước tiểu cũng sẽ giảm, chỉ còn 50 đến 150 mg/ngày.

4.2. Kết quả bất thường

Nếu nồng độ canxi trong nước tiểu cao bất thường, đó có thể là dấu hiệu của:

  • Bệnh cường tuyến cận giáp: Khi tuyến cận giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến cận giáp, lượng canxi trong xương ồ ạt được giải phóng ra ngoài, người bệnh sẽ có cảm giác mệt mỏi, đau lưng và đau xương kéo dài;
  • Hội chứng kiềm sữa: Hệ quả từ việc uống quá nhiều canxi, thường gặp ở những phụ nữ lớn tuổi dùng canxi để ngăn ngừa loãng xương;
  • Tăng canxi niệu vô căn: Quá nhiều canxi trong nước tiểu mà không có lý do;
  • Sarcoidosis: Một dạng bệnh lý gây viêm kéo dài tại các hạch bạch huyết, phổi, gan, mắt, da hoặc các mô khác;
  • Nhiễm toan ống thận: Nồng độ axit cao trong máu vì thận không thải được các loại axit qua nước tiểu;
  • Nhiễm độc vitamin D: Hấp thu quá nhiều vitamin D vào cơ thể;
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu quai: Loại thuốc này làm tăng tạo nước tiểu và gây khuynh hướng đào thải canxi ra ngoài;
  • Suy thận: Thận mất khả năng tái hấp thu canxi lại vào máu.
  • Ung thư vú
  • Hội chứng Fanconi, hội chứng Cushing, bệnh Page, bệnh Wilson
  • Quá thừa glucocorticoid,
  • Các loại ung thư phổi, ung thư di căn (nhất là di căn xương), bệnh lý đa u tủy xương
  • Loãng xương

Nếu nồng độ canxi trong nước tiểu thấp bất thường, đó có thể là dấu hiệu của:

  • Rối loạn kém hấp thu: Chẳng hạn như người bệnh nôn mửa hoặc tiêu chảy, vì các chất dinh dưỡng trong thực phẩm không được tiêu hóa đúng cách;
  • Thiếu vitamin D: Cơ thể không hấp thu được canxi;
  • Suy tuyến cận giáp: Bệnh lý này khiến cho tuyến cận giáp không sản xuất đủ hormone để giữ nồng độ canxi và photpho ở mức sinh lý;
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu thiazide: Thuốc này làm giảm canxi qua nước tiểu, làm canxi tăng trong máu.
  • Loạn dưỡng xương do thận (renal osteodystrophy) ở bệnh nhân suy thận

Một điều cần lưu ý là xét nghiệm canxi trong nước tiểu không cho biết thông tin về chất lượng, cấu trúc hay sức khỏe của xương. Thay vào đó, để chẩn đoán bệnh lý thuộc xương khớp, cần phải chụp hình X-quang, đo mật độ xương thay vì xét nghiệm nước tiểu.

Những thực phẩm giàu vitamin D
Nồng độ canxi trong nước tiểu thấp bất thường có thể là dấu hiệu của thiếu Vitamin D

Nói tóm lại, xét nghiệm canxi trong nước tiểu là một xét nghiệm cần thiết và hữu ích trong chẩn đoán một số bệnh lý. Cận lâm sàng này đơn giản, dễ thực hiện và chi phí thấp. Tuy nhiên, trước khi chỉ định xét nghiệm, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám kỹ càng, cũng như khi có kết quả, cần biết cách diễn dịch phù hợp để xét nghiệm này mang lại lợi ích cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan